Bú sữa mẹ
Ăn là nhu cầu sinh học chủ yếu của trẻ và về mặt này quan trọng ngang với thở. Nếu nhu cầu cơ bản này không được thoả mãn, trẻ sẽ ốm đau và những trường hợp nặng có thể chết.
Trẻ sơ sinh thường bú sữa mẹ. Cho con bú không phải chỉ để đáp ứng nhu cầu “ăn” của trẻ mà còn có ý nghĩa tâm lý, đáp ứng nhu cầu tâm lý của trẻ sơ sinh. Sữa mẹ, sản phẩm của thiên nhiên, không có gì tương đương cho nên không thể thay thế bằng thứ thức ăn nhân tạo nào dù hoàn hảo nhất. Sữa mẹ có thành phần chất dinh dưỡng hoàn toàn thích hợp với trẻ, không phải chỉ là thức ăn lý tưởng để trẻ lớn mà còn giúp trẻ chống đỡ những nhân tố có hại xâm nhập vào cơ thể trẻ.
Trẻ bú sữa mẹ ít khi bị nhiễm bệnh đường ruột. Gần đây nhiều công trình khoa học so sánh việc cho trẻ bú sữa mẹ với việc tăng tiết chất ateroschlerosa ở người già. Hiện nay chúng tôi chưa đủ chứng cứ khoa học để kết luận, nhưng nhiều dự đoán cho rằng trẻ không được bú sữa mẹ trong những tuần lễ đầu tiên rất có thể gây ra thiếu ateroschlerosa lúc tuổi già.
Trẻ bú sữa mẹ được hưởng những cảm giác dễ chịu: niềm ấm áp trong vòng tay mẹ, thoải mái dựa đầu lên khuỷu tay mẹ, áp mặt vào da thịt mẹ, nhìn khuôn mặt thân yêu của mẹ, bú chất nước ngọt ngào đến khi no mới nhả ra và thiếp ngủ.
Như đã nói ở trên, trẻ không chỉ được no mà còn được thỏa mãn những nhu cầu tâm lý đầu tiên trong cuộc đời. Sự hiện diện của người mẹ được trẻ tiếp nhận bằng xúc giác, thị giác, thính giác trong thời gian đầu tiên trên cuộc đời hầu như lấp kín toàn bộ những giây phút trẻ thức và tạo cho chúng cảm giác sung sướng tràn trề. Chính trong những tháng ngày đầu tiên ấy trẻ bắt đầu phát triển càng an toàn và tự tin, hai phẩm chất sau này sẽ theo chân chúng trong suốt cuộc đời.
Cho con bú cũng lại ảnh hưởng tốt đến mẹ. Chỉ cần thấy rằng những người mẹ cho con bú, tử cung co lại nhanh hơn. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong thời kỳ sau khi sinh nở. Ngoài ra việc cho con bú củng cố thêm vai trò làm mẹ và giúp vào việc thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa người mẹ trẻ với xung quanh.
Tại nhiều nước công nghiệp phát triển, mẹ ít khi cho con bú. Nhiều thành phố lớn số người mẹ cho con bú vô cùng hiếm hoi. Người ta nêu ra rất nhiều “lợi ích” trong việc này nhưng tất cả những “lợi ích” ấy xem chừng không đủ sức thuyết phục. Giống như thời trang và việc theo thời trang không phải với tất cả mọi người và mọi nơi đều là hay. Ở Thụy Điển mẹ cho con bú là hiện tượng phổ biến và họ cho con bú lâu hơn nhiều nơi khác, mặc dù Thụy Điển là quốc gia công nghiệp phát triển rất cao. Tại đây người ta tiến hành cả một cuộc tuyên truyền rộng rãi về y học, nêu lên những cái lợi của việc nuôi trẻ bằng sữa mẹ.
Một lần nữa chúng tôi xin nhắc đến những thí nghiệm của giáo sư G.F. Harlow trên khỉ mẹ, tất nhiên, chưa thể đồng nhất hoàn toàn những kết luận về giống khỉ cho con người, Harlow chứng minh rằng, trong việc khỉ mẹ cho con bú, điều quan trọng nhất chưa phải là mục đích làm no bụng khỉ con. Thí nghiệm của ông như sau. Trong chuồng nhốt khi sơ sinh, ông đặt vào hai khỉ mẹ “nhân tạo”, một “mẹ” bằng dây thép có buộc một bình sữa có vú cao su, một “mẹ” bằng dây thép nhưng không có bình sữa nhưng được phủ ngoài bằng một bộ lông và có núm vú giống hệt như vú khỉ mẹ thật. Ông thấy rất lạ là khỉ con thích đến ngậm cái vú giống như vú khỉ mẹ thật, mặc dù không có sữa, hơn là đến ngậm vào vú cao su để bú sữa. Đàn khỉ con xúm xít xung quanh khỉ “mẹ” bọc da, ngậm vú đã đành, mà còn khoan khoái áp người vào da mềm. Harlow kết luận rằng khỉ con cần đụng chạm vào da thịt mẹ hơn là ăn cho khỏi đói.
Harlow theo dõi tiếp và thấy rằng khỉ con không bú sữa khỉ mẹ mà sống bằng sữa nhân tạo khi lớn lên trông vẻ ngoài không khác khỉ bú sữa khỉ mẹ là bao nhưng về mặt tinh thần thì chúng khác rất xa. Chúng không có được tâm lý an toàn và tự tin như khỉ bú sữa mẹ. Bất cứ thứ gì cũng làm chúng hoảng sợ.
Một bác sĩ khi kê đơn ra viện cho một phụ nữ trẻ mới sinh nở đã viết: “Bà bạn thân mến, bà hãy cho cháu bú sữa của bà cho đến khi nào bà không ra sữa nữa hãy thôi. Hãy ban cho con bà thứ quý giá nhất của bà và đừng thay thế bất cứ thứ sữa công nghiệp nào cho dù nhãn bên ngoài những hộp sữa có ghi những lời lẽ hấp dẫn đến mấy đi nữa. Và cũng đừng tính giờ mà bất cứ lúc nào trẻ đòi bú ấy cho nó bú. Và càng cho con bú nhiều lần bao nhiêu càng tốt”.
Trong lời dặn dò trên, ngoài ý kêu gọi các bà mẹ đừng tước đi của con các quyền được hưởng chất dinh dưỡng quý giá nhất, còn thêm một ý nữa mà chúng tôi muốn bàn kỹ ở đây.
Chúng ta đều biết mỗi chúng ta có huyết áp khác nhau: người huyết áp cao, người huyết áp thấp, mạch cũng vậy, người mạch nhanh người mạch chậm. Hơi thở không phải ai cũng thế. Chu kỳ sinh học cũng mỗi người một khác. Và chúng ta đều luôn lo lắng, không biết con chúng ta có chậm lớn quá không?
Nhưng tất cả chúng ta cũng đều thấy được cái ngày mà quần áo cũ của trẻ trở nên quá chật phải may quần áo khác. Chính vì vậy mà chúng ta cần tìm cách thích ứng với đặc điểm sinh lý của trẻ, mỗi đứa mỗi khác. Mỗi đứa trẻ khi lớn dần đều thiên về một hướng phát triển nào đó thích hợp với riêng nó. Và khi đã hiểu được điều này chúng ta sẽ không bắt trẻ khi lớn lên luôn luôn bị mắc chứng ăn không thấy ngon miệng và chứng rối loạn tiêu hoá.
Một số bà mẹ vội hoảng hốt khi thấy con không chịu bú hết xuất sữa dành cho nó, không chịu ăn món súp bà ngoại đã mất bao công phu nấu, nghiền, không chịu uống thứ nước quả ép toàn bằng những thứ hoa quả quý hiếm. Và điều phi lý chúng ta luôn bắt gặp là có những bà mẹ tỉ mỉ tính toán số calo cho mỗi bữa ăn của họ để giữ “co” trong khi họ lại nhồi nhét cho con đủ thứ súp giầu chất dinh dưỡng và bánh ngọt. Họ sáng mắt lên khi thấy con béo ú, thêm hết ngấn đùi này đến ngấn đùi khác? Họ không nhận ra rằng con họ béo đến mức không cử động được nữa.
Chúng ta nên hiện thực một cách tỉnh táo hơn. Đã qua rồi cái thời mà con cái đẹp là phải núc ních và các bà mẹ ngồi cho con bú hàng mấy tiếng đồng hồ liền, ép trẻ bú cho đến lúc lặc lè mới chịu thôi. Ngày nay hiếm bà mẹ nào còn cho con bú sau khi con đã đầy năm. Ngược lại, nhiều bà mẹ hoàn toàn nuôi con bằng sữa nhân tạo. Cả hai thái cực đều không tốt. hãy cho con bú đến khi trẻ dần dần tiếp xúc với thức ăn thay thế, tự động thôi không muốn bú mẹ nữa. Và hãy ghi nhớ rằng việc cho con bú không phải chỉ để cung cấp thức ăn cho con mà còn là nhằm thõa mãn nhu cầu tâm lý của trẻ.
Nếu trường hợp vì lý do nào đó mẹ không thể cho con bú? Trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ nhưng cũng phải được hưởng những điều kiện gần như được bú sữa mẹ. Làm điều này không khó. Trước tiên bạn hãy châm thủng vài lỗ ở vú cao su cho sữa phun ra giống như phun từ vú bạn. Khi cho con ngậm vú cao su, bạn cũng vẫn ôm con trong lòng tương tự như khi cho con bú sữa mình. Lúc cho con ăn phải gợi cảm giác thân tình, đầm ấm mẹ con và bạn phải thấy được cảm giác thanh thản, yên tĩnh, dễ chịu. Đừng bao giờ vừa cho con ăn vừa đọc sách hay trò chuyện với người khác, nghe đài hoặc xem Ti vi.
Trẻ ăn trong lúc bố mẹ cãi cọ nhau là điều tuyệt đối tránh. Ngay sau này, khi trẻ bắt đầu ăn bằng thìa hay khi đã tự động dùng được dao nĩa, cũng vẫn nên để một bình sữa có vú cao su bên cạnh để khi muốn, trẻ có thể bú sữa trong đó. Cách đập vỡ bình để trẻ bỏ thói quen ngậm vào vú cao su là rất không nên vì ảnh hưởng tai hại đến tâm lý của trẻ sau này.