BIỂN SÂU, MỘT TẤM CHẮN CAO ÁP
Biển cả là kho báu nhưng cũng là một thế giới áp suất cao hiểm ác. Áp suất của biển sâu, phụ thuộc độ sâu của nước. Diện tích bề mặt trung bình của một người khoảng 20.000cm2, khi anh ta lặn xuống nước ở độ sâu 10m sẽ chịu một áp suất 20.000kg. Không trách đã có người nói ''lặn sâu dưới biển còn khó hơn leo núi''. Thế thợ lặn làm thế nào lặn sâu dưới biển? Khi lặn sâu, thợ lặn phải hít thở khí nén, khiến cho áp suất trong người cân bằng áp suất bên ngoài, nhờ đó mà tránh được thảm hoạ do áp suất cao gây ra.
Thế nhưng khi hít thở không khí áp suất cao, không khí áp suất cao sẽ theo máu tuần hoàn và thâm nhập vào các tổ chức tế bào. Nếu thợ lặn đột ngột nổi lên mặt nước, không khí áp suất cao không kịp thoát ra khỏi cơ thể, sẽ tạo nên các bóng khí trong các tế bào sẽ gây tai biến nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong. Vì vậy, với các công nhân làm nghề lặn sâu, khi lặn xuống sâu cũng như khi nổi lên đều phải tiến hành với tốc độ thích hợp để cơ thể có thể thích ứng được sự thay đổi của áp suất nước biển theo độ sâu. Còn khi lặn ở độ sâu lớn, họ phải dùng các thiết bị được chế tạo đặc biệt: các chuông điều hoà khí áp. Cho dù như vậy các thợ lặn cũng chỉ làm việc ở độ sâu tương ứng với áp suất lớn gấp 5, 6 lần áp suất khí quyển. Vượt quá áp suất 6 lần áp suất khí quyển thì không chỉ nitơ có thể gây hại cho người (gây say) mà ngay cả oxy cũng trở nên một chất khí có hại cho cơ thể người. Dùng biện pháp thở khí nén, người ta chỉ có thể lặn đến độ sâu tối đa khoảng trên dưới 50m. Vào năm 1924 các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công một hỗn hợp khí cao áp gồm heli oxy giúp cho các thợ lặn có thể lặn sâu tiến thêm một bước dài vào độ sâu. Hiện nay các thợ lặn có thể lặn được đến độ sâu 501m, nhưng trên thực tế họ thường chỉ lặn sâu đến độ sâu hơn 300m. Trong khi đó vùng biển sâu nhất là 11034m quả còn là cái đích ở xa lắc. Trong bước đường lặn sâu loài người còn phải liên tục tiến hành các nỗ lực gian khổ nhiều hơn nữa.