Tài liệu: Các loại phóng xạ khác nhau được phân biệt như thế nào?

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Những bức xạ đầu tiên có nguồn gốc phóng xạ đã được Henri Becquerel phát hiện ra năm 1896.
Các loại phóng xạ khác nhau được phân biệt như thế nào?

Nội dung

Các loại phóng xạ khác nhau được phân biệt như thế nào?

Những bức xạ đầu tiên có nguồn gốc phóng xạ đã được Henri Becquerel phát hiện ra năm 1896. Ông đã thấy ở đây ''một hiện tượng thuộc loại lân quang vô hình''. Nhưng năm sau Joseph John Thomson ở Cambridge đã cho thấy rằng bức xạ đã được nghiên cứu trên thực tế chỉ gồm có các electron. Sau đó người ta đã phát hiện ra các bức xạ khác, mỗi loại đặc trưng cho một kiểu phóng xạ. Tất cả đều xuất phát từ tính không bền của nhân, do thừa tương đối nơtron, proton hoặc tổng số nuclon. Trong trường hợp thừa nuclon, nhân nguyên tử có thể phân cắt tự nhiên thành hai nhân bé hơn: đó là sự phân chia nhân. Người ta gặp hiện tượng này trong tự nhiên với xác suất thấp ở các nhân nguyên tử nặng nhất (có số nuclon nhiều nhất). Những ví dụ chính là thori 232 và urani 238. Sự phân chia nhân kèm theo giải phóng rất nhiều năng lượng. Nó được lợi dụng trong các nhà máy điện hạt nhân với các nhân urani hoặc plutoni dễ phù hợp với sự phân chia hơn. Muốn trở lại trạng thái bền thì có một khả năng khác là đẩy ra cùng lúc 2 proton và 2 nơtron, nghĩa là của nhân heli 4. Nguyên tố này bền và thường gặp trong tự nhiên.

Trong trường hợp thừa nơtron hoặc proton, nhân có thể phóng ra một trong hai loại hạt này, nhưng hiện tượng này tương đối hiếm. Thông thường hơn là cấu trúc bên trong của nhân được thay đổi đê lấy lại cân bằng: một nơtron được biến đổi thành proton hoặc một proton thành nơtron. Trong trường hợp thứ nhất, sự biến đổi một hạt trung tính thành hạt tích điện dương kèm theo phát ra một electron (tích điện âm) để giữ sự trung hòa về điện, nghĩa là bù đắp chính xác điện tích dương và âm trong nguyên tử. Trong trường hợp sau, đó là một pozitron[1] (tích điện dương). Chính bức xạ electron hoặc pozitron này đã được phát hiện. Trên thực tế có một loại hạt thứ hai được phát ra là nơtrino (với các pozitron) hoặc phản nơtrino (với các electron). Tuy nhiên, bức xạ này rất khó phát hiện, vì nó có khả năng xuyên qua trái đất mà không tương tác với Trái đất.

Tên bức xạ α và β lần lượt chỉ sự phát ra nhân heli và electron hoặc pozitron đã được Ernest Rutherford đặt ra năm 1899, trong mô tả của ông về hiện tượng này: "một loại rất đễ hấp thụ, ta sẽ gọi là bức xạ α cho thuận tiện, còn loại kia có tính chất đâm xuyên hơn, gọi là β". Sau hết, một bức xạ khác gọi là y, có thể được phát ra sau khi phát α hoặc β. Nguồn gốc và bản chất của nó hoàn toàn khác các trường hợp trước: ở đây là một bức xạ điện tử, có bản chất giống như ánh sáng, nhưng các photon giàu năng lượng hơn. Bức xạ này được nhận thấy khi nhân đã được hình thành còn bị kích thích, nghĩa là khi sự phân rã không cho phép tỏa ra toàn bộ năng lượng thừa chứa trong nhân không ổn định. Khi ấy lượng thừa ra được truyền sang các photon γ.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1938-02-633465353164531250/Tinh-phong-xa/Cac-loai-phong-xa-khac-nhau...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận