Newton và Einstein có khi nào ăn ý với nhau?
Thuyết tương đối rộng là thuyết về sức hút bao gồm cả thuyết Newton: khi người ta giải các phương trình của Einstein bằng các phép tính gần đúng liên tiếp, thoạt tiên người ta thấy lại các kết quả của Newton. Theo nghĩa này, ta có thể nói định luật Newton là định luật giới hạn của thuyết tương đối rộng đối với các tương tác có sức hút yếu (chẳng hạn cách xa một lỗ đen[1]) và tốc độ nhỏ so với tốc độ của ánh sáng.
Trong phép tính gần đứng thứ hai, gọi là sau Newton, người ta thu được những số hạng có điều chỉnh tương ứng với các kết quả quan sát được. Hai số hạng trong số này có ý nghĩa lịch sử quan trọng. Số hạng thứ nhất là sự điều chỉnh mà Einstein đóng góp vào tính toán của Newton về sự tiến triển của điểm cận nhật ở Sao Thủy: đúng là 43 giây độ khả nghi (xem mục: "Thuyết Newton hạn chế ở điểm nào?”). Số hạng thứ hai là độ cong của các tia sáng bên cạnh một khối lượng như Mặt trời. Một phép tính dựa vào thuyết Newton, trên thực tế là rời rạc, đã dự đoán biên độ của hiện tượng nhỏ hơn hai lần so với biên độ được Einstein dự đoán. Nhật thực toàn phần năm 1919 đã bênh vực cho thuyết tương đối rộng. Tuy nhiên, ta cần lưu ý rằng các phép đo đã thực hiện năm 1919 là không thuyết phục: dù sát hơn với giá trị do Einstein đưa ra, những sai sót lớn của chúng vẫn không cho phép loại bỏ thuyết Newton. Kể từ đó, những trắc nghiệm khảo sát thuyết Einstein đã tăng lên nhiều, nhưng cho đến nay không có ai coi thuyết tương đối rộng là sai. Còn thuyết Newton vẫn là phạm vi nghiên cứu của phần lớn các hiện tượng thiên văn. Chỉ một số ngành của vật lý thiên văn (ví dụ, vật lý lỗ đen hoặc vũ trụ học) mới dựa vào thuyết tương đối rộng.