Có thể sản xuất thủy tinh mà không cần silic đioxyt không?
Có, vì những oxyt khác tạo ra thủy tinh một cách tự nhiên khi người ta làm nguội chúng thật nhanh từ trạng thái lỏng (một cách làm gọi là tôi). Tuy nhiên, chúng cũng hiếm và thật ra bị giới hạn ở bo (B2O3), gecmani (GeO2) và photpho (P2O5). Ngoài ra, không phải tất cả thủy tinh đều là oxyt. Trong những thập kỷ gần đây người ta đã thấy xuất hiện những loại thủy tinh khoáng khác. Loại thủy tinh khoáng có gốc lưu huỳnh, seleni hoặc telu, thường có màu đen, nhưng vẫn trong suốt với bước sóng hồng ngoại. Chúng được sử dụng để sản xuất kính quang học giúp nhìn được ban đêm. Thủy tinh có flo, được tìm ra năm 1975, rất trong suốt trong ánh sáng nhìn thấy và tia tử ngoại, có thể sử dụng trong viễn thông quang học.
Khả năng thu được thủy tinh tăng lên đáng kể nếu người ta tôi được cực nhanh, khi làm nguội với tốc độ hàng triệu độ mỗi giây! Thủy tinh thu được này có thể mô tả như là một “chất lỏng đông đặc”. Chẳng hạn, người ta đã tạo ra được thủy tinh kim loại bằng cách ''siêu tôi" hợp kim kền-photpho. Đây là sự tò mò trong phòng thí nghiệm khi người ta phát hiện ra chúng năm 1960: tính chất cơ học của chúng được tăng cường vì không có các kẽ hạt[1]. Thủy tinh kim loại có gốc ziriconi, titan hoặc đồng hiện nay có những ứng dụng độc đáo, nhất là cho các câu lạc bộ chơi golf! Cũng không nên quên tầm quan trọng của loại thuỷ tinh hữu cơ đã xâm nhập vào đời sống hàng ngày của chúng ta. Chúng được cấu thành từ các polyme như metyl polumetacrylat (Plexiglas), polycacbonat, polyetylen hoặc polyetylentereptalat (PET).