Sao chổi từ đâu đến?
Một trong những sao chổi lớn nhất chưa từng thấy là Hale-Bopp, có kích thước nhân được ước tính khoảng 45km và khối lượng trên 10.000 tỷ tấn. Nó đã được phát hiện ra ngày 23 tháng 7 năm 1995 ở khoảng cách xa kỷ lục là một tỷ kilomet. Nhưng ''vị khách'' này đến từ xa hơn nhiều. Trên thực tế, từ năm 1950, qua phân tích quỹ đạo nhà thiên văn học Hà Lan Jan Oort đã tính rằng phần lớn các sao chổi bắt nguồn từ một "kho'' khổng lồ, hiện nay có tên là mây Oort – nơi chúng tập trung. Đám mây nây có lẽ có hình cầu, cách Mặt trời 1-2 năm ánh sáng, tức là bằng nửa khoảng cách đến ngôi sao gần nhất! Nếu khoảng 1.000 tỷ sao chổi bị hút tới biên giới của hệ mặt trời, thi có lẽ khối lượng tổng cộng của chúng không vượt quá khối lượng một hành tinh như Sao Thiên vương hoặc Sao Hải vương. Khi một sự rối loạn sức hút rất nhỏ xáo trộn một trong những “hòn tuyết bẩn” này, như vị trí tương đối của Mặt trời và các ngôi sao trong Thiên hà thay đổi chậm, thì nó có thể rời khỏi quỹ đạo và ''rơi'' vào trong hệ mặt trời để tới thăm các hành tinh. Chịu ảnh hưởng của Sao Mộc lớn, một số sao chổi có hình elip đều và nằm trong lòng các hành tinh, như trường hợp của sao chổi Halley. Những sao chổi khác có quỹ đạo gần như hình parabol, chỉ đi vào trong hệ mặt trời rồi lại ra đi tới mây Oort, thậm chí rời khỏi hệ mặt trời vĩnh viễn. Người ta đã phát hiện được một kho sao chổi thứ hai từ hơn mười năm nay, ở gần hơn, cách Mặt trời khoảng 10 tỷ kilomet, vì nó trải ra ở bên kia Sao Hải vương và Sao Diêm vương. Đó là đai Kuiper. Trong mọi trường hợp, quỹ đạo của những sao chổi gần Mặt trời hầu như không thể tính được chính xác trong một thời kỳ dài. Khối lượng của sao chổi nhỏ đến nỗi chúng có thể bị lạc hướng vì sự rối loạn sức hút không đáng kể hoặc cả không phải sức hút: những chùm tia mạnh mà sao chổi phát ra vì bị nóng lên gần Mặt trời nên tác động đến chúng như các động cơ tên lửa thực sự và làm thay đổi các quỹ đạo của chúng một cách thất thường.