CƠ CẤU HOẠT ĐỘNG VÀ TỔ CHỨC
UNESCO có các cơ quanchính sau:
1. Đại hội đồng (ĐHĐ)
ĐHĐ là cơ quan quyền lực cao nhất của UNESCO gồm đại biểu của các nước thành viên. ĐHĐ quyết định đường lối, chính sách, kết nạp thành viên mới, bầu ra Hội đồng chấp hành và Tổng giám đốc, thông qua chương trình và biểu quyết ngân sách. ĐHĐ họp 2 năm/lần, gồm đại diện của tất cả các nước thành viên, các nước quan sát viên, các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ. ĐHĐ UNESCO là một diễn đàn Quốc tế quan trọng trong hệ thống Liên hợp quốc được các nước quan tâm sử dụng để đề cao vai trò và phát huy ảnh hưởng chính trị của mình thông qua các hoạt động về giáo dục, khoa học, văn hoá, thông tin.
2. Hội đồng chấp hành (HĐCH)
HĐCH là cơ quan thay mặt Đại hội đồng trong thời gian giữa hai kỳ họp của Đại hội đồng. HĐCH gồm 58 thành viên được Đại hội đồng trực tiếp bầu ra bằng phiếu kín trên cơ sở danh sách ứng cử viên do các nước thành viên giới thiệu. Nhiệm kỳ của HĐCH là 4 năm. Mỗi năm HĐCH họp thường kỳ 2 lần. Khi cần thiết có thể họp bất thường.
HĐCH có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện chương trình và quản lý ngân sách, giữ quan hệ tham khảo ý kiến với Liên hợp quốc, Toà án quốc tế và các tổ chức Quốc tế khác thuộc Liên hợp quốc; lập chương trình nghị sự và chuẩn bị cho Đại hội đồng; nghiên cứu và dự thảo chương trình và ngân sách do Tổng giám đốc đệ trình và đưa dự thảo này ra Đại hội đồng.
3. Ban thư ký (BTK)
Ban thư ký là cơ quan thực hiện, bảo đảm hoạt động thường xuyên của UNESCO, thi hành nghị quyết của Đại hội đồng và HĐCH, thực hiện các chương trình đã được Đại hội đồng thông qua.
Ban thư ký được tuyển chọn trên cơ sở địa lý rộng rãi. Ban thư ký bao gồm Tổng giám đốc (TGĐ) và các nhân viên do TGĐ lựa chọn. UNESCO hiện có khoảng 2000 nhân viên. Tổng Giám đốc UNESCO là do ĐHĐ bầu ra với nhiệm kỳ 4 năm. TGĐ UNESCO hiện nay là ông Koiichiro Matsura (Nhật Bản). Nhiệm vụ của TGĐ và các nhân viên dưới quyền là làm nhiệm vụ truyền tải và thực hiện những ý tưởng, chương trình hoạt động của UNESCO do ĐHĐ đề ra.
4. Văn phòng khu vực: Ngoài trụ sở chỉnh của UNESCO đóng tại Paris (Pháp), UNESCO còn có 53 văn phòng khu vực và văn phòng Quốc gia ở các châu lục ở Châu Á, có các văn phòng tại Bangkok (phụ trách giáo dục, văn hoá), tại Jakarta (Khoa học) và tại New Dehli (truyền thông). Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam được thành lập 11/1999.
Ngoài ra UNESCO còn có các cơ quan chuyên môn đặc trách các lĩnh vực hay vấn đề cụ thể như: Ủy ban di sản Thế giới, Viện thống kê.
5. Uỷ ban quốc gia UNESCO (UBQG)
UNESCO là tổ chức chuyên môn duy nhất của Liên Hiệp Quốc có hệ thống các Uỷ ban quốc gia do chỉnh phủ các nước thành viên thành lập. Các UBQG giữ vị trí rất quan trọng là cầu nối giữa UNESCO với chính phủ và các xã hội dân sự ở các nước thành viên. Các UBQG có nhiệm vụ tư vấn và truyền tải các ý tưởng, thông tin và thực hiện các chương trình UNESCO phục vụ phát triển tại các nước thành viên và ngược lại truyền tải những kinh nghiệm và đóng góp của nước mình cho sự phát triển và lớn mạnh của UNESCO. ĐHĐ lần thứ 20 năm 1978 thông qua ''Hiến chương các UBQG UNESCO'' nhằm tạo khung pháp lý tăng cường vai trò, chức năng và năng lực hoạt động của các UBQG góp phần thúc đẩy và phát triển mối quan hệ giữa chính phủ các Quốc gia thành viên và UNESCO.
Uỷ ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam:
Thành lập ngày 15/6/1977 là cơ quan liên ngành của chính phủ chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Ngoại giao, thực hiện vai trò đầu mối, điều phối và thúc đẩy việc triển khai các nội dung, chương trình hợp tác với UNESCO phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Tham gia Uỷ ban, ngoài Bộ Ngoại giao còn có các bộ, ngành liên quan đến các lĩnh vực của UNESCO như Bộ Giáo Dục Đào tạo, Bộ Văn hóa thông lin, Bộ Khoa học công nghệ và Thông tấn xã Việt Nam. Hoạt động của Uỷ ban còn có sự tham gia, đóng góp của các đơn vị cơ sở, trung tâm nghiên cứu, các học giả nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực khoa học. Năm 2000, ủy ban được nhà nước tặng huân chương lao động hạng nhất do những thành tích đóng góp xuất sắc cho việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam - UNESCO trong những năm qua.
6. Quan hệ với các tổ chức quốc tế khác
UNESCO và Liên Hợp Quốc thường xuyên tham khảo ý kiến và tham dự những hội nghị của nhau nhưng không có quyền biểu quyết. UNESCO có quan hệ ngang với các tổ chức chuyên môn khác như: FAO, ILO, WHO, WWF, IMF. . .cũng như với các cơ quan trực thuộc của LHQ, chủ yếu là về các vấn đề chính sách và những chương trình hành động phối hợp. Các chương trình ngoài ngân sách của UNESCO chủ yếu do các tổ chức khác của LHQ tài trợ (UNICEF, UNIDO, FAO…) nhưng việc thiết kế và thực hiện chương trình là do các cơ quan chuyên môn của UNESCO đảm nhiệm.
Ngoài ra, UNESCO còn có quan hệ hợp tác với khoảng 350 tổ chức phi chính phủ trên Thế giới, hơn 100 Uỷ ban tư vấn, Uỷ ban Quốc tế và Uỷ ban liên chính phủ và mạng lưới hơn 6000 hiệp hội, câu lạc bộ UNESCO nhằm phát huy và tạo thuận lợi trong việc triển khai các ý tưởng, chương trình hoạt động của UNESCO. Các tổ chức phi chính phủ có vai trò tham vấn, trợ giúp và cung cấp tư liệu cho UNESCO trên những lĩnh vực cần thiết thuộc thẩm quyền của UNESCO. Tuỳ theo tính chất của từng tổ chức, mối quan hệ hợp tác này có nhưng nội dung và hình thức khác nhau.
7. Ngân sách hoạt động
UNESCO không phải là một cơ quan tài trợ quốc tế. Nguồn tại chính hạn chế của UNESCO dùng để triển khai các công trình nghiên cứu có tính chất định hướng đối với các vấn đề phát triển mang tính toàn cầu, kết hợp với việc thực hiện các chương trình thí điểm. Ngân sách của UNESCO được chia làm nguồn Chính:
- Ngân sách thường xuyên: Dựa vào nguồn tài chín đóng góp của các nước thành viên theo tỷ lệ thu nhập quốc dân (khoảng trên 50.0 triệu đô la Mỹ/năm trong đó Nhật Bản đóng nhiều nhất, chiếm 25% ngân sách UNESCO).
- Ngaan sách bổ sung: Dựa chủ yếu vào những đóng góp của các tổ chức Quốc tế khác, các nước tài trợ. Hiện nay khoảng 250 triệu USD.