NGUỒN GỐC VÀ SỰ RA ĐỜI
Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (viết tắt theo tiếng Anh là UNESCO) là một trong những tổ chức chuyên môn lớn nhất của Liên hợp quốc. Sau khi Chiến tranh Thế giới Thứ 2 kết thúc, bên cạnh việc thiết lập một cơ chế toàn cầu đa Quốc gia mang tính chính trị là tổ chức Liên hiệp quốc, việc thiết lập các cơ chế hợp tác Quốc tế mang tính toàn cầu trên các lĩnh vực chuyên môn như giáo dục, văn hoá, khoa học và thông tin truyền thông nhằm góp phần đảm bảo duy trì lâu dài hoà bình và an ninh Quốc tế cũng là một đòi hỏi cấp bách đặt ra đối với hầu hết mọi Quốc gia dù đó là Quốc gia thắng trận hay thua trận.
Trong những năm 1942 và 1943, Bộ trưởng giáo dục Anh cùng với Bộ trưởng giáo dục một số nước đồng minh Châu Âu có Chính phủ lưu vong tại Anh họp nhiều lần ở London để bàn về các vấn đề giáo dục của kiều dân lưu vong và xây dựng lại nền giáo dục và văn hoá của các nước này sau chiến tranh. Dần dần một số nước đồng minh khác tham gia hội nghị và nội dung thảo luận được mở rộng sang các vấn đề giữ gìn hoà bình, thiết lập trật tự quuốc tế mới, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc và hợp tác Quốc tế về trí tuệ. Từ 1944, nhiều ý kiến cá nhân, tổ chức và chính phủ nêu lên việc thành lập một tổ chức quốc tế mới về hợp tác trí tuệ sau chiến tranh, lấy việc giữ gìn hoà bình thông qua trao đổi, hợp tác về giáo dục và văn hoá làm mục đích. Trong các nước phương Tây, Mỹ, Anh và đa số nước trong Hội nghị Bộ trưởng giáo dục các nước đồng minh muốn lập một tổ chức giáo đục và văn hoá của Liên hiệp quốc với thành phần duy nhất là chính phủ các nước. Pháp đã đề nghị một cơ cấu ba thành phần: các chính phủ, các uỷ ban Quốc gia và các tổ chức phi chính phủ, đặt trụ sở tại Paris như Viện quốc tế hợp tác trí tuệ của Hội quốc liên trước đây và sử dụng nhân viên cũ của Viện này làm Ban thư ký.
Sau quá trình thương lượng, bảy tháng sau khi Hội nghị Sanfransico thông qua Hiến chương Liên hợp quốc (4/1945), Hội nghị thành lập Tổ chức quốc tế về giáo dục và văn hóa của Liên hợp quốc được triệu tập và họp từ 1-16/11 -1945 tại London. 44 nước đã cử đại biểu tham dự. Các bên đã thoả hiệp ký kết một bản Công ước quy định Tổ chức này mang tính chất liên chính phủ (chỉ kết nạp thành viên là chính phủ các nước), nội dung hoạt động và tên gọi bao gồm cả Khoa học, trụ sở sẽ đặt tại Paris, các uỷ ban Quốc gia và các tổ chức phi chính phủ sẽ giữ những vai trò quan trọng.
Ngày 4/11/1946, với việc chính phủ Hy Lạp là nước thứ 20 phê chuẩn bản Công ước thành lập UNESCO, văn kiện này bắt đầu có hiệu lực và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO chính thức ra đời. Số thành viên của UNESCO không ngừng mở rộng. Cho tới 10/2004 đã lên đến 191 nước.