CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA TỔ CHỨC LIÊN HỢP QUỐC
VÀ VAI TRÒ CỦA NÓ TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY
Hiến chương Liên hiệp quốc qui định, Liên hợp quốc có 4 nhiệm vụ chính là:
(1) Duy trì hòa bình và an ninh Quốc tế; (2) Thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các Quốc gia trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng về quyền lợi giữa các dân tộc và nguyên tắc dân tộc tự quyết; (3) Thực hiện hợp tác Quốc tế thông qua giải quyết các vấn đề Quốc tế trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo trên cơ sở tôn trọng các quyền con người và quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc màu da, ngôn ngữ và tôn giáo; (4) Xây dựng Liên hợp quốc làm trung tâm điều hòa các nỗ lực Quốc tế và các mục tiêu chung.
Để đảm bảo Liên hợp quốc là một tổ chức Quốc tế thực sự phục vụ mục tiêu chung của cộng đồng Quốc tế. Hiến chương Liên hợp quốc quy định các nguyên tắc hoạt động của Tổ chức Liên hợp quốc, các nguyên tắc chủ đạo gồm: (1) Bình đẳng về chủ quyền Quốc gia; (2) Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị Quốc gia; (3) Cấm đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ Quốc tế; (4) Không can thiệp vào công việc nội bộ các nước; (5) Tôn trọng các nghĩa vụ Quốc tế và luật pháp Quốc tế; (6) Giải quyết các tranh chấp Quốc tế bằng biện pháp hòa bình.
Các mục tiêu và nguyên tắc hoạt động trên của Liên hợp quốc mang tính bao quát, phản ánh mối quan tâm toàn diện của các Quốc gia. Các quan tâm ưu tiên này thay đổi tùy theo sự chuyển biến cán cân lực lượng chính trị bên trong tổ chức này. Thời gian đầu khi mới ra đời, cùng với sự tăng vọt về số lượng thành viên, Liên hợp quốc tập trung vào các vấn đề phi thực dân hóa, quyền tự quyết dân tộc và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apacthai.Trong thời kỳ gần đây Liên hợp quốc ngày càng quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề kinh lễ và phát triển. Hoạt động của Liên hợp quốc trong gần 60 năm qua cho thấy trọng tâm chính của Liên hợp quốc là duy trì hòa bình an ninh Quốc tế và giúp đỡ sự nghiệp phát triển của các Quốc gia thành viên.
Đặc điểm bao trùm của Liên hợp quốc là tổ chức này không phải là một Nhà nước siêu quốc gia. Liên hợp quốc là tổ chức đa phương toàn cầu đầu tiên có những hoạt động thực chất và đã có nhiều cố gắng trong việc phối hợp và điều tiết các mối quan hệ giữa các Quốc gia độc lập có chủ quyền trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền bình đẳng của các Quốc gia. LHQ đã có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng nên hệ thống luật Quốc tế điều hòa quan hệ giữa các Quốc gia và xây dựng chuẩn mực Quốc tế trên cơ sở tôn trọng chủ quyền của các Quốc gia thành viên. Tất cả các Quốc gia tham gia Liên hợp quốc theo nguyên tắc bình đẳng chủ quyền. Nguyên tắc này được phả ánh triệt để nhất trong cơ chế tham gia bỏ phiếu các Quyết định và Nghị quyết tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (các Quốc gia lớn nhỏ đều có một phiếu).
Một đặc điểm nổi bật khác của Liên hợp quốc là tổ chức này phản ánh sự dàn xếp và cân bằng quyền lực giữa các cường quốc thắng trận. Thực tế này được thể hiện trong cơ chế hoạt động của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - cơ quan chấp hành có thực quyền nhất của Liên hợp quốc và đảm nhiệm trách nhiệm hàng đầu của Liên hợp quốc là duy trì hòa bình và an ninh Quốc tế. Chỉ các quyết định của HĐBA mới có tính cưỡng chế thực hiện. Các nghị quyết tại các cơ quan chính khác của Liên hợp quốc như Đại hội đồng, Hội đồng Kinh tế xã hội, Hội đồng Quản thác và cả Tòa án Quốc tế chỉ có tính khuyến nghị, đạo lý và tạo sức ép dư luận. Để đảm bảo lợi ích và thu hút sự tham gia của các cường quốc, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là cơ quan duy nhất dành cho 5 cường quốc quyền phủ quyết (veto) khi thông qua các Nghị quyết, Quyết định của Hội đồng. Quyền hạn của Hội đồng Bảo an tập trung vào hai lĩnh vực hoạt động chính là giải quyết hòa bình các tranh chấp Quốc tế và tiến hành các biện pháp cưỡng chế.
Tổ chức Liên hợp quốc ra đời thực sự có ý nghĩa to lớn trong đời sống chính trị Quốc tế trong gần 60 năm qua. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự xuất hiện của các hoạt động ngoại giao đa phương hiện đại, một bước ngoặt quyết định trong lịch sử phát triển của nền ngoại giao đa phương nói chung.