GIỚI THIỆU CÁC TỔ CHỨC CỦA LIÊN HỢP QUỐC
Liên hợp quốc có trụ sở tại Mahattan, New York (Hoa Kỳ)
Liên hợp quốc gồm 6 cơ quan chính là: Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an, Hội đồng Kinh tế- Xã hội, Hội đồng Quản thác, Tòa án Quốc tế và Ban Thư Ký. Hệ thống Liên hợp quốc còn bao gồm các tổ chức chuyên môn.
1. Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐLHQ)
Đại hội đồng là cơ quan đại diện rộng rãi nhất của Liên hợp quốc. Từ 51 thành viên ban đầu (những nước có đại diện dự Hội nghị tại San Fransco) hoặc đã ký tuyên ngôn của Liên hợp quốc ngày 1-1-1942, và những nước đã ký và phê chuẩn Hiến chương Liên hợp quốc, số thành viên Liên hợp quốc cho đến năm 2005 là 191. Khác với Hội đồng Bảo an, các thành viên Đại hội đồng đều là các thành viên bình đẳng, không phân biệt Quốc gia lớn hay nhỏ, mỗi Quốc gia thành viên đều được 1 phiếu bầu.
ĐHĐLHQ có các chức năng quyền hạn sau:
1. Xem xét và kiến nghị về các nguyên tắc hợp tác trong việc duy trì hòa bình và an ninh Quốc tế, kể cả những nguyên tắc liên quan đến giải trừ quân bị và các quy định về quân bị.
2. Bàn bạc về các vấn đề liên quan tới hòa bình và an ninh Quốc tế, trừ trường hợp tình hình hoặc tranh chấp hiện đang được thảo luận tại Hội đồng Bảo an và đưa ra các khuyến nghị về các vấn đề đó.
3. Bàn bạc và khuyến nghị về các vấn đề theo quy định của Hiến chương có tác động đến chức năng, quyền hạn của các cơ quan thuộc Liên hợp quốc.
4. Nghiên cứu và khuyến nghị để thúc đẩy hợp tác chính trị Quốc tế, phát triển và pháp điển hóa luật pháp Quốc tế; thực hiện các quyền con người và các quyền tự do cơ bản cho mọi người, và hợp tác Quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục và y tế.
5. Khuyến nghị các giải pháp hòa bình cho mọi tình huống có thể làm phương hại quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc.
6. Nhận và xem xét các báo cáo của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các cơ quan khác thuộc Liên hợp quốc.
7. Xem xét, thông qua ngân sách Liên hợp quốc và phân bổ đóng góp của các nước thành viên.
8. Bầu các thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các thành viên Hội đồng Kinh tế - Xã hội, các thành viên được bầu vào Hội đồng Quản thác, cùng Hội đồng Bảo an bầu các thẩm phán Tòa án Quốc tế và bầu Tổng thư ký Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 5 năm) theo khuyết nghị của Hội đồng Bảo an.
2. Hội đồng bảo an LHQ
Hội đồng Bảo an gồm 15 nước thành viên, trong đó có 5 nước ủy viên thường trực là: Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và 10 thành viên không thường trực do ĐHĐLHQ bầu ra với nhiệm kỳ hai năm trên cơ sở phân chia công bằng về mặt địa lý và có tính tới sự đóng góp của những nước này cho tôn chỉ và mục đích của LHQ và không được bầu lại nhiệm kỳ kế ngay sau khi mãn nhiệm.
10 nước thành viên không thường trực được bầu theo sự phân bổ khu vực địa lý như sau: 5 nước thuộc Châu Phi và Châu Á; 1 nước thuộc Đông Âu; 2 nước thuộc vùng Mỹ La tinh và Caribê; 2 nước thuộc Tây Âu và các nước khác.
Hội đồng Bảo an được thành lập nhằm duy trì hòa bình và an ninh Quốc tế. Trong khi thực thi chức năng này, Hội đồng Bảo an được coi là hành động với tư cách thay mặt cho tất cả các thành viên Liên hợp quốc. Trong khi các cơ quan khác của Liên hợp quốc chỉ có thể đưa ra các quyết định mang tính khuyến nghị đối với các Chính phủ của các Quốc gia thành viên Liên hợp quốc, các Quyết định và Nghị quyết của Hội đồng Bảo an, theo Chương VII hiến chương, khi đã được thông qua đều mang tính chất ràng buộc và tất cả các thành viên của Liên hợp quốc đều có trách nhiệm phải tôn trọng và thi hành.
Theo Hiến chương, Hội đồng Bảo an có thể tiến hành điều tra bất cứ một tranh chấp nào hoặc bất cứ một tình thế nào có thể dẫn tới những xung đột Quốc tế hoặc đe dọa hòa bình và an ninh Quốc tế và có thể đưa ra những khuyến nghị về các phương thức cũng như nội dung cụ thể để giải quyết những xung đột đó. Những xung đột và những tình huống có khả năng đe dọa hòa bình và an ninh Quốc tế có thể do các nước thành viên Liên hợp quốc, Đại hội đồng hoặc Tổng thư ký Liên hợp quốc nêu ra trước Hội đồng Bảo an. Một nước không phải là thành viên Liên hợp quốc cũng có thể đưa cuộc tranh chấp, trong đó bản thân nước đó là một bên tham gia tranh chấp ra trước Hội đồng Bảo an để cơ quan này xem xét giải quyết, với điều kiện là nước đó phải thừa nhận trước là sẽ tuân thủ trách nhiệm giải quyết hòa bình cuộc tranh chấp theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc.
3. Hội đồng Kinh tế - xã hội liên hợp quốc (HĐKTXH)
Số thành viên ban đầu của HĐKTXH là 18. Từ tháng 8-1965 tăng lên 27 và từ tháng 10-1973 cho đến nay là 54 nước thành viên LHQ do ĐHĐ bầu. Hàng năm ĐHĐLHQ phải bầu lại 18 nước thành viên HĐKTXH với nhiệm kỳ 3 năm, thông thường bắt đầu từ 1-1 đến 31-12 HĐKTXH là cơ quan soạn thảo và điều phối các chính sách thúc đẩy hợp tác Quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và nhân quyền của LHQ.
4. Hội đồng quản thác
Hội đồng Quản thác gồm những thành viên sau đây của Liên hợp quốc: Những thành viên được quyền quản lý những vùng lãnh thổ quản thác; Những thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an; Một số thành viên do Đại hội đồng bầu ra trong thời hạn 3 năm để đảm bảo đủ số lượng thành viên của Hội đồng.
Hội đồng Quản thác có trách nhiệm: xem xét những báo cáo của nhà đương cục được giao quản lý lãnh thổ quản thác; Cử người đến quan sát định kỳ từng lãnh thổ do nhà đương cục nói trên quản lý theo thời hạn được thỏa thuận với nhà đương cục ấy.
Với việc kết thúc Hiệp định Quản thác cho vùng lãnh thổ quản thác của các hòn đảo thuộc Thái Bình Dương theo nghị quyết 956(1994) và việc Palau trở thành thành viên 185 của Liên hợp quốc, Hội đồng Quản thác đã hoàn thành nhiệm vụ được Hiến chương Liên hợp quốc giao phó đối với lãnh thổ cuối cùng trong 1 lãnh thổ quản thác nằm trong Hệ thống quản thác. Năm 2005, trong Báo cáo về cải tổ Liên hợp quốc, Tổng thư ký đã đề xuất chấm đứt hoạt động của Hội đồng Quản thác.
5.Tòa án quốc tế
Tòa án Quốc tế gồm 15 thẩm phán, là công dân của các Quốc gia thành viên Liên hợp quốc do Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an cùng bầu ra.
Chức năng chính của Tòa án Quốc tế là giải quyết hòa bình các tranh chấp Quốc tế, vụ kiện do các Quốc gia đưa lên phù hợp với luật pháp Quốc tế. Mục tiêu của Tòa án là áp dụng các tập quán Quốc tế để thiết lập các quy tắc được các Quốc gia liên quan chính thức công nhận; các thông lệ Quốc tế được chấp nhận như luật; các nguyên tắc chung của luật pháp được các Quốc gia công nhận; các phán quyết của tòa án…
Tòa án cũng khuyến nghị Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an về lĩnh vực luật pháp, các vấn đề luật pháp nổi lên trong phạm vi hoạt động của các cơ quan này, khuyến nghị các cơ quan khác của Liên hợp quốc, các cơ quan chuyên môn với sự ủy quyền của Đại hội đồng.
6. Ban thư ký Liên hợp quốc
Trụ sở chính của Ban thư ký đặt tại New York (Mỹ), ngoài ra có hai văn phòng đặt tại Giơnevơ và Viên.
Ban thư ký gồm có một Tổng thư ký và một số nhân viên tùy theo nhu cầu của tổ chức. Tổng thư ký do Đại hội đồng bổ nhiệm, theo kiến nghị của Hội đồng Bảo an. Tổng thư ký là viên chức cao cấp nhất của Tổ chức Liên hợp quốc.