Tài liệu: Campuchia - Một số thông tin về dịch vụ du lịch ở Campuchia

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Dịch vụ giao thông đóng vai trò tiền đề, ảnh hưởng tới hiệu quả, chiến lược của toàn bộ của ngành du lịch của Campuchia.
Campuchia - Một số thông tin về dịch vụ du lịch ở Campuchia

Nội dung

Một số thông tin về dịch vụ du lịch ở Campuchia

Về giao thông

Dịch vụ giao thông đóng vai trò tiền đề, ảnh hưởng tới hiệu quả, chiến lược của toàn bộ của ngành du lịch của Campuchia.

Campuchiachủ yếu vận chuyển, đi lại bằng đường bộ và đường sông, tuyến giao thông chính tập trung ở khu vực đồng bằng trung bộ, và lưu vực hồ Tonle Sáp. Hệ thống giao thông ở vùng núi Bắc bộ và Nam bộ rất bất tiện, heo hút hẻo lánh, chưa được mở mang khai thác và phát triển. Trong một vài năm gần đây, hệ thống giao thông vận tải ở Campuchia đã được cải thiện rõ rệt: các thiết bị bay, bến cảng, máy bay, tàu biển, ôtô... số lượng tăng lên, chất lượng phục vụ cũng tốt hơn những năm của giai đoạn trước.

Đường hàng không: Sân bay ở thủ đô Phnôm Pênh đã được cải tạo, đầu tư phát triển, mở rộng các khu đón tiếp khách quốc tế mang tính hiện đại và đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tại Xiêm Riệp trước kia chưa cho phép các hãng hàng không quốc tế hạ cánh vào ban đêm, đến nay đã cải tạo và đầu tư hoàn chỉnh, mở rộng đường băng và hoàn thiện hơn để đón khách quốc tế và nội địa bay đến vào cả ngày lẫn đêm. Tại sân bay Sihanuk Ville đến nay đã cho phép máy bay ATR 72 hoạt động và cung đang đầu tư tu bổ đường băng dài 1.300 mét, rộng 33 mét, và đang xây dựng các bãi đỗ taxi, đỗ máy bay có diện tích 2.400 m2. Thành phố Koh Kong cũng đang lập dự án khai thác các sân bay giữa Campuchia và Thái Lan.

Hiện nay ở Campuchia có ba công ty máy bay lớn của Thái Lan là Bangkok Airway, Thai International và S.K Air, và của Campuchia là công ty Hàng không dân dụng Campuchia Airline. Hàng ngày giữa các thành phố đều có các chuyến bay qua lại, giá vé máy bay rất phải chăng. Từ Phnôm Pênh bay đến Ăngkor ở Siêm Riệp, mỗi ngày có mấy chuyến bay khứ hồi, giá vé cho một lần bay là 45 USD.

Thượng Hải, Quảng Châu đều có chuyến bay thẳng đến tận Phnôm Pênh. Ở một số nước khác như Hồng Kông, Hồ Chí Minh, Singapore, Kuala Lumpur, Viên Chăn... đều có những chuyến bay đến Phnôm Pênh và Siêm Riệp.

Ở Campuchia hiện nay có 7 sân bay đang hoạt động, đó là Sân bay quốc tế Pôchentông ở Phnôm Pênh, sân bay Xiêm Riệp, Battambang, Stungtrang, Kompongsom, Kampốt và Rattanakiri. Sân bay Pôchentông có 2 đường bay 3.000 m, có thể cho hạ cánh các loại máy bay Boing 707 hoặc Ponglas, DC-8. Chính phủ Campuchia đang thực hiện dự án đầu tư mở rộng sân bay Pôchentông thành sân bay có tầm cỡ quốc tế, còn các sân bay còn lại đang hoạt động nhưng cũng cần phải sửa chữa và nâng cấp lên nhiều.

Campuchia đã tiến hành nâng cấp sân bay Pôchentông ở Phnôm Pênh đạt các tiêu chuẩn quốc tế qua việc kí kết một hợp đồng trị giá 120 triệu USD với liên doanh giữa công ty Dumez GMT (của Pháp) với công ty Muhibhah Ingneering Bhd (của Malaysia). Sân bay này sẽ được nâng cấp đường băng cũ kết hợp với việc xây dựng một đường băng mới, các hệ thống đèn hiệu và chỉ huy không lực. Đến năm 2005, sân bay đã đủ sức đón nhận 3 triệu du khách đến thăm quan đất nước Campuchia.

Campuchia cũng  lên kế hoạch xây dựng một sân bay quốc tế nữa ở tỉnh Xiêm Riệp (TBC) cửa ngõ vào khu di tích Ăngkor Vát và các đền chùa khác.

Hãng hàng không quốc tế Campuchia, một liên doanh với Thái Lan là hãng hàng không thứ ba vận hành trên tuyến đường Bangkok- Phnôm Pênh với trên 17 chuyến bay hàng tuần.

Tháng 5 năm 1992 Fuldaa Corp, một công ty thương mại của Thái Lan đã đầu tư 6 triệu USD để thành lập hãng hàng không quốc tế Campuchia. Ngoài ra, Fuldaa Corp còn chi 20 triệu USD để nâng cấp phi trường Phnôm Pênh và 100 triệu USD nâng cấp 2 xí nghiệp dệt tơ tằm tạo điều kiện cho ngành thủ công nghiệp của Campuchia phát triển.

Không lực Malaysia đã đồng ý quản trị các phi trường Campuchia theo đề nghị của Liên Hiệp Quốc. Không quân Malaysia sẽ tham gia việc không vận và huấn luyện người Campudlia, tiếp tế nhiên liệu cho máy bay và điều hành sân bay.

Hàng hàng không Campuchia Airlines đã đảm nhận các chuyến bay từ Pnôm Pênh đến Xihanúcvin và dự định bố trí mạng lưới bay quốc tế từ Campuchia đến Singapore, Hồng Kông và Kuala Lămpua.

Ngoài việc đầu tư xây dựng và nâng cấp sân bay, Campuchia cũng mở rộng quan hệ với những hãng hàng không của nhiều nước trên thế giới và đã mở thêm được nhiều chuyến bay mới. Đến nay, tại Phnôm Pênh đã có 12 hãng hàng không quốc tế bay đến sân bay quốc tế Pochentong, gồm có: Bangkok Airways (14 chuyến/tuần); Silk Air (8 chuyến/tuần); Dragon Air (4 chuyến/tuần); Thai Airways International; Malaysia Airlines; Eva Air; Vietnam Airlines; Southem China Airlines, Lao Aviation, Sang Hai Airlines... Tại Xiêm Riệt có 5 hãng hàng không quốc tế đến sân bay là: Bangkok Airways, Vietnam Airlines, Lao Aviation, Xiêm Riệt Airways Intemational…. Hiện tại Campuchia có 3 hãng hàng không nội địa là Presiden Airlines, Royal Phnôm Pênh Airways và Xiêm Riệt Airways.

Ôtô công cộng: Ở Campuchia chủ yếu sử dụng loại xe ôtô 10 chỗ ngồi. Đó là loại xe du lịch (mycro bus của Nhật) dành cho nhóm khách gồm khoảng 10 người chạy tuyến đường dài đi khắp các tỉnh và chạy trong nội thành, và có khi còn chạy qua cả cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) theo Quốc lộ 1 của Campuchia. Ngoài ra còn có loại ôtô 30 chỗ ngồi trở lên, ôtô sang Việt Nam thường qua nhiều cửa khẩu của các tỉnh giáp biên giới với nhau như các tỉnh miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ, chủ yếu là những chuyến giữa các tỉnh liên kết với nhau.

Về chuyến đi biên giới Thái Lan thường đi theo quốc lộ số 5 từ Phnôm Pênh tới Sirôphôn (tỉnh Battambang) đi biên giới Thái Lan. Ngoài ra còn tuyến Xiêm Riệt tới biên giới Thái Lan, chuyến từ Phemarak Phuninh Ville của Kokông sang đất Thái Lan.

Đến Campuchia bạn nên chú ý tránh đi tham quan du lịch trên đường vào các buổi tối và tốt nhất là dùng xe tắc-xi, đi xe tắc-xi rẻ và khá an toàn.

Tàu thuyền: chủ yếu là các tuyến: Phnôm Pênh - Xiêm Riệt, Phnôm Pênh - KanDat và Phnôm Pênh - Kampong Cham. Cảng sông chính gồm Phnôm Pênh, Tonle Sáp... khi đi thuyền tham quan du lịch, có thể nói đây là cách lựa chọn hay nhất. Đi thuyền tới Phnôm Pênh và Xiêm Riệt là cách lựa chọn an toàn nhất phù hợp nhất, giá cả lại rất phải chăng. Hệ thống đường thủy của Campuchia là trên các sông Mêkong và các chi nhánh sông Tonle Sáp, sông Basắc và các chi nhánh. Tổng chiều dài có thể đi lại của hệ thống này là 1.750 km, trong đó có 580 km tàu bè có thể đi lại quanh năm. Trên thực tế phục vụ cho du lịch chủ yếu nhất là đường thủy từ Phnôm Pênh đến Xiêm Riệp. Các chuyến vận chuyển bằng đường thủy từ Phnôm Pênh chủ yếu đi trên sông Mêkông, còn khi đi Xiêm Riệp thì chủ yếu trên sông Tonle Sáp. Đây là phương tiện giao thông truyền thống của Campuchia, đặc biệt là trong mùa mưa khi đường bộ bị ngập nước hoặc không sử dụng được hoàn toàn.

Đường sắt: Campuchia có hai tuyến đường sắt: tuyến đường sắt Phnôm Pênh - Pobei, có thể qua Bangkok; tuyến đường sắt Phnôm Pênh - thành phố Sihanouke (tức Kompong Sam) đây là tuyến giao thông huyết mạch quan trọng của Campuchia, nhưng do hệ thống đường sắt của Campuchia đã nhiều năm không được tu sửa, do đó mà khả năng chuyên chở rất thấp và bị hạn chế rất nhiều.

Các tuyến xe lửa của Campuchia chủ yếu sử dụng để chuyên chở hàng hóa và khách nội địa rất ít khi sử dụng cho khách du lịch nước ngoài.

Về mạng lưới thông tin liên lạc

Hệ thống thông tin liên lạc của Campuchia có nhiều bước tiến nhảy vọt tạo nên những thuận lợi cho kinh doanh du lịch. Campuchia đã hòa nhập được với mạng lưới thông tin liên lạc quốc tế. Tất cả các tỉnh và các thành phố ở Campuchia đều đã có thể liên lạc được với nhau bằng hệ thống điện thoại, fax, internet và có thể liên lạc với nhiều nước trên thế giới.

Đến nay tại các nơi danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử đã có trang bị hệ thống điện thoại cố định và điện thoại di động... tạo ra một mạng lưới thông tin liên lạc kết nối các đơn vị quản lí và kinh doanh dịch vụ du lịch với nhau. Hệ thống máy tính đã được đưa vào phục vụ cho hầu hết các dịch vụ: quản lí, thành toán, vui chơi, giải trí, học tập và hội nghị, hội thảo lớn của du khách.

Nơi ăn ở

Ở thủ đô Phnôm Pênh và một số thành phố khác như Siêm Riệp, Battambang hiện nay đã hệ thống khách sạn có chất lượng khá tốt, nhiều khách sạn có tới trên 200 phòng. Đến năm 2003, tại Campuchia đã có 292 khách sạn với tổng số phòng đạt tiêu chuẩn quốc tế lên tới 13.169 phòng; có 551 nhà nghỉ với tổng số phòng là 6.538 phòng; có 624 nhà hàng phục vụ tốt các nhu cầu của du khách khi thưởng thức các món ăn Á-Âu. Các khách sạn của Campuchia cũng chỉ tập trung ở thủ đô Phnôm Pênh, thành phố Siêm Riệp và Sihanuk Ville. Trong đó, số lượng khách sạn được xếp hạng quốc tế còn khá hạn chế, trong đó có một số khách sạn tiêu biểu như: Le Royal, Cambodiana (do người Pháp làm chủ), Floating Hotel và khách sạn 4 sao Delux.

Khách sạn của Campuchia thường được phân làm hai loại: một loại là khách sạn nhà hàng, giá ở nơi này thường từ 15 đến 80 USD; loại thứ hai là nơi chiêu đãi, có phòng đơn, phòng đôi và có cả những phòng lớn chứa được nhiều người.

 

Về giá cả

Có hai loại giá:

Thứ nhất: Giá cả vào tham quan thì rất khiêm tốn đối với khách nước ngoài, còn đối với khách nội địa thì không thu tiền ngay cả vào tham quan Ăngkor Vát và Ăngkor Thom, với mục đích khuyến khích người dân Campuchia cũng như các du khách quốc tế đến Campuchia du lịch và có quyền thừa hưởng những tài nguyên đó.

Thứ hai: Giá vé vận chuyển hiện nay được chính phủ Campuchia cho tự do cạnh tranh nhằm khuyến khích giảm giá để thu hút khách du lịch, đặc biệt là Ăngkor Tourism trước đây độc quyền, nhưng nay đã mở rộng cho các công ty tư nhân và các tỉnh bạn liên kết đưa đón khách đi Ăngkor. Hiện nay nhìn chung giá vé máy bay vẫn còn cao (trong khi đó giá đi tàu thuỷ lại rẻ hơn nhiều). Chính vì vậy, giao thông đường thuỷ vẫn là phương tiện giao thông chính, nhất là với các du khách nội địa khi đi từ thành phố này sang thành phố khác.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2950-02-633558851527968750/Mot-so-tour-du-lich-dat-nuoc-cua-nhung-ng...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận