FRANK LLOYD WRIGHT (1869-1959)
CON NGƯỜI VÀ SỰ NGHIỆP
Vào một ngày tháng tư năm 1959, cách đây ba mươi nhăm năm, trên con đường làng quê đi ngang qua một cánh đồng trải rộng ở Phoenix, mấy con ngựa kéo một chiếc xe màu đen, trên đủ để vừa một chiếc quan tài, phía trước là vị linh mục, phía sau là một vài người thân, tất cả đều mặc đồ đen đang tiến ra nghĩa địa. Xa xa phía sau là những lùm cây um tùm phủ trên những ngọn đồi của Taliesin... Đó là đám tang của Frank Lloyd Wright, một trong những cây đại thụ lớn nhất của nền kiến trúc hiện đại thế kỷ XX, người đã để lại một di sản kiến trúc, di sản văn hóa lớn khó tưởng tượng nổi. Hình ảnh đám tang của một danh nhân văn hóa thế giới mà lại được tổ chức đơn giản như vậy làm tôi ngạc nhiên. Đó có thể là một việc làm theo nguyện vọng của Wright, còn hiện nay người ta đã đặt tại chỗ ở của ông - Oan Park - một bức tượng bán thân. Bao nhiêu danh nhân kiến trúc thế kỷ này đã ra đi; sau Wright là Le Corbusier, Walter Gropius, Mies Van Der Rohe.
Tiếp đến là những bậc thầy khác kém tuổi hơn chút ít nhưng sự nghiệp cũng hết sức đồ sộ là Alvar Aalto, Pier Luigi Nervi, James Stirling. Và những người khổng lồ khác như Oscar Nieneyer và Kenzo Tange đang tiếp tục đóng góp cho cây đời kiến trúc thế giới thêm mãi xanh tươi. Rồi, còn biết bao nhiêu sự nghiệp kiến trúc lớn khác của nhiều thế hệ thuộc các tài năng trẻ hơn đang đưa nền kiến trúc đến bờ bên kia của thế kỷ XXI. Đó là các nhân vật tiêu biểu có thể kể ra là: Shiko Kurokawa, Normann Foster, Richards Roger và Richards Meyer.
Frank Lloyd Wright ra đời ở Richland Center, bang Wisconsin nước Mỹ vào năm 1869. Cũng như nhiều kiến trúc sư thế hệ thứ nhất đã đi vào huyền thoại, ông bỏ dở bằng kỹ sư, và đi làm một họa viên vẽ thuê cho những kiến trúc sư có uy tín bấy giờ ở Chicago (mà chủ yếu là Adler và Sullivan). Rồi ông đã trở thành một trong những kiến trúc sư lớn nhất, một danh nhân văn hóa chân chính của thế kỷ.
Người ta gọi Wright và đánh giá ông bằng nhiều cách dùng ngôn từ khác nhau:
- ''Bậc tiền phong lớn này... có thể đã là người Mỹ thực sự cuối cùng'' (Peter Blake).
- ''Người đã viết một trong những chương quan trọng nhất của lịch sử kiến trúc hiện đại và tác phẩm của ông đã thuộc về di sản của nhân loại'' (Alexandre Persik).
- ''Một tấm gương đặc biệt mạnh mẽ và sống động của sự chống lại chủ nghĩa công thức'' (Henry Hitkock).
Ông đã để lại hơn 600 tác phẩm, xây dựng trên 1000 đồ án, 12 quyển sách đã xuất bản cùng với vô số bài diễn văn, luận chiến... 90 tuổi đời và 70 năm tuổi nghề, năm tháng cuộc đời đầy xông pha của Wright thì hữu hạn mà sức sống của tác phẩm của ông thì vô hạn.
Wright đã là người cách tân nền kiến trúc của thế kỷ XX sớm nhất. Cho đến bây giờ, đã có nhiều tác phẩm nghiên cứu về Wright một cách toàn diện. Chẳng hạn cuốn Wright của Daniel Treiber, về đời tư của Wright có cuốn Cuộc nổi loạn trong nghệ thuật kiến trúc. Cuộc đời của Frank Lloyd Wright do Aylesa Forsee viết, là cuốn sách có thể nói là đầy đủ nhất.
Người ta nói: Wright đã có cống hiến lớn về nghệ thuật không gian, Le Corbusier có cống hiến lớn về hình thức; Walter Gropius vì một phương pháp sáng tác và sư phạm mới, còn Rohe thì có đóng góp lớn về cầu trúc…
Cũng có người nhấn mạnh Wright có những điểm trội về quan niệm sáng tác, kiến trúc hữu cơ, đồ thị phân tán và bồi dưỡng thanh niêm kiến trúc sư; còn Le Corbusier lại nổi bật về nghiên cứu bản chất kiến trúc, nguyên tắc thẩm mỹ mới, đóng góp về phong cách hóa, giải quyết mối liên hệ tương tác đô thị nhà ở.
Thật khó mà nói rõ rệt như vậy, vì người kiến trúc sư nào mục đích cuối cùng cũng là làm nghệ thuật, tổ chức không gian tối ưu.
Vậy thì tựu trung lại, cũng vẫn tập trung ở hai điểm lớn về thực tiễn và lý thuyết.
Nhưng để có được hai yếu tố đó, Wright đã có một nền giáo dục gia đình và sự tự giáo dục rất căn bản, có một cá tính mạnh mẽ áp đảo thực tế cuộc sống, không muốn vâng lời của người nghệ sĩ.
Ngay từ thời thơ ấu, bà mẹ của Kiến trúc sư nổi tiếng tương lai đã tạo cho cậu con trai cơ hội tiếp xúc với trò chơi xây lắp theo phương pháp của nhà giáo dục học người Đức Froebel. Hơn ai hết, từ nhỏ Wright đã hiểu biết được mối liên hệ bền chặt hữu cơ giữa kiến trúc và thiên nhiên với giới sinh vật.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà mọi người luôn luôn gọi ông là “ngài Wright”, trong khi đối với Le Corbusier lại gọi thân tình là ''Corbu'', Mies Van der Rohe chỉ gọi là “Mies” còn với Burminster Fuller cũng chỉ gọi tắt là ''Burky''.
Cuộc sống nơi thôn dã đầy vất vả đã giúp cậu bé Frank tự tôi luyện mình trong những đợt về nghỉ hè. Nhưng những bất hạnh trong cuộc đời cũng luôn săn đuổi cậu. Cuộc chia tay giữa bố và mẹ Wright sau mười bảy năm chung sống, tình cảm éo le của nữ chủ nhân một ngôi nhà nhỏ nổi tiếng trong lịch sử kiến trúc do chính tay Wright thiết kế lại hằn sâu vào bước tiến của cuộc đời ông; nhưng cuối cùng Wright cũng đã bật dậy được. Trận cháy thiêu trụi trang trại Taliesin I của Wright và cái chết của những người thân cũng vào dịp này, đúng vào dịp Wright sắp khánh thành công trình Mitways Gardeny nổi tiếng, tất cả những bi kịch ấy khiến Wright không sáng tác được trong gần hai năm trời.
Điều khó khăn nhưng cũng rất quan trọng là, trong hơn 600 tác phẩm đã xây dựng và hơn 1000 đồ án thiết kế của Wright, ta rút ra được những tác phẩm gọi là tác phẩm then chốt, quan trọng nhất.
Đóng góp đầu tiên của Wright trong lịch sử của cuộc đời ông là một loạt các ngôi nhà thuộc loại hình Nhà ở kiểu thảo nguyên.
Đó là một loại nhà xây dựng thích hợp với cảnh quan thảo nguyên mênh mông ở miền Đông Bắc nước Mỹ. Nó có dạng hình chữ thập, chữ T, chữ L. Có không gian lưu chảy tự do, điểm giữa là “hạt nhân sử dụng” chính, nó nhấn mạnh phân vị ngang bờ mái vươn rộng ra thiên nhiên.
Nổi tiếng bậc nhất trong số các ngôi nhà ở, kiểu thảo nguyên là hai công trình:
- Izabel Robert House (IIIiois 1908) và Robie House (Chicago 1909).
Tòa nhà Robert House hợp lý về mặt công năng, định hướng một cách thuận tiện chức năng sử dụng, sức biểu hiện phong phú với mặt đứng mở, chiếu sáng nhiều mặt, tòa nhà ăn lan và cắm rẻ chắc trên mặt đất.
Từ những năm 1890-1910 (giai đoạn một trong cuộc đời sáng tác của Wright), do làm nhiều công trình và đã thành công, Wright đã có một ví trí nổi bật trong nền kiến trúc hiện đại, đặc biệt ảnh hưởng của ông ở Châu Âu rất lớn.
Lúc đầu, giới kiến trúc Mỹ đối với Wright tỏ ra rất bất công; trong khi đó một Giáo sư Đức sang giảng bài ở Đại học đường Harvard (Havớt) đã phải nói rằng ''Phải đến 50 năm nữa, nước Mỹ mới hiểu hết ngài''.
Giai đoạn hai của cuộc đời sáng tác của Wright (1910-1935), các tác phẩm quan trọng nhất của ông là khách sạn Hoàng Gia ở Tokyo và tòa nhà Millard House ở California.
Khách sạn Hoàng Gia là một hình tượng kiến trúc siêu việt, thành công ở chỗ đột xuất được khối chính, gắn bó với thiên nhiên và có trang trí, chi tiết, mô típ phù hợp với đời sống Nhật Bản. Ngoài ra, công trình còn thành công ở mặt chịu lực, chống lại được những trận động đất mạnh nhất.
Với tòa nhà Millard House, Wright đã tìm về với phong cách địa phương của người Mexico Cổ, hình khối đơn giản thuần khiết và vẫn hoa lệ, đẹp đẽ soi mình xuống mặt nước như một quần thể hết sức toàn vẹn. Có lần tòa nhà này bị một trận mưa lụt, bùn chảy lấp hết tầng một mà hệ kết cấu vẫn hết sức bền vững.
Thời kỳ sáng tác thứ III của Wright (1936-1959) là một thời kỳ nở rộ, rực rỡ nhất của cuộc đời ông.
Tác phẩm đầu tiên danh bất hư truyền của thời kỳ này là Biệt thự Kofmann - Tòa nhà trên thác - ở Bearun. Thành công của tòa nhà là ở chỗ các hiên lớn đã vượt thác, đan chéo nhau một cách hết sức táo bạo trên mặt nước, thu được âm thanh cả tiếng suối reo, tiếng lá rừng, và tiếng gió xào xạc vào trong nội thất.
Kiến trúc chính là thơ, là nhạc - kiến trúc sư chính là nhà thơ, nhà soạn nhạc là như vậy.
Tiếp đó là các kiểu nhà Uzonian của ông, một kiểu nhà ở tiết kiệm mà vẫn bảo đảm bố trí tự do tối đa.
So với thời kỳ thứ hai, thu và ẩn mình kín, ít sáng tác, do những bất hạnh ông phải chịu đựng và do sa sút về khủng hoảng kinh tế; thời gian này ông nỗ lực truyền bá lý thuyết kiến trúc hữu cơ của mình, và rất năng động trong việc đào tạo thanh niên Kiến trúc sư.
Thành công lớn thứ ba của Wright trong thời kỳ này là Nhà làm việc và nhà thí nghiệm Johnson Wax Co. ở Racine.
Nhà làm việc của Hãng Johnson (1936-1939) là một kiệt tác về tổ chức không gian, tuy cả tòa nhà được tổ chức theo kiểu thông tầng truyền thống; nhưng hệ thống cột kiểu hoa muống và mái kính đã tạo cho nội thất một không khí thi hứng, nguyên thủy khiến cho người hoạt động ở trong đó giống như cá bơi lượn dưới thủy cung. Hệ thống kết cấu của nhà làm việc đồng thời cũng là thành phần trang trí của kiến trúc.
Không khí lãng mạn, trữ tình trong kiến trúc mà Wright theo đuổi được tiếp tục thể hiện trong nhà ở ký túc xá, trường học mùa đông của Wright và cộng đồng học sinh của ông ở Taliesin - Tây. Việc gắn bó với thiên nhiên của kiến trúc và việc sử dụng các chất liệu xây dựng khác nhau đã bộc lộ một cách mạnh mẽ. Ở đây, vật liệu và cấu trúc đã làm cho quần thể - như một số nhà phê bình nhận xét - là đã gây ra “Một ấn tượng không gì so sánh nổi”.
Cá tính trong sáng tác của Wright tiếp tục được khẳng định và ghi dấu ấn trong lịch sử kiến trúc thế giới bằng hai tác phẩm vào cuối cuộc đời lao động kiên trì "với một cá tính độc lập một tính cách dữ dội" của ông là Nhà Tháp Price (1955) và Bảo tàng Gughenheim (1957-1959).
Nếu Nhà Tháp Price, có mặt bằng hình vuông được cắt chéo ra bốn phần với ba phần để làm việc và một phần để ở; nó đã thành công ở các mặt tổ chức công năng, tạo hình, màu sắc và trang trí thì Bảo tàng Gughenheim - được gọi là một trong những sáng tạo lớn nhất của kiến trúc ở thế kỷ XX. Nó là một mẫu mực quan trọng về kiểu tổ chức không gian trưng bày hình xoắn ốc hạ thấp xuống dần và một dáng vẻ tạo hình thuần khiết hình côn đơn giản rất giàu sức biểu hiện.
Nếu những ngôn từ để giới thiệu và đánh giá bậc tiền bối này phải mấy chục năm sau khi ông qua đời mới có, thì ngày càng nhất trí và chính xác hơn. Gia tài văn hóa và di sản của Wright để lại không chỉ ẩn chứa trong những gì mà ông đã xây dựng, nó còn thể hiện một giá trị lớn ở các đồ án, những tác phẩm chưa xây.
Chỉ xin kể ra một đồ án dù chưa thực hiện nhưng rất nổi tiếng của ông là Trung tâm và công viên văn hóa Badhar Irak. Nó được thiết kế hai năm trước khi ông mất. Giống như ''con chim sắp mất thì lời hót hay”, giống như đồ án Bệnh viện Venise của Le Corbusier để lại trước khi qua đời cũng thế, đây cũng là lời trăng trối đầy ý nghĩa của Wright. Nó thể hiện cái tinh túy kết tinh ở mức độ cao tư duy sâu lắng, cái bút pháp siêu việt của ông. Những đường xoáy ốc quen thuộc của Wright ở đây lại gắn bó với hình ảnh Tháp Babylone cổ kính của vùng Lưỡng Hà thuộc mấy thiên niên kỷ trước, tâm điểm quần thể là nhà hát Opéra hình tròn như một vương miện Á Đông, trên đỉnh đặt pho tượng Aladin bằng vàng với cây đèn Thần, trên những bức tường của tòa nhà trang trí những điêu khắc bằng kim loại miêu tả những sự tích truyền kỳ của Một nghìn một đêm lẻ.
Hơn 70 năm đã qua, kể từ ngày Louis Sullivan đánh giá cao tài nghệ sử dụng cây bút chì của Wright, càng về cuối đời những đồ án đang xây và không xây của ông lại càng lớn lao hơn. Cách sống năng động của Wright thật mâu thuẫn với cái triết lý sống ''di dưỡng'' tuổi già, sức sáng tạo đầy nhựa sống đã làm cho Wright trẻ mãi.
Wright còn rất đáng trân trọng ở hệ thống lý thuyết kiến trúc mà ông đã để tại trong sách báo với quan điểm kiến trúc hữu cơ của ông. Nguyên tắc cơ bản của kiến trúc hữu cơ xoay quanh mối liên hệ giữa công trình kiến trúc và thiên nhiên, sự gắn bó và hướng về tự nhiên là vấn đề lớn lao của kiến trúc. Kiến trúc - theo ông - phải mô phỏng thiên nhiên, đề cao tính tự nhiên, tính nguyên thủy, tính trữ trình, tính địa phương và sự đa dạng hóa không cùng. Wright đã từng nói: ''Thánh Kinh của tôi là thiên nhiên''.
Hữu cơ ở Wright là sự cấu thành vật chất của giới tự nhiên và sinh vật trong giới tự nhiên. Còn kiến trúc hữu cơ là sáng tạo kiến trúc dựa trên quan điểm hữu cơ của giới tự nhiên là xét đến sự phụ thuộc của thành phần vào tổng thể và ngược lại của tổng thể vào thành phần (cục bộ trong tổng thể và tổng thể trong cục bộ).
Wright đã từng nói ở London: ''Kiến trúc hữu cơ không phải là kết quả của một số hình thức nhận thức được trước''. Không gian của Wright, như vậy, đã biến hóa không ngừng, nhưng cũng vẫn dựa trên những hình thức hình học bản thể, đơn giản tuyệt đối và không điều chỉnh được. Wright tuyên bố: “Hình vuông, hình tròn, hình tam giác chỉ có giá trị đối với tôi còn tôi để những cái khác cho các anh…”
Một trong nhiều tác phẩm quan trọng Wright dùng những hình hình tròn thuần túy của mình là ngôi nhà ông thiết kế cho David Lloyd Wright (Arizona). Đây là một biểu tượng tốt và nổi tiếng. Đường dốc trượt hình tròn, mặt bằng tổng thể nhà hình tròn, cầu thang, phòng chung cột nhà, lò sưởi đều hình tròn. Sức biểu hiện và khả năng khái quát của những cung tròn ở đây đã đạt đến mức tối đa.
Khi có làn sóng chống lại phương án xây dựng Nhà tưởng niệm ở Venise của Wright, Hemingway đã nói đùa: ''Hãy để cho Wright xây đã, rồi sau các anh sẽ phá đi!”.
Wright còn có một hệ thống lý luận về thiên nhiên và về công năng kiến trúc.
Wright quan niệm thiên nhiên ''không phải chỉ là những gì bao quanh chúng ta, chỉ là mây, cây cối, mưa, gió, đất và cuộc sống sinh vật mà phải còn có một thiên nhiên vật chất và tình cảm, một công cụ của con người gắn với nội tâm, một thiên nhiên của con người bên trong thiên nhiên lớn''.
Wright đã phát triển thêm câu châm ngôn mà Louis Sullivan đã tổng kết ''Hình thức theo đuổi công năng'' bằng một ngôn từ mới: “Hình thức và công năng hợp nhất”, ''hình thức vượt quá công năng''.
Wright coi trọng cảnh quan đến mức đặt mặt đất, phong cảnh và khí hậu trên bình diện đầu tiên, vì vậy ta thấy các bản đồ án cũng như những công trình đã xây của ông được vẽ, được chụp từ dưới lên, từ trên xuống đều rất đẹp. Ông cũng đề xướng nguyên tắc thiết kế “từ trong ra ngoài” và ''bố cục khai phóng", đề xướng “Chân lý trong sử dụng vật liệu xây dựng”. Chỉ có Wright từ lúc còn trẻ, lúc đến thăm Acropole ở Athènes mới dám phê phán Parthénon là “thiết kế ngoài nước trong sau”. Lý thuyết kiến trúc của ông nhấn mạnh chất thơ, nhấn mạnh ''chủ nghĩa lãng mạn là một thực tiễn mới”, “chất thơ của hình thức cũng cần thiết cho kiến trúc như là lá của táo, hoa của cây, da thịt của cơ thể''. Điều đáng chú ý là ông coi nhẹ tiêu chuẩn hóa lại dùng kết cấu lắp ghép trong một số trường hợp.
Wright cũng nhấn mạnh: ''Không gian sẽ tiếp tục trở thành một nguồn nước vô hình từ đó xuất phát tất cả các nhịp điệu hướng về một nơi siêu thời gian và vĩnh cửu. Kích thước thứ ba, theo ông, không phải là “bề dày” mà là “chiều sâu”. Ông đã trao cho không gian một linh hồn mới như Lão Tử đã nói: “Hiện thực của một ngôi nhà không bao gồm ở trong tường và mái mà ở không gian tồn chứa trong nó, không gian dành cho sự sống trong đó''.
Dù bằng những cách khác nhau, cũng như những bậc thầy khác, Wright còn quan tâm đến tương lai của kiến trúc, thế hệ các nhà kiến trúc sư trẻ, và suốt đời đã phấn đấu cho một nền kiến trúc nhân đạo trong một khung cảnh xã hội đầy những nghịch lý.
Chính Wright là người đã nói rằng, kiến trúc sống lâu một nền kiến trúc ''hiểu'' và phản ánh đời sống của xã hội.
Cũng như Le Corbusier, Walter Gropius và những người khổng lồ khác, tác phẩm và lý luận của Wright sẽ mãi mãi tồn tại và tỏa sáng. Nó chứng tỏ, ông từ lâu đã vượt ra khỏi khuôn khổ của một ngành nghệ thuật để trở thành một danh nhân văn hóa: Hai năm gần đây, ở Mỹ đã dấy lên một trào lưu tôn tạo kiến trúc của Wright, từ Bảo tàng Gughenheim đến Biệt thự trên thác và cả việc xây dựng lại Cối xay gió ở Taliesin.