NHÀ TRE CỦA NGƯỜI THÁI
Nhà của người Thái là một kiểu nhà sàn ở Vân Nam, vùng Xixapana, nơi người dân tộc Thái sống tập trung.
Người Thái thường ở vùng bằng phẳng, nơi không có tuyết, lượng mưa hàng năm lớn, nhiệt độ bình quân 210C, không chia làm bốn mùa, nên ở đây dựng nhà sàn để ở là thích hợp. Nơi này cũng là vùng trồng nhiều loại cây họ trúc như tre, nứa, vầu, luồng… nhiều nhà làm bằng các loại cây này nên gọi là nhà tre. Loại to, chắc dùng làm cột, làm xà loại vừa, dẻo đan thành liếp làm tường; sàn nhà hoặc là lát bằng tre hoặc lát bằng gỗ ván, mái lợp cỏ gianh. Loại nhà tre này vật liệu dễ kiếm dễ làm, tốc độ thi công nhanh. Mặt bằng nhà tre thường là hình bốn cạnh, tầng dưới để trống không có tường dùng để nuôi súc vật và để các công cụ hoặc đồ dùng hàng ngày; trên gác có phòng ăn, phòng ngủ. Phòng ăn rộng có đặt bếp nấu ăn, sao chè và là nơi gia đình quây quần hàng ngày. Ngoài có hành lang và sân phơi, hành lang phía trước nơi chủ nhà làm việc ban ngày, ăn cơm nghỉ ngơi và tiếp khách, vừa sáng sủa, vừa mát mẻ. Sân phơi là nơi để các thùng chứa nước làm cơm, nơi giặt giũ phơi phóng quần áo, lương thực và vật dụng hàng ngày. Hành lang và sân phơi là những phần không thể thiếu được trong ngôi nhà của người Thái.
Người Thái đa số theo đạo Phật, có nhiều điều mê tín, cấm kỵ. Làng nào cũng có chùa thờ Phật. Trước chùa không được làm nhà ở. Nhà sàn tầng trên không được cao hơn bề mặt đặt tượng Phật ở chùa. Về cách thức làm nhà cũng có nhiều quy định như dân thường không được làm nhà ngói, không được trang trí, chạm trổ, hành lang không được làm ba gian, cửa nhà ăn không được lắp sáu cánh, cầu thang cũng không được đóng hai hàng; cột tầng trên, tầng dưới không được làm bằng cây gỗ dài thông từ dưới lên trên và không được dùng đá đỡ chân cột... Những cấm đoán đó đã làm ảnh hưởng xấu đến việc xây dựng nhà cửa của dân thường cả về nghệ thuật lẫn tuổi thọ của ngôi nhà.