Tài liệu: Thanh Y Viên hay Di Hòa Viên

Tài liệu
Thanh Y Viên hay Di Hòa Viên

Nội dung

THANH Y VIÊN  HAY DI HÒA VIÊN

 

Năm 1750, để chúc thọ Hoàng Thái hậu – nhân dịp bà thọ 60 tuổi và để sửa sang lại hệ thống sông ngòi ở phía Tây Bắc kinh thành Bắc Kinh, Vua Càn Long cho cải tạo lại Di Hòa Viên. Những công trình được xây dựng và cải tạo có Hồ Côn Minh, có đền Đại Báo Ân Điện thọ, núi Vạn Thọ Sơn. Công viên được hoàn thành vào năm 1764, rộng hơn 5000 mẫu, mặt nước chiếm 3/4 diện tích toàn công viên.

Công viên mới cải tạo mang tên Thanh Y Viên gồm 3 khu:

- Khu cung đình ở về phía Tây núi Vạn Thọ Sơn. Ở đó có Điện Nhân Thọ, nơi Hoàng đế nghe tấu, sớ công việc triều chính. Còn Ngọc Lan Đường, nơi nhà Vua nghỉ ngơi. Ngoài ra, còn những kiến trúc khác nhằm phục vụ nhà Vua trong sinh hoạt đời thường như Nghi Vân Quán, Lạc Thọ Đường. Kiểu cách xây dựng ở đây cũng theo kiểu tiền Triều hậu Tẩm như ở Tử Cấm Thành; Nhân Thọ Điện ở phía trước, Tẩm Cung ở phía sau.

- Khu Tiền Sơn, Tiền Hồ là khu chủ yếu nhất của Thanh Y Viên: Vạn Thọ Sơn sau khi được cải tạo ở vào địa thế đẹp, mặt trông về hướng Nam, trước mặt là hồ, giữa sườn núi có một quần thể kiến trúc của đền Đại Báo ân Điện thọ. Đền có cửa lớn, điện lớn, Phật tháp, trong đó kiến trúc cao nhất là Tháp Ngọc 9 tầng nhưng do nền móng không bảo đảm, tháp bị nghiêng, sau sửa thành lầu, các để đặt tượng Phật gọi là Phật Hương Các. Tới phía Nam dưới chân núi Vạn Thọ Sơn, dọc theo bờ Hồ Côn Minh có dựng một hành lang dài 728 mét từ Đông sang Tây. Trên các cột, xà và dưới mái hành lang đều trang trí bằng những bức họa với nhiều nội dung và đề tài khác nhau. Ở ba hồ có ba hòn đảo tượng trưng cho ba quả núi tiên ở Đông Hải. Bờ hồ phía Tây có đường Tô Đông Pha. Nó phỏng theo Đường Tô Đông Pha ở Hàng Châu với 6 cây cầu đẹp. Từ trên Núi Vạn Thọ Sơn nhìn xuống mặt nước trong xanh của Hồ Côn Minh, du khách thấy xa xa là cánh đồng rộng bao la đưa tầm mắt người xem đến tận chân trời.

- Khu sau núi và hồ phía Bắc Vạn Thọ Sơn sát với tường bao là địa thế chật hẹp không có cảnh trí nhưng có con sông đào, dẫn nước từ Hồ Côn Minh, chảy vào 7 vòng tới phía Tây Vạn Thọ Sơn, hai bên trồng cây xanh tốt. Con sông đào uốn khúc giữa núi và ở đoạn giữa có dãy phố được phỏng theo kiểu Phố Thủy Nhai của Tô Châu. Từ xa nhìn lại, du khách có cảm giác như dẫy phố được dựng trên mặt nước lẩn dưới những lùm cây; sông chỗ rộng chỗ hẹp, tạo một cảm giác phố như có chỗ tỏ chỗ mờ, hư hư thực thực. Có đoạn tưởng như sơn cùng thủy tận, có nơi lại phồn hoa đô hội san sát hàng quán. Rồi cảnh đẹp của vườn hoa ở Vô Tích cũng được dựng ở đây.

Năm 1860, liên quân Anh, Pháp đánh chiếm Bắc Kinh, chiếm lĩnh Hải Điện, đốt phá các công viên, cướp đi những báu vật, Thanh Y Viên gần như bị phá trụi. Đến năm Quang Tự thứ XIV (1866), Từ Hy Thái Hậu dùng ngân sách đóng tàu của hải quân để xây dựng lại những khu chủ yếu của Thanh Y Viên và đổi tên thành Di Hòa Viên. Năm 1900, liên quân tám nước tiến vào Trung Quốc, chúng đóng quân ở Di Hòa Viên hơn một năm cướp đi không còn một vật gì. Năm 1902, Từ Hy Thái Hậu trở về Bắc Kinh đã dùng một khoản tiền ngân sách lớn khôi phục lại Di Hòa Viên. Năm 1904, lễ mừng thọ của bà được tổ chức tại đây thật linh đình và tiêu phí khá lớn nhiều tiền bạc.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1053-02-633387553039531250/Kien-truc-lam-vien/Thanh-Y-Vien-hay-Di-Ho...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận