Tài liệu: Kiến trúc kỷ niệm những danh nhân lịch sử

Tài liệu
Kiến trúc kỷ niệm những danh nhân lịch sử

Nội dung

KIẾN TRÚC KỶ NIỆM NHỮNG DANH NHÂN LỊCH SỬ

 

Trung Quốc là nước có lịch sử lâu đời, mỗi thời đại có rất nhiều danh nhân.

Tại Huyện Khúc Phụ tỉnh Sơn Đông, quê hương Khổng Tử, có dựng miếu thờ Khổng Tử[1] là một quần thể kiến trúc vào loại lớn nhất trong những kiến trúc mang tính kỷ niệm đó. Toàn khu miếu từ Nam đến Bắc dài 650 mét gồm hai phần. Phía trước có 3 nhà bia với 5 cửa hợp thành tiền đại chiếm quá nửa chiều dài của miếu, hai bên là những hàng cây xanh tốt tạo nên một khung cảnh rất trang nghiêm. Phần chính ở phía sau gồm 4 ngôi điện, trong đó, chủ yếu nhất là Điện Đại Thành rộng 9 gian, mái dựng theo kiểu Yết sơn. Tất cả có 66 cây cột bằng đá chạm hoa văn hình con rồng. Trong điện lớn, có đặt tượng Khổng Tử. Điện xây trên nền đá hai tầng, trước điện có Nguyệt Đài là nơi cử hành nghi lễ cúng lễ. Nhiều vị Hoàng đế đích thân đến đây tế Khổng Tử để tỏ lòng tôn trọng Nho học.

Ngoài miếu thờ Khổng Tử ở Khúc Phụ ra, tại các thành phố lớn đều dựng miếu thờ Khổng Tử gọi là Khổng miếu hay Văn miếu.

Để tỏ lòng tôn trọng Nho học, Võ Tắc Thiên đời Đường đã ra lệnh cho các Châu đều phải xây dựng Khổng miếu. Thời Tống, Phạm Trọng Yêm về nhậm chức Tri phủ ở Tô Châu, ông cho dựng trường học và Văn miếu cùng một nơi. Trường học, nơi dạy học; Văn miếu để tế Khổng Tử. Việc làm đó được triều đình khen ngợi và cho mở rộng ra cả nước. Từ đó, thành lệ hễ xây trường thì lập miếu, nên cả nước, các Phủ, Huyện đều dựng Văn miếu.

Thời Tam Quốc, có các nhân vật Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi, sau đó, Lưu Bị đi mời Gia Cát Lượng làm quân sư, lập nên giang sơn nhà Thục, một thời đã được nhiều người  biết đến qua bộ tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa. Lòng trung nghĩa khí tiết của họ đã được người đời mến phục, lập đền, miếu thờ các vị nói trên. Đền thờ Vũ Hầu ở Thành Đô Tứ Xuyên và Vũ miếu ở Tư Trung, Tứ Xuyên, về danh nghĩa thờ Gia Cát Lượng và Quan Vũ nhưng cả hai ngôi đền, miếu đó đều thờ cả Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi và Khổng Minh - Gia Cát Lượng. Cũng có những miếu thờ một vị như miếu thờ Trương Phi ở Huyện Vân Dương, Tứ Xuyên; miếu thờ Quan Đế (tức Quan Vũ) ở huyện Hải Tỉnh Sơn Tây là những miếu thờ quy mô tương đối lớn. Quan Vũ nổi tiếng là con người trung nghĩa, võ nghệ cao cường đã trở thành một Vũ tướng tiêu biểu trong lịch sử nên miếu thờ Quan Vũ gọi là Võ miếu ở nhiều Phủ, Huyện của Trung Quốc, Võ miếu và Văn miếu đều song song tồn tại.

Nhạc Phi, danh tướng đời Tống, anh dũng chống nhà Kim, lập được những chiến công hiển hách; sau vì gian thần Tần Cối hãm hại, đã phải chết trong ngục tối. Lâm Tắc Từ, một chính trị gia cuối đời nhà Thanh, không sợ giặc ngoại bang đã cho đốt thuốc phiện ở Quảng Đông (thời kỳ chiến tranh nha phiến) và chống quân Anh xâm lược. Sự tích của hai vị anh hùng dân tộc đó đã có ảnh hưởng sâu rộng trong chúng dân, nên ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Triết Giang đã lập miếu thờ Nhạc Phi, gọi là Nhạc Vương Miếu, và ở Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến có đền thờ Lâm Tắc Từ. Tại Nhạc Vương Miếu, người ta có đặt một tượng đá nhỏ cạnh đường đi ra vào cổng miếu, màu đá sạm đen bởi thời gian, dãi dầu mưa nắng và luôn phải hứng chịu trên mình những bãi nước bọt của khách tham quan. Đó là tượng Tần Cối, một tên gian thần nhà Tống, đầu hàng và làm tay sai cho nhà Kim, thông mưu với giặc sát hại Nhạc Phi. Một ngôi miếu thờ đồ sộ với pho tượng lớn uy nghi của Nhạc Phi luôn luôn có khói hương nghi ngút thờ phụng bốn mùa.

Bao Chửng cũng là nhân vật có ảnh hưởng lớn trong quần chúng. Ông làm quan tại triều đình Bắc Tống, đi thị sát thấy dân tình khốn khổ, ông đã thẳng tay nghiêm trị bọn tham quan, ô lại, lũ cường hào, ác bá; thi hành luật pháp nghiêm minh, điển hình một ông quan thanh liêm, chí công vô tư. Tại Hợp Phi, tỉnh An Huy, quê hương ông, người ta dựng đền thờ ông gọi là Đền Bao Công.

Lý Băng, đời Tần Chiêu Vương (thế kỷ IV Tr.CN) làm Thái thú ở Tứ Xuyên, chủ trì xây dựng một công trình thủy lợi nổi tiếng là Đập Đô Giang, mang lại hạnh phúc cho bao đời sau. Để nhớ công đức của cha con ông, người ta dựng một ngôi miếu để thờ hai ông gọi là Miếu Nhị Vương. Người ta còn dựng thảo đường thờ Đỗ Phủ, nhà thơ lớn đời Đường, cũng như lập đền thờ ba cha, con nhà văn Tô Tuần đời Tống.

Những đền, miếu này thường được xây dựng ở quê hương hoặc nơi danh nhân sống và làm việc, hoặc có cái do sửa sang lại từ ngôi nhà họ ở thành đền miếu; việc xây cất đền, miếu rất linh hoạt. Núi Long Sơn huyện Tương Phàn tỉnh Hồ Bắc là nơi ẩn cư của Gia Cát Lượng hồi còn trẻ. Nơi đó đã được giữ gìn và tu sửa trở thành Cổ Long Trung ngày nay.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/181-02-633387546546875000/Kien-truc-ky-niem-nhung-Danh-Nhan-lich-su/...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận