NGHỆ THUẬT KIẾN TRÚC PHẬT GIÁO
Cách xây dựng đền chùa Phật giáo
Lối kiến trúc Phật giáo là làm sao có thể đặt được tượng phật để lên đồ tới cúng lễ. Ngoài ra còn là nơi để các tăng ni sử dụng làm nơi tu hành.
Tương truyền đời Hán, lúc Phật giáo được truyền vào Trung Quốc, các cao tăng Ấn Độ đến Lạc Dương đầu tiên ở lại chùa Hồng Lư. Chùa Hồng Lư trước kia là nơi đón tiếp khách nước ngoài, sau này mới xây dựng thành ngôi Chùa làm nơi ăn ở, thờ Phật; nơi đây có con Bạch Mã vận chuyển Kinh Phật tới nên đổi tên là Chùa Bạch Mã. Chùa Bạch Mã có kiến trúc Phật giáo sớm nhất ở Trung Quốc; về sau này, chùa trở thành tên gọi của kiến trúc Phật giáo. Thời kỳ Phật giáo mới truyền bá vào Trung Quốc, chưa có chùa xây riêng cho Phật giáo, nên nhiều quan chức và nhà giàu hiến nhà ở của mình làm nơi thờ Phật. Nhà phía trước dùng làm điện Phật có đặt tượng Phật, nhà phía sau dùng làm Kinh đường là nơi giảng giải Kinh Phật. Theo đà phát triển của Phật giáo, chùa chiền ngày một mở rộng, trục chính của nhà chùa có cổng lớn, có điện thờ Thiên Vương và điện thờ Phật, có hội trường giảng Đạo và lầu tụng Kinh. Căn cứ vào đền chùa có bao nhiêu vị Bồ tát để có thể xây dựng điện Di Lặc. Hai bên và xung quanh những điện chủ yếu đó là nhà ở, nhà tiếp khách (Bái đường), nhà kho, nhà bếp... Ở nhiều chùa, trước Điện Thiên Vương còn có gác chuông, gác trống ở hai bên sân. Những ngôi chùa đến nay còn hoàn chỉnh là Chùa Long Hương ở Chính Định thuộc tỉnh Hà Bắc, Chùa A Đục Vương ở Ninh Ba thuộc tỉnh Triết Giang đều xây dựng theo kiểu như vậy.
Song ở Trung Quốc không phải chùa nào cũng xây dựng theo kiểu trục đối xứng hoàn chỉnh như vậy ở Tây Tạng, trong chùa, ngoài điện thờ Phật, ở hậu cung giảng Kinh, còn có linh điện là nơi gìn giữ, bảo quản thi thể Phật sống hoặc có nơi để tín đồ tụng Kinh và nơi Phật sống làm việc như nhà ở của Lạt Ma... khiến số lượng kiến trúc của chùa không những tăng lên về số lượng mà còn tăng lên cả về loại hình. Ngoài ra, do nhiều chùa được xây dựng trên núi nên không thực hiện nghiêm ngặt kiểu đối xứng mà tùy theo thế núi, địa hình, địa vật để xây dựng một cách linh hoạt.
Hình dáng điện Phật
Đền chùa Phật giáo về hình dáng gần giống như cung điện, công đường, nhà ở; thường là một tầng rộng hẹp khác nhau, có cái 3 gian, cái 7 gian, cái 9 gian. Trong điện có đặt mấy pho tượng Phật hoặc vừa tượng Phật, vừa tượng Bồ tát. Hiện nay, điện Phật nổi tiếng còn lại như điện lớn Chùa Phật Quang ở Ngũ Đài Sơn thuộc Tỉnh Sơn Tây. Đây là một trong hai công trình kiến trúc lớn bằng gỗ, được xây dựng sớm nhất, từ đời Đường vào năm 857.
Ngôi chùa này rộng 7 gian, có chiều dài 34 mét, sâu 17,66 mét. Phía trong gần tường có bàn đặt tượng Phật và 30 tượng các vị La Hán, Bồ tát. Ở Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây có Điện Phật tại Chùa Hoa Nghiêm là chùa Thiên Hoa cũng hình chữ nhật. Trong điện có bệ thờ Phật, trên bệ có đặt từng hàng các pho tượng Phật, trước bệ Phật có không gian rộng rãi để tăng ni và phật tử cúng lễ.
Những điện lớn ở các chùa thuộc tỉnh Vân Nam của người dân tộc Thái cũng hình chữ nhật, nhưng không giống với điện Phật của người Hán ở chỗ phần lớn trong các điện có bày một pho tượng Phật đặt ở phía Tây điện, mặt nhìn về phía Đông. Truyền thuyết nói rằng, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đắc đạo vào lúc ngài đang ngồi dưới gốc cây bồ đề, mặt hướng về phía Đông. Pho tượng Phật đó to cao nên điện Phật của người Thái có nóc rất cao. Để khắc phục nhược điểm nóc cao, người ta đã làm điện theo kiểu Yết Sơn (tức là phía trên cùng làm hai mái, xuống dưới bốn mái và mỗi mái có thể làm nhiều tầng, nhiều lớp cao thấp khác nhau hoặc ba, hoặc năm lớp). Trên nóc điện trang trí tạo dáng những ngọn lửa đang bốc cháy hoặc hình hài những con vật.
Theo đà phát triển của công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng, nghệ thuật tạo hình ngày một phong phú và phức tạp. Nhiều ngôi chùa xây dựng theo kiểu lầu các. Chùa Độc Lạc ở tỉnh Hà Bắc có các Quan Âm xây dựng năm 984 là ngôi chùa nổi tiếng. Các Quan Âm rộng 20,23 mét gần 5 gian, cao 22,50 mét, ở bên ngoài nhìn vào chỉ thấy hai tầng nhưng kiến trúc bên trong là 3 tầng, ở giữa có giếng gió dọc suốt ba tầng. Tại đây đặt một pho tượng Quan Âm cao 16 mét. Chùa Phổ Ninh ở Thừa Đức, Tỉnh Hà Bắc, có ngôi điện Phật và các Đại thừa quy mô còn lớn hơn. Đứng ngoài nhìn vào thấy có 3 tầng, ở giữa có giếng gió dọc suốt ba tầng, trong các đặt một pho tượng quan âm cao 24,12 mét. Tượng đó tạc bằng gỗ có nghìn mắt nghìn tay. Xung quanh tượng có bệ ba bậc. Mái các có 5 cạnh hình vuông trên là hình chóp nhọn.
Ở vùng Tây Tạng, Thanh Hải có điện Phật được xây dựng theo một kiểu dáng riêng rất độc đáo. Điện Phật ở đây không chỉ là nơi đặt tượng Phật mà còn là nơi tụng kinh giảng Đạo. Có lúc nơi đây tập trung có tới hàng ngàn sư tăng nên lòng điện phải rộng. Nhìn chung các chùa ở đây, điện Phật được xây theo kiểu hình chữ nhật nên không đáp ứng được yêu cầu đó, do vậy hình khối của các điện Phật không cố định, do muốn có diện tích rộng, mái thường làm kiểu mái bằng, loại mái người Tây Tạng thường dùng trong kiến trúc. Loại mái bằng thường bên trong thiếu ánh sáng nên kiến trúc theo kiểu kết hợp giữa mái bằng và mái dốc, mái cao, mái thấp khác nhau cộng thêm tường đá, cửa sổ nhỏ, màu sắc rực rỡ đã hình thành một dạng kiến trúc độc đáo của chùa Tây Tạng.
Tháp
Tháp là một loại kiến trúc riêng của Phật giáo có quá trình hình thành của nó. Tương truyền năm thứ 45, sau khi Thích Ca Mâu Ni đắc Đạo thành Phật, cũng là lúc ngài đã 80 tuổi, trên đường đi truyền Đạo thì lâm bệnh nặng và ngài viên tịch trên chiếc võng trong rừng. Sau khi đức Phật tạ thế, thi hài của ngài được hỏa táng. Hài cốt của ngài được các đệ tử chia nhau đem đi mai táng ở các nơi. Họ chôn phần hài cốt xuống đất và đắp lên trên đó một ngôi mộ mà tiếng Phạn gọi là Stupa, phiên âm ra tiếng Trung Quốc là Tháp Ba. Sau này gọi tắt là tháp. Cho nên tháp vẫn là vật kỷ niệm nơi mai táng hài cốt Phật. Hình dáng tháp lúc ban đầu như là một ngôi mộ hình chậu úp xuống, bên trên trang trí hình chiếc ô hay chiếc cần câu Tháp từ Ấn Độ truyền vào Trung Quốc theo Phật giáo, dần dần kết hợp với kiến trúc Trung Quốc hình thành tháp Phật có màu sắc kiến trúc riêng của Trung Quốc. Tháp mai táng hài cốt Phật là kiến trúc trọng yếu nhất của chùa chiền thờ Phật có dáng vẻ kỳ quan.
Trước khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, ta đã từng có những kiến trúc kiểu lầu, các nhiều tầng. Kiến trúc lầu, các của Trung Quốc kết hợp với kiến trúc tháp kiểu Ấn Độ hình thành kiểu tháp Trung Quốc. Hình dáng của nó là lầu, các ở dưới, tháp ở trên. Lầu, các thì to đẹp còn tháp là tiêu chí của Phật giáo. Loại tháp có dáng vẻ lầu, các là kiểu dáng điển hình của tháp Trung Quốc. Tháp được xây ở giữa khu chùa không những táng hài cốt Phật mà còn là nơi tàng trữ Kinh Phật và những di vật khác. Chùa Vĩnh Ninh ở Lạc Dương thời Bắc Ngụy có ngọn tháp gỗ cao 9 tầng, hình vuông, mỗi mặt có 9 gian mở 3 cửa và 6 cửa sổ, đỉnh tháp có hình kim bảo, dưới đặt mâm vàng 11 lớp; bốn góc mái vẩy của mỗi tầng có treo chuông vàng, khi gió thổi, chuông vàng reo lên tạo ra các âm thanh khiến người ở xa gần đều nghe tiếng. Hiện nay, còn lưu lại Tháp Thích Ca, một tháp gỗ cổ nhất ở chùa Phật Cung thuộc huyện ứng, tỉnh Sơn Tây; tháp 5 tầng cao 67,31 mét, bên trong tầng nào cũng có tượng Phật, xung quanh có hành lang xoáy ốc.
Kiến trúc bằng gỗ rất dễ bị hỏa hoạn nhất là những tháp cao dễ bị sét đánh nên từ đời Đường về sau, tháp gỗ được thay bằng tháp gạch. Tuy tháp xây bằng gạch không chống được sét, nhưng phía ngoài vẫn giữ dáng vẻ tháp gỗ kiểu như Tháp Đại Nhạn ở Tây An được xây dựng từ đời Đường; đến đời nhà Minh được xây lại cao 64 mét, 7 tầng. Tháp này xây bằng gạch nhưng trông bề ngoài giống như tháp gỗ. Còn loại tháp xây bằng gạch bên ngoài ốp lưu ly nên gọi là lưu ly bảo tháp. Ở miền Nam Trung Quốc còn có loại tháp gỗ kết hợp với gạch giống lầu, các Đặc điểm loại tháp này là tâm tháp xây gạch, xung quanh thân tháp bằng gỗ nên dáng ngoài trông như tháp gỗ, các tầng đều có hành lang xung quanh, phía ngoài có dựng lan can.
Trên cơ sở loại tháp xây gạch kiểu lầu, các dần dần xuất hiện một kiểu tháp mới. Đặc điểm của nó là tầng một rất cao, từ tầng hai trở lên mái hiên trùng lặp nhau, các tầng ít thay đổi kiểu dáng và trên cùng là chóp tháp nhọn, người ta gọi là Tháp Mật Thiền. Chân tháp có hình tứ giác, lục giác hoặc bát giác, phần nhiều xây gạch, phía trong tháp có bậc đi lên hoặc có tháp bên trong rỗng không. Tháp Mật Thiền thời kỳ đầu như tháp Chùa Sủng Thánh ở Đại Lý, Tỉnh Vân Nam xây dựng từ đời Đường, mặt nền hình vuông, mái vẩy mỗi tầng xây bằng gạch. Không có trang trí, chạm trổ gì nên trông cũng đơn giản. Sau thời Tống, Liêu xuất hiện hàng loạt tháp Mật Thiền. Bên ngoài dần dần xây dựng rất đẹp, gạch trên nền tháp và tầng một có khắc hoa văn hình tượng Phật trang trí cây cối và súc vật; các tầng trên dưới là những mái vẩy, các kèo, xà xây bằng gạch, kết cấu kiểu dáng như làm bằng gỗ. Ở miền Bắc Trung Quốc còn lại nhiều ngôi Tháp Mật Thiền của thời nhà Liêu, nhà Kim phần lớn là hình bát giác, cao to, chạm trổ rất đẹp, khá vững chắc.
Tại nhiều vùng Phật giáo Tây Tạng xuất hiện một kiểu Tháp Lạt Ma (tức thân tháp trên bệ giống bảo bình) bên ngoài màu trắng trông vững chắc. Loại tháp này ngoài vùng Tây Tạng, Nội Mông còn có ở Ngũ Đài Sơn tỉnh Sơn Tây. Ngôi Bạch Tháp Chùa Diệu ứng ở Bắc Kinh là ngôi tháp lớn xây dựng vào thời Nhà Nguyên thuộc loại Tháp Lạt Ma do một người thợ tài năng Nepal thiết kế.
Tháp Bảo tọa Kim Cương là loại tháp có nhiều tháp nhỏ trên một đài cao. Tháp Bảo tọa Kim Cương ở Chùa Chấn Giác tại Bắc Kinh là ngôi tháp chuẩn mực về kiểu dáng đó được xây dựng vào năm thứ 9 đời Vua Minh Thanh Hóa (1473). Trên đài cao xây dựng 5 ngôi tháp đá nhỏ, dáng kiểu Tháp Mật Thiền, ngôi ở giữa to, bốn ngôi ở góc nhỏ hơn, quanh đài có đặt nhiều tượng Phật. Đài tượng trưng cho quả núi, 5 ngôi tháp là 5 ngọn núi. Tháp này tượng trưng cho quả núi mà chư phật trụ trì. Tháp Bảo tọa Kim Cương ở nhiều nơi khác có nhiều kiểu kiến trúc khác nhau. Có ngôi như Tháp Lạt Ma, như cột Kinh thay thế kiểu Tháp Mật Thiền: Có cái dưới dài mở cửa động có thể đi trong thành đài… nên loại tháp này không có kiểu dáng cố định.
Dân tộc Thái ở Vân Nam còn xây dựng một kiểu tháp khác gần giống như Tháp Phật ở Myanmar nên gọi là Tháp kiểu Myanmar. Đặc điểm của tháp này là nhiều ngôi tháp được xây dựng trên một nền đài dưới to trên nhỏ, trên cùng là dáng chùa Tháp. Tháp Phi Long ở Vân Nam xây dựng năm 1204 thời nhà Tống là ngôi tháp nổi tiếng. Tháp được xây trên một đài cao hình bát giác, có 8 ngôi tháp nhỏ vây quanh một ngôi tháp lớn ở chính giữa, thân tháp màu trắng, chùa tháp màu vàng phối hợp với khám thờ Phật có năm màu trông thật trang nghiêm, lộng lẫy. Nó là niềm tự hào, một báu vật của dân tộc Thái ở Trưng Quốc.
Tháp vốn là kiến trúc riêng của Phật giáo nhưng trong quá trình lịch sử công dụng của tháp được mở rộng. Trong chùa, từ lúc có tượng Phật, có điện lớn đặt tượng Phật thì điện Phật đã thay thế tháp, chiếm địa vị trung tâm của chùa; tháp bị đưa về vị trí sau điện Phật. Là tiêu chí của Phật giáo nên tháp còn chiếm một vị trí trọng yếu; do đó từ đỉnh núi đến sườn núi, bên các con sông đều là nơi có thể dựng tháp. Bởi vậy, tháp thờ Phật thường là thắng cảnh ở ngoại vi các thành phố ở Chấn Giang, thuộc tỉnh Giang Tô có ngôi bảo tháp Chùa Giang Thiên cao 7 tầng nằm trên ngọn núi Kim Sơn trông thật nguy nga, đã trở thành thắng cảnh nổi tiếng của thành phố Chấn Giang. Vương An Thạch một chính trị gia đời Tống đến vãn cảnh Kim Sơn, khi leo lên lầu tháp đã tức cảnh nên thơ rằng:
Số trùng lầu chẩm tầng tầng thạch
Tứ bích song khai diện diện phong
Hốt kiến điểu phi bình địa thượng
Thủy kinh thân tại bán không trung
Tạm dịch:
Vách đá tầng tầng thêm lầu gối,
Cửa son rộng đón gió bốn phương.
Bỗng thấy chim bay từ mặt đất,
Mới hay mình ở giữa không trung.
Đời Đường các thí sinh đậu Tiến sĩ đều muốn lên Tháp Đại Nhạn ở Kinh thành Trường An viết tên mình lên tường nói lên nỗi mong chờ đã được toại nguyện. Về sau, "Nhạn tháp đề danh” đã trở thành thói quen của giới văn nhân. Nho sĩ mỗi khi đặt chân tới đây, Tháp Lục Hòa bên sông Tiên đường (sông chảy qua thành phố nổi tiếng Hàng Châu thuộc tỉnh Triết Giang, cũng trở thành nơi vãn cảnh của khách du thuyền trên sông. Ở huyện Định, tỉnh Hà Bắc có tháp Chùa Khai Nguyên 15 tầng, cao 84,2 mét. Khi hai nước Tống, Liêu đánh nhau, quân Tống lên tháp có thể thấy rõ mọi động tĩnh của quân Liêu bên kia, nên người ta gọi là ''Liêu Địch Tháp'', biến tháp thờ Phật thành pháo đài, vọng gác phục vụ quân sự ở các thôn trang khi xây dựng hoặc trùng tu một kiến trúc quan trọng của địa phương, người ta thường chọn một khu đất đẹp để dựng tháp, có ý để tiêu trừ ma quái, giữ được bình yên cho dân làng. Tháp thờ Phật đã trở thành tháp phong thủy.
Ở Trung Quốc hiện nay còn giữ được trên 3000 ngôi tháp các loại; đây là kho báu của nền văn hóa dân tộc Trung Hoa, một di sản vô giá của người xưa để lại.
Kiến trúc hang đá
Hang đá là lựa theo thế núi mà mở mang hang động, mới nghe tưởng như không phải là công trình kiến trúc. Nhưng ở Ấn Độ, đây chính lại là nơi thờ Phật. Hang động có hai loại: một là mở trong núi đá một cái động hình vuông, một bên là cửa, ba bên kia là khám để các nhà tu hành ngồi cầu kinh niệm Phật. Loại khác là phía sau hang có một ngôi tháp, trước tháp có chỗ để tín đồ đến cúng lễ.
Hang đá thờ Phật truyền vào Trung Quốc từ thế kỷ thứ ba và nhanh chóng được khắp nơi trong nước làm theo đến nay còn lại có tới hàng trăm hang động lớn nhỏ, nhiều nhất là ở các tỉnh Tân Cương, Cam Túc, Thiểm Tây, Sơn Tây, Hà Nam, Hà Bắc; còn các tỉnh Giang Tô, Tứ Xuyên, Vân Nam cũng có rải rác. Từ thời Đông Hán đến Minh, Thanh suốt gần một thiên niên kỷ, đời nào cũng đều mở mang hang động.
Hang đá cũng giang như Phật Tháp, sau khi được truyền từ Ấn Độ vào Trung Quốc, hình thức cũng dần dần biến đổi theo kiểu của Trung Quốc, bên trong thờ Phật. Thạch động ở Cam Túc nơi có sớm nhất trong nước, thì giữa hang có một cột đá to tạo thành hình tháp, phía trên đục thành nhiều khám thờ Phật. Cách bố trí giống như trong các điện thờ Phật, có nơi ba mặt hang đều tạc tượng Phật, xung quanh tượng Phật có tạc hình cây cối, súc vật và phong cảnh trông thật đẹp mắt, thể hiện cảnh thiên đường mà tín đồ hằng mong ước.
Tượng Phật ở các thạch động càng ngày tạc càng lớn, tạc ở trong hang rồi tạc ở ngoài hang. Đến đời nhà Đường những tượng Phật lớn lộ thiên ngày càng nhiều. Ở Chùa Phụng Tiên thuộc Long Môn, Lạc Dương có pho tượng cao 17 mét. Trước tượng Phật có quảng trường để tín đồ đến cúng lễ. Pho tượng Phật lớn nhất Trung Quốc là pho tượng ở Chùa Lãnh Vân thuộc Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên.
Tỉnh Cam Túc là nơi có số lượng hang đá nhiều và sớm nhất Trung Quốc. Từ thế kỷ thứ IV đến đời nhà Nguyên, trải qua trên mười triều đại, đến nay còn lại 492 hang động.
Hang đá tuy chỉ là dạng đền chùa đặc biệt, nhưng nó có vị trí rất quan trọng về kỹ thuật và nghệ thuật. Trong hang còn giữ lại được nhiều bức bích họa và phù điêu mô tả về Phật giáo, là những báu vật trong toàn bộ tài sản quý giá của Trung Quốc về hội họa và điêu khắc. Giá trị của hang động không phải vì bản thân nó là một loại hình kiến trúc khác biệt mà là tài sản, trong đó những bức bích họa và phù điêu phản ánh nền kiến trúc sớm nhất của Trung Quốc. Qua bích họa ở hang đá Đôn Hoàng và nhiều bức bích họa, phù điêu khác cho ta biết được những câu chuyện về Phật giáo cũng như công trình kiến trúc của người xưa như thành quách, cung điện, chùa chiền, miếu mạo, lâm viên, nhà cửa, đường phố, cầu cống. . . để từ đó thấy được quá trình hòa nhập giữa nền kiến trúc Trung Quốc với kiến trúc thế giới.
Tại sao kiến trúc hang đá thường được khái mở ở những nơi thâm sơn cùng cốc? Vì Phật giáo muốn tín đồ xa lánh thế tục, chỉ có ở nơi tĩnh lặng thì lòng người mới thanh thản, siêu thoát, tu hành mới đắc đạo nên thường chọn nơi núi cao, rừng rậm, xa lánh chốn phồn hoa đô hội và chọn nơi có phong cảnh đẹp để xây dựng đền, chùa. Cho nên những vùng núi như Núi Ngũ Đài thuộc tỉnh Sơn Tây, núi Nga Mi thuộc tỉnh Tứ Xuyên, núi Cửu Hoa thuộc tỉnh An Huy và núi Phổ Đà thuộc tỉnh Triết Giang thường là những nơi có phong cảnh tuyệt vời cũng là nơi được các tăng ni, tín đồ tập trung xây dựng nên nhiều đền chùa miếu mạo. Trải qua quá trình xây dựng, tu tạo và mở rộng, bốn quả núi nói trên đã trở thành nơi tu hành Phật giáo nổi tiếng ở Trung Quốc.
Trung Quốc từ sớm đã có mộ táng trong hang đá trên sườn núi gọi là Nhai Mộ. Mộ của Trung Sơn Vương Lưu Thắng, đời nhà Hán, đã chôn cất ở một động dài 52 mét với dung tích 3000 mét khối. Chưa kể đến công trình mở động, xem bằng cách nào người ta đưa được quan tài của Lưu Thắng vào trong động với sườn núi dốc như dựng đứng. Về kỹ thuật đến nay vẫn còn là ẩn số. Chùa Phụng Tiên ở Long Môn muốn đưa pho tượng phật cao 17 mét vào động, trước tiên phải đào khoét núi sâu 41 mét, rộng 36 mét tạo thành khoảng trống lộ thiên phải mất 3 năm 9 tháng, đào chuyển đi trên 3 vạn mét khối đá. Hang đá ở Núi Mạch Tích huyện Thủy Tỉnh Cam Túc tiến hành khai mở từ thế kỷ thứ IV đến nay có gần 200 hang động, tất cả đều ở sườn núi. Những hang động đó nối liền với nhau bằng những con đường cheo leo bên vách đá. Chưa kể đến công sức đào gần 200 hang động đó, mà chỉ nói đến công trình làm đường sạn đạo cũng là một kỳ công; đó là đường đi bên vách núi, lát ván tấm, dưới có chôn cọc đỡ mặt đường rộng từ 1m đến 1,5 mét phía ngoài có lan can đỡ; có đoạn đường cao hơn 70 mét, chia làm 20 đoạn cao thấp khác nhau dài tới 800 mét.
Ngày nay du khách đến chơi, đứng dưới chân núi nhìn lên những ngôi chùa như vậy đều phải vái chào nghệ thuật Phật giáo đó mà người xưa đã từng nói hộ: ''Tuy tự nhân lực nghị thị thần công'', nghĩa là công trình đó do sức người làm ra mà ai cũng tưởng là Thần vậy.