Tài liệu: Các trường phái kiến trúc hiện đại

Tài liệu
Các trường phái kiến trúc hiện đại

Nội dung

CÁC TRƯỜNG PHÁI KIẾN TRÚC HIỆN ĐẠI

 

Từ nửa sau của thế kỷ XVIII, chủ nghĩa tư bản Âu Mỹ bước vào giai đoạn lịch sử Cận đại, hai trào lưu kiến trúc song song tồn tại bấy giờ là chủ nghĩa phục Cổ và xu hướng kỹ thuật mới. Các xu hướng phục Cổ đến lượt nó lại chia ra chủ nghĩa Phục hưng Cổ điển, chủ nghĩa Lãng mạn và chủ nghĩa Chiết trung.

Từ đầu những năm năm mươi của thế kỷ XIX, kiến trúc Hiện đại ra đời cùng với sự xuất hiện của Cung Thủy tinh ở London (Anh, 1851) đánh dấu một bước ngoặt mới trong lịch sử kiến trúc.

Đầu tiên, kiến trúc có nhiều trào lưu chỉ mới có tính chất tìm tòi mà ở mặt này hay mặt khác, lý luận hoặc thư pháp chưa được kiện toàn. Đó là những trào lưu sau đây: học phái nghệ thuật mới ở Bỉ, học phái Chicago ở Mỹ, những tác phẩm của Wright ở Mỹ, học phái phân ly ở Áo, kiến trúc của Béclagiơ ở Hà Lan, phái Kinh nghiệm luận ở Thụy Điển và Hội Liên hiệp công tác Đức.

Phái nghệ thuật mới quan niệm kiến trúc phải bắt đầu từ cải cách hình thức. Học phái Chicago quan niệm kiến trúc phải bắt đầu từ công lợi. Trong khi đó Hội Liên hiệp công tác ở Đức quan niệm kiến trúc bắt đầu từ kỹ thuật.

Từ đầu thế kỷ XX, nghệ thuật kiến trúc càng trở nên phức tạp với nhiều trào lưu mới: chủ nghĩa Biểu hiện ở Đức, chủ nghĩa Vị lai ở Italia và các trường phái kiến trúc ở Hà Lan.

Chủ nghĩa Biểu hiện ở Đức ra đời với sự tích cực tham gia của các kiến trúc sư Erich Mendelson Bruno Taut, Hans Poenzich và Mars Bern. Nhiệm vụ chính của sáng tác kiến trúc theo chủ nghĩa Biểu hiện là tạo thành sức biểu hiện nghệ thuật của công trình.

Những quan điểm chính của chủ nghĩa Biểu hiện là:       

- Về nghiên cứu, đi sâu tìm tòi hình thức nghệ thuật của con người.

- Về mặt biểu hiện, chú ý cá tính và tính sáng tạo. Về thủ pháp, chú ý những hình ảnh tượng trưng, chú ý đến hình dáng chung, cao thấp, lồi lõm, chiều hướng.

Kiến trúc trong tay những nhà biểu hiện chủ nghĩa bao gồm các đài thiên văn, các rạp chiếu bóng, các cửa hàng thương nghiệp đều được nhào nặn như điêu khắc để đột xuất được tư thái “động lực”, “dòng chảy”, “tốc độ”.

Chủ nghĩa vị lai ở Italia thịnh hành trong những năm 1909 - 1914. Quan điểm chính của chủ nghĩa vị lai là sự phủ nhận quá khứ, ca tụng kỹ thuật, lấy cuộc sống thành thị đang được hiện đại hóa bằng động lực làm trung tâm của mọi hoạt động sáng tạo.

Nghiên cứu tiêu biểu nhất của chủ nghĩa vị lai là phương án ''Thành phố tương lai'' với quan niệm thành phố là những khu nhà cao tầng với những tháp thang máy đồ sộ; tác giả đã chú ý nhiều đến ''cảm giác vận động'' ''cảm giác tốc độ''.

Các trường phái kiến trúc Hà Lan, gồm có phái Đo Xtijl, học phái Rotterdam và học phái Amsterdam.

Những nét chính trong phương hướng nghiên cứu, thư pháp cụ thể của kiến trúc phái Đơ Xtijl là:

Đi tìm chân lý trong nghệ thuật, đi tìm tính khách quan, tính nghệ thuật và tính khúc triết.

- Chủ trương nghệ thuật phải giải phóng khỏi tình cảm cá nhân, đi tìm những cái chung, cái phổ biến, đi tìm những phương pháp biểu hiện phù hợp với sự cảm thụ chung của thời đại.

- Yêu cầu tổ hợp một cách tinh xác những yếu tố cấu thành nghệ thuật tạo hình là đường nét, mặt phẳng và khối lập phương.

Học phái Rotterdam ngược lại, không có một cơ sở lý luận hoàn chỉnh và chỉ nặng về thực tế; học phái Rotterdam xử lý nghệ thuật rất tinh tế, tán thành ở mức độ nào đó truyền thống cũ, có thư pháp cụ thể, tìm tòi sự tương phản và thống nhất ở việc sử dụng các khối và các mặt phẳng. Công trình nổi tiếng nhất của xu hướng Rotterdam là tòa thị chính Hinvecxum. Đối với học phái Amsterdam, nhưng biểu hiện cần theo đuổi cho được của hình thức kiến trúc là “Cảm giác thời đại”, “cảm giác dân tộc”, ''tình cảm cá nhân''.

Sau cách mạng tháng Mười Nga, ở nước Nga Xô Viết non trẻ đã dấy lên một phong trào nghệ thuật kiến trúc nổi tiếng mang tên chủ nghĩa kết cấu. Đó là một phong trào lớn nhằm mục đích tìm tòi những hình thức, những cấu trúc và sự tổ chức một cuộc sống mới. Những phương án và công trình xây dựng lúc bấy giờ có quy mô rất lớn và kích thước đồ sộ, như phương án đài kỷ niệm Đệ tam Quốc tế và trụ sở Trung tâm Công nghiệp Kharcov. Những công trình trên là sự tổng hợp của các hình thức hình khối nghệ thuật đơn giản và trong sáng, trên cơ sở một tỷ lệ có kích thước hùng vĩ, đồ sộ.

Sự phát triển của kiến trúc hiện đại giữa hai cuộc đại chiến không tách khỏi sự ra đời của chủ nghĩa Công năng - một trào lưu kiến trúc lớn nhất của nửa đầu thế kỷ XX.

Chủ nghĩa công năng, hay chủ nghĩa duy lý, có phạm vi hoạt động ở nhiều nước khác nhau, biểu hiện ở nhiều nhóm và nhiều người. Chủ nghĩa công năng biểu hiện tập trung nhất ở những nhóm hoạt động và những cá nhân sau:

- Học phái Bauhaus (người lãnh đạo là kiến trúc sư Walter Gropius).

- Kiến trúc sư Le Corbusier.

- Kiến trúc sư Mies van de Rohe.

Chủ nghĩa công năng nhấn mạnh tầm quan trọng về sự hoàn thiện của tổ chức công năng công trình, cho đó là yếu tố cơ bản nhất của sản phẩm kiến trúc.

Quan điểm kiến trúc của chủ nghĩa công năng bao gồm một số điểm sau:

- Bản thân công trình kiến trúc phải có sự liên hệ giữa các thành phần một cách logic, có sơ đồ lưu tuyến đơn giản và rõ ràng.

- Sử dụng những thành tựu của kỹ thuật hiện đại vào lãnh vực kiến trúc một cách hợp lý, có cân nhắc, hợp lý hóa các bộ phận kiến trúc, dùng vật liệu mới để góp phần biểu hiện về công năng và kết cấu.

- Không phủ nhận sự cần thiết của biểu hiện thẩm mỹ, nhưng quan niệm cái đẹp trong kiến trúc phải xuất hiện trên cơ sở công năng hoàn thiện và kết cấu mới.

- Chú ý đến vai trò xã hội của kiến trúc.

Chủ nghĩa công năng có những biện pháp cơ bản hình thành trên cơ sở các quan điểm trên là:

- Giải pháp mặt bằng tự do, không đối xứng. Nhà nước chia thành từng khối với những nhóm phòng có chức năng đồng nhất.

- Kiến trúc có hình dáng hình học đơn giản, nhấn mạnh phân vi ngang của nhà, dùng các băng cửa kính lớn để được chiếu sáng tốt và đồng đều, sử dụng phổ biến mái bằng.

Thành phẩm kiến trúc phải được tiêu chuẩn hóa và công nghiệp hóa rộng rãi.

Như vậy, quan điểm và biện pháp của chủ nghĩa công năng đều gắn liền với ba vấn đề lớn: công năng, kỹ thuật và nghệ thuật. Chủ nghĩa công năng có nhiều ưu điểm, đã đẩy kiến trúc tiến lên một giai đoạn phát triển mới.

Học phái Bauhaus là một trong những trường phái kiến trúc công năng đầu tiên có tiếng vang lớn và có tác dụng khá quyết định đối với thành tựu của kiến trúc hiện đại.

Học phái này thịnh hành ở Đức trong những năm 1919 - 1933 và uy tín của nó không tách khỏi sự đóng góp của Walter Gropius. Có thể nói Bauhaus đã tập trung được một nhóm nghệ sĩ tài năng nhất của thời đại. Bauhaus có cơ sở ban đầu là trường thiết kế nhà cửa Weimar và trường thiết kế nhà cửa Đemna.

Đóng góp của Bauhaus vào sự phát triển của kiến trúc thể hiện lên ở ba điểm:

1) Một nhận thức mới về lý luận kiến trúc, một nội dung mới về thẩm mỹ học.

2) Một chương trình cách tân trong giảng dạy trong cách đào tạo Kiến trúc sư mà ngày nay trên thế giới nhiều nơi áp dụng.

3) Việc vật chất hóa các lý luận mới thành những tác phẩm cụ thể.

Những quan điểm tiến bộ của Bauhaus là:

- Công năng là thuộc tính chủ yếu của kiến trúc sư.

- Nội dung chủ yếu của kiến trúc phải được giải quyết trên cơ sở tổng hợp công năng, kỹ thuật và nghệ thuật.

Coi trọng điều tra, nghiên cứu và phân tích kỹ thuật.

Gắn liền kiến trúc với các vấn đề xã hội; Bauhaus còn đề ra nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn nhằm nâng cao hiệu năng kiến trúc và công nghiệp hóa xây dựng, nghiên cứu mối liên hệ giữa sinh lý, vật lý và kiến trúc tiến hành mô đuyn hóa các dấu hiệu, cơ giới hóa thi công, thông dụng hóa gia cụ, chủ trương kết hợp chặt chẽ kiến trúc với các ngành nghệ thuật khác.

Tác phẩm nổi tiếng nhất của Bauhaus là Trường Bauhaus ở Dessau, một ''bản tuyên ngôn'' về cải cách nghệ thuật. Bauhaus còn xây dựng hàng loạt nhà ở tập thể và cá nhân, các công trình công cộng nổi tiếng khác.

Khi chế độ Hitler lên cầm quyền ở Đức, chúng căm ghét tư tưởng tiến bộ của Bauhaus nên thẳng tay đàn áp.

Cũng từ sau đại chiến thế giới lần thứ nhất, trong một thời gian dài, có một con người mà sự nghiệp kiến trúc vĩ đại của ông đã gắn bó với chủ nghĩa công năng đó là Le Corbusier.

Le Corbusier đã đưa ra những quan điểm mới về bố cục và liên hệ không gian, quy cách kích thước và biện pháp tổ hợp không gian trong nhà ở; chú ý đến vai trò của ánh sáng, không khí và cây xanh. Ông cũng chủ trương kiến trúc phải có hình thức đơn giản, phải noi gương kỹ thuật tiên tiến, chú ý nhiều đến hai lãnh vực có tầm quan trọng lớn trong kiến trúc là thiết kế nhà ở và quy hoạch đô thị.

Nhiều tác phẩm kiến trúc của Le Corbusier đã thu hút sự chú ý của nhiều người như biệt thự Xtanh ở Giácsơ và biệt thự Xavon ở Poaxy. Le Corbusier đã thiết kế phương án quy hoạch cho các thành phố Sao Paulo, Rio de Janeiro, Buenos Aires, Montevideo, Angve, Stokholm và Alger. Le Corbusier đã đấu tranh không khoan nhượng với chủ nghĩa kinh viện bấy giờ còn khống chế không cho nền kiến trúc mới phát triển.

Trong số những người hoạt động cho chủ nghĩa công năng cùng thời với Le Corbusier, còn có một người rất nổi tiếng, đó là Mies van de Rohe, một kiến trúc sư Đức (người đã một thời làm Giám đốc trường Bauhaus) sau Walter Groptus và Hannes Meyer.

Quan điểm kiến trúc của Mies Van de Rohe thể hiện ở những điểm sau:

- Đơn giản hóa hệ thống kết cấu nhằm đi đến một hiệu quả đơn giản và trong sáng về mặt tạo hình, thuần khiết hóa kiến trúc.

- Sử dụng kết cấu không gian lớn, chia cắt không gian một cách tự do và tường ngoài của công trình bằng pha lê.

- Phân biệt rõ kết cấu chịu lực và kết cấu ngăn che.

Nhà triển lãm Đức ở Barcelona do Mies van de Rohe thiết kế nổi tiếng ở chỗ, nó là một ví dụ về phương pháp xử lý không gian mới. Khi bắt đầu làm phác thảo phương án thiết kế trường Đại học kỹ thuật Hlinois ở Mỹ, Rohe đã đề ra nguyên tắc ''càng ít tức là càng nhiều'' – nội dung chữ ít ở đây là sự tinh giản của tích lũy và kinh nghiệm (mà không phải là ít kiến thức) và qua đó, trí tuệ trở nên có ý nghĩa ''cao quý và vĩnh cửu''.

Giữa hai cuộc Đại chiến, trường phái kiến trúc hữu cơ của Wright ở Mỹ cũng rất nổi tiếng. Nguyên tắc cơ bản của kiến trúc hữu cơ xoay quanh mối liên hệ giữa kiến trúc và thiên nhiên. Kiến trúc hữu cơ mô phỏng thiên nhiên, đề cao tính tự nhiên, tính nguyên thủy và tính địa phương. Hữu cơ – theo Wrigh là sự cấu thành vật chất của giới tự nhiên và sinh vật trong giới tự nhiên, còn kiến trúc hữu cơ là sáng tác kiến trúc dựa trên tinh thần của sự cấu thành đó.

Hai tác phẩm nổi tiếng nhất của Wright trong những năm ba mươi là Biệt thự Kanfmann và Nhà hành chính hãng Johnson; Biệt thự Kanfmann (Păngxivani) hoàn thành năm 1936 là một ngôi nhà nghỉ cuối tuần, được đặt chênh vênh trên một ngọn thác nhỏ của suối Bearun. Toàn bộ công trình gây được ấn tượng tương phản rất mãnh liệt, do những khối bằng đá hoặc bê tông đan chéo vươn trên mặt khác.

Sau chiến tranh thế giới thứ II, chủ nghĩa công năng được Nervi, Le Corbusier và Mies van de Rohe tiếp tục phát triển.

Khi nói đến những thành tựu của mấy thập kỷ đầu sau Đại chiến thế giới thứ II, người ta không thể không nhắc đến tên tuổi của Paul Luigi Nervi (Italia).

Nervi sinh năm 1891, xuất thân là một Kỹ sư, chủ nghĩa công năng đối với Nervi thể hiện ở quan điểm cho công trình phải bền vững, kinh tế và đẹp. Người ta đã nhìn nhận những công trình nổi tiếng nhất của Nervi như Nhà triển lãm Turin, Cung thể thao nhỏ Roma, Cung thể thao lớn Roma và Nhà máy giấy Buyêcgô ở Măng tu như là những ví dụ hoàn thiện nhất của chủ nghĩa công năng.

Tác phẩm quan trọng nhất của Le Corbusier sau chiến tranh là đơn vị nhà ở lớn ở Marseille (1947 -  1952). Ngôi nhà này được tổ chức như một thị trấn, trong nhà có 15 tầng để ở, tại tầng 7, tầng 8 có khu dịch vụ công cộng, cách tổ chức hợp nhất dịch vụ kiểu này trước đây chưa từng có. Tác giả ngôi nhà đã muốn nâng cao tiện nghi ở cho con người bằng cách tổ chức các phương tiện phục vụ một cách thuận tiện, đưa những hình thức phúc lợi công cộng đến tận tay người sử dụng. Le Corbusier sau đó còn tiếp tục những thiết kế nổi tiếng khác như ngôi nhà thờ Ronchamps ở Pháp, và quy hoạch, kiến trúc thành phố Chandigard ở Ấn Độ.

Mies van de Rohe thời kỳ này cũng đã xây dựng ngôi nhà ở bên hồ ở Chicago và trường Đại học kỹ thuật IIIinois. Chủ nghĩa công năng của ông lúc này thể hiện ở các quan điểm trật tự, đơn giản, chính xác và hoàn thiện là những yêu cầu tối cần thiết đối với một công trình kiến trúc.

Trường phái kiến trúc hữu cơ của Wright từ sau 1945 vẫn quán triệt phương châm kiến trúc kết hợp với thiên nhiên, chống lại chủ nghĩa hình học và chủ nghĩa sơ đồ trong kiến trúc. Những công trình chính đáng chú ý của Wright trong giai đoạn này là Nhà thí nghiệm hãng Johnson ở Raxin ( 1939), Nhà tháp Price ỏ Barstivilla, Oklahôma (1955) và Bảo tàng Gughenheim ở New York ( 1956 - 1 959). Trong số những bậc thày của kiến trúc hữu cơ có phong cách không kém phần độc đáo, còn có thể kể ra Anvar Aalto và Erich Mendelson.

Từ sau những năm năm mươi, người ta đã thấy có những dấu hiệu phản đối chủ nghĩa công năng, biểu hiện ở sự tái sinh chủ nghĩa biểu hiện và sự hình thành chủ nghĩa thô mộc. Cuối cùng, gần đây nhất là một trào lưu rộng rãi phản ứng lại chủ nghĩa hiện đại có tên gọi chung là kiến trúc hậu hiện đại.

Chủ nghĩa biểu hiện mới do Earo Saarinen đứng đầu đã chủ trương loại bỏ cấu trúc trong kiến trúc, chủ yếu quan tâm đến tính chất điêu khắc của tác phẩm kiến trúc.

Chủ nghĩa Thô mộc bao gồm chủ nghĩa Thô mộc Anh và chủ nghĩa Thô mộc quốc tế.

Chủ nghĩa Thô mộc Anh theo quan điểm của hai kiến trúc sư Atison Smithson và Peter Smithson có những nội dung chính sau đây:

- Chú ý đến logic công năng và logíc kết cấu coi đó là yếu tố chủ đạo trong tổ hợp kiến trúc.

- Nhấn mạnh những biện pháp cấu trúc đơn giản và sự biểu hiện một cách mộc mạc chất liệu của đá thiên nhiên, gạch và gỗ.

Những người theo chủ nghĩa Thô mộc còn đưa ra những quan niệm về sự chân thực, tính khách quan, sự mạnh dạn trong việc sử dụng vật liệu trần. Tác phẩm quan trọng nhất của Alison Smithson và Peter Smithson thể hiện đầy đủ nhất những luận điểm trên là ngôi trường học ở Hanxtentơn.

Chủ nghĩa Thô mộc quốc tế, với mục đích cơ bản và trang trí thẩm mỹ, đã tạo nên những cấu trúc rất giàu tính tạo hình. Quan điểm của xu hướng này là một hình khối lớn phải được tạo thành bởi những khối công năng nhỏ hơn và mỗi một bộ phận công năng nhỏ đó phải được nhấn mạnh tính chất thẩm mỹ của nó. Những tác phẩm tương đối tiêu biểu của chủ nghĩa thô mộc quốc tế là trung tâm y học Resort của trường Đại học Pennsylvania ở Philadelphia (Mỹ) của Louis Kahn (1957-1961) và trường học Xa-xêch ở Brighton (Anh) của Bezil Spence (1963 - 1964).

Chuyển hóa luận ở Nhật Bản cũng là một trào lưu có tiếng vang trên thế giới gần đây. Chuyển hóa có cái tên vay mượn từ môn sinh học, quan niệm kiến trúc là ''một không gian thay đổi liên tục và phát triển không ngừng; nhưng tại mỗi thời điểm, nó đều phải đáp ứng các yêu cầu một cách hoàn chỉnh''. Chuyển hóa luận chú ý nhiều đến tính linh hoạt của kiến trúc, chủ trương kiến trúc phải làm thế nào đáp ứng được hoặc tiến lên trước so với yêu cầu của xã hội vốn luôn luôn thay đổi. Tham gia nhóm này có các nhà kiến trúc Kiônôri, Kikutakê, Nôriaki, Kurokawa, Maxata Otaka v.v... Kiến trúc sư lớn Nhật Bản Kenzo Tange cũng tham gia vào nhóm này với phương án ''Tokyo 60'', một phương án siêu đô thị đầy táo bạo nhưng có màu sắc viễn tưởng.

Kiến trúc Hậu hiện đại - phát triển trong thời gian gần đây nhất, những năm 1970, 1985 - ra đời trong những nước hậu công nghiệp là những phản ứng và tìm tòi những đường hướng mới trước những vấn đề mới về tình hình xã hội và phương pháp sáng tác.

Kiến trúc Hậu hiện đại là một số xu hướng kiến trúc có một tiếng nói chung là đủ kích nền kiến trúc hiện đại, coi trọng ngôn ngữ và ẩn dụ trong kiến trúc, coi trọng quá khứ, đẩy mạnh việc vận dụng các hình thức kiến trúc cổ, bài bác “tính trật tự” của kiến trúc hiện đại do các kiến trúc sư bậc thầy đề ra, nghi ngờ yếu tố công năng là yếu tố cơ bản tạo thành kiến trúc mà quan tâm nhiều hơn đến trang trí; kiến trúc hậu hiện đại có những điểm đáng phê phán như chiết trung, phục cổ, hình thức, quá đề cao kỹ thuật; nhưng đồng thời có một số ưu điểm như quan tâm hơn đến ý nghĩa văn hóa của kiến trúc, kết hợp hài hòa kiến trúc với ngoại cảnh, với môi trường lịch sử. Vì vậy, trong gần mười xu hướng kiến trúc Hậu hiện đại, ta thấy rõ sự đa dạng của kiến trúc tư bản chủ nghĩa: một số dòng kiến trúc xuất phát từ thực trạng xã hội của tư bản chủ nghĩa, theo đuổi hình thức trên cơ sở sự phát triển mạnh về kinh tế và một số dòng kiến trúc có xu hướng nhân văn.

Trong hai thập niên gần đây, trong khi càng về cuối sự hấp dẫn của trào lưu Cận hiện đại càng yếu đi, thì xu hướng kiến trúc mới khác như xu hướng Hightech (kỹ thuật cao, công nghệ cao) và xu hướng giải tỏa kết cấu chủ nghĩa càng có vị trí nổi bật hơn. Các trung tâm kiến trúc nổi bật nhất vẫn là Mỹ, Anh, Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức và Nhật Bản. Sau khi các thế hệ kiến trúc sư thứ nhất và thứ hai của thế kỷ này đã ra đi, các thế hệ kiến trúc sư thứ ba vẫn tiếp tục sáng tác không mệt mỏi tiêu biểu nhất là Oscar Niemeyer và Kenzo Tange. Các thế hệ kiến trúc sư trung niên, ra đời từ những năm 1930 đến 1945 hiện nay đang phát huy tác dụng lớn và sự nghiệp của nhiều người trong số đó đang ngày càng trở nên hết sức đồ sộ. Những hình mẫu của kiến trúc thế kỷ XXI đã được tìm thấy, hay một số tác phẩm lớn từ những năm 80, 90 của thế kỷ này.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/176-02-633387512576250000/Luoc-trinh-phat-trien-Kien-truc-the-gioi/C...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận