TÔN TRUNG SƠN (1866 - 1925) NHÀ CẢI CÁCH
DÂN CHỦ VĨ ĐẠI CỦA TRUNG HOA
Tôn Trung Sơn hay là Tôn Dật Tiên là nhà cách mạng dân chủ tiên phong vĩ đại nhất của Trung Quốc thời Cận đại, Ông tên là Văn, tự Đức Minh hiệu Nhật Tân sau này đổi thành Dật Tiên. Việc đổi tên là Trung Sơn được đặt tại Nhật Bản tháng Ba 1897 sau khi ông tham gia hoạt động cách mạng.
Tôn Trung Sơn sinh ngày 12 tháng Mười Một 1866 trong một gia đình nông dân ở thôn Thúy Hanh, huyện Hương Sơn, tỉnh Quảng Đông. Thời niên thiếu Tôn Trung Sơn chịu ảnh hưởng sâu sắc truyền thống đấu tranh của nhân dân Quảng Đông, ông rất khâm phục sự nghiệp cách mạng của Thái bình Thiên quốc do Hồng Tú Toàn đứng đầu.
Năm 1879 Tôn Trung Sơn theo mẹ sang Hônôlulu (thuộc Quần đảo Hawai) nương nhờ người anh tên là Tôn Mi, một tư sản Hoa kiều ở đấy. Nhờ sự giúp đỡ của người anh, Tôn đã theo học tại trường do Giáo hội Cơ đốc nước Anh mở. Sau 5 năm học tập, ông bước đầu tiếp xúc với nền giáo dục dân chủ tư sản.
Năm 1883, Tôn Trung Sơn về nước theo học tây y ở Quảng Châu và Hương Cảng giữa lúc cuộc chiến tranh Trung - Pháp bùng nổ. Ông chứng kiến cảnh quân đội Mãn Thanh bại trận, Chính phủ nhà Thanh phải ký kết các hiệp ước nhục nhã. Ông còn chứng kiến cảnh công nhân Trung Quốc ở Hương Cảng cự tuyệt chữa tàu, không bốc dỡ hàng cho Pháp. Những việc đó đã bồi bổ cho ông ý chí cách mạng chống nhà Thanh.
Sau khi tốt nghiệp y khoa năm 1892, người bác sĩ trẻ ấy vừa hành nghề kiếm sống vừa hoạt động cách mạng với ham muốn chữa trị con bệnh cho toàn xã hội Trung Quốc. Chính lòng ham muốn ấy đã thôi thúc Tôn Trung Sơn năm 1894 đệ thư lên đại thần Lý Hồng Chương yêu cầu cải cách. Song vị đại thần mà Tôn Trung Sơn gởi gắm nhiều hy vọng nhất đã cự tuyệt gặp ông. Từ đó, ông vứt bỏ ảo tưởng cải cách và chuyển sang lập trường cách mạng.
Tháng Mười Một 1894, Tôn Trung Sơn sang Hônôlulu thành lập tổ chức cách mạng đầu tiên lấy tên là Hưng Trung hội với cương lĩnh Lật đổ Mãn Thanh, khôi phục Trung Quốc, thành lập Chính phủ hợp chúng. Tổ chức ban đầu chỉ có khoảng hơn 20 Hoa kiều. Về sau phát triển lực lượng cách mạng chuẩn bị khởi nghĩa; đến tháng Hai 1895, Tôn Trung Sơn về Hương Cảng cùng với bạn hữu thành lập tổng bộ Hưng Trung hội chuẩn bị kế hoạch khởi nghĩa ở Quảng Châu. Nhưng trước ngày khởi nghĩa trong nội bộ có kẻ làm phản, kế hoạch khởi nghĩa bị bại lộ, hơn 70 người bị bắt và bị giết. Chính phủ Mãn Thanh treo giải 1000 đồng bạc cho ai bắt được Tôn Trung Sơn. Ông buộc phải rời Quảng Châu sang Nhật, từ Nhật đi Hawai, Mỹ rồi sang Anh. Trong thời gian bôn ba ở nước ngoài ông có điều kiện tiếp xúc với nền dân chủ tư sản nên ở ông dần dần hình thành Chủ nghĩa Tam dân.
Một buổi sáng tháng Mười 1896, Tôn Trung Sơn từ một khách sạn ở London đi ra để gặp thầy giáo Kantlei, người quen cũ hồi ở Học viện y học Hương Cảng, giữa đường ông chạm trán với người của sứ quán nhà Thanh tại London nên bị bắt giữ giải về nước trị tội. Tôn Trung Sơn mất liên lạc với bên ngoài, tính mạng như ngàn cân treo sợi tóc. May nhờ một công nhân quét dọn người Anh làm việc trong sứ quán đưa bức thư đến ông Kantlei.
Nhận được tin, Kantlei lập tức đến Cục cảnh sát Anh nhờ can thiệp nhưng họ làm ngơ, ông đành thông qua giới báo chí. Ngày hôm sau trên các tờ báo lớn ở London đều đăng tin: Hành động bắt người trái phép của sứ quán Trung Quốc. Những người dân Anh ủng hộ cách mạng. Trung Quốc còn đến bao vây sứ quán đòi thả Tôn Trung Sơn. Sự thể đã đến nước ấy, Chính phủ Anh phải ra mặt can thiệp, cuối cùng sứ quán nhà Thanh buộc phải trả lại tự do cho Tôn Trung Sơn.
Năm 1897, Tôn Trung Sơn rời London đi Nhật, để tuyên truyền Hưng trung hội trong hàng ngũ Hoa kiều. Tháng Mười 1898, Tôn Trung Sơn gặp Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu sang lánh nạn ở Nhật sau thất bại Biến pháp Mậu Tuất. Tôn Trung Sơn vận động hai ông cùng hợp tác thành lập Đảng cách mạng nhưng không thành công vì hai ông này vẫn khăng khăng đường lối bảo hoàng.
Năm 1900, dưới ảnh hưởng của phong trào nông dân Nghĩa hòa đoàn, Tôn Trung Sơn về nước phát động cuộc khởi nghĩa của Hưng trung hội ở Huệ Châu vào ngày 8 tháng Mười - 1900, nhưng không thành công. Ông lại phải đi Nhật, Hawai i, Việt Nam, Xiêm, Mỹ để tập hợp thêm lực lượng cách mạng.
Ngày 20 tháng Tám 1905, tại Tokyo, Tôn Trung Sơn hợp nhất Hưng trung hội với các chính đảng cùng một cương lĩnh như Quang phục hội, Hoa hưng hội để thành lập một đảng thống nhất lấy tên là Trung Quốc Đồng minh hội do ông làm Tổng lý. Ông công bố cương lĩnh: Lật đổ Mãn Thanh khôi phục Trung Hoa thành lập dân quốc, bình quân địa quyền. Và tuyên bố: Sau khi lật đổ Mãn Thanh sẽ xây dựng một Nhà nước mới lấy tên là Trung Hoa dân quốc. Tháng Mười Một 1905, trên tờ Dân báo cơ quan ngôn luận của Đồng minh hội ông phát biểu: Chủ nghĩa Tam dân gồm: chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân quyền, chủ nghĩa dân sinh. Sau khi thành lập Đồng minh hội, Tôn Trung Sơn một mặt triển khai cuộc chiến tranh phê phán lý luận cải lương của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu, một mặt tiến hành một loạt cuộc khởi nghĩa vũ trang. Từ năm 1906-1911, ông phát động cả thảy mười cuộc khởi nghĩa tại Hồ Nam, Giang Tây, Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, An Huy, Triết Giang v.v... Trong đó có cuộc khởi nghĩa ở Trần Nam Quan. Tháng Chạp 1907, ông trực tiếp tham gia chiến đấu. Trước ngày khởi nghĩa, ông sang Việt Nam vận động Hoa kiều tham gia Trung Quốc Đồng minh hội và chi viện cho cuộc khởi nghĩa.
Những cuộc khởi nghĩa trên đều thất bại do thiếu tổ chức chặt chẽ, song vì nó nổ ra liên tục nên đã làm cho chính quyền Mãn Thanh suy yếu đồng thời cổ vũ tinh thần cách mạng của nhân dân trong toàn quốc.
Cuộc khởi nghĩa Vũ Xương ngày 10 tháng Mười 1911 trong sử sách thường gọi là cuộc cách mạng Tân Hợi dưới sự lãnh đạo của các tổ chức cách mạng đã chịu ảnh hưởng của Tôn Trung Sơn và Đồng minh hội do đó đã thắng lợi và ảnh hưởng lan rộng ra toàn quốc.
Tôn Trung Sơn đang ở Mỹ nhận được tin lập tức tiến hành hoạt động ngoại giao đối với Chính phủ các nước Âu, Mỹ để cắt đứt mối quan hệ giữa họ với Mãn Thanh.
Cuối Tháng Chạp, Tôn Trung Sơn từ châu Âu trở về Trung Quốc. Do công lao to lớn của ông đối với sự nghiệp cách mạng Trung Quốc, Hội nghị đại biểu của 17 tỉnh độc lập họp ở Nam Kinh đã bầu ông làm Tổng thống lâm thời.
Ngày 1 tháng Giêng 1912, Tôn Trung Sơn nhậm chức Tổng thống ở Nam Kinh và lập ra Chính phủ Trung Hoa dân quốc. Ngày 12 tháng Hai 1912, Hoàng đế Phổ Nghi buộc phải thoái vị, kết thúc hơn 2000 năm chế độ quân chủ chuyên chế ở Trung Quốc, nước cộng hòa được thiết lập. Tôn Trung Sơn tuyên bố một loạt các pháp lệnh cải cách. Ngày 11 tháng Ba 1912, ban bố Lâm thời ước pháp của Trung Hoa dân quốc với tư cách là bản hiến pháp của nước cộng hòa tư sản. Nhưng cuối cùng do áp lực của các nước đế quốc và thế lực phong kiến trong nước cộng với sự yếu kém và tản mạn của đảng cách mạng, nên Tôn Trung Sơn buộc phải chấp nhận các điều kiện của Viên Thế Khải là nhường chức Tổng thống cho Viên Thế Khải sau khi Vua Thanh thoái vị.
Ngày 1 tháng Tư 1912, Tôn Trung Sơn chính thức rút lui khỏi ghế Tổng thống. Tháng Tám 1912 ông cải tổ Trung Quốc Đồng minh hội thành Quốc dân đảng. Nhưng không bao lâu Tống Giáo Nhân người phụ trách chính của Đảng bị Viên Thế Khải sai người ám sát (tháng Ba 1913). Lúc đó Tôn Trung Sơn đang ở Nhật Bản, hay ông lập tức về nước tập hợp lực lượng thảo phạt Viên Thế Khải. Nhưng cuộc cách mạng lần thứ hai này không thành công, ông lại phải lưu vong sang Nhật Bản sang tại Tokyo. Tháng Sáu 1914, ông tập hợp lực lượng lập ra Trung Hoa cách mạng đảng hy vọng hồi phục tinh thần của Trung Quốc Đồng minh hội để tiến tới làm cuộc cách mạng lần thứ ba. Ngày 25 tháng Mười 1915, Tôn Trung Sơn kết hôn với bà Tống Khánh Linh, nhưng ông đâu có được dành toàn bộ thời gian cho hạnh phúc riêng của mình. Trong khi các thế lực quân phiệt phía Bắc âm mưu xóa bỏ nền dân chủ, ông lại phải quay trở về Quảng Châu thành lập Chính phủ quân sự tiến hành cuộc chiến tranh hộ pháp năm 1917. Nhưng cuộc cách mạng lần này cũng không thành công do sự phản bội của các thế lực quân phiệt phía Nam, Giữa lúc Tôn Trung Sơn không tìm được người bạn đồng hành nào trong đám quân phiệt, thì cuộc cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi và phong trào Ngũ Tứ ở Trung Quốc năm 1919 bùng nổ. Tình hình mới khiến ông nảy sinh nhận thức mới đối với lực lượng quần chúng. Từ năm 1920, ông bắt đầu tiếp xúc với các nhân sĩ Liên Xô. Tháng Mười 1919, ông cải tổ Trung Hoa cách mạng đảng thành Trung Quốc quốc dân đảng. Trong bản Tuyên ngôn của Quốc dân đảng tháng Giêng 1923, ông tuyên bố sẽ dựa vào quần chúng để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Ông chủ trương xây dựng Quảng Châu thành đại bản doanh cách mạng, đồng thời gấp rút cải tổ Quốc dân đảng.
Tháng Tám 1923, ông cử một đoàn đại biểu do Tưởng Giới Thạch cầm đầu sang Liên Xô khảo sát tình hình chính trị xây dựng Đảng và quân đội. Tháng Mười 1923, ông tiếp nhận đoàn cố vấn của Liên Xô do Bôrôđin dẫn đầu đến Quảng Châu. Tháng Giêng 1924, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Quốc dân đảng được triệu tập. Trên diễn đàn đại hội, Tôn Trung Sơn tuyên bố ba chính sách lớn của đảng: Liên Nga, liên cộng, ủng hộ công nông.
Đại hội cử ra một ban chấp hành mới có sự tham gia của Đảng cộng sản. Trong bản Tuyên ngôn của đại hội, Tôn Trung Sơn giải thích nội dung mới của chủ nghĩa Tam dân gồm ba điều: phản đế, phản phong, tiết chế đại tư bản. Trong lịch sử gọi là Chủ nghĩa Tam dân mới. Nó trở thành cương lĩnh chung cho mặt trận thống nhất Quốc cộng hợp tác lúc bấy giờ.
Trải qua kinh nghiệm trong cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, Tôn Trung Sơn đã rút ra bài học: cần phải có lực lượng vũ trang. Tháng Năm 1924, được sự giúp đỡ của Liên Xô và Đảng cộng sản, ông thành lập trường quân sự Hoàng Phố ở Quảng Châu để bồi dưỡng cán bộ quân sự. Tháng Mười 1924, Tôn Trung Sơn nhận lời mời của Trương Tác Lâm lên Bắc Kinh để bàn công việc Quốc gia. Ông đi một vòng qua Thương Hải sang Nhật rồi về Thiên Tân. Đến tháng Chạp, ông đến Bắc Kinh thì bệnh gan của ông đã rất nặng, ông mất ngày 12 tháng Ba 1925 tại Bắc Kinh để lại di chúc: Cần phải thức tỉnh quần chúng liên kết với các dân tộc đối xử bình đẳng với chúng ta. Đám tang ông được tổ chức trọng thể với nghi lễ quốc tang. Đây là đám tang lớn nhất trong lịch sử Trung Hoa kể từ năm 1925 trở về trước. Đưa tang ông có hàng chục vạn người và các hàng quân danh dự bồng súng hai bên đường tiễn chào và đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng.
Năm 1929 di hài ông được chuyển về an táng tại Núi Tử Kim, Nam Kinh. Năm 1986 Trung Quốc xuất bản cuốn Tôn Trung Sơn toàn tập gồm 11 quyển. Ở Đài Loan xuất bản Quốc phụ toàn tập.