Tài liệu: Khang Hữu Vi (1858 - 1927)

Tài liệu
Khang Hữu Vi (1858 - 1927)

Nội dung

KHANG HỮU VI (1858 - 1927)

 

Ông là lãnh tụ của phái cải lương tư sản Trung Quốc thời Cận đại và là người chủ xướng phong trào Duy Tân Trung Quốc hồi cuối thế kỷ XIX.

Khang Hữu Vi tên Tổ Di, tự Quảng Hạ, hiệu Trường Tố. Ông xuất thân trong một gia đình địa chủ quan lại huyện Nam Hải Quảng Đông. Bố là Khang Đạt Sơ làm Quan Tri huyện hậu bổ tỉnh Giang Tây thời nhà Thanh. Năm Khang Hữu Vi lên 11 tuổi thì bố mất, ông theo ông nội đang là quan giáo học châu Liên. Ông nội thông hiểu sách Nho gia nên Khang Hữu Vi có điều kiện tìm hiểu lịch sử Trung Quốc, nghiên cứu nguyên nhân thịnh suy của các triều đại phong kiến.

Năm 17 tuổi, ông bắt đầu tìm hiểu về tình hình chính trị Quốc tế. Năm 19 tuổi, Khang Hữu Vi kết hôn với nữ sĩ họ Trương, cũng năm đó ông nội qua đời Khang Hữu Vi tìm tới Lễ Sơn Thảo đường của nhà học giả nổi tiếng Chu Thế Kỳ xin học. Ở đây, ba năm ông không chỉ nghiên cứu kinh điển Nho gia, Trình Chu học mà còn tiếp xúc với học thuyết của Lục Cửu Uyên và Vương Thủ Nhân. Ông rất tâm đắc với học thuyết của Lục Vương về: Tri thức và hành động phải thống nhất, Tri thức và hành động cùng tiến bước. Chính vì thế mà trong tư tưởng của Khang Hữu Vi đã nảy sinh những nhận thức mới, rằng lý thuyết của Trình Chu chẳng có gì tác dụng mấy.

Năm 1879, Khang Hữu Vi về quê nghiên cứu Phật học, gặp gỡ với những người ở Viện Hàn Lâm mới biết ở Bắc Kinh cũng đã xuất hiện mầm mống tư tưởng cải lương. Từ đó, ông tìm đọc một số sách dịch như Tây quốc cận sự hối biên, Hoàn du địa cầu Tân lục tìm hiểu phương pháp trị quốc của phương Tây. Cuối năm đó, ông có dịp đi Hương Cảng, tận mắt nhìn thấy tình hình kiến thiết ở đây. Ông bắt đầu thay đổi cách nhìn đối với chủ nghĩa tư bản, ông nói: Không thể xem họ như Di địch được và bắt đầu nảy sinh tư tưởng muốn cải cách chế độ phong kiến chuyên chế Trung Quốc.

Song tư tưởng duy tân của Khang Hữu Vi chính thức hình thành từ sau lần ông tới Bắc Kinh dự thi Hương tháng Sáu 1882 và thi hỏng. Ông trở về Quảng Đông qua Thượng Hải tham quan các tô giới nước ngoài. Từ đó, ông quyết tâm nghiên cứu phương pháp trị quốc. Trải qua mấy năm mày mò ông đi tới kết luận: ''Những biện pháp trị quốc của phương Tây có thể cứu Trung Quốc, ông nói: ''Muốn cứu Trung Quốc phải duy tân, muốn duy tân chỉ có học nước ngoài”.

Năm 1888, ông lại lên Bắc Kinh dự thi Hương, không đỗ, lúc này Trung Quốc vừa thất bại trong chiến tranh Trung - Pháp được ba năm, tình cảnh đất nước đã thúc bách ông dâng thư lên Hoàng đế Quang Tự kiến nghị thực hành tân pháp: Phát triển chủ nghĩa tư bản trên cơ sở bảo tồn chế độ quân chủ. Bức thư dài 5000 chữ, nhiều vấn đề được đề cập trong Biến pháp Mậu Tuất (1898) sau này. Tuy thư không đến được tay Vua nhưng đã gây tiếng vang lớn trong giai cấp thống trị và giai cấp tư sản mới hình thành lúc bấy giờ.

Để chuẩn bị cho học thuyết cải cách của mình, từ năm 1891-1897, ông viết nhiều tác phẩm quan trọng như Tân học ngụy kinh khảo, Khổng Tử cải chế khảo, chứng minh đến Khổng Tử cũng còn thực hành biến đổi, biến đổi là hợp với đạo trời, là lý của vạn vật cần phải thoát cổ cải chế.

Tháng Ba 1895, Khang Hữu Vi lên Bắc Kinh dự thi Hội, lúc bấy giờ dân tình đang xôn xao trước sự thất bại của Trung Quốc trong chiến tranh Trung Nhật và hiệp ước bất bình đẳng Mã Quan. Khang Hữu Vi đã liên kết với 1200 cử nhân của 18 tỉnh đệ trình một bức thư lên Hoàng đế Quang Tự yêu cầu cải cách mong Hoàng đế hạ chiếu thư nói rõ sai lầm trước đây, có biện pháp thưởng phạt công minh, trọng dụng người tài. Ông yêu cầu dời đô lên Tây An, xây dựng quân đội hùng mạnh để bảo vệ Tổ quốc và một loạt cải cách giáo dục, kinh tế, khiến Quốc gia phú cường. Những điều trong thư đã sơ bộ hình thành cương lĩnh hiến pháp cải lương tư sản của ông. Lần thi này Khang Hữu Vi đỗ Tiến sĩ và được cử làm Chủ sự công bộ tại triều đình.

Ngày 29 tháng Năm 1895, khi chưa nhậm chức, ông lấy danh nghĩa Tiến sỹ dâng bức thư dài 13.000 chữ lên Hoàng đế Quang Tự, đây là bức thư thứ ba trình bày sự bức thiết phải thực hành biến pháp. Tiếp đó ông lại đệ trình bức thư thứ tư trình bày về việc thiết lập Nghị viện.

Để cổ động cải cách, Khang Hữu Vi sáng lập Vạn quốc công báo sau đổi thành Trung ngoại kỳ văn tuyên truyền lợi ích của tân pháp. Ông cùng một số quan lại tiên tiến sáng lập Cường học hội ở Bắc Kinh, Thượng Hải, sáng lập Cường học báo cơ quan ngôn luận của hội.

Ngày 24 tháng Giêng 1918, Vua Quang Tự mời Khang Hữu Vi đến để lục vấn biến pháp. Khang Hữu Vi đã thẳng thắn bác bỏ tư tưởng ngoan cố: Pháp luật của tổ tông bất khả biến của Vinh Lộc và tư tưởng bảo thủ duy trì hiện trạng của Lý Hồng Chương, giảng giải về sự cần thiết của biến pháp và các biện pháp cụ thể. Qua sự tiến cử của Uông Đông Hòa, Vua giao cho Khang Hữu Vi làm trù bị biến pháp. Tháng Sáu 1898, Vua Quang Tự hạ chiếu tuyên bố biến pháp, đồng thời phái Đàm Tự Đồng, Dương Nhuệ, Lưu Quang Đệ, Lâm Húc cùng tham dự biến pháp. Từ ngày 11 tháng Sáu 1898 đến ngày 21 tháng Chín 1898, Vua Quang Tự ban hành một loạt pháp lệnh về kinh tế, chính trị, văn hóa mà Khang Hữu Vi đã dự thảo thư khuyến khích phát triển nông, công, thương, mở rộng ngôn luận, giảm bớt hệ thống quan lại, phế bỏ bát cổ văn, mở trường học, lập cục phiên dịch, cử lưu học sinh đi du học. Tất cả nội dung trên là Biến pháp Mậu Tuất. Biến pháp đã gặp phải sự phản kháng mãnh liệt của phái bảo thủ đứng đầu là Từ Hy Thái Hậu, Ngày 21 tháng Chín 1898, Từ Hy thực hành chính biến  truy bắt Khang Hữu Vi với tội trạng: kết đảng, mưu loạn.

Khang Hữu Vi trốn khỏi Bắc Kinh xuống Thượng Hải đi Hương Cảng, Sau đó rời Hương Cảng sang Nhật qua Canada sang Anh. Ngày 20 tháng Bảy 1899, ông lập Bảo hoàng hội với mục đích ủng hộ Vua Quang Tự. Từ đó, ông trở thành lãnh tụ của phái tư sản bảo hoàng. Từ năm 1901-1903, tại Ấn Độ ông viết Đại đồng thư một số tác phẩm khác bộc lộ tư tưởng: tiến từ từ không thể nhảy vọt, phản đối phong trào cách mạng tư sản của Tôn Trung Sơn. Năm 1907 đổi tên Bảo hoàng hội thành Hội hiến chính quốc dân xúc tiến Chính phủ nhà Thanh thực hiện hiến chính.

Sau Cách mạng Tân Hợi 1911, ông vẫn khăng khăng quan điểm chính thể cộng hòa không thực hành được ở Trung Quốc. Năm 1913, ông sáng tác Tạp chí Bất Nhẫn ở Thượng Hải, làm Hội trưởng hội Khổng giáo.

Năm 1917, ông cùng Trương Huân chủ mưu hồi phục Hoàng đế Phổ Nghi nhưng bị thất bại. Những năm cuối đời, ông đi chu du khắp nước truyền bá Khổng giáo, ông ốm và mất tại Thanh Đảo tháng Ba 1927.

Những trước tác của Khang Hữu Vi rất phong phú, thống kê có tới 139 loại. Ông Trương Quý Lân ở Đài Loan đã biên tập thành Khang Nam Hải tiên sinh di trước hối san; Vạn mộc thảo đường di cảo; Vạn mộc thảo dường di cảo ngoại biên.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1062-02-633390273700025000/Nhung-hoang-de-nguyen-thu-quoc-gia-chinh-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận