Tài liệu: Theodore Roosevelt (1858 - 1919)

Tài liệu
Theodore Roosevelt (1858 - 1919)

Nội dung

THEODORE ROOSEVELT (1858 - 1919)

 

Theodore Roosevelt (Thiođo Rudơven) đặt trùng tên với người bố của ông. Đó cũng là tên một hãng sản xuất đồ chơi đã lấy tên ông đặt cho sản phẩm các chú gấu nhồi bông của mình. Lý do là trước đó trên báo chí xuất hiện một bức tranh biếm họa vẽ cảnh Roosevelt không nỡ bắn một chú gấu con mặc dù ông đang đi săn. Các tít báo viết bài về Theodore Roosevelt thường ghi tắt tên ông là TR. Vì thế, ông là vị Tổng thống đầu tiên được công chúng biết đến với cái tên gọi là chữ viết tắt của hai chữ cái đầu.

a. Thời thơ ấu, con người, tính cách và sở thích.

Roosevelt sinh ngày 27-10-1858 trong một khu biệt thự cổ của gia đình ở số nhà 28, Phố East 20th Street, New York City, và cũng là Tổng thống duy nhất sinh ra tại thành phố này.

Hồi còn trẻ Roosevelt bị bệnh hen suyễn, người nhỏ và gầy, da hơi tái. Nhưng nhờ kiên trì tập luyện với sức mạnh của một ý chí sắt đá, ông vượt qua bệnh tật, trở thành một Roosevelt khỏe mạnh, một con người của hoạt động. Roosevelt cao khoảng 1,72m, nặng 90kg ngực nở, cổ bành, cằm lõm, tóc cắt ngắn, đôi mắt to và xanh, ria rậm, mũi khá to, nhưng tai lại hơi nhỏ. Nét đặc biệt nhất ở Roosevelt là nụ cười rất thoải mái, tự nhiên. Ông thường mang cặp kính không gọng vì ông bị cận thị nặng. Một lần chơi quyền Anh, Roosevelt bị thương vào mắt trái, võng mạc hỏng dần và cuối cùng gần như mất toàn bộ khả năng thị giác. Nét khác biệt nữa của Roosevelt là khi đứng, ông thường hơi co vai về phía sau còn đầu thì hơi ngả ra phía trước. Roosevelt luôn ăn mặc khá hợp thời trang.

Roosevelt có những tính cách rất đặc biệt. Người ta thường nói rằng Roosevett luôn có khả năng chủ động biến mình thành trung tâm thu hút sự chú ý của mọi người, đến mức có người đã từng nhận xét rằng: “Ông là cô dâu của mọi đám cưới, là kẻ quá cố của mọi đám ma”.

Có thể nói tính cho đến lúc đó, Roosevelt là vị Tổng thống trẻ tuổi nhất, nhưng đã tỏ ra là nhà lãnh đạo tối cao năng nổ, tích cực nhất. Không giống như những người tiền nhiệm, ông rất vui được ở cương vị của một Tổng thống và rất nuối tiếc khi nhiệm kỳ của ông kết thúc. Mạnh bạo, quyết đoán, đầy hoài bão và kiêu hãnh, Roosevelt có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với cả đàn ông và phụ nữ. Ông rất yêu trẻ em và thường dành thời gian chơi đùa với chúng hoặc cùng chúng ngồi quây quần và kể chuyện cho chúng nghe. Là người có tài kể chuyện, ông luôn chiếm được cảm tình của người nghe, đặc biệt là khi ông kể về những cuộc phiêu lưu của ông ở miền Tây. Roosevelt rất ghét chuyện tiếu lâm, và nếu có được nghe kể thì ông thường bỏ đi giữa chừng khi ông phát hiện ra cái cốt tiếu lâm không lấy gì làm đứng đắn của nó. Trong khi nói, dù là phát biểu trước đám đông hay trò chuyện cá nhân, ông luôn cố giữ vẻ nghiêm túc, giọng nói lưu loát, dứt khoát, hơi nuốt từ; bàn tay thường nắm lại vung lên mỗi khi ông muốn nhấn mạnh một vấn đề nào đó, đầu thì thường rướn lên, lùi xuống gần như cùng nhịp với từng từ trong câu nói. Song phải công nhận rằng Roosevelt cũng là một người biết lắng nghe, ông có thể kiên nhẫn lắng nghe người khác nói chuyện cho dù câu chuyện ấy có dài dòng, lê thê đến mấy. Đặc biệt Roosevelt có một trí nhớ tuyệt vời. Mọi người được ông tiếp chuyện đều thực sự thán phục vì ông có khả năng đọc lại thuộc lòng nhiều đoạn trong một cuốn sách mà ông đã từng đọc hàng mấy chục năm về trước. Ông giải thích rằng: nếu tập trung cao, ông có thể ghi cả trang sách vào đôi mắt của bộ óc và rồi sau đó đơn giản chỉ là ông đem trang sách đó ra đọc lại mà thôi.

 

b - Học vấn:

Chỉ trừ một thời gian ngắn khoảng vài tháng học ở trường của thầy giáo Mác Mullen, còn lại do sức khỏe quá yếu nên Roosevelt chủ yếu là học tại nhà và được bác Annie Bulloch - chị gái của mẹ dạy cho các kiến thức cơ bản. Chính Annie Bulloch đã kể cho Roosevelt nghe những câu chuyện về lịch sử của vùng đất phía Nam trước chiến tranh. Roosevelt còn  theo học một số giáo viên khác nữa, trong đó có cả một giáo viên dạy môn nhồi xác thú để giúp cậu tiếp tục theo đuổi niềm say mê nghiên cứu động vật bấy lâu nay. Năm 1873, tại Dresden, Đức, Roosevelt học tiếng Đức và tiếng Pháp do có Fraulein Anna Minkwitz dạy. Ngay từ hồi đó, cô Fraulein đã dự đoán trước rằng: ''Cậu bé này một ngày nào đó chắc chắn sẽ trở thành một vị giáo sư vĩ đại mà chưa biết chừng lại trở thành một Tổng thống của nước Mỹ cũng nên”. Cuối năm 1873, Roosevelt cùng gia đình trở về Mỹ và thực sự bắt đầu học tập khá căng thẳng dưới sự hướng dẫn của thầy Arthur Hamilton Cutler để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển vào Đại học Harvard năm 1875. Ngay năm đầu tiên thi đỗ vào trường (1878), Roosevelt đã tham gia cuộc đốt đuốc diễu hành của sinh viên vận động bầu cử Tổng thống cho Rutherford B. Hayes. Cậu học xuất sắc hầu hết các môn học như: tiếng Đức hùng biện, triết học, song lại khá chật vật với các môn ngôn ngữ cổ. Roosevelt rất tích cực tham gia các hoạt động học đường. Roosevelt từng làm quản lý thư viện của Câu lạc bộ Poreellian, thư ký Câu lạc bộ Hasty Pudding, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ lịch sử tự nhiên, biên tập viên tờ Advocate một trong những người sáng lập Câu lạc bộ Tài chính và còn tham gia viết bài, thuyết giảng tại Câu lạc bộ Nghiên cứu về các loại chim Nuttall, Roosevelt còn tham gia giải vô địch quyền Anh sinh viên hạng nhẹ và đứng thứ 2 sau C.S Hanks. Mặc dầu không đạt được chức vô địch, song Roosevelt được mọi người nhiệt liệt hoan nghênh về tinh thần thể thao cao cả trong suốt trận đấu. Đúng vào cuối hiệp một, Hanks đấm chảy máu mũi Roosevelt, sau khi trọng tài đã rung chuông kết thúc hiệp đầu. Và thế là khán giả lập tức la ó phản đối. Nhưng rất bình tĩnh, Roosevelt quay lại phía khán giả, yêu cầu giữ trật tự và giải thích rằng trước đó Hanks đã không nghe thấy tiếng chuông, rồi đi lại phía đối thủ của mình bắt tay anh ta trước sự tán thành của những người hâm mộ. Roosevelt tốt nghiệp Phi Beta Kappa và Magna cum laude, đứng thứ 21 trong số 177 sinh viên ra trường khóa năm 1880. Theo lời khuyên của Giáo sư J. Laurence Laughlin và cô bạn gái Alice Lee, Roosevelt quyết định từ bỏ hoài bão trở thành một nhà tự nhiên học mà thay vào đó Roosevelt tiếp tục theo học luật để chọn con đường sự nghiệp xã hội. Vào học tại trường Luật Colombia được một năm (1880) thì ngay năm sau, Roosevelt đã thôi học để ra tranh cử vào ghế Viện dân biểu của tiểu bang. Và từ đó về sau, Roosevelt không còn cơ hội nào để tiếp tục học luật nữa.

c - Gia tộc dòng họ và gia đình.

Roosevelt mang cả dòng giống Hà Lan, Scốtlen, Huguenot và Anh. Người đầu tiên của dòng họ nội đến nhập cư từ Hà Lan là ông nội năm đời của Roosevelt - ông Claes Maertenszen Van Roosevelt cũng là cụ tổ lập gia thế của Franklin D. Roosevelt làm nghề nông phu. Roosevelt đến lập nghiệp tại New Netherland vào năm 1644. Ông nội bốn đời của Roosevelt là Nicholas Roosevelt đã từng là Phó thị trưởng New York (từ năm 1698 đến năm 1701).  Cụ ngoại của Roosevelt - ông Archibald Bulloch là Thống đốc đầu tiên của Goergia trong thời kỳ Cách mạng Mỹ.

Cha của Roosevelt là ông Theodore Roosevelt (1831 - 1878), thương gia. Tổng thống đã từng viết về cha mình thế này: ''Cha tôi là một người tuyệt vời nhất mà tôi từng biết.. Không ai có niềm vui về cuộc sống lớn đến thế. Không ai toàn tâm với mọi việc đến như thế...''. Sinh ra và lớn lên ở New York City, ông từng tham gia thành lập công ty kinh doanh nhập khẩu Roosevelt và Con trai. Ông còn dành khá nhiều thời gian tham gia vào các hoạt động từ thiện, cùng làm việc với trẻ em nghèo ở New York City và giúp đỡ thành lập Bệnh viện chỉnh hình New York, Bảo tàng nghệ thuật Thủ phủ tiểu bang và một số tổ chức xã hội có uy tín khác. Với tư cách là một đảng viên Cộng hòa, ông ủng hộ Abraham Lincoln và ủng hộ Liên minh suốt trong thời gian Nội chiến. Cuộc Nội chiến thực sự là một thử thách đặc biệt đối với gia đình Roosevelt, bởi vì bà Roosevelt - vợ ông là người gốc phía Nam. Không tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự mà thuê một người khác thay thế, song ông lại làm ủy viên Hội đồng Phiên chế Dân sự. Nhiệm vụ của ông là đến các doanh trại quân đội vận động binh sĩ dành một phần tiền lương gửi về trợ giúp gia đình. Sau Nội chiến; ông cùng các đảng viên Cộng hòa chủ trương cải cách theo phe đối lập với các nhà lãnh đạo của Đảng. Năm 1877, để đối phó với phái Roscoe Conkling, Tổng thống Rutherford B. Hayes đã chỉ định Roosevelt làm trạm trưởng trạm thuế Cảng New York thay cho Chester A. Arthur, song Thượng Nghị viện đã bỏ phiếu không thông qua quyết định này. (Số phiếu không tán thành là 31, số phiếu tán thành là 25). Sau đó không lâu, ông chết vì bệnh ung thư ruột.

Mẹ của Roosevelt là bà Martha Mittie Bulloc Roosevelt (1834 - 1884). ''Mẹ tôi là một phụ nữ phương Nam xinh đẹp, duyên dáng và dịu hiền, một người bạn tốt được mọi người yêu mến. Cho đến ngày cuối đời bà vẫn là người không hề đi “tái giá”, (Trích lời Tổng thống). Mittie sinh ra và lớn lên trong một vùng đồn điền ở Bang Georgia. Có thể nói Mittie là một điển hình của các thiếu nữ phương Nam xinh đẹp. Mittie thành hôn với Theodore Roosevelt năm 1853. Thời kỳ Nội chiến, bà công khai ủng hộ Liên minh 11 bang miền Nam. Hai anh trai của bà đều phục vụ trong hải quân của Liên minh, còn bà ủng hộ bằng tiền và quần áo cho Liên minh thông qua các đại diện ở New York. Mittie bị bệnh sốt thương hàn và mất cùng ngày với người vợ thứ nhất của Tổng thống Roosevelt (lúc đó Roosevelt mới chỉ là ủy viên hội đồng lập pháp Tiểu bang New York), trong cùng một ngôi nhà. Roosevelt được bà mẹ để lại số tiền thừa kế 62.500 đô la.

Anh chị em

Roosevelt là con thứ hai trong số bốn anh chị em. Ông có một chị gái, một em trai và một em gái, bà Anna ''Bamie'' Cowles, vợ ông William Sheffeild Cowles - Thiếu tướng hải quân, Bamie gặp Cowles lần đầu tiên khi bà đang phục vụ tại tòa Công sứ Mỹ ở London, theo lời mời của ngài Công sứ J.Roosevelt; ''Rosie'' Roosevelt, anh em cùng cha khác mẹ của Franklin D.Roosevelt; Elliot Roosevelt, cha đẻ của Eleanor Roosevelt; Bà Corinne Robinson, là thành viên của Hội đồng Hành động ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa, hoạt động trong hội Chữ thập đỏ. Bà là tác giả cuốn: Anh trai Theodore Roosevelt của tôi (My Brother Theodore Roosevelt, 1921). Corinne là vợ ông Douglas Robinson, cháu họ của Tổng thống James Monroe.

Anh, em họ:

Theodore Roosevelt là anh em họ ba đời của Tổng thống Martin Van Buren; có họ hàng 5 đời của Tổng thống Franklin D. Roosevelt; là bác ruột Eleanor Roosevelt và là ông bác của hai nhà báo Joseph Alsop và Stewart Alsop.

Con:

Roosevelt chỉ có một con gái với người vợ thứ nhất tên là Alice Roosevelt (1884 - 1980). “Tôi chỉ có thể làm được một trong hai việc”, Roosevelt đã có lần nói ''hoặc trở thành Tổng thống Mỹ, hoặc điều khiển được Alice, chứ không thể cùng một lúc làm được cả hai”. Báo chí thường gọi Alice bằng các biệt danh Công Chúa Alice. Alice tính tình bộc trực, mạnh mẽ hệt như bố. Alice ra mắt trước công chúng lần đầu tiên năm 1902. Bốn năm sau, Alice thành hôn với Nicholas Longworth, Hạ Nghị sĩ Đảng Cộng hòa và sau này là người phát ngôn Hạ Nghị viện. Lễ cưới được tổ chức tại phòng phía Đông của Nhà Trắng. Sau khi Longworth mất (1931), Alice vẫn tiếp tục sống ở Thủ đô và trở thành ''một bức tượng đài khác của Washington”, nổi tiếng với sự thông thái và sắc sảo.

Với người vợ thứ hai, Roosevelt có 4 con trai và 1 con gái: Theodore Roosevelt (1887-1944), viên chức, sĩ quan. Giống hệt bố cả về tính tình và ngoại hình, TR. Jr tốt nghiệp Đại học Harvard. Năm 1917 TR. Jr , được phong hàm Thiếu tá. Trong thời gian chiến tranh thế giới Thứ nhất, TR. Jr được phong cấp Trung tá. Trong trận Soissons, Tr. Jr bị thương nhưng sau đó TR .Jr lại trực tiếp chỉ huy lực lượng bộ binh đánh trận Argonne. TR. Jr, đã từng được nhận Huân chương Trái tim đỏ, một loại Huân chương cao quý ghi nhận công lao do Chính phủ trao tặng và cả một Chữ thập ghi công. Sau thời kỳ tạm ngừng chiến TR. Jr, tham gia Viện dân biểu Tiểu bang New York vào năm 1919 rồi được Tổng thống Warren G. Harding bổ nhiệm làm Phó Thống đốc Hải quân nhiệm kỳ 1921-1925. TR . Jr bị kết tội là kẻ tòng phạm không chủ tâm trong vụ bê bối Teapot Dom và đã cho phép chuyển các kho dự trữ dầu lửa của hải quân sang cho Bộ nội vụ sử dụng. Năm 1924 TR. Jr ra tranh cử chức Thống đốc Tiểu bang New York với tư cách là ứng cử viên Đảng Cộng hòa. Song đã chịu thất bại trước đối thủ là Al Smith - ứng cử viên Đảng Dân chủ. TR. Jr được Tổng thống Calvin Coolidge bổ nhiệm làm Toàn quyền Puerto Rico từ năm 1929 đến năm 1932 và được Tổng thống Herbert Hoover cử làm Toàn quyền tại Philippines trong hai năm 1932-1933. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, TR. Jr, được giao nhiệm vụ chỉ huy đại đội bộ binh số 26 đóng  quân tại Châu Phi Italia và Normandi. TR. Jr, cũng có mặt trong quân đội Mỹ khi đổ bộ chiếm Normandi của Pháp trong ngày D đáng nhớ. Sau đó không lâu, TR. Jr mất do gặp tai nạn. Ghi nhận công lao trong trận Normanđi, được Quốc hội Hoa Kỳ truy tặng Huân chương Danh dự.

Kermit Roosevelt (1889 - 1943) là một sĩ quan và kiêm thương gia. Kermit Roosevelt cũng tốt nghiệp Đại học Harvard. Kermit đã từng theo cha đi săn thú ở Châu Phi (1909 - 1910) và hành trình qua rừng rậm Brazil năm 1913-1914. Trong thế chiến thứ nhất, Kermit là Đại úy của quân đội Anh chiến đấu tại Trung Đông, sau đó lại làm việc với tư cách là Thiếu tá pháo binh của quân đội Mỹ tham chiến. Chiến tranh kết thúc, Kermit trở thành một chuyên gia về tàu biển chạy bằng hơi nước. Thời gian đầu, khi thế chiến thứ hai nổ ra, Kermit lại tham gia quân đội Anh cấp bậc Thiếu tá, chiến đấu ở Na Uy và Ai Cập. Sau đó, Kermit gia nhập quân đội Mỹ. Kermit cũng chết do gặp tai nạn trong khi đang làm nhiệm vụ tại Alaska vào năm 1943.

Ethel Carow Roosevelt (1891-1977) Ethel thành hôn với Giáo sư Richard Derby vào năm 1913. Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, Ethel làm y tá cho bệnh viện cấp cứu Mỹ đóng tại Paris. Chồng bà cũng làm Bác sĩ ở bệnh viện đó.

Archibald Bulloch Roosevelt (1894-1979), nhà tài chính, sĩ quan. Tốt nghiệp Đại học Harvard Archibald tham gia quân đội trong chiến tranh thế giới thứ nhất, mang cấp bậc Đại úy. Bị thương nặng tại Pháp, Archibald được trao tặng danh hiệu Croix de Guerre và được xếp vào hạng thương binh cho phép giải ngũ. Trở về Mỹ, Archiibald nhanh chóng trở thành chủ một ngân hàng đầu tư ở Wall Street. Khi thế chiến thứ hai nổ ra, Archibald lại nhập ngũ và được thăng cấp Trung tá và chiến đấu tại chiến trường Thái Bình Dương. Một lần nữa, Archibald trúng đạn pháo, bị thương nặng và lại được quyết định cho giải ngũ.

Quentin Roosevelt (1897-1918) là phi công thuộc đoàn phát hành quân sự tham gia chiến đấu trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Máy bay của Quentin bị trúng đạn của quân đội Đức và Quentin hy sinh trên đất Pháp.

d- Hôn nhân.

Ngày 27-10-1880, Theodore Roosevelt thành hôn với Alice Hathaway tại Nhà thờ Nhất thể ở Brookline, Bang Massachusetts. Năm đó, Roosevelt 22 tuổi, còn Alice mới 19. Alice Hathaway Lee sinh ngày 29-7-1861 tại Chestneet Hill, Bang Massachusetts, là con gái ông George Cabot Lee, một chủ ngân hàng nổi tiếng và bà Caroline Haskell Lee. Alice có dáng người cao (hơn 1,7m), tươi tắn xinh đẹp và thông minh. Lần đầu tiên Alice gặp Roosevelt vào ngày 18 - 10 - 1878 tại gia đình Saltonstall - hàng xóm của Alice, Roosevelt lúc đó là bạn cùng lớp của Richard Saltonstalt - con trai ông chủ nhà. Đến ngày Lễ tạ ơn Chúa, Roosevelt quyết định sẽ cưới Alice, và tháng 6 sau đó, Roosevelt chính thức cầu hôn. Nhưng Alice chưa nhận lời. Mãi sáu tháng sau, Alice mới chấp nhận đính hôn. Lễ cưới của họ được tổ chức đúng vào ngày Tình yêu (Valentine’s Day 14-2- 1880). Khách khứa được mời đến dự lễ thành hôn và lễ đón tiếp được tổ chức tại gia đình cô dâu. Trong số đó có cả Edith Carow, người sau này trở thành vợ thứ hai của Roosevelt. Đêm tân hôn, đôi vợ chồng trẻ ở tại Springfield, Massachusetts, sau đó họ trở về ngôi nhà của gia đình Roosevelt ở Vịnh Con Sò, New York hưởng tuần trăng mật. Thế rồi chỉ bốn năm sau bi kịch đã xảy ra. Đúng vào ngày 14-2-1884, kỷ niệm lần thứ tư ngày cưới, bà phu nhân Roosevelt từ trần tại New York vì bệnh bright (brai) và một số vấn đề khó khăn về sinh nở. Alice năm đó mới tròn 22 tuổi. (Cùng ngày hôm đó, cũng trong ngôi nhà này, bà Martha Bulloch Roosevelt - mẹ của Roosevelt cũng từ giã cõi đời). Alice được đưa về chôn cất tại Cambridge, Bang Massachusetts.

Ngày 2-12-1886, Theodore Roosevelt lúc đó 28 tuổi tái giá cùng Edith Kermit Carow 25 tuổi tại nhà thờ Thánh George, Quảng trường Hanover London, Carow sinh ngày 6 - 8 - 1861 ở Norwich, Bang Connecticut, là con gái nhà thương gia Charles Carow và bà Gertrude Tyler Carow. Carow là hàng xóm của Roosevelt. Từ nhỏ, Carow đã chơi rất thân với Corinne - em gái Roosevett. Thời niên thiếu, cùng chia sẻ niềm yêu thích sách báo và thiên nhiên, tình cảm giữa họ ngày càng trở nên lãng mạn. Nhưng sau khi Theodore chia tay với Harvard và gặp Alice Lee thì họ không còn gần gũi nữa. Khoảng một năm sau ngày mất của người vợ thứ nhất, Roosevelt quay lại với Carow. Hai người gặp nhau tại nhà em gái của Roosevelt. Từ đó, họ thường xuyên gặp gỡ nhau, và ngày 17-11-1885, Carow nhận lời cầu hôn của Roosevelt. Tuy vậy, để giữ ý, Roosevelt quyết định hoãn Việc tuyên bố đính hôn. Lễ cưới về sau được tổ chức theo nghi lễ rất giản dị, không ồn ào và chỉ mời một số rất ít khách khứa bạn bè thân cận. Vào ngày đó, sương mù London giăng kín nhà thờ, song chú rể vẫn nổi bật với đôi găng tay màu sáng da cam. Phù rể là Cecil Arthur Spring Rice - người sau này làm Đại sứ Anh tại Mỹ trong thời gian thế chiến thứ nhất. Sau 15 tuần trăng mật đi khắp các nước châu Âu, đôi vợ chồng mới cưới trở về sống ở New York City. Bà phu nhân Roosevelt, kín đáo dè dặt nhưng đảm đang bắt đầu nhận lấy trách nhiệm quán xuyến gia đình. Khi đã lên làm Đệ nhất phu nhân, bà Carow quyết định thay các buổi tiếp khách chính thức đã thành truyền thống hàng tuần bằng các buổi hoà nhạc. Bà còn cho tân trang lại Nhà Trắng với toàn bộ chi phí là 475.000 đô la, biến nó thành cái mà Tổng thống gọi là “Một căn nhà giản dị, nhưng cao quý dành cho người đứng đầu của một nước cộng hòa”. Carow còn thu xếp tổ chức lễ cưới tại Nhà Trắng cho cô con gái của chồng là Alice. Sau khi Tổng thống Roosevelt mất, bà có ra nước ngoài khá nhiều lần. Carow mất ngày 30-9-1948, tại Vịnh Con Sò, New York, thọ 87 tuổi. Thi hài bà được đưa về chôn cất bên cạnh mộ Tổng thống.

đ- Nghề nghiệp trước khi làm Tổng thống

Roosevelt tham gia lực lượng tự vệ Quốc gia của Bang New York trong thời gian từ 1882 đến 1885, giữ các cấp bậc từ Thiếu úy đến Đại úy. Trong chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha, Roosevelt làm đại đội trưởng đội kỵ binh tình nguyện Mỹ số 1, nổi tiếng với biệt danh ''Những ky sĩ gan dạ'' từ tháng 5 đến tháng 9 năm 1898 và được phong cấp bậc từ Trung tá đến Đại tá. Trận đánh đầu tiên của đại đội là trận là Las Guasimas Cuba, ngày 24-6. Trong trận này, đại đội đã đánh bật quân du kích Tây Ban Nha lùi về phía sau. Trong trận San Juan ngày 1-7, Roosevelt và các kỵ sĩ gan dạ của mình được báo chí đưa tin ca ngợi, nổi tiếng khắp nơi với chiến công chiếm được Đồi Kettle (San Juan là tên của một dãy các ngọn đồi, trong đó có Đồi Kettle). Người chỉ huy trực tiếp của Roosevelt là Trung tướng Leonard Wood đã viết báo cáo (30-10-1898) về chiến công của Roosevelt và gởi về Washington, trong đó có đoạn: ''Đại tá Roosevelt cùng năm, sáu kỵ binh khác đã chiến đấu vô cùng dũng cảm trong trận Đồi San Juan, nêu tấm gương tuyệt vời cho anh em binh sĩ noi theo, động viên họ nhanh chóng vượt qua được miền đất cản giữa họ với chiến hào của quân thù. Thoạt đầu, Roosevelt một mình xông lên và cứ đinh ninh rằng các chiến sĩ của ông luôn theo sát ông. Nhưng ngay sau đó, Roosevelt lập tức phát hiện ra rằng ông chỉ có một mình. Thế là ông quyết định quay lại tập hợp thêm vài chiến sĩ nữa rồi dẫn đầu đưa họ áp sát mục tiêu. Roosevelt là người đầu tiên đặt chân lên mép chiến hào phía bên kia và chính ông đã tự tay hạ diệt một người của đối phương”. Sau đấy ông được phong cấp Đại tá. Tiếp đó Roosevelt tham gia trận đánh chiếm Santiago. Thế rồi, căn cứ vào đề nghị của ông, Chính phủ Mỹ đã quyết định rút về nước toàn bộ lực lượng binh sĩ bị ốm đau, bệnh tật do không quen với khí hậu nước ngoài vào khoảng tháng 8 năm ấy. Nói về thời gian phục vụ trong quân đội của mình, Roosevelt tâm sự rằng: "Tôi thà được tham gia trận đánh ấy rồi sau đó được thăng cấp dù chỉ là Đại tá còn hơn là làm một Thượng Nghị sĩ dù có tới 3 nhiệm kỳ. Điều đó làm cho tôi có cảm giác rằng tôi đã có thể để lại được chút gì đó cho các con của tôi, biện hộ cho sự tồn tại của tôi”.

Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, Roosevelt lại đề nghị được chỉ huy lực lượng tình nguyện, song Tổng thống Wilson đã từ chối yêu cầu này.

Năm 1882 - 1884 ông là Đại biểu Quốc hội Tiểu bang New York. Trúng cử năm 1881 và tái trúng cử trong các năm 1882 -1883 với tư cách là đảng viên Cộng hòa, Roosevelt năm 23 tuổi là đại biểu Quốc hội trẻ nhất. Tinh thần đấu tranh bền bỉ của ông chống lại quan điểm chính trị chuyên quyền độc đoán đã mang lại cho ông cái biệt danh “Xoáy lốc”.

Từ tháng 6-1884 đến tháng 10-1886, Roosevelt làm chủ một trang trại chăn nuôi gia súc ở Đakota Territory và phó cảnh sát Hạt Billings. Năm 1889-1895, ông được Tổng thống Benjamin Harrison bổ nhiệm làm ủy viên ủy ban Dân sự Mỹ. Tiếp theo các năm 1895-1897, Roosevelt làm Chủ tịch Ban cảnh sát New York City.

Tới năm 1898 và năm 1898, Roosevelt lại được Tổng thống William Mckinley bổ nhiệm phó Thống đốc Hải quân.

Năm 1898-1900, ông làm Thống đốc Tiểu bang New York. Từ tháng Ba đến tháng Chín năm 1901, giữ chức Phó Tổng thống Hoa Kỳ.

Sau khi Tổng thống đương nhiệm Mc Killey bị sát hại và qua đời thì ngày 14-9-1901, tại nhà Ansley Wilcox ở Buffalo, Roosevelt được Thẩm phán John R. Hazel đọc tuyên thệ chính thức bổ nhiệm ông trở thành Tổng thống thứ hai mươi sáu. Năm đó Roosevelt mới 42 tuổi. Ông là người trẻ nhất trong số các Tổng thống được bổ nhiệm (John F.Kennedy là người trẻ nhất trong số các Tổng thống đắc cử thông qua phiếu bầu). Đến năm 1904, Roosevelt lại tiếp tục ra tranh cử ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa.

Tháng 8-1904, Roosevelt một lần nữa lại đắc cử Tổng thống và ông đã đọc bài diễn văn nhậm chức nổi tiếng vào ngày 4-3-1905.

''Chúng ta đã trở thành một dân tộc vĩ đại. Thực tế này được khẳng định bởi tinh thần cao cả của dân tộc ta trong quan hệ với các Quốc gia khác trên hoàn cầu. Chúng ta phải xử sự sao cho xứng đáng với trách nhiệm lớn lao ấy. Thái độ của chúng ta đối với tất cả các dân tộc khác, dù lớn, dù nhỏ phải luôn là sự thân thiện và hữu nghị. Chúng ta phải thể hiện, không chỉ trong lời nói mà cả bằng việc làm, rằng chúng ta thực sự mong muốn giữ thiện chí với các Quốc gia khác trên tinh thần tôn trọng một cách công bằng và rộng lượng mọi quyền lợi của họ. Song sự công bằng và rộng lượng đối với một Quốc gia, cũng như đối với bất kỳ một cá nhân nào, sẽ chỉ có ý nghĩa khi nó được thể hiện không phải bởi kẻ yếu mà là bởi kẻ mạnh. Trong khi cố gắng giữ thái độ công bằng với các Quốc gia khác, ta phải luôn luôn đảm bảo rằng chúng ta giữ thái độ công bằng với chính bản thân chúng ta. Chúng ta mong muốn có hòa bình, song đó phải là một nền hòa bình của sự công bằng và chính đáng. Ta mong muốn hòa bình là bởi ta cho rằng điều đó là chính đáng chứ không phải vì ta e ngại về bất cứ mối đe dọa nào. Bất kỳ một Quốc gia nào dù yếu thế nhưng lại có thái độ công bằng và cương quyết đều không phải là mối nguy hiểm đối với chúng ta, và cũng không một cường quốc nào được phép xếp chúng ta thành đối tượng xúc phạm hay thù địch của họ... "

e - Những hoạt động của chính quyền dưới thời Roosevelt làm Tổng thống.

Roosevelt giữ chức Tổng thống từ 14-9-1901 đến 3-3-1909. Trong thời gian này, ông đã thực hiện được những chủ trương và chính sách lớn cho nước Mỹ:

Kênh đào Panama: Theo Hiệp ước Hay Pauncefote (1901) thay thế Hiệp ước Clayton - Bulwer, Anh quyết định chuyển giao cho Mỹ quyền xây dựng và độc quyền sử dụng, kiểm soát một kênh đào qua Trung Mỹ với điều kiện con kênh này phải được mở cửa tự do cho mọi loại tàu biển, kể cả tàu buôn và tàu chiến đấu và không phân biệt trong việc thu lệ phí giao thông. Theo đề nghị của ủy ban Walker và một số tổ chức cũng như cá nhân khác, Tổng thống Roosevelt quyết định sẽ xây dựng một kênh đào qua Panama chứ không phải là qua Nicaragua như dự định trước đây. Ông chỉ thị cho Bộ trưởng Ngoại giao hãy tiến hành đàm phán để mua lại một vùng kênh đào của Colombia. Trong đó bao gồm cả vùng Panama. Song Colombia không chấp nhận lời đề nghị của phía Mỹ. Trong khi tình hình đang bế tắc như vậy, Panama với sự ủng hộ, viện trợ của Mỹ đã nổi dậy chống lại Colombia giành quyền độc lập, tự chủ, tách khỏi Colombia. Tháng 11 năm 1903, chỉ 3 ngày sau cuộc nổi dậy, Hoa Kỳ chính thức tuyên bố công nhận Panama độc lập. Và lập tức tiến hành ký kết một Hiệp ước với Panama về vấn đề kênh đào mà Mỹ đã từng thất bại trước Colombia. Theo Hiệp ước mới này, Panama cho phép Mỹ được quyền sử dụng vĩnh viễn một vùng kênh đào bề ngang rộng tới 10 dặm. Đổi lại, Panama sẽ nhận được 10 triệu đô la và một khoản tiền khác trả theo từng năm tăng dần đều. Năm 1904, Đại tá William C. Gorgas được bổ nhiệm làm đội trưởng đội vệ sinh tham gia phụ trách công trình xây dựng kênh đào. Thành công của Gorgas là đã thanh toán được bệnh sốt vàng da bấy lâu hoành hành trong vùng và giảm tới 90% số người mắc bệnh sốt rét. Nhờ có công tác vệ sinh y tế này mà dự án xây dựng kênh đào có đủ điều kiện khả thi. Đội ngũ các kỹ sư xây dựng quân đội Mỹ cùng 43.000 người lao động dưới sự điều hành của Đại tá George W.Goethals đã tiến hành thi công xây dựng. Công trình kênh đào được hoàn thành năm 1914 và chính thức đưa vào sử dụng năm 1920. Tổng chi phí cho công trình ước tính khoảng 380 triệu đô la. Về sau, do có quá nhiều tranh cãi, chỉ trích, vùng kênh đào lại được chuyển giao lại cho Panama vào năm 1979.

Hệ luận Roosevelt và Chiến lược ngoại giao Chiếc gậy lớn. Trong các bức thông điệp thường niên gửi cho Quốc hội tháng 12 năm 1904 và tháng 12 năm 1905, Tổng thống Roosevelt khẳng định, rằng nghĩa vụ của Hoa Kỳ là phải chứng tỏ tính hiệu lực của Học thuyết Monroe và sẵn sàng can thiệp trực tiếp vào bất cứ Quốc gia của Mỹ Latinh nào để nhằm mục đích duy trì sự ổn định. Roosevelt đã từng tuyên bố trong cái mà người ta gọi là Hệ luận Roosevelt rằng: ''Sự sai lầm hay yếu kém như một căn bệnh kinh niên dẫn đến làm hư hại dần các mối quan hệ của xã hội văn minh. Căn bệnh ấy, có thể đang hoành hành ở Châu Mỹ, hay cũng như ở những nơi khác bao giờ cũng đòi hỏi phải có sự can thiệp của một Quốc gia văn minh nào đó. Còn ở phần bán cầu phía Tây, sự trung thành tuyệt đối của Hoa Kỳ đối với Học thuyết Monroe sẽ buộc Hoa Kỳ phải sử dụng đến sức mạnh giám sát quốc tế”. Nhưng cũng chính Roosevelt lại bổ sung rằng: ''Chúng ta chỉ can thiệp trong trường hợp đó là phương sách cuối cùng, hoặc giả như họ rõ ràng không có khả năng hoặc không chịu hành động theo công lý, kể cả về mặt đối nội và đối ngoại, và việc đó thực sự vi phạm các quyền lợi của Hoa Kỳ hoặc gây ra sự thù địch từ bên ngoài”. Sự kiên trì của Roosevelt đối với địa vị bá chủ của Mỹ trên bán cầu phía Tây chính là một phần của chiến lược ngoại giao Chiếc gậy lớn – cái tên được người ta đặt trích từ một câu nói của Roosevelt: ''Không cần nói nhiều, chỉ cần mang theo một chiếc gậy lớn, thế là bạn có thể đi rất xa”.

Chiến tranh Nga - Nhật, 1904-1905.

Roosevelt là người có công lớn trong vai trò hòa giải hòa bình giữa Nga và Nhật trong vụ tranh chấp quyền kiểm soát Mauchuria và Triều Tiên thông qua việc ký kết. Hiệp ước Poltsmouth, Tổng thống Roosevelt được tặng giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1906. Ông là người Mỹ đầu tiên nhận vinh quang này. Roosevelt đã dùng toàn bộ số tiền thưởng 36.735 đô la để lập ra một quỹ ủng hộ sự nghiệp hòa bình, hạn chế đình công công nghiệp. Nhưng khi thế chiến thứ nhất nổ ra và Mỹ tham chiến, thì Roosevelt lại quyết định chuyển toàn bộ quỹ này (lúc này đã là 45.000 đô la) cho công việc cứu trợ các nạn nhân chiến tranh.

Chính sách chống tờrớt. Trong bức thông điệp thường niên đầu tiên gửi Quốc hội, tháng 12 năm 1901, Tổng thống Roosevelt đưa ra chính sách chống tờrớt và đặc biệt nhấn mạnh rằng chủ trương này nhằm mục đích tạo ra sự cân bằng giữa trách nhiệm, nghĩa vụ của các công ty tự do và các tập đoàn công ty liên kết: “Các công ty đầu ngành nói chung phải công nhận rằng họ đã làm được rất nhiều cho nhân dân ta. Không có họ thì sự phát triển về mặt vật chất - niềm tự hào chính đáng của chúng ta sẽ không thể có... Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều khiếm khuyết lớn... Đông đảo dân chúng Mỹ cho rằng các tập đoàn công ty lớn mà người ta gọi là các tờrớt có những biểu hiện và những khuynh hướng gây ảnh hưởng xấu đến sự thịnh vượng chung. Dư luận này... dựa trên quan điểm rất xác thực rằng sự liên kết và sự tập trung không nên bị cấm đoán tuyệt đối mà nên được điều tiết và kiểm soát trong những giới hạn hợp lý. Theo ý kiến cá nhân tôi, quan điểm này là đúng đắn”. Chính quyền Roosevelt đã tiến hành xét xử nhiều vụ vi phạm các bộ luật chống trời liên quan đến các tập đoàn đường sắt, chế biến thịt bò, dầu lửa, thuốc lá... Luật Elkins (1903) và luật Hepbum (1906) cũng góp phần giúp cho ủy ban thương mại Liên bang hoạt động có hiệu quả hơn trong việc quản lý ngành đường sắt. Chính sách chống tờrớt và sự ủng hộ tích cực của Roosevelt đối với quyền lợi của người lao động và người tiêu dùng đã tạo nên cái mà ông gọi là “Hiệp ước bốn bên”.

Đình công ở các mỏ than đá, 1902. Suốt trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 10 năm 1902, 150.000 công nhân các mỏ than ở Bang Pennsytvania đã đình công yêu cầu công nhận công đoàn công nhân, đòi tăng lương và giảm giờ làm. Thoạt đầu, các chủ mỏ từ chối không thương thuyết với công nhân và cũng không chịu ra tòa, nhưng sau đó, Tổng thống Roosevelt cảnh cáo rằng các mỏ than sẽ có thể bị tịch thu, và thế là họ đành chịu nhượng bộ. Tòa án đã xét xử và đưa ra các quyết định hầu hết đều có lợi cho công nhân, song duy nhất vấn đề công nhận công đoàn công nhân không được phê chuẩn.

Luật kiểm dịch mặt hàng thịt, Luật quy định về dược phẩm và thức ăn tinh khiết, 1906. Xuất phát từ một bài viết trên tờ The Jungle của Upton, phản ảnh các điều kiện sản xuất không đảm bảo vệ sinh của ngành chế biến mặt hàng thịt, Tổng thống Roosevelt đã ký thông qua các bộ luật này, quy định về chế độ kiểm dịch mặt hàng thịt và nghiêm cấm kinh doanh ''Các loại thực phẩm, dược phẩm và đồ uống làm giả hoặc dán nhãn hiệu giả hoặc độc hại'' trong buôn bán giữa các tiểu bang.

Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Tổng thống Roosevelt, trong bức thông điệp thường niên thứ bảy gửi Quốc hội tháng 12 năm 1907, đã lên tiếng cảnh cáo rằng: ''Ngày hôm nay chúng ta lãng phí, phá hủy tài nguyên thiên nhiên, khai kiệt đất đai mà không hề tính đến vấn đề là phải làm thế nào vừa sử dụng vừa tăng cường tính hữu ích của nó, thì ngày mai, đến đời con cháu chúng ta, chính những gì tốt đẹp mà chúng ta đã cố công gây dựng và phát triển sẽ bị hủy hoại”. Trong suốt nhiệm kỳ Tổng thống của mình, Roosevelt đã hoạt động rất tích cực trong công tác bảo vệ tài nguyên. Chính vì thế người ta đã gọi ông là: Người bảo vệ vĩ đại[1]. Luật Cải tạo đất đai năm 1902 đã quy định dùng các khoản ngân quỹ thu được từ việc bán các vùng đất miền Tây vào việc xây dựng lại hệ thống đập nước lớn phục vụ tưới tiêu cho các vùng khô hạn phía Tây. Roosevelt còn chủ trương dành tổng 500.000km2 để xây dựng các khu rừng cấm Quốc gia, 272.000km2 để xây mỏ khai thác than, và xây dựng 2.500 trạm thủy điện. Năm 1903, Roosevelt lần đầu tiên thành lập khu bảo tồn sinh vật hoang Quốc gia trên Đảo Pelican Tiểu bang Florida. Năm 1906, ông chính thức ra quyết định công nhận Tháp QuỷWyaming là di tích Quốc gia đầu tiên.

Dưới thời Roosevelt đã xảy ra một cuộc khủng hoảng vào năm 1907. Châm ngòi bởi sự phá sản của Công ty Tờrớt Knickerbocker ở New York. Tháng 10 năm 1907, cuộc khủng hoảng kéo theo sự sa sút của hàng loạt các ngân hàng và một số tập đoàn đường sắt khác. Giá chứng khoán giảm mạnh. Các quan chức trong Chính phủ bắt đầu chỉ trích rằng các chính sách chống tờrớt và bảo vệ  người lao động của Roosevelt là nguyên nhân hạn chế lợi ích của các tập đoàn công ty. Ngược lại, Tổng thống lại quy trách nhiệm cho sự ''làm ăn quá lớn'' của họ. Để hạn chế hậu quả suy thoái, Tổng thống quyết định sẽ không khép tội tập đoàn Thép Hoa Kỳ là vi phạm luật chống tờrớt mặc dù tập đoàn này đã cho sát nhập thêm một công ty làm ăn thua lỗ - Công ty Than quặng Tennessee. Chính phủ còn trích quỹ dự trữ Liên bang đi hỗ trợ một phần về tài chính cho các ngân hàng đang gặp khó khăn. Đầu năm 1908, nền kinh tế bắt đầu hồi phục.

Hợp đồng quân tử, 1907. Để giải quyết tình hình thù địch căng thẳng ngày càng tăng ở California đối với cộng đồng người Nhật Bản nhập cư, Tổng thống Roosevelt đã đạt được một hợp đồng quân tử riêng với các quan chức Tokyo, theo đó phía Nhật Bản cam kết sẽ hạn chế việc di cư người lao động ra nước ngoài, còn phía Mỹ sẽ không áp dụng luật đối xử đối với người Nhật Bản nhập cư tương tự như đã áp dụng đối với người Trung Quốc.

Cũng dưới thời Tổng thống Theodore, Tiểu bang Oklahoma năm 1907 đã được sáp nhập vào Liên bang Hoa Kỳ.

Trong cuộc bình tuyển của các sử gia Hoa Kỳ năm 1962 và 1982, Theodore Roosevelt được xếp đứng thứ 2 trong 6 Tổng thống vĩ đại nhất của nước Mỹ.

F - Mãn nhiệm về hưu và qua đời.

Từ ngày 4-3-1909, Roosevelt đã kết thúc gần 2 nhiệm kỳ Tổng thống. Và ngay trong chiến dịch vận động tranh cử năm 1904, Roosevelt đã tuyên bố rằng ông sẽ chỉ làm Tổng thống trọn một nhiệm kỳ này mà thôi. Sau khi dự lễ nhậm chức của Tổng thống kế nhiệm William Howard Taft, Roosevelt về sống ở Sagamore Hill (Đồi Sagamore), một dinh thự lớn ở Vịnh Con sò Tiểu bang New York, để chuẩn bị cho một chuyến đi săn ở Châu Phi. Sau chuyến đi kéo dài hơn một năm (1909-1910), Roosevelt cùng nhiều nhà tự nhiên học, các nhà nghiên cứu môn nhồi xác động vật của Học viện Smithsonian Institute, con trai ông - Kermit và hơn 200 người hộ tống đã ''Thu hoạch'' cả thảy 5 con voi, 7 con hà mã, 9 sư tử, 13 tê giác và hàng trăm mẫu động vật, thực vật phục vụ cho công tác nghiên cứu của Học viện. Sau đó, Roosevelt lại đi du lịch ở châu Âu và trở về Mỹ.

Ngày 14-10-1912, John N. Schrank 36 tuổi - nhân viên một quán bar, người Đức nhập cư, đã bắn lén Roosevelt một phát đạn từ khẩu súng Colt 38 trong khi Roosevelt đang trên đường đến diễn thuyết ở Milwaukee. Viên đạn đâm thủng bao đựng kính bằng kim loại và cả tờ phát biểu đã chuẩn bị sẵn được ông cất trong túi ngực rồi xuyên qua phần mềm khoảng 1 inch phía dưới, bên phải núm vú phải. Viên đạn tiếp tục găm sâu thêm khoảng 4 inch nữa về phía trên và làm gãy xương sườn thứ tư. Không bộ phận nội tạng nào bị ảnh hưởng cả. Để tỏ ra là can trường, tuy hơi có phần liều lĩnh một cách không cần thiết, Roosevelt vẫn nhất định đòi được diễn thuyết như đã dự kiến và chưa chịu đến bệnh viện. Nói chuyện trong khoảng gần một giờ, sau đó Roosevelt được đưa đến bệnh viện Mercy ở Chicago. Các Bác sĩ ở đây đã xử lý vết thương, song họ quyết định không gắp viên đạn ra. Roosevelt sau đó hoàn toàn hồi phục, không hề gặp trở ngại nào cả. Còn về phần Schrank, hắn giải thích trước các nhà chức trách rằng Hồn ma William McKinley đã báo mộng cho hắn phải trả thù cho việc McKinley bị ám sát bằng cách giết chết người kế nhiệm của ông ta là Roosevelt. Và cuối cùng, người ta đã kết luận rằng Schrank bị mất trí và đưa hắn ta vào một nhà thương điên. Schrank chết tại đó vào năm 1943.

Vào giữa những năm 1913 - 1914, Roosevelt lại hành trình đến Brazil, chuyến đi kéo dài tới 7 tháng với tổng chiều dài trên 1.5000 dặm. Roosevelt đã tới thám hiểm Sông River of Doubt (Dòng Sông Hoài Nghi) và thu thập được thêm nhiều mẫu cây và thú mới. Trên đường đi, ông đã từng phải chịu vài trận sốt rét và cả sốt cao tới 390. Ông còn bị một vết thương khá dài và sâu ở chân. Để tỏ lòng kính trọng đối với Roosevelt, Brazil đã quyết định đổi tên Dòng Sông Hoài Nghi thành Sông River Roosevelt. Thời gian sau khi mãn nhiệm, Roosevelt còn viết khá nhiều sách (xem phần: Các tác phẩm của Roosevelt) và bài vở cho các tạp chí. Từ năm 1910 đến năm 1914, ông làm cộng tác viên của Tạp chí Outlook (Thế giới  quan). Từ năm 1917, Roosevelt làm biên tập viên thường xuyên cho tờ Kansas City Star (Ngôi sao Thành phố Kansas). Năm 1917, ông tham gia vận động bầu cử cho Charles Evans Hughes ra tranh cử Tổng thống. Khi Hoa Kỳ tham gia thế chiến thứ nhất, Roosevelt đề nghị được tổ chức và lãnh đạo một lực lượng tình nguyện quân nhưng không được Tổng thống Wilson chấp thuận.

Roosevelt mất hồi 4h sáng ngày 6-7-1919 tại gia đình, một dinh thự trên Đồi Sagamore, Vịnh Con Sò Tiểu bang New York.

Theo yêu cầu của ông (trong di chúc) tang lễ được cử hành rất giản dị, không hề có nhạc đàn, đã  được cử hành tại Nhà thờ Tân giáo ở Vịnh Con Sò. Roosevelt được chôn cất tại Nghĩa trang Youngs Memorial cũng ở Vịnh Con Sò. Theo chúc thư do chính tay ông viết tháng 12 năm 1912, phần lớn tài sản trị giá 500.000 đô la của ông được để lại cho vợ ông. Còn lại số tiền 60.000 đô la được chia đều cho các con.

g - Khen ngợi và đánh giá của người đời.

“Người ta nói rằng ông rất nguy hiểm. Đúng  vậy, ông nguy hiểm đối với những kẻ muốn thực hiện những kế hoạch ích kỷ cá nhân gây phương hại chung cho xã hội... những kẻ mong muốn điều hành Chính phủ theo kiểu quan tâm nhiều hơn đến sự tài trợ cho các chiến dịch vận động tranh cử hơn là quan tâm đến các lợi ích chung của nhân dân, những kẻ muốn dồn vị Tổng thống Mỹ vào chân tường để rồi cùng tiến hành các thỏa thuận miệng, mà họ cho rằng các cử tri không thể biết được”. Elihu Root, 1904.

“Hơn tất cả các Tổng thống khác, Roosevelt hiểu rõ các tác dụng của báo chí. Phải nói rằng ông có thiên tài về lĩnh vực này. Không phải mọi phóng viên trong giới báo chí đều ủng hộ ông, song ông biết cách ''chơi đẹp" với tất cả”. Gus J. Karger, phóng viên tờ Washington của Hội cựu chiến binh, 1919.

"Tôi rất tiếc rằng ông ấy đã chết. Ông ấy là một người Mỹ vĩ đại. Cái chết của ông là một tổn thất lớn cho toàn nước Mỹ" John N.Schrank - kẻ ám sát hụt Roosevelt, 1919.

"Tôi chưa từng biết đến một ai giống như ông và chắc chắn là cũng sẽ chẳng bao giờ. Ông đã vượt lên tôi... gieo vào trái tim tôi những tư tưởng, những hy vọng, cách nhìn nhận mới đối với cuộc sống, chủ nghĩa yêu nước và ý nghía lớn lao của bao điều. Tất cả những thứ đó tôi không nghĩ rằng bất kỳ một người nào khác có thể có được”. William Allen White, nhà báo.

h - Những câu nói nổi tiếng của Roosevelt:

“Hạnh phúc của xã hội đòi hỏi không thể thiếu những người làm nhiệm vụ đào thải rác rưởi nếu như họ biết dừng lại đúng lúc và nhìn lên chiếc vương miện lấp lánh trên thiên đàng, chiếc vương miện đảm bảo cho những cố gắng của họ không uổng công”, 1906.

“Tuyên bố rằng không ai được quyền chỉ trích Tổng thống hay rằng chúng ta phải đứng về phía Tổng thống, dù đúng dù sai, đều không nhưng chỉ là một thái độ khuất phục, không yêu nước mà xét về mặt đạo đức nó còn là sự phản bội lại nhân dân Mỹ”, 1918.

''Một kẻ thất học có thể ăn cắp được một toa xe lửa, nhưng còn một kẻ học đến hết đại học thì lại có thể ăn cắp toàn bộ đoàn xe lửa”.

i - Các tác phẩm của Roosevelt:

Chiến tranh hải quân năm 1812 (1882); Chuyến đi săn của một chủ trại chăn nuôi (1885), Cuộc đời Thomas Hart Benton (1887). Gouvemeur Morris (1888), Cuộc sống nông trại và đường mòn săn thú (1888). Giành lại miền Tây (4 tập, 1889-1896). New York (1891); Những bản anh hùng ca của lịch sử nước Mỹ (1895), Những kỵ sĩ kiên cường (1899); Rong ruổi Châu Phi (1910), Chủ nghĩa dân tộc mỹ (1910), Lịch sử qua văn học, và các tiểu luận khác (1913), Theodore Roosevelt, tự truyện (1913), Tự nhiên hoang dã Brazil (1914), Nước Mỹ và Chiến tranh thế giới (1915). Đừng dựa vào Chúa, hãy tự khẳng định mình (1916); Những kẻ thù của gia đình chúng ta (1917); Sức mạnh dân tộc và nghĩa vụ Quốc tế (1917), Cuộc đời các loài thú Châu Phi (1914).

SÁCH VIẾT VỀ ROOSEVELT:

Chessman, G. Wallace: Theodore Roosevelt và Chính trị học về quyền lực. Boston: Little, Brown, 1969.

Hagedorn, Hermann: Gia đình Roosevelt trên Đồi Sagamore, New York: Macmillan, 1954.

Mecullough, David: Những buổi sáng trên lưng ngựa. New York: Simon và Schuster, 1981.

Morris, Edmund, Bước tiến của Theodore Roosevelt, New York: Coward, McCann, và Geoghegan, 1979.

Pringle, Henry F. Theodore Roosevelt: một tiểu sử New York: Harcourt, Brace Jovanich, 1956.

Roosevelt, Nicholas: Theodore Roosevelt, người tôi đã từng biết, New York: Dodd, Mead, 1967.

NGUYỄN HOÀNG ĐIỆP




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1062-02-633390273387837500/Nhung-hoang-de-nguyen-thu-quoc-gia-chinh-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận