FUKUZAWA YUKICHI (1835 - 1901) NHÀ CẢI CÁCH NỔI TIẾNG
CỦA NHẬT BẢN THỜI MINH TRỊ DUY TÂN
uộc cách mạng Minh Trị duy tân năm 1868 là sự khởi đầu cho công cuộc hiện đại hóa nước Nhật. Với một ban lãnh đạo trẻ tuổi đầy năng lực và có học vấn, Nhật Bản đã mở sang một trang sử mới. Song một nhân vật không hề giữ chức vụ nào trong Chính phủ canh tân lại có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với Nhật Bản trong giai đoạn bản lề này, người đó là Fukuzawa Yukichi.
Fukuzawa sinh ngày 10 tháng Giêng 1835 tại Osaka trong một gia đình võ sĩ lớp dưới. Cha ông là một người có học và ham học hỏi. Nhưng không may, khi Fukuzawa mới tròn 18 tháng thì người cha đã đột ngột qua đời vì bệnh tai biến mạch máu não. Theo tín ngưỡng của người Nhật, khi trong nhà có người chết, gia đình Fukuzawa phải chuyển đi nơi khác. Đến Oita (thuộc Đảo Kyushu) gia đình Fukuzawa gặp vô vàn khó khăn trong cuộc sống nơi đất lạ vì tập quán của hai vùng rất khác nhau, cộng thêm gánh nặng của năm đứa trẻ nhỏ đặt lên vai của người đàn bà trẻ góa chồng.
Fukuzawa lớn lên vào những thập kỷ cuối của chế độ Mạc phủ đang có nhiều biến động. Những ảnh hưởng của tư tưởng mới từ phương Tây tác động ngày càng nhiều đến thế hệ trẻ nước này.
Năm 1854, Fukuzawa đến Nagasaki theo phái Hà Lan học để tiếp thu những kiến thức mới từ phương Tây. Năm 1858, ông rời Nagasaki lên Edo (Tokyo ngày nay) theo yêu cầu của chính quyền tỉnh này. Ngoài việc tham gia chính quyền Mạc phủ, Fukuzawa mở một lớp học theo phái Hà Lan ở Phố Teppo Zu - tiền thân của trường Đại học Keiô ngày nay. Thời kỳ này, Nhật Bản bắt đầu mở cửa, Fukuzawa thấy người phương Tây vào Cảng Yokohama nói tiếng Anh chứ không phải tiếng Hà Lan. Vì vậy, ông chuyển sang học tiếng Anh. Khi chính quyền Mạc phủ gửi phái bộ sang Hoa Kỳ (1860) và châu Âu (1862) Fukuzawa được chọn làm tùy viên. Qua chuyến đi này, ông đã chứng kiến cái uy thế hùng cường của Âu - Mỹ và những thành tựu mới nhất của khoa học - kỹ thuật. Vì vậy khi về nước, ông bắt tay vào viết cuốn Seiyo JiJo (Tây Dương sự tình 1866-1870) giới thiệu cho dân chúng về lịch sử, chế độ chính trị, cũng như những điều hay, cái lạ trong văn hóa, giáo dục của các nước phương Tây. Năm 1867, ông quay lại Mỹ một lần nữa theo yêu cầu của chính quyền Mạc phủ. Năm sau (1868), Fukuzawa kiên quyết không làm việc trong Chính phủ để có điều kiện bộc bạch hết những suy nghĩ cá nhân mà ông đang nung nấu, để có thể đóng góp hữu hiệu cho sự nghiệp nâng cao dân trí. Năm 1871, Fukuzawa đã nâng trường Keiôjijuku do ông sáng lập trước đây thành trường Đại học và chuyển về Phố Mita như hiện nay.
Với mục đích khuyến khích việc thay đổi những tập quán phong kiến hủ lậu, Fukuzawa viết cuốn Gakumon no Susume (Khuyến học 1872 - 1876). Trong đó, ông cho rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, sự khác biệt chỉ nảy sinh do trình độ học vấn. Ông đả kích lối học từ chương trình cũ và khuyến khích thực học; học những gì hợp lý rồi đem ra thể nghiệm áp dụng vào đời sống hàng ngày.
Fukuzawa quan niệm, việc tiếp thu văn minh phương Tây không phải là cứu cánh, mà chỉ là phương tiện. Dựa trên cơ sở phương Tây đang có nền văn minh tiên tiến nhất, Nhật Bản cần nhanh chóng tiếp thu để đuổi kịp và sánh vai phát triển cùng họ. Đó là cách hữu hiệu nhất để bảo vệ nền độc lập Quốc gia. Để bảo vệ độc lập không còn cách nào ngoài con đường tiến đến văn minh. Lý do duy nhất để người dân nước ta tiến đến văn minh là để bảo vệ nền độc lập dân tộc (Văn minh luận chí khái lược 1875).
Để nâng cao dân trí và trao đổi lập trường, chống lại những quan niệm, tác phong bảo thủ, Fukuzawa đứng ra thành lập các tổ chức chính trị và ngôn luận như phát động phong trào Tảo trừ phá hoại (1872) sáng lập Minh Lục xã (1873), xuất bản Tạp chí Minh lục (1875) rồi Thời sự tân báo (1872)...
Hàng trăm năm dưới chế độ phong kiến, người dân buôn bán bị xếp vào hàng thấp nhất trong xã hội, trong khi đó Fukuzawa là người ý thức sâu sắc rằng phải chấn hưng thương mại để đưa Nhật Bản tiến lên trở thành một nước độc lập, hùng cường. Ông cho rằng kẻ thù nguy hiểm nhất đối với Nhật Bản không phải là lực lượng quân sự của các nước phương Tây, mà chính là khả năng buôn bán của các nước này. Vì thế Fukuzawa kêu gọi xây dựng nước Nhật trên tinh thần thương mại (Thượng thương lập quốc) thay cho một nước Nhật dựa trên tinh thần thượng võ thời phong kiến.
Là một học giả nghiên cứu về lý luận dân chủ, ông cho xuất bản GakuShaAnshin Ron (Học giả an tâm luận 1876). Bằng những lời lẽ châm biếm, Fukuzawa đả phá chế độ chính trị độc tài và giải thích một cách đơn giản dễ hiểu đường lối tổ chức bầu cử tự do, dân chủ.
Khi Chính phủ Minh Trị thành lập Tokyo Gaku Shi In - tiền thân của Viện Hàn Lâm Nhật Bản ngày nay, Fukuzawa được cử làm Viện trưởng. Từ đó cho đến khi mất (1901), ông say sưa hoạt động cho lý tưởng chấn hưng Nhật Bản, mở rộng Đại học Keiô thành một trong mười trường Đại học lớn nhất Nhật Bản, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp mở mang dân trí.
Cho đến bây giờ, những trước tác của ông vẫn được người dân Nhật hâm mộ. Một trung tâm nghiên cứu mang tên ông đang được thành lập ở trường Đại học Keiô.
Nhân dịp 100 năm ngày Minh Trị canh tân đất nước Nhật Bản từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành nước công nghiệp có nền khoa học - kỹ thuật thuộc loại tiên tiến nhất trên thế giới, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định in hình Fukuzawa Yukichi lên tờ bạc có giá trị nhất của Nhật Bản (tờ một vạn Yên) vì những đóng góp to lớn của ông đối với nước Nhật hiện đại ngày nay.
ĐẶNG XUÂN KHÁNG
MỘT SỐ CẢI CÁCH CỦA MINH TRỊ
Cuộc biến đổi to lớn về chính trị, kinh tế, xã hội của Nhật Bản nửa sau thế kỷ XIX trong thời kỳ Thiên hoàng Minh trị cầm quyền (1867 - 1912). Ông là con của Thiên hoàng Kômei (Kômây).
Bối cảnh lịch sử:
Từ năm 1853 trước áp lực của các nước tư bản Âu Mỹ, Nhật Bản buộc phải mở cửa. Từ đó chính quyền phong kiến Mạc phủ Tokugawa lâm vào tình trạng khủng hoảng, phong trào đấu tranh của nông dân và thị dân phát triển mạnh mẽ. Trong hoàn cảnh đó, nội bộ giai cấp thống trị phân hóa. Một số võ sĩ thuộc tầng lớp trung và hạ đẳng yêu cầu cải cách đất nước, đại diện là các nhân vật như Ito Hirôbumi (Itôhirôbômi), Okubo Tosshimichi (Ôku bôtôsimichi), Kodo Koin (Kidôkôin),v.v... Xuất thân từ các phiên Tây Nam là những phiên tiếp xúc với tư bản nước ngoài tương đối sớm, những nhân vật đó chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo nhưng cũng bắt đầu tiếp thu nền văn hóa, tư tưởng phương Tây. Lúc bấy giờ, giai cấp tư sản Cận đại Nhật Bản chưa ra đời, nhưng trong lòng xã hội đã xuất hiện lớp phú nông, phú thương. Những võ sĩ có tư tưởng cải cách trên liên minh với các chí sĩ xuất thân từ phú nông, phú thương cùng với hoàng thất công khanh khác có mâu thuẫn với Mạc phủ làm thành phái ''đảo Mạc'' - Họ đề ra khẩu hiệu ''Tôn Vương bài ngoại'' yêu cầu cải cách chính trị, kinh tế, ngăn chặn sự xâm nhập của nước ngoài. Dưới sự thúc đẩy của phong trào quần chúng, phong trào cải cách phát triển thành cuộc vũ trang đảo Mạc.
Mạc phủ bị lật đổ, Chính phủ Minh Trị được thành lập.
Ban đầu đảo Mạc chủ trương bài ngoại, nhưng qua mấy lần đụng độ với tư bản nước ngoài bị thất bại, họ không chủ trương bài ngoại nữa mà chuyển sang đưa vào thực dân Anh để chống đối Mạc phủ. Do sự hỗ trợ của quần chúng nhân dân, phái đảo Mạc hai lần đánh bại quân đội Mạc phủ phái tới thảo phạt các phiên Tây Nam.
Năm 1867, Thiên hoàng Kômei đột ngột qua đời một cách bí ẩn, Thái tử Mítsưhitô lên kế vị đã liên kết chặt chẽ với phái đảo Mạc.
Ngày 8 tháng Mười Một 1867, Thiên hoàng (con) ban mật lệnh thảo phạt Mạc phủ. Trước sự chống đối của phái đảo Mạc và phong trào quần chúng nhân dân, Tướng quân Keiki đứng đầu Mạc phủ Tokugawa thấy không thể tiếp tục thống trị được nữa liền tuyên bố quy hoàn quyền binh về cho Thiên Hoàng, nhưng đồng thời cũng tập trung binh lực âm mưu chống lại.
Ngày 3 tháng Giêng 1868, Thiên Hoàng ban bố lệnh “Vương chính phục cổ” tuyên bố phế bỏ Mạc phủ, thành lập Chính phủ mới với thành phần chủ yếu là các võ sĩ và chí sĩ trong phái đảo Mạc. Tiếp đó 5000 quân của phái đảo Mạc đã đánh bại 1 vạn rưỡi quân chống đối của tướng quân Keiki gần Kyoto vào ngày 27 tháng Giêng 1868, và sau đó là ở Edo ngày 3 tháng Năm, 1868. Đến tháng Mười Một những cuộc phiến loạn cuối cùng của tướng quân bị đập tan.
Những cải cách của Chính phủ Minh Trị:
Sau khi lên nắm chính quyền, Chính phủ mới do Thiên hoàng Mutsuhito đứng đầu lập tức ban hành “Năm lời thề” vào ngày 6 tháng Tư 1868 bao gồm: thực hành tự do ngôn luận, chấn hưng công thương nghiệp, xóa bỏ sự phân biệt đẳng cấp, tiếp thu văn minh văn hóa phương Tây v.v... ''Năm lời thề'' là một cương lĩnh chính trị tuyên bố xây dựng một xã hội mới ở Nhật Bản, một xã hội mang tính chất tư bản chủ nghĩa. Đến ngày 11 tháng Tư, công bố tiếp “chính thể thư”: sẽ thực hiện chế độ tam quyền phân lập một thể chế Nhà nước dân chủ như phương Tây. Ngày 3 tháng Chín 1868, đổi Edo thành Tokyo và năm sau dời đô từ Kiôđô về Tokyo.
Ngày 23 tháng Mười 1868, quyết định xưng niên hiệu Minh Trị.
Tiếp đó Thiên hoàng ban hành một số pháp lệnh nhằm phát triển chủ nghĩa tư bản, đầu tiên vận động các phiên “phong hoàn bản tịnh”. Các đaimiô đứng đầu các phiên giao lãnh địa và hộ tịch của phiên mình cho chính quyền Trung ương, sau đó, Thiên hoàng tuyên bố phế bỏ các chức vị và tên gọi cũ như đaimiô, tất cả đều gọi thống nhất là “Hoa tộc”, còn võ sĩ gọi là ''Sĩ tộc'', ''Hoa tộc'' và ''Sĩ tộc'' bình đẳng với các giai cấp khác không có đặc quyền riêng.
Ngày 29 tháng Tám 1871, Chính phủ ra lệnh ''phế phiên lập huyện'' nhằm thủ tiêu chế độ lãnh chúa phong kiến. Tháng Chín 1872 thực hiện cải cách giáo dục xây dựng nền giáo dục quốc dân Cận đại.
Từ năm 1872 đến năm 1873, Chính phủ Minh Trị ban hành một loạt sắc lệnh về cải cách ruộng đất xác lập quyền sở hữu, ruộng đất cho những người đang chiếm hữu đánh thuế đất dựa trên giá đất và đánh vào người sở hữu đất đai thuế đất có nhẹ hơn trước nhưng chỉ có chủ đất được lợi. Cải cách này đã tạo ra tầng lớp địa chủ sống ăn bám trên địa tô của nông dân.
Tháng Tám 1876, Chính phủ phát hành công trái, bỏ chế độ bổng lộc, phát một lần công trái có lãi cho các Hoa tộc và Sĩ tộc, tạo điều kiện cho tầng lớp này có vốn tiến hành kinh doanh.
Từ năm 1871, Thiên hoàng phái đại thần Iwakura dẫn đầu một phái đoàn ngoại giao đi thăm các nước Âu Mỹ, khảo sát chế độ chính trị, kinh tế. Về nước, Iwakura kiến nghị Chính phủ học tập chủ nghĩa tư bản phương Tây.
Dưới khẩu hiệu ''phú quốc cường binh, thực sản hưng nghiệp”, “văn minh khai hóa”. Chính phủ Minh Trị tích cực học tập khoa học, kỹ thuật phương Tây, khai thác khoáng sản, lập xưởng chế tạo vũ khí, xây dựng đường sắt, phát triển giao thông bằng thuyền,v.v… Đồng thời xây dựng xưởng làm tơ dệt vải và các công xưởng kiểu mẫu, mời chuyên gia nước ngoài, cử người xuất dương lưu học, bồi dưỡng nhân viên kỹ thuật cao cấp. Do nhu cầu tài chính quá lớn, từ thập kỷ 80, Chính phủ đem bán một số xí nghiệp quốc doanh và quyền khai mỏ cho những tư nhân có công với Nhà nước, cho phép tư nhân mở ngân hàng, đường sắt và các xí nghiệp. Từ thập kỷ 80 trở đi xuất hiện cao trào cách mạng công nghiệp mà trung tâm là ngành dệt, đến thập kỷ 90 ở Nhật Bản đã xuất hiện các tập đoàn tài phiệt.
Chủ nghĩa Thiên hoàng chuyên chế và các hoạt động xâm lược:
Nhà nước Nhật Bản dưới thời Minh Trị tuy phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa, nhưng còn bảo tồn nhiều tàn dư phong kiến trong đời sống chính trị và xã hội. Tinh thần võ sĩ đạo với nội dung trung hiếu, tín, lễ, nghĩa mà cốt lõi là trung thành tuyệt đối với Thiên hoàng vẫn được duy trì và phát huy.
Đến thập kỷ 70 - 80 do sự phát triển kinh tế và sự lớn mạnh của giai cấp tư sản và địa chủ mới ở Nhật Bản, xuất hiện phong trào đòi tự do dân quyền dưới sự lãnh đạo của các chí sĩ tiến bộ, nổi bật có Itagaki và đại thần Okuma. Phong trào đó đã buộc Chính phủ Minh Trị phải thực hiện một số cải cách dân chủ mở rộng cửa cho các nhà chính trị tham gia tranh cử. Năm 1889, Chính phủ ban bố Hiến pháp Minh Trị vào năm 1890, và thành lập Quốc hội. Song đấy là một nền dân chủ vô cùng hạn chế, trong đó Thiên hoàng được xem như một vị Thánh đứng trên mọi thể chế dân chủ. Hiến pháp quy định: Thiên hoàng có quyền thống soái về lục, hải quân, có quyền triệu tập và giải tán Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Thiên hoàng. Bộ tham mưu quân lực nằm ngoài chính phủ dân sự, chịu sự điều khiển trực tiếp của Thiên hoàng.
Quốc hội do bầu cử nhưng chỉ có nam giới từ 25 tuổi trở lên đóng thuế 15 Yên mới có quyền bầu cử. Kỳ bầu cử Quốc hội năm 1890, chỉ có 1,25% dân số được đi bầu. Hiến pháp Minh Trị duy trì đến năm 1945, cùng với những biện pháp cải cách trên, Chính phủ Minh Trị, còn phấn đấu thủ tiêu các hiệp ước bất bình đẳng. Từ năm 1894 đến năm 1911, thông qua con đường thương lượng, Nhật Bản đã giành được quyền bình đẳng với các nước Âu, Mỹ. Trong khi Nhật Bản còn chưa thoát khỏi các hiệp ước bất bình đẳng đã tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược áp đặt các hiệp ước bất bình đẳng đối với các nước láng giềng như năm 1874 đem quân đổ bộ Đài Loan, buộc Trung Quốc phải bồi thường chiến phí. Năm 1875, vũ trang xâm nhập Triều Tiên buộc Chính phủ Triều Tiên phải ký kết Hiệp ước bất bình đẳng Giang Hoa. Năm 1879, Nhật Bản thôn tính quần đảo Lưu Cầu. Và sau đó là những cuộc chiến tranh xâm lược lớn hơn.
ĐẶNG THANH TỊNH