Tài liệu: Nữ hoàng nước Nga Êkatêrina II (1729 - 1796)

Tài liệu
Nữ hoàng nước Nga Êkatêrina II (1729 - 1796)

Nội dung

NỮ HOÀNG NƯỚC NGA ÊKATÊRINA II (1729 - 1796)

Tên thật là Sofie Fiedrich August, Quận chúa người Đức có tên Nga là Êkatêrina Alekseevna. Là Hoàng hậu nước Nga từ năm 1761 khi Piôtr III lên ngôi Hoàng đế nước Nga. Piôtr III nguyên là Hoàng tử Karl Piôtr con trai một Quận công người Đức và Công chúa Anna, con gái Piôtr Đại đế. Từ nhỏ đến năm 14 tuổi. Karl Piôtr sống trong Hoàng cung dưới triều Vua Phổ Fiedrich II. Năm 1742, Piôtr III mới trở về sống ở nước Nga, nhưng không thích cuộc sống nước Nga, khinh bỉ mọi thứ của nước Nga và chỉ tôn thờ Hoàng đế Phổ, Êkatêrina thì trái lại, tuy xuất thân là một Quận chúa người Đức nhưng lại rất quan tâm đến nước Nga, nền văn hóa Nga và phong tục tập quán của người Nga. Năm 1761, nước Phổ đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn trong cuộc chiến tranh Bảy năm (1756-1763). Nước Nga cầm chắc thắng lợi trong tay đến mức Vua Phổ Friedrich II đã toan tự vẫn vì không chịu đựng nổi việc bị diệt vong của Tổ quốc mình thì một tình huống xảy ra cứu vãn nước Phổ ra khỏi thất bạt tưởng như không thể tránh. Tháng Chạp 1761, Nữ Hoàng Êlidaveta Petrôvna qua đời, vì không có con cái nên đã truyền ngôi lại cho cháu mình là Hoàng tử Karl Piôtr.

Piôtr III lên trị vì đất nước, bất chấp quyền lợi của nước Nga, đã xuống chiếu đình chỉ chiến sự chống nước Phổ trong ngày qua đời của Nữ Hoàng Êlidaveta, ít lâu sau còn ký hòa ước liên minh với nước Phổ chống lại Áo trước đây đã từng không lâu là liên minh của mình. Những hoạt động bài Nga và chính sách đối ngoại của Piôtr III đã gây công phẫn trong hàng ngũ sĩ quan, giới quý tộc ở Saint-Petersbourg và giới tăng lữ. Một âm mưu lật đổ vị Hoàng đế mới lên ngôi được hình thành, do chính Hoàng hậu Êkaterina đứng đầu.

Êkatêrina là một người đàn bà thông minh, đầy nghị lực và quyết đoán. Những người ủng hộ Êkatêrina là những quý tộc trong triều đình và những sĩ quan cận vệ. Sáng ngày 28 tháng Sáu 1762, Ékatêrina mặc quân phục sĩ quan cưỡi ngựa đến các doanh trại các trung đoàn cận vệ đọc tuyên cáo lên án chính sách chống lại nước Nga của chồng mình là Piôtr III. Quân cận vệ tuyên thệ trước Êkatêrina và tôn bà lên làm Nữ Hoàng nước Nga. Piôtr III bị bắt, bị giam là một tuần lễ sau bị giết trong lúc ẩu đả vì say rượu. Êkatêrina II lên ngôi, xé bỏ liên minh với Vua Phổ, nhưng nước Nga thôi không tham chiến vào cuộc chiến tranh Bảy năm. Tuy không lấy được những vùng đất mới nhưng chiến thắng của quân đội Nga đã phá tan những dự định xâm lược của nước Phổ và nâng cao uy tín Quốc tế của đế chế Nga.

Êkatêrina II thưởng công rất hậu cho những sĩ quan cận vệ đã đưa mình lên ngôi Nữ Hoàng nước Nga. Êkatêrina II phân phát cho giới quý tộc hơn 80 vạn nông dân, miễn cho giới quý tộc mọi nghĩa vụ quân dịch và công vụ. Đối với nông dân thì Nữ Hoàng thẳng tay đàn áp, bắt lính, dồn đi Sibir hoặc đầy đi làm khổ sai. Dưới thời trị vì của Nữ Hoàng Êkatêrina II nổi lên nhiều địa chủ ác bá mà điển hình là mụ địa chủ Saltưkôva ở Moskva đánh đập nông dân rất tàn nhẫn, đổ nước sôi lên người, bắt ở trần đứng ở ngoài trời băng giá, Mụ địa chủ này đã hành hạ đến chết 75 nông dân. Địa chủ buôn bán nông dân như những nô lệ, đổi nông dân lấy chó săn, gán nông dân vào các cuộc đỏ đen là chuyện thường tình.

Mùa hè năm 1773, một người vai rộng có bộ râu chòm đen nhánh, đôi mắt rất sắc đã đến Ural với những nông dân Kazak và tuyên bố mình là hoàng đế Piotr III. Thực ra đó là Êmêlian Pugatsôv, một người Kazak vùng sông Đông, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa nông dân (1773 - 1777).

Thấu hiểu nỗi khổ của nông dân, Pugatsôv đã phát động nông dân đứng dậy đấu tranh chống lại địa chủ. Đến tháng Ba 1774, quân khởi nghĩa đã lên đến 5 vạn người. Pugatsôv thành lập một quân đội phiên chế thành những trung đoàn, đại đội và những đơn vị nhỏ hơn, tổ chức cho quân khởi nghĩa luyện tập quân sự. Quân lính Pugatsôv hoạt động trên một địa bàn rộng lớn ở Ural và vùng ngoại Volga, chiếm được nhiều thành phố và đánh tan nhiều đơn vị hải quân của chính phủ Nữ Hoàng, Êkatêrina II ngừng chiến với Thổ Nhĩ Kỳ và điều các tướng lĩnh dày dạn thao lược cầm quân đi dẹp quân khởi nghĩa. Quân lính Pugatsôv yếu thế bị đánh tan. Pugatsôv phải lánh về Ural, sau đó (tháng Sáu 1774) chiếm được thành phố Kazan nhưng rồi lại bị quân của Nữ Hoàng truy đánh phải chạy qua Volga về phương Nam. Đến tháng Tám 1774, quân khởi nghĩa hầu như bị dẹp tan, Pugatsôv bị phản bội, giữa đêm bị bắt nộp cho Nữ hoàng. Thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa nông dân bị nhốt trong cũi sắt đưa về Moskva và tháng Giêng năm sau bị hành hình.

Lo sợ trước phong trào nổi dậy của quần chúng, Nữ Hoàng Êkatêrina II tiến hành hàng loạt biện pháp để củng cố chế độ chuyên chế và chế độ nông nô. Nước Nga dưới thời Êkatêrina II phân chia thành 50 tỉnh (mỗi tỉnh gồm 40 vạn dân) để dễ bề cai trị, tỉnh lại chia thành các huyện nhỏ khoảng 3 vạn dân. Tỉnh, huyện nào cũng có quân đội và cảnh sát để ngăn chặn các cuộc nổi loạn.

Trong năm đầu trị vì nước Nga, Nữ Hoàng Êkatêrina II muốn được tôn vinh là Nữ Hoàng khai sáng cho đất nước. Về chính sách đối nội, Êkatêrina lấy chính sách ngu dân để trị nước, trong ý nghĩ luôn khẳng đỉnh rằng: nô lệ và đầy tớ tồn tại từ thuở khai thiên lập địa, song bên ngoài lại tỏ ra là người chủ trương nâng cao dân trí cho nước nhà. Đó là việc Nữ Hoàng mời nhà triết học Pháp Diderot (Điđờrô) (1713-1784), người sáng lập Bộ bách khoa toàn thư các ngành khoa học, Nghệ thuật và các nghề thủ công sang Saint-petersbourg để xuất bản cuốn Bách khoa toàn thư trao đổi thư từ với nhà văn và nhà khai sáng Pháp Voltaire (1694 - 1778); say mê đọc những tác phẩm của Montesqiueu (Môngteskiơ) (1689-1755). Ý tưởng khai sáng của các nhà tư tưởng Pháp được Nữ Hoàng lý giải khác đi theo cách riêng của mình, lại có ý tìm trong tác phẩm của họ những điều có thể biện minh cho chế độ chuyên chế và chế độ nông nô đang tồn tại ở nước Nga lúc bấy giờ.

Êkatêrina II công khai thi hành chính sách củng cố trật tự Nhà nước phong kiến, Các tạp chí của nhà khai sáng Nga N.I.Novikov (1744 - 1818) bị đóng cửa năm 1773. Mùa thu năm đó, Diderot đến Petersbourg cũng không thỏa thuận được với Nữ hoàng Nga về việc xuất bản bộ Bách khoa toàn thư. Nhà tư tưởng Pháp đau lòng ngửa mặt lên trời thốt lên: ''Ôi con mắt của nhà triết học và con mắt của nhà độc tài nhìn nhận sự vật thật là khác nhau".

Năm 1789, Cách mạng tư sản Pháp nổ ra, Vua Louis XVI (1754 - 1793) bị lật nhào. Nước Pháp công bố là nước Cộng hòa ảnh hưởng cách mạng Pháp như một làn gió tràn vào nước Nga im lìm sau thất bại của cuộc khởi nghĩa nông dân do Pugatsôv lãnh đạo. Viện sĩ quan S .N. Glinka dịch bài ca cách mạng Marseillaise (Malxaye) ra tiếng Nga. Nhà văn la. B. Kniazhnin viết vở bi kịch Vadim Nôvgrodski kêu gọi lật đổ chế độ chuyên chế thiết lập nền Cộng hòa.

Là người kinh bang tế thế, nhưng lúc này Êkatêrina II cảm thấy lo sợ trước nguy cơ nổi loạn. Với bên ngoài, Êkatêrina ít kêu gọi Vua các nước châu Âu ủng hộ để giải phóng nước Pháp thoát khỏi những tên kẻ cướp và khôi phục chế độ quân chủ; bên trong thì ra sức đàn áp hòng dập tắt mầm mống nổi loạn: giam cầm cố nhà khai sáng N.I.Novikov ở Pháo đài Shlisselburgskaia còn nhà văn Kniazhnin thì bị bỏ tù và chết trong ngục vào năm 1790.

Năm 1790 cuốn sách: Cuộc hành trình từ Petersbourg đến Moskva đến tay Nữ Hoàng, Êkatêrina II đọc xong cuốn sách và lên án gay gắt nhà văn và nhà tư tưởng Nga A.N Radishev (1749 - 1802): tác giả cuốn sách gieo rắc bệnh truyền nhiễm từ nước Pháp. Phẫn nộ trước một tiếng chuông báo hiệu sự lung lay của chế độ quân chủ chuyên chế ở Nga, Êkatêrina II cho rằng một tác giả phiến loạn còn tệ hơn Pugatsôv; ngay sau đó liền ra chiếu chỉ bắt và khép án tử hình nhà văn Radishev, nhưng sợ làm quá tay có thể gây mầm nổi loạn, tức nước vỡ bờ nên đã giảm án tử hình chỉ đày đi Sibir 10 năm.

Từ nước Pháp dội đến nước Nga tin dữ đối với Nữ Hoàng và cả triều đình nước Nga; Tháng Giêng 1790 Vua Pháp Louis XVI bị tử hình. Êkatêrina bị cơn sốt thật sự và phát bệnh. Cả triều đình nước Nga để tang Vua pháp. Để giữ cho chế độ quân chủ nước Nga không trượt theo vết xe của nước Pháp. Nữ Hoàng Êkatêrina II lập tức cắt quan hệ ngoại giao và buôn bán với nước Pháp. Những gì của nước Pháp cách mạng tồn tại trên nước Nga thời kỳ này đều bị loại trừ. Những tác phẩm của các nhà tư tưởng và khai sáng nước Pháp đều có lệnh đưa ra khỏi các thư viện và đem đi đốt. Nước Nga đón nhận hàng nghìn quý tộc Pháp sang cư trú. Bá tước de Artois (đô Artoa) em trai Vua Louis XVI vừa bị tử hình, đến Petersbourg được đón tiếp nồng hậu. Nữ Hoàng Êkatêrona II trao cho Bá tước một triệu rúp và một thanh kiếm có ghi dòng chữ ở lưỡi kiếm: Chúa phù hộ nhà Vua (ám chỉ Vua Louis XVI).

Rõ ràng việc củng cố chế độ quân chủ chuyên chế là quốc sách đối nội đầu tiên của Êkatêrina II. Trong chính sách bang giao với các nước châu Âu. Nữ Hoàng nước Nga cũng đặt mục đích củng cố Đế chế Nga trên vũ đài chính trị châu lục này, nhất là trong tình hình các cường quốc châu Âu có thuộc địa ở các nước Đông Nam Á đang phát huy ảnh hưởng của mình. Nữ Hoàng Êkatêrina II và chính phủ Nga hoàng cảm thấy lo ngại trước tình thế lúc bấy giờ đối với nước Nga chưa có hải quân ở bán đảo Kamtsatka và cảng trên bở Biển Okhotsk, Thái Bình Dương.

Tình hình từ cuối những năm 60 thế kỷ XVIII ở miền Bắc Thái Bình Dương khi Êkatêrina II chưa lên ngôi đã đặt Đế chế Nga ở vào vị trí thua kém so với ba cường quốc Anh, Pháp, Tây Ban Nha lúc bấy giờ về chính sách gây ảnh hưởng nước mình vượt ra ngoài biên giới. Chỉ vài năm sau Êkatêrina II lên ngôi, Chính phủ Tây Ban Nha đã phái năm đoàn thám hiểm đến bờ biển Bán đảo California phía Tây Bắc Mỹ (1769). Cũng vào khoảng thời gian đó (1776), để gây ảnh hưởng của Đế chế Nga ra bên ngoài, người Nga đã có đoàn thám hiểm eo biển giữa châu Á và châu Mỹ. Trong khi đi tìm eo biển này, người Nga đã bắt gặp một đoàn thám hiểm thứ ba do nhà hàng hải người Anh James Cook (1728 - 1779) chỉ huy đã đặt chân lên Bán đảo Alxasia phía Tây bắc Bắc Mỹ và Bán đảo Kamtsatka phía Đông Bắc châu Á nằm giữa Thái Bình Dương. Thời gian này, các cường quốc cạnh tranh nhau ở châu Âu đã có thuộc địa của mình ở các nước Đông Nam Á và Ấn Độ. Dựa vào các thuộc địa này, các cường quốc châu Âu phát huy ảnh hưởng của mình trên vùng Biển Thái Bình Dương có hiệu quả hơn. Tình thế này bắt buộc đế chế Nga không thể khoanh tay ngồi nhìn các cường quốc châu Âu tiến lên bỏ xa mình. Chính phủ Nga hoàng của Êkatêrina II ra tuyên bố chính thức với những phát hiện của người Nga ở vùng Biển phía Tây Bắc Mỹ. Ngày 28 tháng Chạp 1786, Nữ hoàng Nga ký chiếu chỉ điều từ Biển Baltique một đoàn thám hiểm vòng quanh thế giới dưới sự chỉ huy của G.I. Mulovski đến Bán đảo Kamtsaka. Ủy ban Hải quân của Chính phủ Nga hoàng gởi tới Mulovski Lời dặn nói rõ sau khi mô tả và ghi lời vào bản đồ những hòn đảo giữa Bán đảo Kamtsaka và Nhật bản thì phải đưa những hòn đảo ấy vào danh sách sở hữu Nhà nước của Đế chế Nga, cắm quốc huy và chôn xuống đất ở những nơi cần thiết những huy chương có ghi chữ Nga và chữ Latinh (Sokolov A.P Sự chuẩn bị đoàn thám hiểm vòng quanh thế giới năm 1787 dưới sự chỉ huy của Milovski. Ghi chép của Nhà Địa lý. Tập VI. Saint Petersboulg, 1848, trang 172).

Cuộc chiến tranh Nga – Thổ Nhĩ Kỳ và Nga - Thụy Điển làm cho cuộc thám hiểm này không thực hiện được, song chủ trương trong chính sách đối ngoại của Đế chế Nga chứng tỏ Êkatêrina II vẫn tiếp tục chính sách đối ngoại của triều đại Piôtr Đại đế là khẳng định vị trí cường quốc của Đế chế Nga ở châu Âu và bên ngoài biên giới châu Âu. Dưới bàn tay độc tài của Nữ Hoàng Êkatêrina II, Nhà nước quân chủ của Đế chế Nga đầu thế kỷ XVIII được củng cố vững chắc. Về lãnh thổ Đế chế Nga đã thống nhất lại gồm có: Bắc vùng ven Biển Đen, Krưm, Bắc Kavkaz, vùng lãnh thổ Tây Ukraina, Bielorussia, Litva. Về lĩnh vực khoa học quân sự dưới thời Êkatêrina II đã xuất hiện nhiều nhà hoạt động Nhà nước và quân sự nổi tiếng như vị danh tướng bất khả chiến bại Đại Nguyên soái A.U.Suvorov (1729 - 1800); Thống chế G.A.Potemkin (1739 - 1791), một sủng thần đã tổ chức cuộc chính biến năm 1762 đưa Êkatênna II lên ngôi; F.F.Uskakov (1744 - 1817), Đô đốc tư lệnh hải quân sáng lập hạm đội Biển Đen; B.A. Rumiantxev (1725 - 1796), Bá tước Thống chế có nhiều công lao trong cuộc chiến tranh Bảy năm (1756 - 1763) giữa Áo, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Saksoni, Thụy Điển một bên với bên kia là Phổ, Anh và Bồ Đào Nha, và trong cuộc chiến tranh Nga, Thổ Nhĩ Kỳ (1768 - 1774).

Cuối đời trong khi đồng thời bài trừ ảnh hưởng của cách mạng tư sản Pháp lan truyền sang nước Nga, Êkatêrina II vẫn chủ trương tiếp tục củng cố vị trí cường quốc của Đế chế Nga ở vùng Biển Thái Bình Dương. Đặc biệt thời gian này (năm 1792), để mở rộng buôn bán ở khu vực Thái Bình Dương một đoàn thám hiểm người Nga đã đặt chân đến Đảo Hokkaido, hòn đảo lớn thứ hai của Nhật Bản, theo sáng kiến của Viện sĩ Erik Laksman (Fain Berg E.la. Đoàn thám hiểm của Laskman đến Nhật Bản (1729 - 1793). Công trình của Viện Phương Đông Moskva. M 1947, tập 5, trang 5).

Nữ Hoàng Êkatêrina II là hiện thân của Đế chế Nga quân chủ độc tài. Nhưng bên cạnh đó, hơn ba mươi năm trị vì của Êkatêrina II đã đưa Đế chế Nga tiến lên một bước để trở thành cường quốc thực sự sánh vai với các cường quốc khác ở châu Âu đầu thế kỷ XVIII. Là nhà hoạt động Nhà nước cơ mưu, Êkatêrina II biết nhìn nhận nước Nga trong mối tương quan ở khu vực châu Âu và toàn cầu, nhưng mặt khác xét trên bình diện phản tiến bộ; Êkatêrina II đã lợi dụng trí tuệ và nền văn minh thế kỷ khai sáng ở Tây Âu để trị quốc; đàn áp phong trào quần chúng và các cuộc khởi nghĩa nông dân, bóp nghẹt các lực lượng trí thức tiến bộ chủ trương lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế theo gương Cách mạng Pháp năm 1789.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1062-02-633390269736118750/Nhung-hoang-de-nguyen-thu-quoc-gia-chinh-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận