Tài liệu: Khang Hy (1654 - 1722) hoàng đế thứ hai triều nhà Thanh (Trung Quốc)

Tài liệu
Khang Hy (1654 - 1722) hoàng đế thứ hai triều nhà Thanh (Trung Quốc)

Nội dung

KHANG HY (1654 - 1722) HOÀNG ĐẾ THỨ HAI

TRIỀU NHÀ THANH (TRUNG QUỐC)

 

Người tộc Mãn, ông là Hoàng để thứ hai của triều Thanh (tính từ khi Thanh diệt Minh, thống trị toàn cõi Trung Quốc). Họ Ái Tân Giác La. Tên Huyền Diệp, Đế hiệu Thanh Thánh Tổ. Niên hiệu Khang Hy. Là con thứ ba của Thanh Thế Tổ (tức Hoàng đế Thuận Trị). Ông lên ngôi Hoàng đế lúc mới 8 tuổi (1662). Trị vì liên tục 61 năm cho tới khi qua đời (1722). Lịch sử ghi nhận ông là nhà chính trị kiệt xuất có cống hiến đặc sắc về mọi mặt: quân sự chính trị, kinh tế, văn hóa đối với đất nước Trung Quốc.

Khi mới lên ngôi, bị đại thần phụ chính là Ngao Bái cậy công lao và tuổi tác lớn nên lộng quyền lấn lướt; Khang Hy đã tổ chức đội thị vệ thiếu niên tuyển từ con em Bát Kỳ, cho luyện tập võ nghệ rồi nhân dịp Ngao Bái vào cung bất ngờ bắt sống. Sau đó họp các đại thần luận tội, tước mọi quyền hành rồi hạ ngục. Từ đó (năm 14 tuổi), Khang Hy tự nắm quyền chính, điều hành mọi việc.

Về bảo vệ và mở rộng cương vực Quốc gia, ông có nhiều hành động cương quyết và có hiệu quả.

Năm 1673, để trừ hậu họa phiên trấn cát cứ, Khang Hy hạ lệnh bãi bỏ các phiên Vương là Bình Tây Vương Ngô Tam Quế trú phòng tại Vân Nam, Bình Nam Vương Thượng Khả Hỷ trú phòng tại Quảng Đông; Tĩnh Nam Vương Cảnh Trọng Minh trú phòng tại Phúc Kiến. Ba người trên đều là tướng cũ của nhà Minh đã từng giúp quân Thanh diệt nhà Minh nên được triều Thanh phong tước Vương và về sau đã có hành động bất phục tùng triều đình, mưu toan cát cứ. Nhân có lệnh bãi bỏ phiên Vương, Ngô Tam Quế cất binh chống lại, tự xưng là: Thiên hạ đô chiêu thảo binh mã đại Nguyên soái, tiến đánh Tứ Xuyên, Hồ Nam. Con của Thượng Khả Hỷ là Thượng Chí Tín, cháu của Cảnh Trọng Minh là Cảnh Tịnh Trung khởi binh hưởng ứng. Sự kiện này được gọi là loạn tam phiên (tam phiên chi loạn). Cả nước bị chấn động, Khang Hy khôn khéo đã dùng kế ly gián, lôi kéo Thượng Chí Tín và Cảnh Tịnh Trung về hàng triều đình để tập trung đối phó với Ngô Tam Quế. Loạn tam phiên được dẹp yên vào năm 1681.

Năm 1683 Khang Hy phái quân ra thu phục Đài Loan, lúc đó đặt dưới quyền của Trịnh Khắc Sảng, cháu của Trịnh Thành Công (người đã thu hồi Đài Loan từ tay thực dân Hà Lan năm 1662). Trịnh Khắc Sảng không chịu thần phục triều Thanh, tách Đài Loan khỏi sự quản lý của chính quyền Trung ương. Quân Thanh tiến công Đài Loan, buộc Trịnh Khắc Sảng đầu hàng, đưa Đài Loan về đặt dưới sự quản lý trực tiếp của triều đình.

Năm 1688, một bộ phận người Mông Cổ ở miền Tây Bắc nổi dậy chống Thanh. Khang Hy ba lần thân chinh, dẹp yên cuộc nổi dậy vào năm 1697. Về đối ngoại, từ năm 1685 đến 1687 giữa nước Nga và triều đình nhà Thanh nổ ra tranh chấp biên giới ở vùng Yakesa thuộc Hắc Long Giang. Khang Hy chủ trương giải quyết bằng quân sự, phái quân lên đẩy lùi quân Nga khỏi Yakesa, buộc phía Nga phải ký Hiệp định vào tháng Chín 1689, công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Yakesa.

Ngoài những hoạt động trên, Khang Hy còn có nhiều chủ trương thích hợp để củng cố bộ máy nhà nước phong kiến, phát triển kinh tế, văn hóa, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân như:

- Bỏ lệnh khoanh chiếm đất đai (Quyển Điện lệnh) được ban bố lúc quân Thanh mới vượt quá cửa quan vào đánh nhà Minh, xoa dịu được mâu thuẫn gay gắt giữa nông dân bị mất ruộng với triều đình.

- Phát triển thủy lợi, khuyến khích khai hoang, miễn giảm thuế má, giảm chi tiêu, đề xướng tiết kiệm cho dân đỡ cực khổ.

- Có thái độ khoan dung, sáng suốt đối với các giáo sĩ phương Tây đến Trung Quốc, cho họ được truyền Đạo, đồng thời khai thác ở họ nhiều tri thức khoa học - kỹ thuật để làm lợi cho Trung Quốc.

Bản thân Khang Hy từ nhỏ đã được giáo dục theo kinh điển Nho gia. Do thông minh, hiếu học nên ông đã học tập thêm được nhiều từ các giáo sĩ phương Tây đặc biệt là am hiểu thêm về thiên văn và toán học. Chính ông đã hạ lệnh biên soạn Toàn Đường thi, Bội văn vận phủ, và cuốn Khang Hy từ điển có giá trị to lớn được ấn hành vào năm 1716 gồm 12 tập, 42 quyển, thu thập 47.035 chữ Hán, chú rõ từ nguyên, diễn biến về hình thể và cách đọc của mỗi chữ. Khang Hy từ điển cùng với cuốn Khang Hy từ điển khảo chính của Vương Dẫn chỉ viết sau đó đã ảnh hưởng to lớn với Trung Quốc, với những người nghiên cứu về Hán tự và cổ văn Trung Quốc trên toàn thế giới.

Sự thịnh trị của Trung Quốc vào thời Khang Hy và đầu thời Càn Long sau này được sử Trung Quốc gọi là Khang Hy thịnh thế.

Tuy nhiên, là một Hoàng đế thuộc tộc Mãn, ông đã có hành động đàn áp nhiều khi tàn bạo với giới trí thức Hán tộc trong các vụ án văn học (văn tự ngục). Ông đã cấm lưu hành, tiêu hủy nhiều sách vở không có lợi cho sự thống trị của Triều Thanh, gây tổn thất về di sản văn hóa cho nhân dân Trung Hoa và nhân loại.

Tài liệu tham khảo:

-          Trung Quốc Hùng sử

-          Nhị Thập ngũ sử - Thanh sứ cảo

-         Bách khoa toàn thư Trung Quốc




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1062-02-633390268401275000/Nhung-hoang-de-nguyen-thu-quoc-gia-chinh-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận