Tài liệu: Trà đạo Nhật Bản

Tài liệu
Trà đạo Nhật Bản

Nội dung

TRÀ ĐẠO NHẬT BẢN

 

Trà đạo với tư cách là một di sản văn hóa truyền thống của Nhật Bản, đã có lịch sử trên 400 năm. Nó không những là một cách thức uống trà, chế tác trà hết sức độc đáo và được lưu truyền rộng rãi, mà còn là một cách thức để tu thân dưỡng tính, đề cao yếu tố văn hóa trong sinh hoạt và là một phương pháp để tiến hành giao tiếp xã hội. Các thiếu nữ Nhật Bản trước khi kết hôn hầu hết được học trà đạo để làm tăng thêm chất ưu nhã, thanh lịch và làm tinh thần thư giãn.

Một cuộc uống trà thông thường được cử hành tại một phòng trà đơn giản mà trang nhã, chỗ đi vào phòng trà là một cửa thấp được che bằng rèm. Những người khách vào phòng trà cần phải cúi gập người cung kính chắp tay bò vào phòng trà để biểu thị khiêm tốn, còn người chủ thì quỳ phía trước cửa để nghênh tiếp và biểu thị tôn kính đối với khách. Trong phòng trà, trên bốn phía tường thường thường người ta cũng có treo những bức tranh chữ nghệ thuật (thư họa). Và đôi khi người ta cũng thường cắm tỉa hoa để làm vật trang trí và cũng là thứ biểu hiện sự chào đón của chủ với khách. Ở chính giữa phòng trà có đặt một lò than chế bằng đồ đất nung để đun sôi nước và một ấm để pha trà, phía trước lò than có đặt bát trà và các loại dụng cụ uống trà. Những đồ uống trà cần phải thích ứng theo từng mùa trong năm và là những đồ quý của nhiều thời đại lịch sử khác nhau. Khi uống trà cần phải dùng hai tay nâng bát trà, đưa bát trà từ phía trái qua phải một vòng, khi uống trà nhất định cần phải uống ba ngụm cạn hết. Ngụm cuối cùng phải phát ra tiếng “khà” nho nhỏ để biểu thị tán thưởng khen ngợi. Trà đạo do bốn yếu tố hợp thành: chủ khách, phòng trà, dụng cụ uống trà và trà. Toàn bộ quá trình một cuộc uống trà cần từ 3 đến 4 giờ đồng hồ, chia làm bốn giai đoạn (bốn bước). Bước thứ nhất gọi là “hoài thạch”, sau khi những người khách đã an vị, chủ nhà sẽ mời khách dùng một ít thức ăn điểm tâm. Bước thứ hai là ''trung lập'': khách sau khi dùng món điểm tâm xong sẽ đi xuống trà đình và ngồi nghỉ ở đó. Bước thứ ba là ''ngự tòa nhập", lúc này khách sẽ được dâng trà đặc. Bước thứ tư là ''dùng trà loãng". Ngày nay có rất nhiều cuộc trà, người ta đã đơn giản hóa đến mức chỉ còn bước thứ tư.

Trà đạo có 4 quy định và 7 phép tắc. Bốn quy định là: hòa, kính, thanh, tịch. Hòa là hòa mục, kính là tôn kính với người khác, thanh là thuần khiết u tĩnh, Tịch là làm cho tinh thần ý tứ trầm lắng an tĩnh, gạt bỏ dục vọng, thanh thản. Bảy quy tắc là:

- Trà cần đậm nhạt vừa miệng.

- Lửa chú ý to nhỏ vừa phải.

- Tùy theo thời tiết bốn mùa mà để cho độ nóng của trà vừa phải thích ứng.

- Hoa cắm tỉa trong phòng phải tươi mới.

- Người đến thưởng trà phải đến sớm một chút (thông thường khách được mời phải đến trước từ 20 đến 30 phút so với thời gian mời).

- Bất luận là trời có mưa hay không cũng phải mang theo áo mưa.

- Cần quan tâm tới khách một cách chu đáo, kể cả khách của khách.

Tóm lại, trong toàn bộ diễn biến của một cuộc trà, từ bắt đầu đến lúc kết thúc cần phải quán xuyến tinh thần đầm ấm hòa hoãn thân mật và đem lễ nghi để đãi khách, đó là phong cách của dân tộc Nhật Bản.

Do đó có thể thấy, trà đạo bao gồm những nhân tố nghệ thuật, triết học, đạo đức, là một con đường cách thức để làm gia tăng tình cảm hữu nghị, thân thiết giữa bè bạn, chủ khách... Đó cũng chính là lý do khiến cho trà đạo ở Nhật Bản có cơ sở xã hội lớn đến như vậy và cho đến ngày nay nó vẫn thịnh hành. Trà đạo Nhật Bản truy tìm về nguồn gốc thì nó ra đời vào khoảng thế kỷ XV. Một trong những người được coi là sáng tạo, sáng lập ra trà là Thiên Lợi Hưu (Senno Rikyu, 1522 - 1591). Từ nhỏ ông đã để công vào nghiên cứu trà đạo (cách thức uống trà thưởng trà). Bốn quy định, bảy phép tắc của trà đạo chính do ông đặt ra. Truyền thống trà đạo của ông được con cháu ông và người đời sau lưu truyền rộng rãi và chia thành nhiều trường phái, trong đó có ba phái chính là “Biểu Thiên gia”, ''Lý Thiên gia'' “Vũ giả tiểu lộ Thiên gia''. Trong ba phái ấy, phái “Lý thiên gia” có ảnh hưởng lớn nhất. Theo con số thống kê, tại Nhật Bản trong số 10 triệu người học tập nghi lễ trà đạo thì có tới 6 triệu thuộc phái ''Lý thiên gia''.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1068-02-633390329989243750/Nhung-phong-tuc-tap-tuc-ky-thu-ky-di-khac...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận