TƯỢNG PHẬT KHỔNG LỒ
BẬC NHẤT HÀNH TINH
Ở Trung Hoa từ thế kỷ V đến thế kỷ XV, trong mười thế kỷ ấy đã xuất hiện hàng chục pho tượng Phật bằng đá khổng lồ, cao hai ba chục mét trở lên. Ở Nhạc Sơn - Tứ Xuyên có tượng Phật đứng bằng đá cao 36 mét. Ở Đôn Hoàng, Cam Túc có tượng Phật bằng đá mềm cao 33 mét, hoặc ở Vân Cương – Sơn Tây, Long Môn - Hà Nam, Thừa Đức - Hà Bắc v.v... tại những khu chùa hang đá đều có tượng Phật bằng đá cao trên 20 mét. Song, thật kinh ngạc là pho tượng Phật Di Lặc ngồi, khổng lồ bậc nhất hành tinh, cao đến 71 mét, tại vùng Núi Lạc Sơn cách huyện lỵ Lạc Sơn 500 mét, thuộc Tỉnh Tứ Xuyên Trung Quốc được khai tạc từ đời Đường thế kỷ VIII.
Theo sách Nghệ thuật điêu khắc Cổ đại Trung Quốc của Quý Tông Kiến, xuất bản năm 1990 thì vùng núi Lạc Sơn trước gọi là vùng Gia Châu. Nơi đây sơn thanh thủy tú, là ngã ba sông, hợp lưu của sông Thanh Ý Giang, Đại Đô Giang và Đàn Giang. Ở vùng này có cảnh quan non nước trời mây hùng vĩ, sóng gợn chân núi, thuyền bè vãng lai tấp nập. Phải có đầu óc láo bạo, kỹ năng kỳ tài mới có thể hoạch định và khai thác thành công được một kiệt tác điêu khắc hoành tráng khổng lồ vào loại bậc nhất thế giới tại nơi đây!
Tượng Phật ngồi lộ thiên, lưng dựa vào vách phía Tây mỏm Núi Lăng Vân Sơn thuộc dãy Núi Lạc Sơn. Cho nên tượng Phật có tên gọi là Lăng Vân Đại Phật, hoặc Lạc Sơn Đại Phật.
Hướng mặt Phật nhìn về phía Tây phương, sông nước mênh mông, sau lưng Phật là triền núi cây xanh um tùm; xung quanh còn bao bọc vô số tượng Phật, khám Phật và chùa chiền, miếu mạo lâu đài. . . thật nguy nga đồ sộ.
Với tầm thước 71m, khiến du khách đã kinh ngạc mà còn càng thán phục trước tài năng lỗi lạc của người khắc tạc. Từ những bộ phận của pho tượng như đầu, mặt đã lột tả được một chân dung siêu phàm, lý tưởng mà điềm nhã, từ bi của Đức Phật Di Lạc - biểu tượng của thái bình và tương lai xán lạn.
Đầu tượng Phật cao 14 mét, rộng 10 mét, khối hình uy nghiêm với nét mặt phương phi, kỳ vĩ. Đôi mắt lim dim trầm tư, viễn vọng sâu xa dưới đôi mày dài (mỗi mắt dài 3,3 mét, mày dày 5,6 mét). Tai dài 7 mét, mũi thẳng 5,6 mét, mồm mỉm cưới thuần hậu có độ dài ngang với mắt 3,3 mét, trán cao 3 mét. Chiều ngang của vai tượng 28 mét, cân đối với độ cao từ bàn chân lên đầu gối cũng 28 mét. Sự tính toán chính xác kích cỡ, tỷ lệ hợp lý đó đã mang lại hiệu quả nghệ thuật hình thần kiêm bi, cự tế hài hòa, nghĩa là cả hai mặt hình thể và tinh thần, khái quát tổng thể và chi tiết tinh vi, bao gồm các bộ phận lớn bé của tượng Phật đều đạt đến trình độ hài hòa, hoàn mỹ.
Căn cứ vào tài liệu Gia Châu Lăng Vân Đại Phật tương ký đời Đường, hoặc Trùng tu Lăng Vân tự ký đời Minh và một số tài liệu khác, thì tượng Phật được khởi công tạc dựng vào đời Đường Huyền Tông - Nguyên niên tức năm 713 và phải kéo dài đến 90 năm sau mới hoàn tất vào đời Đường Đức Tông - Trinh Nguyên niên, tức năm 803.
Theo tương truyền, tượng Phật này do Hòa thượng Hải Thông khởi xướng khai tạc. Ông vốn là người từ đất Quý Châu đến đây du sơn ngoạn thủy, và rồi cảm cảnh quý người, nên che lều trại lưu trú tại Lãng Văn Sơn. Song ở đây, ông lại từng chứng kiến bao thảm cảnh thuyền chìm người chết trước những thiên tai thủy họa, lũ lụt, nước cuốn, gió xoáy triền miên. Ông bèn nghĩ chuyện lập chùa, tạc tượng, khẩn Phật cầu Trời cứu nhân độ thế, che chắn tai ương, phù hộ cho dân lành an cư lạc nghiệp. Thế nhưng đến lúc khởi công xây dựng, thì bị bọn Quận Sứ quan quyền địa phương sở tại hoành hành quấy nhiễu, đòi nài giao nộp lệ phí cho chúng. Hòa thượng Hải Thông vốn bản tính kiên nghị, quên mình vì chúng sinh, Phật pháp nên ông dõng dạc trả lời: Mắt ta có thể khoét, song cửa Phật chớ nên vòi. Bọn Quận Sứ hết sức căm hận; và thách thức: Vậy thì cứ làm xem sao? Hải Thông lập tức tự tay mình khoét mắt dâng cho bọn chúng, khiến bọn chúng vô cùng khiếp sợ và hối hận. Dân lành thương xót khôn nguôi và hết sức kính phục khí phách ngoan cường gan dạ của ông.
Do tượng khổng lồ, quy mô công trình đồ sộ nên việc xây dựng phải kéo dài, Hòa Thượng Hải Thông qua đời giữa lúc tượng tạc còn dở dang, bề bộn... Nhưng có Tiết Độ sứ ở Tây Xuyên đến thay ông, tiếp tục điều hành công trình cho đến ngày hoàn tất.
Để đời đời nhớ ơn và ghi công đức to lớn của Hòa Thượng Hải Thông, dân chúng ở đây đã khai động, lạc tượng ông để tôn thờ. Ngày nay, trên đỉnh Núi Lăng Vân Sơn vẫn còn Động Hải Sư, chính là nơi ông từng che lều trại lưu trú năm xưa. Trong động có tượng đá Hòa Thượng Hải Thông, cao 2 mét, ông ngồi xếp bằng, tay bưng hộp đựng trân châu, nét mặt kiên nghị và phẫn nộ như khí tiết của ông lúc sinh thời.
NNC Mỹ thuật THÁI HANH