Tài liệu: Quốc họa Trung Hoa

Tài liệu
Quốc họa Trung Hoa

Nội dung

QUỐC HỌA TRUNG HOA

 

Quốc họa Trung Hoa là nền hội họa chính thống và độc đáo, sản sinh từ bản địa Trung Hoa - một trong những chiếc nôi văn minh của nhân loại.

Từ bề dày lịch sử hơn hai nghìn năm và mang bản sắc đặc thù của truyền thống dân tộc, Quốc họa Trung Hoa chẳng những có tác dụng chi phối sâu sắc nền hội họa trong nước, mà còn ảnh hưởng rộng rãi đến nền hội hoa nhân loại, đặc biệt là các nước ở phương Đông.

Quốc họa Trung Hoa được bắt nguồn từ những yếu tố hội họa ở nghệ thuật trang trí hoa văn trên đồ gốm màu, hoặc trên nghệ thuật chạm khắc đồ đồng xa xưa; đó là hình thù động thực vật, hoặc sinh hoạt của con người khá sinh động. Và từ khi phát hiện được những bức tranh lụa sớm nhất cỡ nhỏ (20 x 30cm) miêu tả người, rồng và phượng bằng nét bút lông khá điêu luyện; ở các ngôi mộ nước Sở - thời Chiến Quốc (năm 475 - 221 Tr.CN) tại tỉnh Hồ Nam, phía Nam Trung Quốc. Người ta đã khẳng định, Quốc họa ra đời từ hai ngàn năm trăm năm trước, hoặc còn có thể xa hơn nữa.

Ở Trung Hoa, nghệ thuật vẽ tranh (họa pháp) gắn bó chặt chẽ với nghệ thuật viết chữ tượng hình (thư pháp) có nguồn gốc từ chữ khắc trên mai rùa hoặc xương thú gọi là ''Giáp cốt văn" xuất hiện vào đời Thương (thế kỷ XI - XVI Tr.CN). Từ mối quan hệ hữu cơ đó mà người ta gọi là “Thư họa đồng nguyên”, nghĩa là viết và vẽ sinh ra cùng một gốc. Và cũng từ quan hệ đặc thù đó, mà viết chữ hoặc in chữ triện cùng với đề thơ trên tranh đã hình thành một bộ phận phù trợ không thể thiếu cho giá trị hoàn mỹ của tác phẩm. Do đó, dung hợp họa, thư, thi trong Quốc họa Trung Hoa là một truyền thống vô cùng độc đáo.

Theo tài liệu khảo cổ học phát hiện ở An Dương tỉnh Hà Nam, thì đấu vết nét bút lông đã xuất hiện trên mảnh xương từ hàng ngày năm Tr.CN. Hoặc còn có truyền thuyết về người sáng chế bút lông là Thạch Hoàng vào khoảng hơn hai ngàn năm Tr.CN, chứ không phải chỉ có truyền thuyết Mông Điềm tướng của nhà Tần (năm 221 - 207 Tr.CN, có công sáng chế ra cây bút lông, để tìm hiểu nên đại xuất xứ của cây bút lông. Mặc dù chưa khẳng định, song qua đó cho thấy cây bút lông đã ra đời khá sớm ở Trung Hoa.

Viết và vẽ ở Trung Hoa cùng sử dụng công cụ cây bút lông và không phân biệt bút viết và bút vẽ như các nước khác. Dưới bàn tay điều khiển điêu luyện của các thư họa gia Trung Hoa, ngọn bút đầu hình tháp nhọn, bằng lông thỏ, lông dê, hoặc lông nai... Thân bút làm bằng trúc mảnh mai, đơn sơ, vậy mà như có phép thần ''thiên biến vạn hóa" tạo nên thiên hình vạn trạng, muôn vẻ muôn màu. Từ nét tinh vi đến khối hình đông đặc... cũng chỉ qua mấy đầu bút lông điều hành, thao tác, không giống như các họa sĩ Châu Âu lúc vẽ phải dùng đến nhiều loại, nhiều cỡ bút vẽ khác nhau. . .

Vẽ hay, thì viết cũng khéo và đều phải qua khổ luyện bút pháp, bút lực; theo những bài bản phép tắc có hệ thống chặt chẽ, nghiêm ngặt. Thậm chí có người luyện đến cả một đời mới lột tả được cái gọi là “thần khí” trong tranh hoặc chữ viết. Tạ Hách - nhà họa luận kiệt xuất đời Nam Bắc Triều (năm 420 -589) từng nói: ''Biểu hiện cái thần, cái hình toát ra từ tâm linh đều qua nét bút”. Hoặc Trường Ngạn Viễn - họa gia và cũng là nhà họa luận trứ danh đời Đường (năm 618 - 907) còn cho rằng: ''Lúc không miêu tả được tư tưởng hội họa thì dùng chữ viết. Còn khi không biểu hiện được hình thù bằng chữ thì dùng hội họa”.

Ngọn bút lông giao duyên với thỏi mực đen (mực Nho) đã sinh ra nghệ thuật tranh ''thủy mặc'' độc đáo (chỉ vẽ bằng mực đen và lượng nước, không có màu). Do tài nghệ của các họa gia điều hòa lượng nước (thủy lượng) với mực đen, mà có thể tạo nên vô số sắc độ đậm nhạt, để biểu hiện hình ảnh với nhiều cung bậc sáng tối, xa gần, nóng lạnh, mịn thô, góc cạnh, phẳng bằng, tròn trĩnh, nhọn sắc,v.v… Từ độ trong suốt của đôi cánh ve sầu, hay đàn tôm bơi lội tung tăng giữa nước, cho đến tầng tầng lớp lớp núi non hùng vĩ, bạt ngàn, hay sông hồ lung linh, mênh mông... và cùng cuộc sống con người trong xã hội đều được khắc họa, lột tả một cách tinh tế mà kỳ ảo. Song, họa pháp Quốc họa Trung Hoa có hai lối dụng bút cơ bản mà đối lập nhau, đó là ''công bút" “ý bút”, (còn gọi là “tả ý”).

''Công bút" là lối vẽ nét công phu, tỷ mỹ, tinh vi, hoàn hảo. Diễn tả hình thể theo đường viền chu vi tinh tế, chỉnh tề. Có khi tỉa tót đến chân tơ, kẽ tóc... Trước đời Tùy – Đường (thế kỷ VI-VII) bút pháp ''công bút" rất thịnh hành và hầu như chủ yếu.

"Ý bút" là lối vẽ mảng khối tiêu biểu, tinh lọc, điển hình. Diễn tả hình thể và cả màu sắc đều theo cách gợi tả khái quát, ước lệ, giản lược; song hết sức phóng túng, bay bổng, thoáng hoạt... Từ đời Đường trở đi, họa pháp ''tả ý" (ý bút) phát triển thành cao trào. Và đến đời Minh - Thanh (thế kỷ XIV-XIX) ngày càng xuất hiện lối vẽ phóng bút táo bạo, hình thể và màu sắc càng tinh lược, mẫn nhuệ cao độ, mà các họa gia gọi là “đại tả ý”. Đồng thời hai lối vẽ ''công bút"và ''tả ý'' từ tách bạch dần dà chuyển hóa và dung hợp thành một họa pháp mới ''trong công có tả, trong tả có công, và công tả tương bổ” như tranh của đại họa gia Ngô Xương Thạc đời Thanh, hoặc danh họa Tề Bạch Thạch, từng có nhiều kiệt tác với họa pháp “đại tả ý”.

Cấu trúc không gian trong Quốc họa cũng là một đặc thù quan trọng, hoàn toàn không tuân theo luật xa gần (viễn cận) với lối nhìn điểm tụ từ đường chân trời như hội họa Châu Âu, mà cảm nhận không gian ước lệ theo đường chim bay, gọi là “thấu thị phi điểu” hay theo đường ngựa chạy, gọi là “thấu thị tẩu mã”. Từ lối bố cục không gian đó, sản sinh thể loại tranh trục dọc (treo tường), thường miêu tả phong cảnh bao la, hùng vĩ gọi là tranh sơn thủy. Hoặc còn có loại tranh quyển ngang, cuộn tròn, xem đến đâu mở ra đến đó, thường miêu tả đề tài lịch sử, hay tích truyện. Như tranh cuộn tròn ''Thanh minh thượng hà đồ'' của đại họa gia Trương Trạch Đoan đời Tống (thế kỷ X-XIII) dài hơn 5 mét. Ngoài ra còn có các loại tranh tập liên hoàn, tranh bộ tứ bình, nhị bình... đều xuất phát từ cấu trúc không gian trong tranh.

Do bản sắc độc đáo và tính ưu việt của nó, mà tất cả những đặc thù cốt lõi của Quốc họa Trung Hoa, đến nay vẫn bảo tồn nguyên vẹn và còn được chuyển hóa thích nghi với thời đại. Song, đặc thù tiêu biểu của truyền thống Quốc họa Trung Hoa thể hiện tập trung ở tranh thủy mặc, mà nói đến tranh thủy mặc là phải nói đến tranh sơn thủy. Và chính qua tranh sơn thủy mà người ta thấy hết mọi cái hay, cái đẹp, cái kỳ diệu ở Quốc họa Trung Hoa.

Thời kỳ mới ra đời, Quốc họa Trung Hoa chủ yếu miêu tả nhân vật, còn phong cảnh trời đất núi sông, cây cối: chỉ là bối cảnh, phụ họa, hoặc trang trí làm nền cho hình ảnh con người được thể hiện trong tranh, cốt phản ánh tâm linh, ý niệm con người tồn tại trong Vũ trụ, đất trời, với thế giới tự nhiên, mà lúc bấy giờ chưa xuất hiện thể loại tranh sơn thủy đơn thuần. Song, qua tiến trình phát triển là phân hóa, Quốc họa Trung Hoa hình thành các thể loại tranh mang tính độc lập riêng biệt của từng đặc chủng: Tranh nhân vật tranh sơn thủy (tranh phong cảnh), tranh hoa điểu, thảo trùng, tranh tĩnh vật v.v... Mỗi thể loại tranh đều có đặc thù và luận thuyết ưu việt riêng về họa pháp. Song, tinh hoa tiêu biểu, phổ cập nhất trong truyền thống Quốc họa Trung Hoa vẫn là tranh sơn thủy. Tranh sơn thủy chủ yếu miêu tả phong cảnh đất trời, sông núi, cây cối, hoa lá... Con người trong tranh chỉ là thứ yếu. Có tranh không miêu tả con người, chỉ phản ánh thế giới tự nhiên. Song tuyệt nhiên phải thể hiện được hai đối cực ''Đất – Trời, Núi-Nước, Âm-Dương”... bởi được chi phối của tư duy Vũ trụ Á Đông: ''Thiên Địa Nhân - Tam tài nhất hợp" (Trời Đất Người - ba hóa thành một).

Vào đời Nam Bắc Triều (năm 420 - 589), tranh sơn thủy từ manh nha đến thuần chủng và cũng sớm xuất hiện những họa gia trứ danh như Cố Khải Chi, Vương Vi, Tông Bính...

Đến đời Đường (năm 681 - 907), tranh sơn thủy phát triển thuần thục và xuất hiện những họa pháp mới, tiêu biểu là họa pháp ''thủy mặc sơn thủy'' (tranh sơn thủy vẽ bằng mực đen không dùng màu sắc khác) do họa gia Vương Duy khởi xướng và họa pháp ''tranh lục sơn thủy'' (tranh sơn thủy vẽ mực đen, điểm màu xanh lục) do họa gia Triển Tử Kiên chủ xướng, đã ảnh hưởng lớn đến các thời kỳ sau.

Kế thừa những đặc sắc của tranh sơn thủy đời Đường vào đời Tống (thế kỷ X-XIII), tranh sơn thủy phát triển đến cao trào, lấn át thể loại tranh nhân vật và xuất hiện dòng tranh của tầng lớp văn nhân đại sĩ phu với những quy thức hội họa nghiêm ngặt, phân biệt giữa cao nhã và thô dã, thượng lưu và hạ lưu. Ngoài ra triều đình thành lập Hàn Lâm học viện, tổ chức thi cử, tuyển chọn nhân tài, họa gia được phong hàm tước, bổ nhiệm làm quan chức. . . đã chứng tỏ sự phát triển và trọng dụng của quốc họa đương thời.

Thành tựu rực rỡ của tranh sơn thủy đời Tống ảnh hưởng sâu rộng đến các đời Nguyên - Minh - Thanh (thế kỷ XIV-XIX). Các thể loại, hình thức diễn đạt và cả đề tài đều phát triển đa dạng, phong phú. Song, cũng xuất hiện nhiều họa phái như “Ngô phái”, ''Hải phái”, ''Dương châu bát phái'' hay “Tứ vương”, ''Tứ Hiển" v.v... khiến cho phong cách, cá tính nghệ thuật tranh sơn thủy trở nên nhiều vẻ. Song, trong thời kỳ ra đời nhiều môn phái đã xuất hiện những môn phái hoài cổ, sao chép tiền bối, sa vào bảo thủ, công thức, và sản sinh những tâm tư ẩn cư, hư vô, khiến cho tranh sơn thủy trở nên u ám, cô quạnh, tẻ nhạt... Hiện trạng thiếu lành mạnh này phải đợi đến sinh khí mới ở tranh sơn thủy của các danh họa Tề Bạch Thạch, Từ Bi Hồng, Ngô Tác Nhân, Lý Khả Nhiễm, Phan Thiên Thọ, Diệp Thiển Dư v.v... vào thời kỳ hiện đại mới được xua tan.

Ngày nay, ở Trung Hoa đang tiến hành ''cải cách'' ''đổi mới”. Di Sản Quốc họa vô giá được gìn giữ và phát huy rộng rãi bằng nhiều điều kiện và phương tiện tối ưu, cho nên Quốc họa Trung Hoa, trong đó có tranh sơn thủy hiện đại vẫn được phát triển mạnh mẽ bằng sự chuyển hóa thích nghi với thẩm mỹ thời đại và đáp ứng nhu cầu thị trường; song vẫn đậm đà bản sắc của truyền thống hội họa dân tộc, Quốc họa vẫn chiếm vị trí quan trọng trong nền mỹ thuật đương đại của Trung Hoa hiện nay.

Có một thời trước đây, có thể vì chưa tìm hiểu, nghiên cứu đầy đủ, hoặc hạn chế ở nhãn quan thẩm mỹ mà người ta cho rằng quốc họa Trung Hoa là nghệ thuật theo hứng thú bản năng, hoặc không khoa học như hội họa Châu Âu. Kỳ thực, từ thực tiễn sáng tác phong phú, lý luận quốc họa Trung Hoa (họa luận) đã hình thành và phát triển sớm hơn những bài bản phép tắc giải phẫu, viễn cận, hay lý luận trước hội họa của phương Tây đến 10 thế kỷ, mà tiêu biểu là ''Lục pháp luận'' của Tạ Hách thế kỷ V, một kiệt tác lý luận hội họa có hệ thống hoàn chỉnh mang giá trị khoa học, cho đến nay vẫn phát huy tác dụng. Đó là ''sáu phép'' cơ bản có quan hệ hữu cơ với nhau trong sáng tác Quốc họa Trung Hoa.

Một là ''Khí vận sinh động'' nói đến sự miêu tả ''thần khí'' sống động, có sức truyền cảm, hấp dẫn người xem.

Hai là ''cốt pháp dụng bút'' nói đến việc xây dựng bố cục hình tượng và sử dụng bút pháp, kỹ xảo.

Ba là ''ứng vật tượng hình'' là sáng tạo hình tượng nghệ thuật trên cơ sở quan sát thực tế sự vật.

Bốn là ''tùy loại phú thái'' là căn cứ vào từng loại sự vật để sử dụng, phối hợp màu sắc.

Năm là ''kinh doanh vị trí'' là sắp xếp ổn định bố cục và tương quan tỷ lệ trong tranh

Sáu là ''truyền di mô tả'' nói về việc miêu tả sinh hoạt và sáng tạo hình tượng trên cơ sở hấp thụ truyền thống và quan sát nắm vững thực tế sự vật.

Nối tiếp Tạ Hách, các danh họa kiêm họa luận gia các đời sau, như Trương Ngạn Viễn đời Đường với sách Lịch đại danh họa ký, Quách Hy đời Tống với Đồ họa kiến Văn chí hay Đổng Kỳ Xương đời Minh với Nam Bắc Tông luận v.v... đã phát triển phong phú hệ thống họa luận cơ bản của Trung Hoa, mà “Lục pháp luận” chính là tác phẩm họa luận khởi nguyên. Song các họa luận sau Tạ Hách, bộ sách Giới tử Viên họa phổ của Lý Ngư và một số họa gia đời Thanh, khá đặc sắc, chẳng khác nào bộ bách khoa hội họa của Trung Hoa Cổ đại.

Qua hệ thống họa luận phát triển toàn diện và khoa học, càng minh chứng thành tựu nghệ thuật ưu việt của Quốc họa Trung Hoa.

Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các họa sĩ phương Tây từng đi săn tìm những bảo pháp sáng tạo nghệ thuật trong hội họa phương Đông mà chính cội nguồn của nó được phát sinh từ Quốc họa Trung Hoa.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/175-02-633386899039531250/Nghe-thuat-tao-hinh-Tac-giaTac-pham-cua-th...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận