Tài liệu: Pablo Picasso (1881 - 1973)

Tài liệu
Pablo Picasso (1881 - 1973)

Nội dung

PABLO PICASSO (1881 - 1973)

 

Pablo Picasso - họa sĩ thiên tài của thế kỷ XX, đứa con phi thường và ghê gớm của thế kỷ, tia Mặt trời không bao giờ tắt, một nghệ sỹ ưu tú nhất về tầm cỡ và ảnh hưởng của ông đối với hội họa thế giới, một chiến sĩ dũng cảm đấu tranh không mệt mỏi cho Tự do, Hòa bình và Tiến bộ xã hội... Thật khó kể hết những từ ngữ tốt đẹp, những lời ngợi ca nồng nhiệt của các nhà hoạt động xã hội, các nhà nghiên cứu nghệ thuật đã viết kèm theo tên Pablo  Picasso.

Ông sinh ngày 25 tháng 10 năm 1881 tại Malaga thuộc vùng Andalusia, miền Nam Tây Ban Nha và mất ngày 8 tháng 4 năm 1973 tại Mugins, miền Nam nước Pháp.

Với lòng nhân ái bao la và sự say mê sáng tạo nghệ thuật hiếm có, Picasso đã trở thành một trong những người đóng góp lớn nhất cho nhân loại kể từ xưa đến nay về mặt văn hóa, xã hội; được ngợi ca nhiều nhất và đặc biệt là làm bùng nổ nhiều cuộc tranh luận suốt gần thế kỷ XX.

Là con của Giáo sư hình họa Don José Ruiz Blácsco (1838-1913) và bà Don Maria Picasso Y Lopez (1855-1939). Như vậy, bút danh của ông lấy họ đàng mẹ. Ông yêu hội họa từ bé. Năm 14 tuổi (1895), Picasso đã làm mọi người ngạc nhiên vì bài thi vào trường Mỹ thuật Barcelona cho các thí sinh một tháng, ông đã hoàn thành trong một ngày. Năm 16 tuổi, ông đã được vào Học viện Mỹ thuật Hoàng gia San Fernando ở Madrid. Cùng năm đó (1897), ông được nhận huy chương vàng với bức tranh Khoa học và lòng nhân ái (Science ét charité), được vẽ theo phong cách Cổ điển. Bức tranh này hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Picasso tại Barcelona. Thành tích đó đã làm ông nổi tiếng ở Tây Ban Nha. Song Picasso đã không thỏa mãn với kết quả mang tính Hàn lâm ấy. Năm 1899, ông gia nhập nhóm họa sĩ Barcelona mà ông gặp tại tửu quán Bốn con mèo và tham gia triển lãm với họ.

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Paris hấp dẫn các văn nghệ sĩ như một kinh thành ánh sáng và Cách mạng. Các họa sĩ hội tụ về đây có Vincent Van Gogh, Van Dongen từ Hà Lan; Modigliani từ Italia; Chagall từ Nga; Foujita từ Nhật Bản; Lipchitz từ Ba Lan... Picasso đã đến Paris trong làn sóng này; lần đầu tiên vào tháng 10 năm 1899 và lưu lại ở hẳn vào năm 1904. Hơn một năm tới Paris, ông đã thành lập được một Studio ở đấy.

Tại xóm lều Bateau Lavoir trên đồi Montmartre (13 đường Pavignan), Picasso đã gặp nhà thơ Apollinaire, các họa sĩ Henri Matisse, André Derain, Meo Jacob, Van Dongen và Georges Braque. Nơi đây dù phải sống trong hoàn cảnh đói nghèo thiếu thốn, cảnh hàn vi thường thấy ở các họa sĩ buồi ban đầu, Picasso đã gửi gắm niềm tin vào sức mạnh lớn lao của nghệ thuật và đem lòng đồng cảm sâu sắc với những mảnh đời hắt hiu tiều tụy bên lề Paris lộng lẫy xa hoa. Đó chính là Giai đoạn Mầu Lam (Blue period) của ông (1901 – 1904). Trong giai đoạn sáng tác này ta thấy Chân dung nhà thơ. Sabartés (Poltrait du Sabartés, 1901) với nét buồn thiểu não; Cuộc gặp gỡ (L’Entrevue, 1902) hai chị em gặp nhau trong buồn rầu đói khổ; Chân dung một phụ nữ trẻ (Tête de femme, 1903) cuộc sống khốn khó với bao nỗi lo toan hằn trên khuôn mặt: Những người nghèo trên bờ biển (Les Pauvres au bord de la mer, 1903) đang khoanh tay vô vọng; Đặc biệt bức Xẩm già khốn khồ(le vieux guitariste, 1903) lệch gối xô vai đang ôm đàn ghi ta ca bài ca sầu não của tuổi già tật nguyền thê lương ảm đạm. Thời kỳ mở đầu ấy, Picasso đã vẽ theo phong cách hội họa Biểu Hiện mà trước đó Vincent Van Gogh (1853-1890) đã khởi xướng. Nếu như nét màu của Van Gogh quằn quại như sóng gió và đầy lo âu thảng thốt thì ở đây, trong tranh của Picasso, ta thấy những màu xám xanh lạnh lẽo cô đơn, là những hình ảnh run rẩy thẫn thờ về cô gái giang hồ, người làm xiếc tha phương, những phụ nữ, trẻ em gầy yếu xanh xao, những ông già khốn khổ... Tất cả đều vạch hết cát hiện thực phũ phàng, lẩn khuất đằng sau vẻ cao sang của các thành phố Châu Âu hoa lệ lúc đó.

Mắt nhìn như vậy, lòng đau như vậy làm sao tranh lại có thể óng ả mượt mà như tranh của Corrège, tung bay lộng lẫy như của Rubens, lả lơi gợi tình như tranh của Fragonard, lung linh thơ mộng như của Monet hoặc trong sáng vui tươi như của Matisse? Chân-Thiện-Mỹ ở tranh ông ẩn tàng trong lòng sự vật, ở từng cảm xúc của người nghệ sĩ. Khi con mắt của người đời chưa kịp nhận thấy, tranh ông ế ẩm chất đống trong xưởng vẽ; Picasso vẫn quyết tâm đem lòng mình gắn bó với từng giọt nước mắt, từng cánh hoa rơi, từng cơn phong ba của nhân loại. Khi xã hội còn nhiều ngang trái, bất công và đầy khổ đau, ông cảm thấy chưa phải lúc ông vẽ tranh giàu chất trang trí để người ta trang hoàng nhà cửa. Trước hết, nó phải là vũ khí đấu tranh cho Hòa Bình, Công Lý, Nhân đạo. Ông đã đứng về phía nhân dân chiến đấu vì Hạnh phúc của con người.

Tiếp đó là Giai đoạn Màu Hồng (Rose Period 1905-1907) và Giai đoạn Negro (Negro Period l907-1908) với những tranh như Anh hề Arlequin (Arlequin, 1905), các nghệ sỹ xiếc Cô bé và quả cầu (1905). Picasso nghiên cứu và chịu ảnh hưởng của nghệ thuật điêu khắc cổ của Châu Phi da đen, tiến đến mở đầu lối vẽ Lập Thể bằng bức tranh làm mọi người sửng sốt: Những cô nàng Avignon (Les Demoiselles d’Avignon, 1907. Museum of Modem Art, New  York). Picasso cùng với bạn kém mình một tuổi Braque (1882-1963) trở thành những người đứng đầu phong trào, họ chèo chống trong phong ba, dư luận chê bai dè bỉu. Ông vẽ thoạt đầu là lối Lập Thể phân tích (Analytical Cubisme), 1908 - 1911 và sau đó là Lập Thể Tổng hợp (Synthétique Cubisme), 1911 - 1914. Thực chất của hội họa Lập Thể không phải thuần túy tạo hình nhờ khai thác các khối hình học, khối hộp (Cubique) mà là tạo ra thể mới (Création de forms).

Hội họa Lập Thể không được công chúng lúc đó hoan nghênh vì xa lạ với nhiều người, nhưng lại được sự cổ vũ hết sức nồng nhiệt của nhà thơ có con mắt tinh đời Guillaume Apollinaire (1880-1918), người được ghi nhận là phát hiện ra Picasso và nhà buôn tranh học thức người Đức Kahnweiler (1884- 1979).

Trước khi mọi người nhận ra được vẻ cao quý, giá trị chân chính về những tìm kiếm mới mẻ và thú vị bất ngờ khi ngắm nhiều nhìn kỹ, thì mấy ai tránh khỏi bàng hoàng ngạc nhiên khi xem các bức tranh của Picasso như Khỏa thân với tấm khăn voan (Nu à serviette 1907), Điệu nhảy và chiếc khăn che (La Dance au voiles 1907); Ba người phụ nữ (Trois femmes 1908); Người thổi kèn Clarinette (Joueur de la Clarinette 1911), Violon (1913)...

Phong trào Lập Thể với nhiều họa sĩ góp mặt, ngoài Picasso và Braque còn có Fernand Légér (1881-1955), Marcoussis (1878-1941 ), Glézes (1881-1953), Marcel Duchamp (1887-1968), Juan Gris (1887-1927), André Lhote (1885-1963)...

Phong trào này chỉ rầm rộ trong khoảng 7 năm 1907-1914. Do nội dung chứa đựng vẻ đẹp độc đáo của cấu trúc hình thể, của tư duy và giàu chất trí tuệ nên đã gây tiếng vang chưa từng có trong thế giới nghệ thuật và được tranh luận rất nhiều. Với mục tiêu tạo ra thể mới, Picasso đưa vào tranh của mình thời kỳ này cái hình dạng khác thường của sự vật. Đó là kết quả của việc quan sát một cách liên tục từ nhiều hướng, nhiều khi có sự tham gia suy xét của hiểu biết. Chính vì thế mà hiện thực trong tranh Lập Thể đạt được ở tầm cao hơn, sâu sắc và biện chứng hơn. Những cây bút của hội họa Cổ Điển có thể bắt những sự việc thoảng qua phải dừng lại trong nhiều thế kỷ, đó hẳn là những đóng góp to lớn không ai có thể phủ nhận được. Qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển nhờ nó mà giờ đây chúng ta mới có hình ảnh chân thực về các vĩ nhân, những con người cùng với văn hóa, phong tục của biết bao thế hệ các dân tộc khác nhau trên thế giới. Nhưng giờ đây vai trò lớn lao ấy đã kém phần ý nghĩa từ khi máy ảnh ra đời. Những cây bút Lập Thể như Picasso và các bạn ông muốn đi xa hơn, muốn bắt cả một giai đoạn của sự việc, những kết quả của tư duy, thậm chí cả những dòng tâm sự với đời phải dừng lại trong tranh.

Bức tranh nổi tiếng Bố cục với đầu lâu (Composition With a Skull-1907) là một thí dụ tiêu biểu. Bức tranh này đã từng qua tay các nhà sưu tập nghệ thuật Kahnweiler (1912), Shchukin (1918) và cuối cùng từ năm 1948 nó vào Bảo tàng Ermitage, Saint Petersburg. Trong bức tranh ông gửi gắm nhiều trăn trở, tâm tư và triết lý về cái còn cái mất của cuộc đời sự nghiệp cùng những đam mê của một người nghệ sĩ.

Bức tranh đó có kích thước trung bình (115cm x 88cm) được vẽ theo phong cách Lập Thể. Ở trung tâm và cận cảnh là chiếc đầu lâu trên nền vải đỏ, phía trước bên phải là một cái gì như chiếc bát đặt trên hộp tạo khối. Phía sau, góc trái là những chồng sách, trên đấy là cây đàn (ta nhận ra bởi cần đàn và lỗ thoát âm). Phía trên là bảng pha màu, bút vẽ và ngay cạnh bên là những bức tranh... Tất cả chỉ gợi tả vừa đủ theo kiểu lời ít ý nhiều. Một bức tranh bố cục các vật được tả sơ lược và sắp xếp bề bộn. Nếu dừng lại ở đây theo kiểu xem tranh Cổ Điển hẳn người xem sẽ thấy thất vọng.

Trước hết xóa đi cái khác biệt Đông, Tây trong quan niệm về đầu lâu. Ở phương Đông, hiếm thấy sách báo nhắc tới những bộ sưu tập đầu lâu, vì nó thường gợi cho ta cảm giác chết chóc, rùng rợn. Ở phương Tây việc đó lại thường xảy ra. Vào thăm xưởng vẽ của một họa sĩ thuộc trường phái Biểu Hiện của Bỉ, James Ensor, người ta luôn thấy một chiếc đầu lâu ông đặt ngay trên giá vẽ. Đi thăm các bảo tàng, các bộ sưu tập khác ở Warszawa, Paris, London, Roma... ta thấy nơi này trân trọng lưu giữ bàn tay người nghệ sỹ, trái tim nhà yêu nước, nơi kia trưng bày xác ướp các Pharaon, đầu lâu của các triết gia hoặc danh nhân... Từ cách nhìn như vậy, ta thấy trong tranh Bố cục với đầu lâu, hình ảnh chiếc đầu lâu không có ý hù dọa ai, chỉ nhằm gợi nhớ và khẳng định có một người đã từng sống nhưng không còn nữa! Một con người đã từng có mặt trong cuộc hành quân về phía trước của loài người đã ra đi theo quy luận của muôn đời. Anh ta đã mang theo về bên kia cái thế giới riêng tư không có sự lặp lại của mình và để lại sự nghiệp cao quý một đời đã say mê sáng tạo nên. Tất cả sách, đàn, bảng pha màu, tranh... ở trong bức tranh gợi ta nghĩ đến Studio của một họa sĩ. Trong đó những chồng sách gối đầu là những bậc thang tri thức để con người trở thành khổng lồ. Sách ở đây dù để người họa sĩ vũ trang kiến thức cho mình hay là sản phẩm tư tưởng của chính người họa sĩ thì ý nghĩa của nó trong tranh cũng không hề thay đổi. Cây đàn gợi nhớ những dòng âm thanh đẹp được sắp xếp với những tiết tấu và giai điệu ngọt ngào đã từng đưa người họa sĩ đến những vương quốc kỳ lạ của cảm thức mà văn, thơ, hội họa thường phải bó tay. Hay những phút giải trí lý thú do những chùm âm thanh đẹp mang lại như làn gió mang hơi sương nhẹ nhàng làm dịu bớt cơn nóng bỏng của trí tuệ. Trên hết, chiếm phần lớn không gian của bức tranh là nội dung hội họa, như thực tế đã cuốn hút phần lớn những đam mê của người họa sĩ. Đây là sự nghiệp hay chỉ là mong ước? Có lẽ cả hai, vì Picasso vẽ bức tranh này vào lúc ông 26 tuổi (1907), thế giới nghệ thuật vừa phát hiện ra ông qua cái nhìn của Apollinaire (1905), khi các tác phẩm tiêu biểu của ông còn ở phía trước. Đây chính là những dòng tâm sự của ông với đời và với cả chính mình trong ngôn ngữ của hội họa Lập Thể.

Nhiều phong trào hội họa mới phát triển rầm rộ nhưng không tồn tại được lâu. Phong trào Ấn Tượng (Impressionisme) với những họa phẩm lộng lẫy, tràn ngập ánh sáng, giàu chất thơ, dễ cảm nhận nhưng bị những người sau đó cho là hời hợt, nông cạn (?). Làm sao cái chốc lát đổi thay chập chờn bên ngoài sự vật lại có thể là sự thật duy nhất mà người nghệ sĩ một đời theo đuổi? Picasso đã từng nói như vậy. Phong trào Tân Ấn Tượng (Néo Impressionnisme) mất theo Seurat và Signac. Phong trào Dã Thú (Fauvisme) chỉ rầm rộ khoảng ba năm (1905- 1908). Lập Thể với lối vẽ nghiêm khắc không còn lan rộng sau đại chiến thế giới thứ I (1914-1918). Trong khi đó phong trào Biểu Hiện (Expressionnisme) phát động từ đầu thế kỷ XX ở Pháp lan rộng sang Đức, Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha, Nhật, Mỹ và nhiều nước khác bền bỉ cho đến ngày nay, tuy đề tài và hình thức có đổi mới. Có lẽ Biểu Hiện là tiếng nói đồng cảm với những khổ đau mất mát trên khắp hành tinh chúng ta suốt thế kỷ qua với hai cuộc chiến tranh thế giới khủng khiếp, chiến tranh lạnh, chiến tranh cục bộ và nhiều cuộc xung đột khác kéo dài liên miên. Biểu Hiện là tiếng gọi góp vào cuộc đấu tranh cho Hòa bình và Nhân loại. Đỉnh cao là bức tranh phản đối chiến tranh nổi tiếng thế giới của Picasso: Guemica (Museum of Modem Art, New York). Guemica ra đời, khi Đại chiến thế giới thứ II chưa bùng nổ, lúc mà những quả bom nguyên tử của Mỹ chưa ném xuống Hiroshima và Nagazaki. Picasso như là người nhìn thấu cái bí mật khủng khiếp của tương lai. Guemica là một bức tranh màu dầu hoành tráng rộng hơn 27 mét vuông (349,3cm x 776,6cm) được sáng tác vào năm 1337, đánh dấu một thời kỳ đấu tranh chống phát xít của nhân dân Tây Ban Nha. Nó vừa là tiếng kêu cảnh tỉnh loài người trước cuộc chiến tranh phát xít đẫm máu và trước thảm họa nguyên tử. Trong tranh ta thấy Nữ Thần Nghệ Thuật Minerve kinh hoàng khi cầm đèn soi tỏ cảnh chết chóc tang thương do vụ ném bom mù quáng và tàn bạo của bọn phát xít. Đức xuống Guernica, một thị trấn tươi đẹp thuộc vùng Basque Bắc Tây Ban Nha quê hương ông trong một cuộc nội chiến ở đây. Cảnh chồng chất những người chết và người mẹ gào khóc thảm thiết đau lòng bế trên tay đứa con thân yêu kêu cứu. Ở trên phía bên trái là hình ảnh con quái vật Minotaure dưới dạng đầu bò thần thoại kì dị và trơ trơ như gỗ đá. Giữa tranh cạnh đấy là con ngựa há mõm ngắc ngoải càng tăng thêm vẻ man rợ của vụ thảm sát. Xa xa về phía bên phải là người đang kêu tiếng kêu phẫn nộ nhưng tuyệt vọng, hai bàn tay giơ lên chơi vơi như muốn cầu cứu nơi cửa Chúa. Màu sắc trong tranh xanh xám ảm đạm, đường nét xô đổ gãy gập, ngổn ngang, bố cục phi lý hỗn loạn. Tất cả tạo nên hình ảnh thế giới đang sụp đổ, hay là sự tàn phá Guemica được nhân lên gấp bội.

Trong thế chiến thứ II (1939 - 1945), Picasso sống tại Paris, ngay cả khi Paris bị phát xít Đức chiếm đóng. Ông tham gia phong trào kháng chiến của Pháp. Năm 1944, ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Từ năm 1948 ông dành nhiều thời gian cho các hoạt động xã hội và Hòa bình ở Châu Âu. Từ những năm 50 ông sống ở nhiều nơi: Antibes, một trung tâm du lịch vùng Đông Nam nước Pháp, Cannes, Vauvenargues và Vallauris... ông làm nhiều trang trí gốm sứ, ông vẽ tranh khổ lớn Chiến tranh và Hòa bình (1952), đồng thời cho ra đời một loạt tác phẩm đồ họa và điêu khắc.

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, một số họa sĩ thay đổi nhiều phong cách. Trong cuộc đời sáng tác Picasso cũng là người luôn xông pha hàng đầu, có mặt trong nhiều trường phái: Cổ Điển, Lập Thể, Siêu Thực, Linh Cảm, Biểu Hiện... bước vào đâu ông cũng trở thành đại biểu xuất sắc. Ông đã làm giàu cho kho tàng nghệ thuật thế giới bằng khối lượng sáng tác khổng lồ và đa dạng. Hàng vạn bức tranh lớn nhỏ các loại. Trong đó có 1885 bức sơn dầu, 15.000 bức đồ họa, 1.228 bức điêu khắc, 3.222 tác phẩm gốm... và nhiều tác phẩm thuộc các chất liệu và loại hình khác.

Song song với cuộc đời sáng tạo đầy ắp cảm xúc nghệ thuật, Picasso còn là người nổi tiếng yêu chiều phụ nữ. Trong cuộc đời và tác phẩm của ông xuất hiện rất nhiều gương mặt Người đẹp. Người đầu tiên đến với Picasso đó là Fernalda Bellavalla, người có tính cách lạnh lùng và thân hình bốc lửa. Nhưng ngọn lửa ấy cháy nhanh và chóng tàn. Sau đó là Eva Guel, một người bé nhỏ mảnh mai, dịu dàng. Bà đã đi vào nhiều tranh của Picasso, đặc biệt nổi tiếng là bức Người phụ nữ trên ghế bành (1913). Rất tiếc là Eva Guel mất sớm (1915). Picasso vô cùng đau xót đến ngã bệnh. Nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp tục trôi đi. Sau đó ông đã lần lượt gặp và đem lòng yêu mến Gai Depeis, Iren Lahu, Dora Maar...

Tuy nhiên người nghệ sĩ tài ba và đa tình này chỉ có hai người vợ chính thức: thứ nhất là Olga Khoklova (1896-1955), diễn viên ballet người Nga, kém Picasso 15 tuổi. Hai người làm lễ cưới vào năm 1918. Ông sung sướng khi Olga sinh cho ông con trai Paulo (1921). Sau đó qua nhiều biến động năm 72 tuổi ông cưới người vợ thứ hai là bà Jacqueline Roque (1926-1986), người Pháp kém ông 45 tuổi. Bà là người gắn bó, yêu thương cổ vũ ông sáng tác trong những năm tháng cuối đời.

Ngoài ra người ta còn nhắc đến hai người phụ nữ có quan hệ với ông ngoài giá thú. Bà Marie Therése Walter, người ông gặp lúc còn là một cô gái tóc vàng xinh đẹp 17 tuổi. Bà Marie sinh cho ông cô con gái Maya (1935). Và bà Francoise Gilot, một người rất thông minh nói giỏi tiếng Tây Ban Nha, sinh viên một trường luật ở Paris, ngưỡng mộ và đến với Picasso lúc 21 tuổi. Bà Francoise sinh cho ông cậu con trai Claud (1947) và cô con gái Paloma (1948).

Như vậy, Picasso còn là đại biểu của sự đam mê cuồng nhiệt với vẻ đẹp và sức sống tràn trề nơi thân thể phụ nữ. Điều đó thể hiện trong cuộc đời và trong nhiều tác phẩm của ông. Cuộc đời riêng của ông  không trơn tru suôn sẻ mà nhiều sóng gió, nhưng mỗi mảng có cái đẹp khác thường nhiều khi đến cảm động. Ông là người thường gieo nghi ngờ về giá trị của những quy tắc ước lệ trong nghệ thuật và cả trong đời sống xã hội. Về một ý nghĩa nào đó trong nghệ thuật lang bang phóng túng là bản chất của sáng tạo như Francois Mitterand (1916-1996) đã từng nói.

Sau cùng, Picasso là một nhà hoạt động xã hội lỗi lạc luôn đi đầu trong các phong trào Hòa bình Thế giới. Hàng triệu người trên khắp các lục địa, dù có thể có người chưa thích cách sống và có thể ai đó chưa hiểu hết các tác phẩm hội họa của ông, nhưng vẫn tin yêu kính trọng Picasso vì biết ông thuộc về họ. Tên ông đã trở thành gần gũi ấm áp với tất cả những ai yêu chuộng Nghệ thuật và Loài người tiến bộ. Có thể hàng nghìn họa sĩ đã vẽ những áp phích về hòa bình, về chim câu, nhưng chắc chắn những cánh chim câu của Picasso bay ở xa nhất, đến được nhiều nơi trên khắp hành tinh chúng ta, nó mang theo sức mạnh truyền cảm và thuyết phục.

Họa sỹ TRƯƠNG THẢO




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/175-02-633386897603125000/Nghe-thuat-tao-hinh-Tac-giaTac-pham-cua-th...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận