Tài liệu: Tục hỏa táng ở đảo Bali

Tài liệu
Tục hỏa táng ở đảo Bali

Nội dung

TỤC HỎA TÁNG Ở ĐẢO BALI

 

Tại ngôi chợ làng Ubud trên đảo Bali (Indonesia) có hàng ngàn người dân xô đẩy chen lấn nhau để chứng kiến lễ hỏa táng một vị Hoàng tộc giàu có. Tại đây, người ta nghe thấy nhiều tiếng nói hòa lẫn tiếng cười đùa la hét vang dậy. Một số du khách mới đến Ubud đều ngạc nhiên nhận thấy thiếu hẳn vẻ trang nghiêm trước người đã khuất. Nhưng đó là tập tục của người Bali khi họ tin tưởng rằng hỏa thiêu thi hài một người chết sẽ giải thoát linh hồn và giúp họ dễ dàng đầu thai lại kiếp khác, hy vọng tốt đẹp hơn. Và đây không phải là lúc tang thương buồn bã mà là một dịp vui đáng mừng.

Chẳng bao lâu đám đông quy tụ trước nhà người chết. Nơi đây có ba vật thể nổi bật nhất. Trước hết là cái tháp cao bằng tre hình ngôi chùa bên trong đặt thi hài người chết để được rước tới nơi hỏa táng. Tòa tháp cao buộc dính nhau bằng dây mây, trang hoàng nhiều đồ vật đầy màu sắc lộng lẫy, có nhiều tấm gương soi lấp lánh dưới ánh Mặt trời. Vật kể là con rồng bằng cây biểu tượng cho xiềng xích ràng buộc linh hồn người xấu số với bao vật của thế gian cần phải đập tan. Cuối cùng là một con bò lớn bằng gỗ trong bụng bò là quan tài dùng để đốt thi hài. Quan tài làm bằng cây khoét rỗng, sơn đen bao bọc nỉ, lụa và vải kim tuyến.

Một ban nhạc bắt đầu tấu nhạc. Đột nhiên một nhóm đàn ông tràn vào nhà khiêng thi hài ra ngoài trời. Mọi người xô nhau vây quanh thi hài, cố gắng sờ mó vào xác chết. Những người khiêng xác chết đã được liệm trong vải, nâng cao và đặt thi hài lên vai họ. Và theo tục lệ Bali, họ quay tít bốn phương để làm cho người chết rối loạn không còn nhớ đường tìm về nhà nữa. Cuối cùng thi hài được đưa lên cái thang tre và đặt vào trong lòng tháp. Đám tang do phụ nữ cầm hoa và mang các đồ lễ hướng dẫn tới nơi hỏa táng ở bên cạnh “Ngôi đền người chết” tại làng Ubud. Một đoàn người bước đi chậm, khiêng giàn tre to lớn mà ở giữa có chiếc quan tài hình con bò bằng gỗ trên có người chủ lễ cưới. Một toán khác khiêng một giàn tre tương tự, bên trên có ngọn tháp. Mọi người la hét, cười vang, diễu cợt, chạy hay đi từ từ, trong khi người ''buồn rầu'' duy nhất với vẻ mặt nghiêm trang là thầy sãi cả trong làng. Ông ngồi trên cái giàn tre bên trên có tòa tháp cao.

Khi đám tang tới nơi làm lễ hỏa táng, người ta hạ chiếc thang tre thoai thoải dốc ngược đặt bên cạnh tòa tháp và người ta từ từ rước thi hài người chết liệm trong tấm vải trắng tới lều hỏa táng. Họ đặt thi hài vào trong quan tài ở trong bụng con bò gỗ. Thầy sãi cả treo lên giàn hỏa thiêu, cầu nguyện và vẩy nước phép lên thi hài trước khi nắp quan tài được đóng lại. Lễ vật và các thanh củi được chất lên trên giàn. Người ta dùng kính mặt cong hút ánh sáng Mặt trời để lấy lửa, hoặc cọ hai cây quẹt vào nhau để lửa bật (cây quẹt được coi là không tinh khiết). Giàn bắt đầu cháy, ngọn lửa trước còn nhỏ sau bùng dữ dội. Nhưng người đi đưa đám cho thêm củi vào đốt và khơi cho ngọn lửa bốc lên tới khi toàn thể chiếc giàn bị lửa đốt cháy hết.

Chẳng bao lâu cả chiếc giàn hỏa táng và con bò gỗ dùng làm quan tài và cả thi hài người chết đều cháy thành tro. Tiếp đó, thày sãi cả châm lửa đốt tòa tháp và chiếc thang tre rồi tiếp tục cầu nguyện. Thân nhân người quá cố ngồi trên chiếc cáng sơn son thếp vàng cầu nguyện. Gần đó, một họa sĩ Bali ghi lại cảnh sắc trên vải bố. Đám rước tiến tới con sông đem các tro tàn còn nóng rải xuống dòng nước, một cử chỉ nằm tẩy sạch tất cả các vết tích trần tục không thanh khiết. Dân làng đều hân hoan mừng cho người chết vì lửa và khói đã đưa linh hồn họ tới một kiếp khác, một đời sống khác tốt đẹp hơn.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1080-02-633390319146118750/Tuc-Hoa-tang-o-dao-Bali/Tuc-hoa-tang-o-da...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận