Tài liệu: Wallace Carothers (? - 1937)

Tài liệu
Wallace Carothers (? - 1937)

Nội dung

WALLACE CAROTHERS (? - 1937)

 

Người Mỹ vốn nổi tiếng về tính thực dụng. Trong những năm đầu tiên của thế kỷ XX ở Mỹ, ít thấy các phát minh lớn về khoa học cơ bản. Lúc ấy nước Nga còn rất nghèo, mà có người đã tìm cách bay vào Vũ trụ. Người Đức còn đi xa hơn nữa. Einstien cố sức giải thích thế giới vi mô. Ở Anh, Ruthelford đã thu được những kết quả ban đầu trong việc khám phá hạt nhân nguyên tử. Tiềm lực kinh tế và khoa học - kỹ thuật của Mỹ lúc đó cũng rất mạnh. Thế tại sao họ lại không làm những điều tương tự ? Phải chăng những người vạch chiến lược của Mỹ lại có một quan điểm hoàn toàn thực tiễn là tận dụng cho hết những phát minh của người khác, đem ra áp dụng và sản xuất cho kỳ được những loại hàng hóa có khả năng cạnh tranh cho dù nó chỉ là những đôi tất phụ nữ. Ý đồ tạo ra các Polyme lần đầu tiên xuất phát từ Đức. Thế mà nó lại được mang ra áp dụng thành công ở Mỹ.

Vào năm 1926, Stine, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu của Công ty hoá chất Mỹ Dupont đã soạn thảo một chương trình nghiên cứu rộng lớn về các chất xúc tác, tổng hợp hữu cơ và chất polyme. Ông cũng đã yêu cầu công ty xây dựng một phòng thí nghiệm có quy mô lớn dành riêng cho mục đích này. Nhưng để thực hiện các chương trình đó, trước hết phải có các nhà hóa học đủ tài năng. Thật may mắn cho Stine, ông đã gặp được W. Carothers.

W.Carothers là con một ông giáo dạy trường Thương mại, lúc nào cũng chỉ mong người con trai nối nghiệp mình, trở thành một nhà kinh tế. Tuy theo học khoa kế toán trong trường của bố, Carothers chỉ ham mê môn hóa học. Khi đại chiến thế giới lần thứ nhất bùng nổ, người giáo viên dạy hóa học của trường vào quân đội. Carothers đã thi vào chỗ trống này và lúc đó vừa tròn 19 tuổi, anh trở thành giáo viên hóa học. Người giáo viên trẻ này quả là một nhà sư phạm không tồi: 4 trong số học sinh của anh sau này đã trở thành những nhà hoá học hàng đầu của nước Mỹ.

Năm 1920, Carothers vào học trường Đại học IIIinois. Một sự kiện đáng ghi nhớ: luận án tốt nghiệp đại học của anh vượt quá khuôn khổ của một sinh viên. Anh lập tức được phong Tiến sĩ hoá học và được cử làm giảng viên trường Đại học Havard. Anh thích nghiên cứu lý thuyết và rất sợ phải phụ thuộc vào sự thúc bách của công nghiệp. Thế nhưng Stine rất tinh ý. Khi tìm đến anh, ông không vội vàng đưa ra các điều kiện có tính chất ép buộc. Ông hứa sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Carothers nghiên cứu khoa học, kể cả việc trả lương cao nữa. Cuối cùng thì Carothers cũng đồng ý rời trường Đại học và nhận làm việc cho Công ty Dupont.

Tiếp xúc với thực tế dần dần Carothers trở nên say mê. Những ấn tượng e ngại ban đầu dần dần mất đi. Mà thực ra, ở đây anh có đủ mọi phương tiện để làm việc và kết quả nghiên cứu ở đây chỉ phụ thuộc vào một mình anh thôi. Những báo cáo khoa học của Herman Staudinger từ Đức làm anh phải suy nghĩ, liệu có thể tạo ra được những đại phân tử hay không. Ngay từ những ngày đầu tiên làm việc cho Dupont, Carothers đã nghiên cứu, phản ứng trùng ngưng. Vào năm 1928 anh đã thu được những kết quả đẩu tiên: tổng hợp được polyme có phân tử lượng từ 2500 đến 5000. Vào năm 1931, anh còn công bố nhiều phát hiện về các chất polyme khác.

Cuộc đại khủng khoang kinh tế cuối những năm 20 đã làm rung chuyển thế giới. Công tác nghiên cứu của anh vẫn chưa đưa ra được các kết quả có tính thực tiễn. Ban giám đốc công ty Dupont không thể kiên nhẫn được hơn nữa. Họ gây áp lực cho trung tâm, đòi nó phải đưa ngay các đề tài nghiên cứu ra sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên thị trường. Lúc đó Bolton đã thay thế Stine. Ông tỏ ra kiên quyết thực hiện các ý đồ của lãnh đạo công ty. Đối với Bolton, vinh quang của khoa học hoá học chỉ là cái gì cả. Ông chỉ cần có sản phẩm bán được mà thôi. Việc này cũng gây khó chịu với Carothers. Thực tế, Carothers đã đạt được một số kết quả đáng kể. Vào năm 1930, anh đã tổng hợp thành công cao su nhân tạo neopren và năm 1933 triển khai vào sản xuất, chấm dứt sự phụ thuộc của con người vào thiên nhiên. Anh cũng đã chế tạo được sợi hóa học. Thế nhưng hợp chất polyme này lại nóng chảy dưới 1000C và như vậy nó không thể ứng dụng trong công nghiệp dệt.

Có những lúc Carothers định bỏ công ty và quay trở lại trường Đại học Harvard. Đã ở tuổi 40, thế nhưng ''máu khoa học" vẫn còn ở trong ông và năm 1934 ông lại xung trận một lần nữa. Lần này ông đã chiến thắng rực rỡ. Ông đã tổng hợp được chất polyme mang tên nylon 5,5 và sau đó là nylon 6,6. Nhiệt độ nóng chảy của nylon 6,6 ở trên 2500 và như vậy nó hoàn toàn thích hợp để làm sợi dệt. Nguyên liệu để sản xuất cũng khá rẻ. Công ty Dupont chỉ cần có  thế và chỉ một thời gian ngắn sau đó những tấn sợi nylon đầu tiên đã được tung ra thị trường.

Năm 1936, Viện Hàn Lâm khoa học Mỹ lần đầu tiên phá vỡ truyền thống hàng thế kỷ là không bầu những nhà Bác học hoạt động trong công nghiệp đã lựa chọn Carothers với sự nhất trí hoàn toàn, vì những thành công của ông quá vang dội. Những công trình về cao su nhân tạo và sợi tổng hợp đánh dấu một thắng lợi quan trọng của con người trước thiên nhiên.

Song đóng góp của Carothers không phải chỉ có như vậy. Ông còn là một nhà Bác học về lý thuyết vĩ đại là người đầu tiên đưa ra những định luật cơ bản về polyme hoá (bao gồm cả trùng hợp, trùng ngưng và phá vòng). Trong 3 loại sợi tổng hợp có sản lượng hàng đầu thế giới (polyamit, polyeste và polyacrylnitril), thì riêng Carothers đã là cha đẻ của 2 loại (polyamit và polyeste). Hiện nay, sợi polyacrylnitril đang bị ngưng sản xuất do quy trình quá độc hại, chỉ còn 2 loại của Carothers. Có thể nói, nhờ ông mà nhân loại đã giải quyết được thu cầu thứ hai trong sinh hoạt của mình: vấn đề mặc.

Vậy mà... ngày 9-4-1937, chỉ một năm sau khi đạt được vinh quang cao nhất, và mọi công việc đang trên đường thành đạt, Wallace Carothers tự sát. Cho tới nay đó vẫn là một cái chết đầy bí ẩn. Người ta cho rằng, đằng sau nó là sự cạnh tranh tàn bạo và quyết liệt của những hãng hóa chất.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1061-02-633390179922681250/Nhung-nha-khoa-hoc-tu-nhien-noi-tieng-the...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận