RAMSES, ĐẠI ĐẾ CỦA NHỮNG ĐẠI ĐẾ AI CẬP (? - ?)
Ai cập là một trong những vùng mà người ta gọi là ''cái nôi của nền văn minh nhân loại"; đất nước bạt ngàn cát bụi sa mạc rộng 1.001.449km2 này có một kỳ quan kiến trúc mà ai cũng biết là những Kim Tự Tháp độc đáo và nhất là Nhân sư Sphinx lừng danh nền văn minh Cổ Ai Cập, là nền văn minh được nghiên cứu nhiều và sâu nhất thế giới. Vài nhà bảo tàng nổi tiếng như ''British Museum'' ở Lon don, có bộ sưu tập về các vết tích Ai Cập làm hãnh diện cả dân tộc Anh. Cái bóng bao trùm nền văn minh này là Đại đế Ramsesll. Một Pharaon cao vòi vọi giữa các Pharaon khác, người đã “thoát cái chết gần 90 năm'' và ''thân xác sau đó thoát khỏi sự tàn phá của thời gian 3000 năm'' đã ngự trị 66 năm trên ngai vàng, để lại cho hậu thế cả một ''đế quốc các tượng đài'' kéo dài từ thung lũng sông Nile đến Abu Simbel, đã làm khiếp đảm các lân quốc Nubia, Libya và Syria...
Nhưng Ramses II là ai?
Ramses được sinh ra ở bờ Đông lưu vực sông Nile vào khoảng 1303 Tr.CN, trong một giai đoạn vàng son của Ai Cập Cổ đại, gọi là “thời kỳ Vương quốc mới”. Ai Cập đã được thống nhất thành một khối cách đó 2000 năm về trước, vào lúc Ramses lên làm Vua thì biên giới của Ai Cập trải dài đến Nubians (tức Sudan ngày nay) và vùng ảnh hưởng lan rộng đến phía Bắc Syria, phía Tây đến Libya.
Triều đại giòng Pharaon Ramses phát sinh từ việc Hoàng đế Horemhed qua đời mà không có con nối vị và người Tể tướng đầy quyền lực được tôn lên làm Vua, lấy danh hiệu Ramses I, vị Pharaon đầu tiên của triều đại XIX ở Ai Cập. Sau khi Ramses I qua đời, con là Seti I lên thay thế và sau đó truyền lại ngai vàng cho con là Ramses II. Năm 1279 Tr. CN, Ramses II thâu tóm quyền binh cả vùng Thượng và Hạ Ai Cập. Để trấn giữ biên cương, Ramses II ra lệnh xây dựng một loạt thành lũy ở sa mạc phía Tây và tràn ngập Syria bằng đạo quân vô cùng thiện chiến. Có vẻ như Ramses II là vị Pharaon trị vì lâu nhất trong lịch sử Ai Cập Cổ đại, có một “tập đoàn con cháu” đông đến 90 người. Suốt thời gian dài như vậy, Ai Cập phát triển rực rỡ về nhiều mặt, giàu có, thanh bình; Ramses II quả là vĩ đại đã ra lệnh xây dựng nhiều đền đài, lăng tẩm nhất trong lịch sử Ai Cập và tên của ông được khắc vào mặt đá cũng nhiều nhất trong số các Pharaon. Đến 32 thế kỷ sau, tên tuổi của vị Vua Ai Cập kỳ bí này vẫn quyến rũ nhiều người. Cho đến năm 1980, người ta vẫn còn tự do xem "mặt mũi Ramses II ra làm sao'' trong Viện bảo tàng Egyptian Museum ở thủ đô Cairô, Xác ướp hơn 3000 năm của ông vẫn được bảo quản tốt, và hàng ngày vẫn có hàng ngàn người đến xem ''Vua của các vị Vua'' được bọc trong lụa đỏ, một lượng quân sĩ đông đảo canh gác, cùng với 26 xác ướp Pharaon khác. Sau đó Tổng thống Anwar Sadat của Ai Cập ra một sắc luật đem cất di hài Ramses II và 26 vị Vua này vào một chỗ kín, không cho dân chúng xem nữa vì ông nghĩ đem trưng bày thi thể các vị Vua lừng lẫy như vậy trước công chúng e không ổn. Một số các chuyên gia bậc thầy trên thế giới về vấn đề chống ô nhiễm đang hợp tác với Chính phủ Ai Cập để phục hóa các xác ướp này và lại mang ra trưng bày cho dân chúng xem trong thập niên 90. Giáo sư James Harris thuộc Viện Đại học Michigan, vốn đã hướng dẫn một đoàn chuyên gia X.quang đến khảo sát xác ướp của Ramses II trước khi lệnh cấm có hiệu lực, mô tả vị lãnh chúa đầy quyền uy này như sau: "...Ông ta cao khoảng 1,73 mét, một trong các Pharaon cao nhất. Một cái hàm mạnh mẽ, cánh mũi dài, hơi cong đầy kiêu hãnh, và gương mặt dài, gày. Kiểu mặt này không giống như các Pharaon xa xưa, mà có nét từa tựa dân tộc ở vùng Đông Địa Trung Hải. Ramses xuất phát từ vùng châu thổ Sông Nile, vốn bị các bộ tộc từ phương Đông xâm chiếm từ thuở xa xưa...''
Trước Ramses II độ 200 năm, Thutmose III đã xây dựng một Đế chế Ai Cập về phía Đông đến tận Palestine và Syria, về phía Nam đến tận Sudan. Nhưng đến thời đại Vua Akhenaten thì sự điêu tàn bắt đầu, Akhenaten chỉ lo chăm chút gia đình, cá nhân và bà vợ. Nefertiti tuyệt đẹp mà quên đi việc triều chính. Khi triều đại này bắt đầu suy yếu thì người Hitites vốn là kẻ thù bất cộng đái thiên của người Ai Cập ở Đông Bắc lập tức quấy nhiễu. Các Pharaon kế vị Akhenaten cố gắng lập lại uy tín và trật tự nhưng đều thất bại, cho đến khi Pramesse, ông nội của Ramses sau này, được bầu làm Hoàng đế từ một quá khứ tăm tối bước lên đến Đệ nhất Tể tướng Ai Cập. Làm vua được 16 tháng thì Pramesse nhường ngôi lại cho con là Seti, một võ tướng tài ba. Lúc cha mình lên ngai vàng, Ramses II mới 8 tuổi. Có vẻ như quãng đời thơ ấu của Ramses chỉ toàn ướp đầy hương khói chiến tranh và chuyện đao binh. Seti đã ấn vào đầu đứa con trai vạm vỡ đạo lý “da ngựa bọc thây” với mơ ước lấy lại các vùng đất đã mất do người Hitites chiếm, xây dựng một Đế chế hùng mạnh, thiết lập các kỳ quan về kiến trúc, ca tụng Thần chiến tranh Ai Cập. Seti tuyên chiến với Syria nhưng chưa cho phép Ramses ra trận. Năm lên 10, Ramses được Vua cha phong làm tổng tư lệnh danh dự quân đội và năm lên 14, Ramses tham gia trận đánh bởi Libya. Một mệnh lệnh kỳ quặc của Seti cho con trai là sau khi lấy vợ phải có… thật nhiều con. Cứ mỗi lần Rames được vua cha cho nghỉ phép về thăm vợ Nefertiti, người đàn bà xinh đẹp đầu tiên trong đời, hay nàng Istnofret, một phụ nữ đầy bản lĩnh và đầu óc khôn ngoan, là Hoàng gia Ai Cập lại vang lên tiếng khóc trẻ thơ. Nhà Ai Cập học nổi tiếng Kenneth Kitchen thuộc Viện Đại học Liverpool (người đã bỏ ra 22 năm để dịch 2000 trang chữ Ai Cập Cổ đại có liên quan đến Ramses II) nhận xét: “Trong vòng 10 năm, mỗi bà vợ nói trên đã sinh cho Ramses 5 người con trai và một cô con gái. Các bà thứ phi cũng tặng ông từ 5 đến 10 Hoàng tử. Nhà của Ramses đã trở thành một nhà trẻ với nhiều tiếng khóc, tiếng hò hét cười vang của các Hoàng tử và Công chúa. Ramses không hề bận tâm đến chuyện thê nhi như Akhenaten ngày xưa. Ông luôn ngước mắt ngưỡng mộ các trận đánh bụi mù cát sa mạc của cha và những công trình kiến trúc nghẹt thở về mức độ to lớn, hùng vĩ. Thời đại của nền kiến trúc vĩ mô đã bắt đầu ở Ai Cập hơn 100 năm về trước. Các Pharaon tin rằng kiến trúc càng to thì quyền hành cũng vươn lên trời cao. Seti và Ramses II là hai vị Vua có các công trình xây dựng đồ sộ nhất, phần lớn để khắc in mạnh mẽ niềm tin đó vào tâm khảm dân Ai Cập và do vậy tạo dựng một quyền uy bất khả xâm phạm”.
Không có Thủ đô cổ nào như Thèbes, nằm cách Cairo khoảng 600 cây số về phía Nam, ngang bên bờ sông Nile, nơi là Seti và Ramses đã bồi đắp thành một Thành phố tinh thần tối linh thiêng của người Ai Cập xưa kia. Tại đây có Đền Karnak, nơi được xem là linh địa mà Thần Amun, vị Thần Ai Cập vĩ đại và được tôn kính nhất đã ra đời. Đền Karnak có các cột cao đến hơn 50 mét, mỗi cột có đường kính 6 mét, chạm trổ đẹp, sắc sảo, được xem là một trong vài tiền sảnh (hall) lớn nhất của nhân loại trong mọi thời đại. Du khách vào đây mới cảm nhận hết sự bé nhỏ của mình vì các cây cột này cách nhau hơn 10 mét. Nơi đây diễn ra lễ hội Opet kéo dài một tháng. Thần Amun được rước từ Karnak về đến Louxor cách đó vài cây số. Hàng ngàn sư sãi, quan lớn trong các sắc phục đẹp nhất đi theo tượng, được đích thân Ramses II trong bộ đại lễ phục ra đón (mũ vàng có đĩa Mặt trời tượng trưng cho sức mạnh vĩnh hằng, sừng bò và ba con rắn hổ mang bằng vàng, biểu tượng cho quyền lực siêu nhân). Ramses II dâng hoa và đốt hương vẩy vào tượng Thần Amun khói thơm. Theo truyền thuyết, Amun sẽ tặng lại khói thơm này cho Ramses II và thế là Ramses II được “nâng cấp” ngang hàng với Thần Thánh, vĩnh viễn độc tôn. Đền Karnak, rộng đến 56.000 bộ vuông, từ bao đời là nơi diễn ra lễ hội Opet cực kỳ quan trọng của các Pharaon dưới thời Ramses II lại có một tầm quan trọng đặc biệt. Seti chết khi ông được khoảng 50 tuổi và Ramses nối ngôi khi mới được ngoài đôi mươi. Ngay lập tức, ông bắt tay vào việc xây dựng nên vô số đền đài với quy mõ chưa từng thấy. Đền Abydos để thờ riêng Ramses II, một thành phố lớn xuất hiện trong châu thổ Sông Nile có tên ''PiRamses'' (Nhà của dòng họ Ramses). Đền cột ở Karnak được tu bổ, mở mang, dựng lên Abu Simbel, một trung tâm các đền được đục ngay vào sườn núi cách Cairo hơn 1000 cây số về hướng Nam. Hầu như đô thị Ai Cập nào cũng được Ramses II ra lệnh xây dựng thêm thật nhiều đền đài. Ông còn cho xóa tên các vị Pharaon tại nhiều đền thờ cổ và cho khắc tên mình vào thay thế. Rita Freed, một chuyên gia về kiến trúc cổ thuộc Bảo tàng mỹ nghệ Boston, nhận xét: ''Ông ta chỉ huy xây dựng nhiều công trình nghệ thuật đến nỗi chúng trở thành một loại sản phẩm sản xuất hàng loạt. Có vẻ Ramses chú trọng vào số lượng hơn là chất lượng. Đến nỗi không đủ số nghệ nhân phục vụ. Trong lúc các Pharaon trước chọn khắc tên vào một bản phù điêu nổi thì Ramses II ra lệnh khắc tên bằng ấn bản chìm. Như vậy dễ làm hơn và quan trọng nhất là con cháu ông ta không làm sao bôi xóa được...''. Sau này khi đã ngoài 40 tuổi, Ramses II bỏ việc chinh phạt người Hitites, nhưng vẫn say sưa trong việc xây cất. Ông ta bắt đầu cho dựng ngôi đền vĩ đại Abu Simbel trên đất Nubia thù địch. Có đến 4 bức tượng của ông cao đến 67 bộ được tạc từ vách núi, phía dưới là một ngôi đền khổng lồ được đục sâu vào chân núi đến 160 bộ. Đền này có tượng thờ Thần Amun và Ramses II, được kiến trúc một cách độc đáo đến nỗi mỗi năm 2 lần, cuối tháng 2 và cuối tháng 10, ánh sáng Mặt trời lúc rạng đông chiếu thẳng vào hai bức tượng uy nghiêm này, tạo lên một vầng sáng làm người xem phải ngây người thán phục. Tại sao Ramses lại chọn một địa điểm xa xôi như vậy để xây dựng biểu tượng quyền uy của mình thì Rita Freed trả lời: "Đây là một đòn chính trị đối với Bubia, vốn là quốc gia có nhiều vàng, nhân công dồi dào và nhiều nguyên liệu độc đáo. Bởi vậy Ramses đã nó: “Ta là Ramses II Đại đế Ai Cập, các ngươi phải luôn luôn phục tùng và tôn kính ta...”.
Bất cứ một nhân vật lẫy lừng nào của lịch sử loài người cũng ít nhất có một may mắn phi thường trong đời. May mắn đó xảy ra với Ramses khi ông lên ngôi mới được 5 năm. Lúc ấy Ramses nảy ra ý định đánh chiếm Thành Kadesh của người Hitites với 20.000 quân; nếu Ramses thua trận này thì thế giới đã không bao giờ biết đến tên tuổi của vị Đại đế Ai Cập vĩ đại nhất. Và ông đã suýt thua Vua Muwatallis có đến 40.000 quân mai phục chờ đợi. Toán quân trinh thám của Ramses làm việc tồi tệ đến nỗi đoàn chiến xa của Ramses bị đánh úp. Khi toàn thể quân Ai Cập nao núng thì Ramses vùng gươm gào lên giữa đám ba quân đang run rẩy: ''Ta sẽ bay vút đến chúng như một con chim ưng vồ mồi, tàn sát và chém giết tất cả, ta sẽ nhấn chìm chúng vào lòng đất!”. Không hiểu đây có phải là kiểu tuyên truyền để động viên ba quân tướng sĩ đang bỏ chạy tháo thân hay không? (vì giờ đây người đương đại chỉ đọc được biên bản này từ phía Ai Cập); nhưng sau đó, Ramses một mình đã tấn công quân địch đến 6 lần. Thình lình Thần Amun lại mỉm cười đem lại may mắn cho ông, viện quân Ai Cập tràn đến. Vua Muwatallis bất lực nhìn đám quân hùng hậu của mình tháo chạy trước vị Pharaon trẻ tuổi đánh Đông dẹp Bắc như một con sư tử dũng mãnh.
Quân Hitites sợ hãi đến nỗi nhảy ùm xuống sông chạy trốn. Ngày hôm sau khi điểm lại quân số cả hai phía mới thấy không ai đẩy lùi được ai, nhưng Ramses tuyên bố đã đại thắng và trở về quê hương, bỏ ra một năm trời củng cố lại quân ngũ. Từ đó, Ramses II bao giờ cũng là kẻ chiến thắng.
Người vợ đầu tiên là Nefertiti xinh đẹp dịu dàng, được ông yêu thương nhất, đã sinh đến 7 người con sau 25 năm chung sống. Một đền thờ khổng lồ ca tụng bà được Ramses ra lệnh xây dựng tại Abu Simbel. Chuyên gia Kitchen nhận đinh: “Nefertiti rực rỡ nhan sắc. Rõ ràng Ramses II đã hãnh diện về bà, luôn luôn mang bà đi cùng trong các buổi lễ quan trọng”.
Rames còn là một nhà ngoại giao tài ba. Sau 34 năm cầm quyền, cuộc chiến giữa Ai Cập và người Hitites thật sự chấm dứt. Vua Hattusil III mang con gái lớn gả cho Rames để kết giao hảo lâu dài. Một “Sư đoàn các sứ giả, quan chức và một dòng sông vàng, bạc, đồng, nô lệ, ngựa…” kéo dài vô tận đi theo nàng “Chiêu quân sa mạc” sang làm dâu đất Ai Cập… Nền hòa bình này được kéo dài rất lâu.
Đại đế Ramses II qua đời ra sao? Theo các sử gia, có lẽ ông chết già. Khảo nghiệm xác ướp của Ramses, người ta nhận thấy ông chỉ bị thấp khớp, đau răng và máu huyết lưu thông không tốt lúc về già. Ramses sống lâu đến nỗi hơn 10 người con trai của ông qua đời trước ông. Khi nhà Vua tắt thở, các nhà ướp xác (embalmer) đã bỏ ra 70 ngày để hoàn thiện các kỹ thuật giữ cho thi thể của Đại Hoàng đế Ai Cập được tươi tốt đến 32 thế kỷ sau. Đầu tiên, họ rút các cơ quan nội tạng ra, đặt gan, phổi, bao tử và ruột trong các vò linh thiêng. Quả tim được giữ lại trong lồng ngực. Người Ai Cập quan niệm quả tim là trung tâm phát sinh sự thông minh và tình cảm, phải giữ nguyên chờ ngày phán xử sau cùng. Họ không thích não bộ, các chuyên gia rút não bộ Ramses bằng đường mũi và ném đi. Sau đó họ dùng muối ăn ướp, lau rửa sạch sẽ và ngâm thi thể Ramses bằng nhựa thông. Cuối cùng họ quấn hàng trăm mét vải liệm quanh xác ông. Vị Pharaon vĩ đại đã thực sự trở thành một con người, sau khi đã là một vị Thần đối với nhân dân Ai Cập hơn 60 năm trị vì... Ngoài kia, Nhân sư Sphinx vẫn sừng sững cùng gió mưa, bão táp sa mạc, như nó đã là như vậy hơn 1000 năm trước khi Ramses II ra đời.
(Theo National Geographic 91 và T.C. KT. N. N
số 69 (1991) L. M. L)