RUDOLPH MARCUS (1923)
Ngày 14 - 10 - 1992, giải thưởng Nobel về hóa học (trị giá 1,2 triệu đô la Mỹ) đã được Viện Hàn Lâm Khoa học Thụy Điển trao tặng cho Giáo sư Rudolph Marcus, người Mỹ gốc Canada về ''lý thuyết di chuyển của các tiểu phẩm dưới nguyên tử (subatomic partieles) giữa các phân tử”, mà ông gọi là “những phản ứng đơn giản nhất của ngành hóa học”.
Rudolph Marcus sinh năm 1923 tại Montreal. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mc Gill, ông sang Mỹ làm việc. Năm 1951, ông được phong Giáo sư Viện Bách khoa Brooklyn ở New York. Năm 1969 ông là Giáo sư hoá lý trường Đại học IIIinois và từ năm 1978 tới nay, ông nghiên cứu và giảng dạy tại Học viện công nghệ California. Trong thời gian 1956-1965, Marcus đề xuất lý thuyết nói trên, xuất phát từ quá trình cơ bản nhất là sự di chuyển electron trong những phản ứng Oxy hoá - khử đơn giản. Ông là người đầu tiên nêu lên rằng, tốc độ của các phản ứng phụ thuộc vào hình học của dung môi bao quanh, và đó chính là yếu tố làm chậm lại hoặc ngăn trở hoàn toàn những phản ứng đáng lẽ phải xảy ra tức thời. Lúc đầu, thuyết của Marcus được tiếp nhận với sự hoài nghi, thậm chí bị phê phán gay gắt. Người ta khó chứng minh được sự thay đổi hình dạng của các chất tham gia phản ứng và phân tử dung môi vì chúng chỉ xảy ra trong thời gian cực ngắn, vào khoảng một phần rất nhỏ của một giây. Chỉ khi có những thiết bị phân tích hiện đại nhất, tinh vi nhất xác minh được điều đó; mới mô hình hóa được các quá trình. Vì vậy, vào những năm 80 thuyết này mới được công nhận rộng rãi. Người ta có thể dùng lý thuyết của Marcus để giải thích quá trình quang hợp, sự phát sáng lạnh, sự dẫn điện của các polyme hữu cơ, nhiều phản ứng điện hóa như ăn mòn kim loại, cơ chế hoạt động của pin nhiên liệu,… Cũng nhờ nó, các nhà hóa học có trong tay một công cụ để đoán nhận với mức chính xác cao tốc độ của của phản ứng cũng như dự đoán được dùng dung môi nào thì đẩy nhanh được một quá trình phản ứng. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong thực tế.
Chủ tịch ủy ban giải thưởng nobel về hoá học Thụy Điển đánh giá công trình của Rudolph Marcus là "một thành công lớn của trí tuệ, giúp ta giải thích một loạt phản ứng cơ bản trong hóa học" và ''có thể có ứng dụng quan trọng trong thực tiễn”.
Hôm ấy, vừa trình bày xong bản báo cáo của mình tại Hội nghị về điện hoá học ở Toronto và lắng nghe diễn giả nói sau mình. Marcus được báo là ông có người gọi điện thoại. Ông tưởng gia đình có việc gì, nhưng lại là một tin mà nhà khoa học nào cũng mong ước: được trao tặng giải Nobel. Tuy rất xúc động, nhưng ông tuyên bố: ''Tôi rất say mê công tác nghiên cứu và hy vọng niềm vinh quang này không xen vào công việc hàng ngày của tôi”. Tuy đã 69 tuổi, ông vẫn nói rằng: ''Chừng nào còn được nghiên cứu ở những vấn đề nóng bỏng như thế này, tôi còn tiếp tục. Nếu tôi nhận thấy nghiên cứu chỉ là thứ yếu, tôi sẽ nghỉ”.
Nghe tin R. Marcus được giải thưởng Nobel, Giáo sư John Simons của Trường Đại học Nottingham cho biết, đã gợi ý để Marcus phát triển lý thuyết của mình là thắc mắc của một sinh viên và nói thêm: ''Điều đó chứng tỏ Marcus lắng nghe ý kiến của mọi người đến thế nào, ông chu đáo và tận tâm với học trò đến mức nào”.
Ông còn cho biết, trong đời thường, R. Marcus là một người nhiệt tình, tốt bụng và hết sức dễ thương.
KS. NGUYỄN QUỐC TÍN
(110, 120, 121)