QUẦN THỂ ĐỀN Ở KHAJURAHO
Quần thể đền ở Khajuraho nổi tiếng với nhiều bức chạm khắc đặc tả cảnh nam nữ ân ái, tới nay đã tồn tại vừa tròn 1000 năm.
Đối với người phương Tây, văn hóa của các nước phương Đông luôn chứa đựng vô số những điều bất ngờ, bí hiểm, thậm chí chưa lý giải được. Văn hóa Ấn Độ, đặc biệt với Kama Sutra (bộ Kinh Dục Lạc), cùng với những hình chạm khắc hết sức khêu gợi được phát hiện gần đây trên tường nhiều ngôi đền cổ ở đất nước này, có lẽ là một điều bất ngờ thú vị đối với nhiều du khách phương Tây - những người đến từ nơi được coi là có tư tưởng cởi mở nhất.
Bằng những nét chạm khắc tinh tế từ bàn tay tài hoa của người xưa, những ngôi đền ở Khajuraho trải qua thời gian nên có thể mang màu đỏ hoặc vàng - được bao phủ và điểm trang bằng hàng ngàn bức chạm khắc hình các nam thần, nữ thần (theo quan niệm của các tín đồ đạo Hindu), các vũ nữ, nhạc công, các chiến binh và cả những con vật quen thuộc với loài người. Tất cả những hình khắc đều cao ít nhất khoảng 1m.
Người Ấn Độ xưa kia gọi các nữ thẩn, tiên nữ trong các câu chuyện thần thoại là apsara, còn các nam thần là mithuna. Trên suốt các bức tường của khu đền Khajurahơ, các vị thần hiện lên dưới nét chạm của người xưa đều trong trạng thái khỏa thân rất đẹp, nhất là những bức đặc tả các nữ thần với thân hình tự nhiên và hết sức gợi cảm. Đặc biệt, ở đây có không ít những bức tượng hoặc nhôm điêu khắc mô tả rất cụ thể các tư thế thực hiện hành vi tình dục giữa các nam thần và nữ thần, được sắp xếp từ thấp đến cao, từ nhẹ nhàng đến táo bạo, thậm chí dữ dội.
Sự ra đời của khu đền Khajuraho, theo những người dân địa phương, bắt nguồn từ một truyền thuyết. Cách đây lâu lắm rồi, có một nàng thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần tên là Hemwati, con gái một giáo sỹ Bà La Môn, một lần dạo chơi trong rừng, gặp hồ nước trong mát, nàng đã thoát bỏ xiêm y, xuống tắm. Không ngờ, Thần Mặt trăng đã bắt gặp và đem lời yêu mến nàng Hemwati sau đó có mang và sinh hạ một cậu con trai, đặt tên là Chandravarman. Vì mang tiếng là chửa hoang, nàng Hemwati bị gia đình và mọi người ruồng bỏ, phải bồng con vào sống tận nơi rừng sâu, núi thẳm. Không ai ngờ được đứa trẻ ấy sau này lớn lên, trở thành người sáng lập triều đại Chandela hùng mạnh. Một lần, vua Chandravarman được mẹ hiện về báo mộng, nói ông hãy xây dựng một khu đền trang hoàng và bài trí sao cho có thể gợi lên nhiều nhất những ham muốn và dục vọng ở con người. Tỉnh dậy, ông ra lệnh xây dựng khu đền Khajuraho...
Một số nhà nghiên cứu lịch sử phương Đông tin rằng, những bức chạm khắc ở Khajuraho được người xưa tạo lên với ý định coi đây như một cuốn ''giáo khoa về tình dục'' bằng đá để truyền lại cho hậu thế, không loại trừ khả năng chúng có cùng nguồn gốc với bộ Kinh Dục Lạc. Một số nhà nghiên cứu khác lại cho rằng, những người dân ở đây xưa kia đã từng theo dòng Tantrism (Tân Quy) - một tín ngưỡng xem thân thể con người và toàn bộ khả năng của nó như một phương tiện của thần thánh và như một công cụ để giải thoát các linh hồn khỏi kiếp đọa đày, để được thanh thản vào cõi Niết Bàn (Nirvana). Chính những tín đồ của dòng tu đã xây dựng nên khu đền này vào khoảng thời gian từ năm 950 - 1050.
Tuy nhiên, có một nhà nghiên cứu Ấn Độ đã đưa ra đáp án thứ ba cho ''hiện tượng Khajurahon”. Theo họ, những bức chạm khắc mô tả các đôi nam nữ trong tư thế giao hoan, cũng giống như những bức chạm khắc miêu tả cảnh xử án, cảnh đoàn người săn bắn, cảnh chiến tranh... Tóm lại là những cảnh sinh hoạt của loài người, chính là tấm gương phản ánh một cách đơn giản nhiều mặt trong cuộc sống của con người như nó đã từng tồn tại cách đây 1000 năm, ở đó không chứa đựng những khái niệm như ''sự sấu hổ" hay “sự kiềm chế”... Những điều này gần như tương phản với một Ấn Độ ở thế kỷ XX, một đất nước vẫn bị coi là bảo thủ trong mắt các học giả phương Tây.
Từng là một trung tâm lớn của Vương triều Chandéla, sau đó bị nhấn chìm dưới gót chân xâm lược của đế quốc Nguyên - Mông vào khoảng cách đây 800 năm, khu đền Khajuraho gần như bị bỏ hoang, cây cối che phủ cho tới khi được một kỹ sư người Anh phát hiện vào thế kỷ XIX. Trong số 85 ngôi đền nguyên thủy, chỉ còn 25 ngôi đền hầu như vẫn nguyên vẹn cho đến ngày nay, chia thành ba cụm tại thị trấn Khajuraho - một thị trấn yên tĩnh với 10.000 dân. Khu đền Khajuraho đã được UNESCO ghi nhận trong danh sách di sản thế giới và được bảo vệ bởi ASI - Cơ quan giám sát các di chỉ khảo cổ của Ấn Độ.
NGUYỄN LÊ HÀ CHI