TẦN THỦY HOÀNG (? – 209 Tr.CN)
VỊ HOÀNG ĐẾ THỐNG NHẤT TRUNG HOA
VÀ TÀN BẠO NHẤT TRONG LỊCH SỬ TRUNG QUỐC
Thời Chiến Quốc, ở Trung Quốc có 7 nước lớn là: Tần, Sở, Yên, Hàn, Triệu, Ngụy, Tề. Từ giữa thế kỷ thứ IV Tr. CN, Tần trở thành một nước có tiềm lực về kinh tế, chính trị, quân sự mạnh nhất. Từ năm 230 đến năm 221 Tr. CN, Tần đã lần lượt tiêu diệt 6 nước trên và chấm dứt thời kỳ nội chiến lâu dài, dai dẳng ở Trung Quốc.
Năm 221 Tr. CN, sau khi thống nhất Trung Quốc, vua nước Tần là Doanh Chính thành lập Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Doanh Chính cho đóng đô ở Hàm Dương (thuộc tỉnh Thiểm Tây). Để cho xứng với oai quyền trên cương vị thống trị ngai vàng, Doanh Chính bỏ danh hiệu “Vương” mà lấy danh hiệu là “Hoàng đế”. Doanh Chính với hy vọng Đế nghiệp của mình sẽ tồn tại đời đời kiếp kiếp truyền lại cho con cháu, nên ông ta tự xưng là Thủy Hoàng đế (Hoàng đế đầu tiên). Lịch sử quen gọi là Tần Thủy Hoàng, lập nên một triều đại phong kiến đầu tiên của Trung Quốc gọi là triều Tần (221 - 206 Tr. CN). Con cháu lấy hiệu là Nhị thế Hoàng đế (Hoàng đế thứ nhì); Tam thế Hoàng đế (Hoàng đế thứ ba)... cho đến vạn thế... Nhưng triều Tần mới tới Nhị thế Hoàng đế thì đã bị diệt vong, trước sau chỉ tồn tại được 15 năm (221 - 206 Tr. CN).
Theo các sử gia Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng là một kẻ tàn bạo nhất trong lịch sử 3000 năm phong kiến Trung Quốc. Năm 12 tuổi lên ngôi Hoàng đế, giết cha là Lã Bất Vi, đày mẹ là Hoàng Thái Hậu vào lãnh cung Hoắc Dương. Năm 25 tuổi, dẹp các nước chư hầu, thống nhất Trung Hoa.
Sau khi lên ngôi, Tần Thủy Hoàng đã thi hành một loạt các chính sách lớn như: Đặt bộ máy chính quyền Trung ương tập trung; xóa bỏ chế độ chư hầu cũ; thực hiện chế độ Quận, Huyện. Toàn quốc chia ra làm 36 Quận (sau phát triển thành 48 Quận) mỗi quận chia ra làm nhiều Huyện, mỗi Huyện chia ra làm nhiều làng, hương đình, lý. Các quan ở Quận, Huyện đều do nhà vua bổ nhiệm.
Về bộ máy Nhà nước Trung ương, trên hết có Hoàng đế, dưới là hệ thống quan lại gồm ba bộ phận: hành chính, quân sự và giám sát. Tần Thủy Hoàng cho lập ra ba chức quan đầu triều là: Thừa tướng, Thái úy và Ngự sử Đại phu. Thừa tướng là chức quan to nhất trong triều, giúp Hoàng đế giải quyết các việc chính trị và coi giữ công việc hành chính. Thái úy nắm quyền quân sự. Ngự sử Đại phu giúp việc cho Thừa tướng, phụ trách văn thư và giám sát các quan. Mọi quyền lực thăng quan, giáng chức đều tập trung vào tay Hoàng đế. Rút kinh nghiệm thời nhà Chu, Tần Thủy Hoàng hủy bỏ chế độ phân phong cho con em của mình. Nhất nhất các quan chức từ lớn đến nhỏ đều do Hoàng đế hạ chiếu chỉ bổ nhiệm.
Để củng cố uy quyền về Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền, Tần Thủy Hoàng đã thực hiện hàng loạt các chính sách vô cùng hà khắc và tàn bạo như:
- Tiêu hủy võ khí: Tần Thủy Hoàng ra lệnh thu hết các võ khí trong dân gian về Kinh đô và đúc thành 12 pho tượng đồng rất lớn. Mỗi pho nặng 24 ngàn cân để trong cung.
- Di cư quý tộc và nhà giàu: Tần Thủy Hoàng cho bắt tất cả bọn quý tộc và nhà giàu thuộc dòng dõi của 6 nước có kình địch trước kia, có đến 12 vạn nhà, tập trung về Kinh đô Hàm Dương để đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của chính quyền Trung ương... Có số bị phân tán về những nơi xa xôi, núi rừng hiểm trở như Ba - Thục (Tứ Xuyên ngày nay). Mục đích sâu xa là nhằm đồng hóa hết các dân tộc này trên đất Trung Hoa.
- Đốt sách, chôn nhà Nho: Dưới triều Tần, bao nhiêu sách vở trong dân gian xét thấy không lợi cho nền thống trị của nhà Tần, trừ sách thuốc và bói toán, trồng trọt, còn lại đều phải nộp cho quan Quận, Huyện để đốt đi.
Ai bàn bạc về những sách ấy sẽ bị chặt đầu (tuy vậy trong thực tế dân gian vẫn thu giấu sách xưa). Khen đời xưa, chê đời nay là tội có thể bị giết cả họ.
Tần Thuỷ Hoàng đã chôn sống hơn một nghìn nhà Nho vì những người này đã hấp thụ sâu sắc những tư tưởng văn hóa cũ và họ tỏ ý bất mãn đối với chính sách hà khắc của nhà Tần.
Thời nhà Chu, mỗi nước chư hầu có phong tục, văn tự, pháp lệnh, y phục và đo lường riêng. Sau khi thống nhất Trung Quốc, nghe lời Tể tướng Lý Tư, Tần Thủy Hoàng cho nhất luật hóa hết về văn tự, kinh tế, văn hóa để dễ bề cai trị.
- Nhà Tần thống nhất văn tự: Trước kia, văn tự các nước (nước chư hầu cũ) không giống nhau, cách viết còn phiền phức. Nhà Tần sửa chữa lại bỏ lối chữ đại triện (chữ cổ) và đặt ra một loại chữ viết mới, chữ tiểu triện giản tiện hơn và thống nhất trong toàn quốc, mặt khác loại hết những tiếng chỉ dùng riêng trong một vùng. Việc ấy đã giúp cho văn hóa phát triển.
Sự thống nhất này có hai kết quả rất quan trọng:
- Văn chương với ngôn ngữ bạch thoại hàng ngày, mỗi ngày một cách biệt nhau. Trước kia, người mỗi nước nói làm sao, viết làm vậy, nay nói thì vẫn dùng tiếng địa phương, viết thì phải dùng chữ đã quy định có thể khác hẳn với lời nói; do đó mới có sự phân biệt văn ngôn (lời văn) và bạch thoại (lời nói).
Vì trên giấy tờ dùng văn ngôn, nên những quan thú ở xa Kinh đô, không quen lối ấy, phải lựa thanh niên tuấn tú có tài bút nghiên cho về Hàm Dương học chữ rồi bổ làm thư lại. Sau, nhà Hán theo gương nhà Tần cũng lập trường dạy chữ, ai học thành tài thì gọi là bác sĩ, được bổ làm quan; do đó mà việc sử dụng khoa cử để kén quan lại trở thành một chế độ lưu truyền tới nay.
- Nhà Tần đã thống nhất các đơn vị, đo lường: Từ kích thước của trục xe, hình thể các loại tiền đúc. Những cải cách này có tác dụng thúc đẩy sự hoạt động về kinh tế trong cả nước.
Song song với việc củng cố nội trị, Nhà Tần đã tiến hành mở rộng bờ cõi và xây dựng các công trình kiến trúc, đường xá giao thông.
Tuy nhà Tần làm Vua trên toàn cõi Trung Quốc chỉ được 2 đời (cả thảy 15 năm), nhưng đã bòn rút vô số sức người, sức của của nhân dân để phục vụ cho việc chinh phục lân bang, xây dựng cung điện, đền đài, lăng mộ. Trước hết là việc nhà Tần thôn tính Hồ, Việt để mở rộng địa bàn thống trị.
Hồ (trước gọi là Nhung - Hung Nô) là một bộ tộc mạnh ở Tây Bắc Trung Quốc. Tần Thủy Hoàng đã sai tướng Mông Điềm đem 30 vạn quân đánh người Hồ, chiếm lấy cả một khu vực rộng lớn (Ninh Hạ, Tuy Viễn...), đặt thêm 44 huyện mới và đưa các tội nhân đến phát vãng ở đó.
Tần Thủy Hoàng còn đem quân đánh người Việt ở phía Nam Trường Giang, chiếm lấy đất và lập thành 3 quận: Quế Lâm, Nam Hải, Tượng Quận (Quảng Tây, Quảng Đông và một phần miền Bắc Việt Nam ngày nay) rồi cho dời 50 vạn dân đến ở đó. Thời Chiến Quốc, biên giới Tần, Triệu, Yên kề với các ngoại tộc ở phương Bắc. Bởi vậy, mỗi nước phải đắp một đoạn trường Thành để ngăn ngừa xâm lược. Trường Thành hồi đó đoạn nọ với đoạn kia không kế tiếp nhau. Sau khi thống nhất Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng, sai đắp lại Trường Thành mới một cách đại quy mô; bắt đầu từ Lâm Thao (tỉnh Cam Túc) tới Liêu Đông, dài hơn 5000 dặm. Người ta gọi đó là Vạn lý Trường Thành một công trình nổi tiếng tiếng các kỳ quan của thế giới thời cổ.
Hai năm sau khi thống nhất được Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng sai đắp nhiều đường sá để phát triển giao thông và tạo điều kiện thuận lợi cho sự kiểm soát của chính quyền Trung ương trong phạm vi toàn quốc. Nhiều con đê phòng lụt đã được bồi đắp.
Những công trình thủy lợi và giao thông này có ảnh hưởng đến sự phát triển nông nghiệp và thương nghiệp đương thời. Tần Thuỷ Hoàng đã bắt xây rất nhiều cung điện, đặc biệt lớn nhất là Cung A Phòng chứa được hàng vạn người và Lăng Ly Sơn. Trong cung, thường có mấy nghìn mỹ nữ để hầu hạ Vua.
Cung A Phòng có quy mô rất rộng lớn. Riêng ngôi điện đằng trước của cung này “dài 500 bộ từ Đông sang Tây, rộng 50 trượng từ Nam đến Bắc, ở trên có thể ngồi một vạn người, ở dưới có thể cắm cờ cao năm trượng. Xung quanh sai làm đường gác từ dưới điện chạy thẳng cho đến đỉnh núi Nam Sơn”. Tần Thủy Hoàng còn ra lệnh: "Trong vòng 200 dặm xung quanh Hàm Dương xây 270 cung điện ở đấy có đường phức đạo và đường ống liền nhau; đem màn trướng, trống chiêng, cùng gái đẹp đưa vào các cung không cho xê dịch'' (Sử ký Tư Mã Thiên).
Lăng mộ cũng đã được xây dựng ngay từ khi Tần Thủy Hoàng mới lên ngôi Hoàng đế.
Tất cả những công việc mở rộng bờ cõi và xây dựng công trình kiến trúc đồ sộ như trên đều không ngoài mục đích tăng cường, củng cố oai quyền thống trị và tô điểm cho đời sống xa hoa, lộng lẫy của nhà Vua và quý tộc. Nhưng nó đã làm hao tổn biết bao tiền của, mồ hôi, nước mắt và xương máu của nhân dân Trung Quốc hồi bấy giờ.
Như vậy, xuất phát từ mục đích muốn giữ vững ngai vàng của bản thân và con cháu cho đến muôn đời, Tần Thủy Hoàng đã xây dựng bộ máy Nhà nước chuyên chế từ Trung ương đến địa phương, do đó đã củng cố nền thống nhất và đặt cơ sở cho sự phát triển của chế độ phong kiến ở Trung Quốc.
Phải thừa nhận rằng, chủ trương của Tần Thủy Hoàng muốn xây dựng Nhà nước Trung ương tập quyền vững mạnh và tạo nền thống nhất được lâu bền là đúng đắn và phù hợp với tiến trình lịch sử. Nhưng biện pháp mà Tần Thủy Hoàng áp dụng để thực hiện chủ trương ấy lại rất tàn bạo, cộng thêm sự kiêu ngạo đến ngông cuồng và sự xa xỉ cùng cực nên Tần Thủy Hoàng đã trở thành một bạo chúa nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Tiếp tục thi hành đường lối của phái Pháp gia, phương pháp cai trị của Tần Thuỷ Hoàng là ''Mọi việc đều dùng pháp luật để quyết định, khắc bạc, không dùng nhân đức, ân nghĩa''.
Hơn nữa, pháp luật nhà Tần lại vô cùng khắc nghiệt. Những loại người như đàn ông gửi rể, bản thân mình là lái buôn hoặc trước kia đã từng đi buôn, hoặc có bố mẹ ông bà là người buôn bán đều bị phạt tội lưu đày hoặc bị bắt đi trấn thủ biên cương. Nếu ai bị huy động đi làm phu phen, tạp dịch, lính thú, công sai mà đến nơi không đúng kỳ hạn thì bị chém. Thậm chí, ''Hai người dám bàn với nhau về Kinh Thi, Kinh Thư thì chém giữa chợ, lấy đời xưa để chê đời nay thì giết cả họ''. Do pháp luật hà khác như vậy nên người phạm tội rất nhiều, đến nỗi ''người mặc áo đỏ (tức tù phạm) đầy đường, nhà lao thành chợ'', chỉ riêng việc xây dựng Cung A Phòng và Lăng Ly Sơn đã đùng hơn 700.000 tù khổ sai làm việc.
Là một kẻ độc tài tàn ác, ngoài những người bị pháp luật ghép vào tội xử tử, Tần Thủy Hoàng còn thích “chém giết để ra uy”. Nhân việc có hai nhà Nho là Hầu Sinh và Lư Sinh được giao nhiệm vụ đi tìm thuốc tiên cho Tần Thủy Hoàng; nhưng họ đã lên án sự chuyên quyền độc ác của y và bỏ trốn, Tần Thủy Hoàng bèn sai tra xét tất cả các nhà Nho. Kết quả có hơn 460 người bị phát giác là phạm điều cấm nên bị Tần Thủy Hoàng ra lệnh chôn sống ở Hàm Dương rồi báo cho thiên hạ biết để răn đe.
Có lần Tần Thuỷ Hoàng thấy xe ngựa, quân kỵ của Thừa tướng rất đông, tỏ ý không bằng lòng. Có kẻ nói với Thừa tướng, nên Thừa tướng giảm bớt xe, ngựa, quân kỵ của mình. Tần Thủy Hoàng cho rằng là có kẻ tiết lộ điều y đã nói, nhưng khi tra xét thì không ai thú nhận, nên ra lệnh giết tất cả những người ngồi cạnh lúc y nói câu đó.
Năm 211 Tr.CN, có một tảng đá từ trên trời rơi xuống, nhân dân khắc lên đó mấy chữ: “Thủy Hoàng chết thì đất bị chia”. Tần Thủy Hoàng sai tra hỏi nhưng không ai nhận, nên bắt tất cả những người ở gần đấy giết đi, và đốt cháy hòn đá.
Như vậy, Tần Thủy Hoàng đã nhiều lần tùy tiện, vô cớ giết người hàng loạt và hình phạt mà y sử dụng còn khốc liệt hơn cả pháp luật vốn rất khắc nghiệt đã quy định.
Sự chuyên quyền của Tần Thủy Hoàng còn thể hiện ở chỗ, y cấm mọi người phê phán đường lối thống trị của mình. Một số nhà Nho thường dẫn các câu trong Kinh Thi, Kinh Thư và các tác phẩm thời Chiến Quốc để chê bai tình hình đương thời đều bị khép vào tội chết. Tần Thủy Hoàng còn ra lệnh bắt nhân dân Trung Quốc phải nộp các loại sách Thi, Thư và các tác phẩm của những học giả thời Chiến Quốc (trừ sách sử của nước Tần, sách thuốc, sách bói và sách trồng cây) cho quan địa phương để đốt đi, đồng thời cấm dẫn sách cổ để bàn luận với nhau, cấm dùng chuyện đời xưa để chê đời nay. Chính sách của Tần Thủy Hoàng là làm cho nhân dân ngu dốt, không thể dẫn sử sách để chê bai chính sách thống trị của mình; Tần Thủy Hoàng còn cấm mở trường tư để dạy học, ai muốn học thì chỉ được nhờ bọn quan lại dạy cho pháp luật mà thôi.
Như trên đã nói chỉ trong vòng hơn mười năm ở ngôi, Tần Thủy Hoàn đã bắt nhân dân xây dựng rất nhiều công trình kiến trúc đồ sộ như Vạn Lý Trường Thành, Lăng Ly Sơn, Cung A Phòng ở Kinh đô Hàm Dương và hơn 700 hành cung rải rác khắp cả nước. Vạn Lý Trường Thành dài hơn vạn dặm kéo dài từ Liêu Đông đến Lâm Thao (nay thuộc tỉnh Cam Túc) được xây dựng trên cơ sở nối liền và đắp lại ba đoạn thành cũ của các nước Tần, Triệu, Yên. Lăng Ly Sơn là khu lăng mộ của Tần Thuỷ Hoàng chuẩn bị cho mình ngay khi môi lên ngôi. ''Đến khi thôn tính được thiên hạ thì bắt hơn 70 vạn người trong thiên hạ đào ba con suối, ở dưới đổ đồng và đưa quách vào. Đem những đồ quý báu của các cung, của trăm quan xuống cất giữ đầy ở dưới. Lại sai thợ làm máy bắn tên có ai đào đến gần thì bắn ra. Sai lấy thủy ngân làm một trăm con Sông, sông Trường Giang, sông Hoàng Hà và biển lớn. Các máy móc làm cho nước Sông và biển chảy vào nhau. Ở trên có đủ thiên văn, ở dưới có đủ địa lý, lấy dầu nhân ngư để thắp đuốc, trù tính thế nào để cháy lâu không tắt”.
Thực hóa chí của Hán Thư chép: ''Đến thời Tần Thủy Hoàng, thôn tính được cả thiên hạ, bên trong thì hưng việc xây dựng, bên ngoài thì đánh người Di, Địch; thuế thu đến 2/3 mức thu hoạch, huy động dân nghèo nơi ngõ hẻm đi thú; đàn ông cày cấy hết sức cũng không đủ lương thực, đàn bà dệt vải không đủ áo quần; vét hết của cải trong thiên hạ để cung đốn cho chính quyền của y, thế mà vẫn chưa đủ để thỏa mãn lòng ham muốn của y. Do vậy, nhân dân cả nước sầu oán nên phải lưu vong và phiến loạn”.
Tóm lại, Tần Thủy Hoàng tuy có đóng góp phần mình vào việc thống nhất Trung Quốc, nhưng sau khi lên ngôi Hoàng đế, ông ta đã thi hành đường lối độc tài thẳng tay chém giết và dùng pháp luật khắc nghiệt để trừng trị chúng dân. Tần Thủy Hoàng đã hủy diệt văn hóa, chủ trương dùng chính sách ngu dân để dễ bề cai trị. Bởi vậy, Tần Thủy Hoàng là một trong những bạo chúa tiêu biểu trong lịch sử 3000 năm của Trung Quốc.
Sự thống trị tàn bạo của Tần Thuỷ Hoàng đã làm cho cả xã hội căm phẫn. Do đó, mặc dầu được bảo vệ rất nghiêm ngặt, Tần Thuỷ Hoàng đã hai lần bị ám sát hụt, và bách tính Trung Hoa đã khắc chữ lên đá để rủa ông ta và mong ông ta chóng chết.
Năm 210 Tr CN, Tần Thủy Hoàng chết trên đường đi tuần du các địa phương. Con thứ là Hồ Hợi cấu kết với Thừa tướng Lý Tư và quan hoạn Triệu Cao giết anh là Phù Tô để lên làm Vua, lấy hiệu là Nhị thế Hoàng đế...
Tần Nhị thế tàn bạo chẳng kém gì cha, nhưng về mặt trí tuệ thì kém hơn. Y ra lệnh chôn theo Tần Thủy Hoàng tất cả những cung phi chưa có con, và sau khi chôn cất Tần Thủy Hoàng xong thì bịt kín đường hầm không cho những người làm việc trong đó ra để bí mật ngôi hầm mộ khỏi bị tiết lộ ra ngoài.
Nghe theo sự phỉnh nịnh của Triệu Cao, Nhị thế Hoàng đế thẳng tay giết hầu hết các quan đại thần và các công tử. Nhiều viên quan nhỏ dưới trướng những người này cũng bị giết.
Nhị thế Đế lại tiếp tục xây Cung A Phòng và còn nuôi nhiều, chó, ngựa, chim muông. Thức ăn ở Hàm Dương không đủ thì bắt chở từ các nơi trong nước đến. Nhưng những người dân phu vận chuyển này phải tự mang lương thực theo mà ăn, không được ăn gạo trong vòng 300 dặm của Thành Hàm Dương. Trong khi đó, pháp luật thì lại càng nghiêm ngặt. Bởi vậy các mâu thuẫn trong xã hội vốn đã gay gắt lại càng thêm gay gắt.
Phong trào chiến tranh nông dân cuối Tần.
Sống dưới sự thống trị tàn bạo của nhà Tần, nhân dân Trung Quốc vô cùng cực khổ. Những người bị ghép vào pháp luật rồi bị xử tử hoặc tù đày không thể kể xiết. Đại đa số quần chúng nhân dân phải sống trong cảnh khốn cùng, đến nỗi phải “mặc như bò, ngựa, ăn như chó lợn'' cho nên lòng oán giận chồng chất, lan tràn khắp cả nước, ý thức được vấn đề đó, Tần Thủy Hoàng từng tịch thu tất cả vũ khí trong dân gian đem đúc thành 12 tượng đồng đặt ở Kinh đô Hàm Dương, để nhân dân khó có điều kiện nổi dậy phản kháng.
Thế nhưng, đến năm 209 Tr. CN tức là ngay sau khi Thủy Hoàng vừa mới chết được gần một năm, khởi nghĩa nông dân đã bắt đầu bùng nổ. Năm đó, Tần Nhị thế huy động một đội lính thú gồm 900 người trong đó có Trần Thắng (Trần Thiệp) và Ngô Quảng ở Đại Trạch Hương đi trấn thủ ở Ngư Dương. Lúc bấy giờ vào tháng 7 là mùa mưa ở vùng này, đường sá lầy lội khó đi, những người trấn thủ không thể đi đến nơi đúng kỳ hạn được. Trần Thắng và Ngô Quảng bàn nhau kêu gọi anh em lính thú khởi nghĩa.
Trần Thắng và Ngô Quảng giết chết hai viên chỉ huy rồi nói với những người đồng đội rằng: ''Các ông gặp mưa, đều đã sai kỳ hạn. Sai kỳ hạn đều bị tội chém. Dù có khỏi bị chém đi nữa thì trong số mười người đi thì cũng chết mất sáu, bảy. Vả chăng kẻ tráng sĩ không chết thì thôi, chứ đã chết thì phải lừng lẫy tiếng tăm. Vương, hầu, Khanh, tướng há phải có giòng dõi mới làm nên sao?”
Ý kiến đó được mọi người hưởng ứng; thế là cuộc khởi nghĩa nông dân do Trần Thắng, Ngô Quảng lãnh đạo bắt đầu bùng nổ.
Để tranh thủ sự ủng hộ của đông đảo chúng dân, Trấn Thắng giả xưng là Công tử Phù Tô, con cả của Tần Thủy Hoàng, Ngô Quảng giả xưng là Hàng Yên, tướng cũ người nước Sở, vì đó là những người vốn được nhân dân có thiện cảm. Trần Thắng tự lập làm Tướng quân, Ngô Quảng làm Đô úy.
Tin khởi nghĩa truyền đi, nhân dân các nơi đều nổi đậy ''báo oán thù riêng, đánh kẻ thù của mình, ở Huyện thì giết quan Lệnh, quan Thừa, ở Quận thì giết quan Úy" để hưởng ứng. Do đó lực lượng phát triển nhanh chóng.
Từ Đại Trạch Hương, nghĩa quân tiến đến đất Tần. Đến đây, hàng ngũ khởi nghĩa đã có mấy vạn người, sáu bảy trăm cỗ xe và hơn một nghìn kỵ binh.
Sau khi chiếm được đất Tần, Trần Thắng ngời các cụ phụ lão, các kỳ mục và những người có tên tuổi đến để bàn việc lớn. Những người này đều nói: ''Tướng quân mang giáp dày, cầm giáo nhọn, đánh kẻ vô đạo, diệt nhà Tần tàn bạo, khôi phục xã tắc cho nước Sở, với công lao ấy, thật đáng làm Vua”.
Nhưng sau đấy không lâu, cuộc khởi nghĩa của Trần Thắng, Ngô Quảng do mâu thuẫn nội bộ nên bị quan quân nhà Tần là Chương Hàm tiêu diệt. Và kết cục nhà Tần bị Hạng Vũ tiêu diệt vào năm 206 Tr. CN. Dưới đây chúng tôi xin trích dẫn một số truyền thuyết giai thoại dã sử trong Đông Chu liệt quốc nói về Lã Bất Vi và mẹ của Tần Thủy Hoàng để độc giả tham khảo, hiểu sâu thêm về nhân vật Tần Thủy Hoàng:
''… Lại nói Lã Bất Vi có sức khỏe, được Trang Tương Hậu yêu lắm! Bất Vi ra vào cung cấm, không kiêng sợ gì. Khi thấy Vua Tần đã trưởng thành lại thông minh hơn người, Bất Vi mới có ý sợ, nhưng Thái hậu càng ngày càng đa dâm! thường đòi Bất Vi vào cung Cam Toàn. Bất Vi sợ lỡ ra việc bị phát giác thì họa đến thân, muốn tiến một người để thay mình sao cho được vừa lòng Thái hậu. Nhưng khó tìm người lắm! Nghe nói có người ở chợ tên là Lao Ái, được những kẻ dâm phụ ở trong xóm tranh nhau theo. (Tiếng nước Tần gọi kẻ vô hạnh là “Ái”, nên gọi là Lao Ái). Lao Ái phạm tội dâm, Bất Vi cũng buông lỏng phép nước mà tha cho, lại giữ làm xá nhân ở trong phủ. Thái hậu nghe việc ấy, bèn hỏi Lã Bất Vi dường như có ý mến, Bất Vi nói:
- Thái hậu muốn thấy người ấy thì để tôi xin tiến cử vào, Thái hậu cười mà không đáp, hồi lâu mới nói rằng:
- Nhà ngươi nói đùa đấy ư? Người ngoài khi nào lại vào được nội cung.
Bất Vi nói:
- Tôi có một kế, là sai người phát giác tội cũ của nó, bắt đem thiến đi. Thái hậu sẽ đút nhiều tiền cho kẻ hành hình, bảo thiến vờ, rồi cho nó làm hoạn quan vào hầu trong cung, như thế mới được lâu dài.
Thái hậu mừng quá nói rằng:
- Kế ấy rất diệu!
Bèn lấy trăm nén vàng giao cho Lã Bất Vi, Bất Vi mật gọi Lao Ái vào bảo cho biết, Ái vốn tính dâm, hớn hở cho là một sự kỳ ngộ. Bất Vi quả sai người phát giác tội dâm của nó, bắt phải đem thiến.
Rồi Lao Ái giả làm hoạn quan, đi lẫn trong bọn nội thị vào hầu hạ trong cung Thái hậu. Đêm đến Lao Ái hầu ngủ, Thái hậu thấy vừa lòng lắm, bèn thưởng cho Bất Vi rất hậu để đền lại công lao. Từ đó Bất Vi mới được thoát.
Thái hậu cùng Lao Ái ở với nhau như vợ chồng, không bao lâu đã có mang. Thái hậu sợ khi sinh nở không thể giấu được, bèn nói dối là có bệnh, Lao Ái đem tiền đút cho thầy bói, bảo nói dối là ở trong cung có ma, nên tránh ra ngoài hai trăm dặm ở phía Tây. Vua Tần hơi nghi về việc Lã Bất Vi, nay Thái hậu đòi đi ở xa thì xem đó là một cơ hội để tuyệt đường đi lại giữa hai người. Nhân Ung Châu cách Hàm Dương hai trăm dặm có cung điện sẵn, bèn mời Thái hậu ra ở đó. Thái hậu liền đi ra Ung Thành, ở một tòa cung điện cũ, gọi là Đại Trịnh cung; Lao Ái và Thái hậu lại càng thân mật nhau hơn, không còn kiêng nể gì. Trong hai năm, Thái hậu đẻ luôn hai đứa con trai, phải làm một cái nhà kín để nuôi. Thái hậu lại ước riêng với Lao Ái là mai sau vua mất đi thì sẽ chọn một đứa con trai nối dõi. Người ngoài có biết, nhưng không ai dám nói. Thái hậu nói với Vua Tần rằng: Lao Ái thay Vua phụng dưỡng có công, xin phong đất cho. Vua Tần vâng mệnh Thái hậu, phong Lao Ái làm Trường Tín hầu, cho đất Sơn Dương. Ai bỗng chốc được quý hiển, lại càng hung hăng, Thái Hậu mỗi ngày lại ban thưởng cho rất nhiều: cửa nhà, xe ngựa, săn bắn, chơi bời, Lao Ái muốn làm gì mặc ý, bất cứ công việc lớn nhỏ, đều do Lao Ái quyết định. Ái lại nuôi vài nghìn tên gia đồng; các tân khách cầu được tiến đạt, đến xin làm xá nhân, cũng hơn nghìn người, Ái lại bỏ tiền giao kết với những người có thế lực trong triều để gây bè phái, được những kẻ xu phụ quyền thế thi nhau đến theo, thanh thế lại to hơn Văn Tín hầu Lã Bất Vi.
Mùa Xuân năm thứ chín, có Sao Chổi mọc, đuôi dài khắp trời, Thái sử xem đoán trong nước sẽ có binh biến. Thái Hậu ở Ung Thành, Vua Tần mỗi năm đến kỳ tế giao, đến đó triều kiến và làm lễ tế giao nhân thể. Tại đó, đã có Cung Kỳ Niên để Vua ở. Năm ấy vừa đến kỳ tế giao, nhân lại có sự biến Sao Chổi, nên Vua Tần khi ra đi, sai Đại tướng Vương Tiễn diễu binh ở Hàm Dương ba ngày, và cùng Lã Bất Vi giữ kinh thành. Lại sai Hoàn Xỉ dẫn ba vạn quân đóng ở Kỳ Sơn, rồi mới đi. Bấy giờ Vua Tần đã hai mươi sáu tuổi, còn chưa làm lễ đội mũ. Thái hậu sai làm lễ đội mũ đeo gươm cho Vua ở miếu Đức Công, cho trăm quan uống rượu luôn 5 ngày. Thái Hậu cũng cùng Vua Tần ăn yến ở Cung Đại Trịnh. Lao Ái cùng các tả hữu quy thần đánh bạc, uống rượu. Đến ngày thứ tư, Lao Ái cùng quan trung Đại phụ Nhan Tiết đánh bạc. Lao Ái bị thua luôn. Rượu say rồi, Lao Ái lại đòi đánh nữa, Tiết say rượu không chịu đánh, Lao Ái chạy đến nắm lấy Nhan Tiết, tát vào má, Tiết không chịu, cũng giật lấy giải mũ của Lao Ái, Ái giận lắm, trợn mắt mắng rằng:
- Ta đây là giả phụ của Vua, mày là con nhà hèn mạt, lại dám chống nhau với ta à?
Nhan Tiết sợ chạy ra, thì gặp Vua Tần, vừa uống rượu trong cung Thái hậu đi ra. Nhan Tiết phục xuống đất dập đầu, kêu khóc xin chết. Vua Tần là người có tâm cơ, không nói gì, sai tả hữu dắt Tiết đến Cung Kỳ Niên rồi mới hỏi, Nhan Tiết đem việc Lao Ái tát mình và tự xưng là giả phụ, kể hết một lượt, lại tâu Lao Ái thực không phải là hoạn quan, mà giả vờ bị tội thiến, vào chầu riêng Thái hậu; hiện đã có hai con đang nuôi ở trong cung, không bao lâu sẽ mưu cướp nước. Vua Tần nghe nói giận quá, mật lấy binh phù, sai đi triệu Hoàn Xỉ lập tức đem quân đến.
Có viên nội sứ tên Tứ và viên tá đặc tên Kiệt vốn lấy nhiều tiền của Thái hậu và Lao Ái, cùng thề sống chết có nhau, biết việc nguy cấp, chạy vào mách Lao Ái. Bấy giờ Lao Ái đã tỉnh rượu, sợ quá, đêm vào gõ cửa Cung Đại Trịnh, yết kiến Thái Hậu kể rõ sự tình và xin với Thái hậu, nên nhân lúc Hoàn Xỉ chưa đem quân đến đã lấy quân cung kỵ và tân khách xá nhân, đánh vào Cung Kỳ Niên, may mà phá được thì hai người còn có thể có nhau. Thái hậu nói:
- Quân cung kỵ khi nào chịu nghe lệnh ta?
Lao Ái nói:
- Tôi xin mượn Ấn ngọc của Thái hậu, giả làm ngự bảo đem dùng, nói dối là Cung Kỳ Niên có giặc, Vua có lệnh đòi tất cả quân cung kỵ đến cứu giá, chắc chúng nó phải nghe.
Thái hậu bấy giờ tâm thần bối rối bèn nói.
- Mặc chàng làm gì thì làm!
Bèn lấy ấn giao cho Lao Ái. Lao Ái làm giả ngự thư của Vua Tần lại thêm tỉ văn của Thái hậu, cho triệu tất cả quân cung kỵ, vệ tốt và các tân khách xá nhân đến. Đến giờ Ngọ hôm sau mới họp được đủ. Lao Ái cùng nội sử Tứ, tá đặc Kiệt chia nhau thống suốt, kéo đến vây Cung Kỳ Niên, Vua Tần trèo lên đài hỏi quân sĩ vì cớ gì lại đến vây cung. Mọi người đều nói:
- Trường Tín hầu truyền nói là hành cung có giặc nên chúng tôi đến để cứu giá.
Vua Tần nói:
- Trường Tín hầu là giặc đó, chứ trong cung làm gì có giặc!
Cung kỵ,, vệ tốt nghe nói, một nửa tan đi, còn một nửa ở lại dở giáo cùng bọn tân khách xá nhân đánh nhau. Vua Tần hạ lệnh, ai bắt sống được Lao Ái, thưởng tiền trăm vạn, giết chết đem đầu đến nộp thưởng tiền năm mươi vạn, chém được đầu một đứa phản nghịch, cho tước một bậc. Được lệnh bọn hoạn quan và bọn chăn súc vật, chăn ngựa đều liều chết mà đánh. Bách tính nghe tin Lao Ái làm phản cũng cầm gậy đến giúp sức quân nhà Vua. Bọn tân khách xá nhân bị giết đến vài trăm người. Lao Ái bị thua, đánh tháo ra lối cửa Đông chạy trốn, thì vừa gặp đại binh Hoàn Xỉ kéo đến, bắt trói lại. Cả bọn nội sử Tứ, tá đặc Kiệt cũng đều bị bắt giao cho ngục quan tra hỏi. Vua Tần bèn tự đến Cung Đại Trịnh sục tìm, bắt được hai đứa con gian sinh của Lao Ái ở trong nhà kín, sai tả hữu bỏ vào túi vải đem quật chết. Thái hậu đau xót ngấm ngầm không dám ra cứu, chỉ đóng cửa khóc lóc mà thôi. Vua Tần không vào triều yết kiến mẹ, trở về Cung Kỳ Niên, cho là lời quan Thái sử nói nghiệm, ban cho mười vạn tiền. Ngục quan dâng lời cung của Lao Ái, nói việc giả thiến vào cung đều là mưu kế của Văn Tín hầu Lã Bất Vi, bọn đồng đẳng như nội sử Tứ, tá đặc Kiệt tất cả hơn hai mươi người. Vua Tần sai dùng xe xé xác Lao Ái ở ngoài cửa Đông, giết cả ba họ. Bọn Tử Kiệt đều bị bêu đầu, bọn tân khách xá nhân của Lao Ái theo làm phản, đánh nhau với quan quân đều bị giết, dù không dự vào việc làm loạn cũng bị dời xa đất Thục, tất cả hơn bốn nghìn nhà. Thái hậu đưa ấn ngọc cho bọn nghịch, không đáng làm quốc mẫu, giảm bớt lộc nuôi, dời ra ở Cung Hoắc Dương, là một ly cung rất nhỏ, có ba trăm quân canh giữ, phàm có người ra vào đều phải xét hỏi cẩn thận. Thái hậu bấy giờ không khác gì một người tù vậy, Vua Tần dẹp yên loạn Lao Ái, trở về Hàm Dương, Lã Bất Vi sợ tội, giả cách xưng bệnh, không dám ra yết kiến, Vua Tần muốn giết nốt, bèn hỏi ý quần thần, nhiều người về cánh với Bất Vi, đều nói Bất Vi phù lập tiên vương có công lớn với xã tắc, phường chi, việc Lao Ái chưa từng được đem đối chất, hư thực không bằng cớ, không nên bắt tội lây. Vua Tần bèn tha Bất Vi không giết, chỉ bãi chức Thừa tướng; Hoàn Xỉ đánh giặc có công, được gia phong thêm cấp. Năm ấy tháng Tư mùa Hạ, trời phát đại hàn, giáng sương tuyết, dân tình nhiều người chết rét. Dân gian đều cho là vì Vua Tần đầy Thái hậu, con không nhận mẹ, nên có điềm lạ ấy. Quan Đại phu là Trần Trung can rằng:
- Thiên hạ không có người con nào không mẹ, nhà Vua nên đón Thái hậu về Hàm Dương để giữ hết đạo hiếu, may ra có thể chuyển được lòng trời.
Vua Tần giận quá, sai lột quần áo Trần Trung ra, đặt nằm trên đống gai móc mà đánh chết, phơi thây ở dưới cửa khuyết, rồi yết thị rằng:
''Còn ai can việc Thái hậu thì trông đấy”.
Lại nói sau khi Trần Trung bị giết, quần thần có nhiều người không sợ lại càng cố can Vua Tần, nhưng ai can cũng bị Vua Tần giết chết, phơi thây ở dưới cửa khuyết, trước sau cộng hai mươi bẩy người. Bấy giờ Vua Tề, Vua Triệu cũng đến chầu, trông thấy đống thây hỏi biết nguyên do, thì đều than thở, chê thầm Vua Tần là người bất hiếu. Có người Thường Châu tên là Mao Tiêu, nhân đến chơi Hàm Dương, ở trong nhà trọ, nghe người cùng trọ nói đến việc ấy, Mao Tiêu căm tức mà nói rằng:
Con mà giam mẹ, thì còn trời đất nào nữa!
Rồi bảo chủ trọ cho nước nóng để tắm gội, sớm hôm sau sẽ vào can Vua Tần. Người cùng trọ can rằng:
- Hai mươi bẩy người kia đều là bày tôi thân tín của nhà Vua thế mà còn can không được, đều bị giết liền tay, huống chi nhà ngươi. Mao Tiêu nói:
- Chỉ có hai mươi bảy người can thì nhà Vua không nghe, nếu có người nữa can, thì Vua Tần nghe cũng không biết chừng!
Những người cùng trọ đều cười cho là ngu. Sáng hôm sau vào trống canh năm, Mao Tiêu gọi chủ trọ lấy cơm ăn thật no để đi. Chủ trọ nắm áo giữ lại, Mao Tiêu dứt áo ra đi. Các người cùng trọ chắc là Mao Tiêu tất chết, bèn mang hành trang của Mao tiêu ra chia nhau. Mao Tiêu đi đến dưới cửa khuyết, phục vào đống thây kêu to lên rằng:
- Tôi là khách nước Tề, tên là Mao Tiêu, xin dâng lời can đại Vương.
Vua tần sai nội thị ra hỏi là can việc gì, có dính dáng đến việc thái hậu không?
Mao Tiêu nói:
- Tôi chính vì việc ấy mà đến!
Nội thị vào tâu, Vua Tần nói:
Nhà ngươi chỉ đống thây ở dưới cửa cho nó biết!
Nội thị ra bảo Mao Tiêu rằng:
- Khách không thấy thây xác chồng đống đấy ư? Sao không sợ chết như thế?
Mao Tiêu nói:
- Tôi nghe trên trời có 28 ngôi sao, giáng sinh xuống đất thì làm chính nhân. Nay số chết đã hai mươi bảy rồi, còn thiếu một, nên tôi đến đây, muốn cho đủ số ấy. Thánh hiền ngày xưa ai là không chết, tôi đây lại sợ chết ư?
Nội thị vào tâu, Vua Tần cả giận nói rằng:
- Tên cuồng dám phạm lệnh cấm của ta!
Rồi sai đặt chảo nước sôi ở sân, nói rằng:
- Ta sẽ luộc sống tên này, để nó không được cùng chất vào đống thây cho đủ số hai mươi tám.
Nói xong, Vua Tần chống gươm ngồi, lông mày trợn ngược, bọt miếng phồng ra, cơn giận nổi lên sùng sục, gọi luôn mấy tiếng cho đòi thằng cuồng vào để luộc. Nội thị ra đòi Mao Tiêu, Mao Tiêu cố ý đi rón rén. Nội thị giục đi nhanh, Mao Tiêu nói:
- Tôi đến trước mặt Vua thì phải chết ngay, vậy hoãn cho tôi chốc lát, có hại gì! Nội thị thương tình, dìu dắt đi vào. Mao Tiêu đến dưới thềm lậy hai lậy dập đầu tâu rằng:
- Tôi nghe nói: “Kẻ sống không kiêng nói đến cái chết, kẻ có nước không kiêng nói đến chuyện mất nước, kiêng nói mất nước cũng không làm cho nước còn được, kiêng nói cái chết cũng không làm cho mình sống được”. Cái kế sống chết mất còn, đức minh chủ cần phải biết. Chẳng hay đại Vương có muốn nghe không?
Vua Tần nét mặt hơi dịu nói rằng:
Nhà ngươi có kế gì, thử nói ta nghe.
Mao Tiêu nói:
- Kẻ trung thần không tiến lời nói adua; đấng minh chủ không có việc làm cuồng bội. Vua làm việc cuồng bội mà bày tôi không nói là bày tôi phụ Vua, bề tôcó lời ngay thẳng mà Vua không nghe là Vua phụ lòng bề tôi. Đại Vương có việc làm trái Đạo trời mà không tự biết, kẻ bề tôi hèn mọn này có lời nói ngay thẳng trái tai mà Vua lại không muốn nghe. Cho nên tôi e rằng nước Tần từ đây nguy mất.
Vua Tần sợ hãi hồi lâu, sắc mặt cũng dịu, nói rằng:
- Nhà ngươi định nói việc gì, ta bằng lòng nghe.
Mao Tiêu nói:
- Có phải đại Vương ngày nay đương quan tâm đến việc khắp thiên hạ đó không?
Vua Tần nói:
- Phải
Mao Tiêu nói:
- Thiên hạ sở dĩ tôn Tần, không phải chỉ vì sợ oai lực đại Vương, mà cũng vì cho rằng đại Vương là bậc hùng chủ cả thiên hạ, và trung thần, liệt sĩ, đều hợp ở triều đình Tần vậy. Nay đại Vương xé thây giả phụ, là bất nhân, đập chết hai em là bất hữu, đày mẹ ở Cung Hoắc Dương bất hiếu, giết hại những người can ngăn, bày thây ở dưới cửa khuyết, thực không khác gì Kiệt, Trụ! Quan tâm đến việc toàn thiên hạ mà làm việc như thế, thì sao cho thiên hạ phục được? Xưa kia Vua Thuấn thờ bà mẹ ác nghiệt hết Đạo mà được làm Vua, Vua Kiệt giết Long Bàng, Vua Trụ giết Tỉ Can, mà thiên hạ đều làm phản cả. Tôi tự biết là tất chết, nhưng e rằng sau khi tôi chết rối, sẽ không còn ai dám nói nữa, rồi ra lời nguyền rủa ngày càng thêm, những người có trung mưu không dám bày tỏ, trong ngoài lìa tan, chư hầu sẽ làm phản hết. Tiếc thay đế nghiệp của Tần đã gần thành, mà tự đại Vương lại làm cho hỏng đi. Tôi nói hết rồi, xin chịu tội luộc!
Mao Tiêu nói xong lập tức đứng dậy cởi áo chực nhảy vào chảo nước sôi. Vua Tần vội chạy xuống, tay trái nắm lấy Mao Tiêu, tay phải vẫy tả hữu bảo cất bỏ vạc nước sôi đi.
Mao tiêu nói:
- Đại Vương đã yết bảng cự người can, không luộc tôi đi thì ai còn sợ?
Vua Tần lại sai cắt bỏ bảng đi. Rồi sai tả hữu đưa áo cho Mao Tiêu mặc, mời ngồi nói rằng:
- Những người can trước chỉ kể tội quả nhân, chưa hề nói rõ cái lẽ còn mất. Nay trời sai tiên sinh đến mở bảo sự ngu tối cho quả nhân, quả nhân xin kính theo như lời!
Mao Tiêu lạy hai lạy nói rằng:
- Đại Vương đã nghe lời tôi, thì xin lập tức đi đón Thái hậu về, đống thây chết ở dưới cửa khuyết, đều là cốt huyết trung thần, xin cho thu táng.
Vua Tần liền sai quan tư lý thu nhặt tử thi hai mươi bảy người, đều sắm quan quách đem chôn ở Núi Long Thủ gọi là “Hội trung mộ”. Ngay hôm ấy Vua Tần tự đi đón Thái hậu, sai Mao Tiêu ngự xe đến Ung Châu. Khi gần đến Cung Hoắc Dương, Vua Tần sai sứ giả vào báo trước, rồi mình quì gối đi vào trông thấy Thái hậu thị dập đầu khóc ào lên, Thái hậu cũng khóc mãi. Vua Tần dẫn Mao tiêu vào yết kiến Thái hậu, trỏ mà nói rằng:
- Đây là Dĩnh Khảo Thúc của con!
Đêm ấy Vua Tần ngủ lại ở Hoắc Dương. Hôm sau mời Thái hậu lên kiệu đi trước, Vua Tần theo sau, nghìn xe muôn ngựa đi theo ủng hộ chật đường. Người đi xem ai nấy đều ngợi khen Vua Tần là có hiếu. Về đến Hàm Dương, Vua Tần sai đặt tiệc rượu ở Cung Cam Toàn. Mẹ con vui uống, Thái hậu lại đặt tiệc rượu để đãi Mao Tiêu, tạ rằng:
- Khiến cho mẹ con ta lại được gặp nhau, là đều nhờ sức Mao quân! Vua Tần bèn cho Mao Tiêu làm Thái phó, tước Thượng khanh.
Vua Tần lại sợ Bất Vi vào ra nơi cung cấm như trước, bèn truyền cho dời khỏi đô thành, đến ở đất Phong tại Hà Nam. Các nước nghe Bất Vi đi đến đất Phong, đều sai sứ đến vấn an, tranh nhau mời làm tướng, sứ giả đi lại không ngớt. Vua Tần sợ nước khác dùng Lã Bất Vi thì có hại cho Tần, bèn tự tay viết một phong thư đưa cho Bất Vi, đại lược nói rằng:
''Nhà ngươi có công gì với Tần, mà được phong mười vạn hộ? Nhà ngươi có thân gì với Tần mà được gọi là Thượng Phụ? Thế là Tần ra ơn cho nhà ngươi to lắm đấy! Cái loạn Lao Ái, do nhà người gây nên, quả nhân không nỡ giết, cho nhà ngươi được đến ở đất Phong. Nhà ngươi không hối cải, lại cùng sứ giả chư hầu giao thông, như vậy không đúng cái ý quả nhân khoan đãi nhà ngươi. Vậy nhà ngươi khá cùng gia quyến dời đến Thục Quận, lấy một thành huyện ty, để làm chỗ dưỡng thân trọn đời”.
Lã Bất Vi tiếp thư đọc xong, giận nói rằng:
- Ta phá hết gia tài để phù lập tiên Vương, công ấy ai bằng ta? Thái hậu trước kia gửi thân cho ta mà có thai, Vua tức là con ta đẻ ra, ai thân bằng ta? Nhà Vua sao nỡ phụ ta quá như thế?
Một lát lại thở dài mà nói rằng:
Ta vốn con nhà lái buôn, mà mưu đoạt nước người gian dâm vợ người, giết Vua người, tuyệt tự người, trời nào lại có dung ta, đến nay mới chết kể cũng là chậm lắm rồi!
Bèn bỏ thuốc độc vào rượu uống mà chết, tân khách trong nhà vốn chịu ơn Bất Vi, cùng nhau đem trộm thây chôn giấu ở dưới Núi Bắc Mang, cùng người vợ hợp táng. Vua Tần nghe Bất Vi đã chết, đòi lấy thây không được, bèn đuổi hết tân khách của Bất Vi, lại hạ lệnh không cho những du khách phương khác trú ngụ ở Hàm Dương nữa, ai đã làm quan rồi thì cách chức, trong ba ngày đều đuổi ra khỏi cõi cả, nhà nào chứa giữ, nhất luật bị tội.
Có người nước Sở tên là Lý Tư, là học trò của bậc danh hiền Tuân Khanh, có học vấn rộng, trước kia đến nước Tần, nhờ Bất Vi làm xá nhân, tiến Bất Vi lên Vua Tần, được làm khách khanh. Bây giờ vì có lệnh trục khách, Lý Tư cũng vào số bị đuổi, đã ra khỏi Thành Hàm Dương. Lý Tư ở giữa đường, có viết một bài biểu, nói thác là có việc cơ mật, sai trạm truyền dâng lên vua Tần, trong thư kể những tay du khách đã giúp các đời Vua Tần làm nên cường thịnh, lời lẽ rất thống thiết. Vua Tần xem thư mới tỉnh ngộ, bèn bãi lệnh trục khách; sai người theo mời Lý Tư ở lại, cho làm quan như cũ”...
NGUYỄN HOÀNG ĐIỆP
(Biên khảo, lược trích)