VÕ TẮC THIÊN – NỮ HOÀNG ĐẾ DUY NHẤT
CỦA 3000 NĂM PHONG KIẾN TRUNG HOA (623 - 705)
Xã hội phong kiến Trung Quốc có ba triều đại cường thịnh nhất là Hán - Đường - Minh. Lịch sử nhà Đường (618 - 907) được ghi thành ba thời kỳ: Sơ Đường, Trung Đường, Mạt Đường; hưng thịnh nhất, gồm bẩy đời Vua, trong khoảng một trăm ba mươi năm. Võ Tắc Thiên là Vua thứ tư, sau Đường Cao Tổ, Đường Thái Tông, Đường Cao Tông. Bà thực chất nắm quyền hơn năm mươi năm.
Võ là con một gia đình bình thường quê ở Kinh Châu. Từ bé, thời Đường Thái Tông, đã được tuyển vào nội cung làm một con hầu nhỏ; tính người hiếu học, thông minh, sớm thông văn sử, thích mặc quần áo con trai. Trong cung hồi đó có một con ngựa to, khỏe, rất hung dữ, không ai dám cưỡi, và gọi nó là “sư tử xám”. Võ Mỵ Nương đứng ra nhận việc thuần phục con ngựa ác và xin ba thứ: roi sắt, vồ sắt và mũi dao sắc, ý định lấy roi sắt đánh, không chịu thì dùng vồ sắt bổ vào đầu, cũng không được thì dùng dao cắt cổ. Đường Thái Tông rất khen và phong làm “tài nhân” (nữ quan chức phục dịch trong nội cung). Khi Đường Thái Tông chết, Võ Mỵ Nương xin ra tu và học ở một chùa sư nữ; lúc đó Võ Nương 27 tuổi. Năm năm sau (654) Đường Cao Tông, người kế vị Đường Thái Tông, nhân đi vãn cảnh chùa thấy nàng họ Võ, lại tuyển về triều làm cung phi; rồi một năm sau (tháng 11 - 655), Cao Tông phế bỏ đương kim Hoàng hậu họ Vương và lập phi tần họ Võ vào ngôi vị ấy, khi đó bà vừa 32 tuổi, Vua Cao Tông vốn nhu nhược, lười biếng, từ ngày lên ngôi (650), mọi việc triều chính đều giao phó trong tay Tể tướng Chử Toại Lương và bọn cận thần hầu hết không hiền tài chi lắm! Võ hậu là người cần mẫn, hiếu động, sắc sảo, miệng nói tay tàm. Vì thế, ít ngày sau khi được phong làm Hoàng hậu, bà đã truất bỏ Chử Toại Lương; mấy năm sau (659), bức Trưởng Tôn Vô Kỵ, một lão thần, cậu ruột Cao Tông phải tự sát; đồng thời hàng chục ''quan to" thuộc vây cánh lão thần bị sa thải. Từ năm 660, được Cao Tông chính thức ủy thác (không phải nhường ngôi) xử lý triều chính, Võ hậu dần dần nắm trọn quyền binh; quần thần đều xưng hô là “Đế hậu nhị thánh” tức coi hậu như “Vua thứ hai”. Mấy năm sau, Cao Tông định nhường ngôi cho Thái tử Lý Hoằng (Võ hậu sinh được bốn con trai, con cả là Lý Hoằng). Biết tin này, hậu đã đầu độc, giết Lý Hoằng, Cao Tông định lập con thứ là Lý Hiền, Võ hậu liền phế ''cậu hai'' này xuống làm thứ dân và đày đi xa. Sau đó lập con thứ ba là Lý Hiển làm Thái tử. Năm 683, Đường Cao Tông chết, Thái tử Lý Hiển lên ngôi, tức Đường Trung Tông, Võ hậu được tôn làm Hoàng Thái hậu, vẫn nắm quyền và lâm triều “xưng đế” (làm thay Vua còn trẻ); một năm sau (684) Hoàng Thái hậu lại hạ bệ ''cậu ba'', đưa về làm chúa địa phương Lư Lăng, và lập con thứ tư là Lý Đán lên ngôi, tức Đường Duệ Tông, tất nhiên là hậu vẫn “xưng đế”. Cũng từ năm đó, Thái hậu tiến hành mạnh mẽ sự nghiệp chính trị của mình, mà đời sau gọi là ''Tắc Thiên cách mạng" bắt đầu bằng đổi tên Đông đô Lạc Dương thành “Thần đô”, cải tổ mạnh mẽ bộ máy quan lại từ triều đình xuống các địa phương, từ cơ cấu hệ thống, đến các tên gọi chức phận v.v... Điều ấy đã gây nên xáo trộn lớn về “nhân sự”. Năm 690, hậu giao cho bọn tăng đồ Pháp Minh dựng ra bộ Đại Vân Kinh gồm bốn tập, nói rằng ''Võ Hậu nguyên là Đức Phật Di Lặc, xuống trần để làm Vua nhà Đường''. Hậu cho ban bố rộng rãi bộ ''Kinh" đó; đồng thời ra lệnh các Châu, Quận đều phải xây dựng Chùa Đại Vân. Liền đó, Đường Duệ Tông, tức Lý Đán, con trai thứ tư, và cũng là con trai út của hậu, đứng đầu hơn sáu chục vạn người cùng ký tên dâng biểu suy tôn hậu lên làm Hoàng đế, và đổi quốc hiệu "Đường'' thành ''Chu". Thế rồi Võ hậu cho rằng phải “thuận theo lòng người”, bèn đổi quốc hiệu, lên ngôi và xưng là Tắc Thiên Hoàng đế vào năm 680. Trong trường kỳ lịch sử Trung Hoa, các vợ Vua ''can chính" cũng nhiều nhưng cao nhất như Lã hậu đời Hán, đến Từ Hy đời Thanh, cũng chỉ ở mức Hoàng hậu “xưng chế”; chỉ có Võ hậu là người duy nhất lên hẳn ngôi Hoàng đế, lại còn lấy tên hiệu là Tắc Thiên Thánh Thần Hoàng đế và được chuẩn bị dư luận bằng bộ Kinh Đại Vân cùng hệ thống chùa Đại Vân.
Khi lên ngôi, Tắc Thiên đã gần 60 tuổi. Hậu đã phát huy hết trí thông minh chăm học, nhất là học Đường Thái Tông và mưu sĩ Ngụy Trưng của Thái Tông. Ở hậu nổi tiếng là tính cần mẫn; các công việc từ triều đình Trung Ương đến các địa phương; từ việc quân cơ ở biên ải, đến việc thi tuyển nhân tài ở Kinh đô, nhất nhất Hậu đều đến tận nơi xem xét rồi đích thân phán quyết xử lý. Và Hậu làm như vậy suốt hơn nửa thế kỷ cầm quyền cho đến ngày cuối cùng trước khi qua đời.
Một nét nổi bật khác trong sự nghiệp Đế vương của Võ hậu là cách dùng người, đi đôi với việc không ngừng điều chỉnh, cải cách bộ máy cai trị Vương triều. Hậu rất thiết tha chiêu tập hiền tài, bằng mọi biện pháp: thi cử, tiến cử, phát hiện v.v…
Đã dùng thì xử lý thưởng và phạt rất rõ ràng, đương thời có người cho là cực đoan? Thưởng thì cho chức quyền, bổng lộc rộng rãi nhiều khi bị kêu là quá “lãng phí”. Phạt thì nhẹ nhất là cách chức, hạ làm thứ dân, hoặc lưu đày đi xa, và không ít trường hợp phạt đánh roi đến chết, hoặc chém đầu. Song có một điều, mọi người đều công nhận: Hậu xử lý quan chức chỉ căn cứ theo thực tài cùng hiệu quả công việc, và đích thân Hậu xem xét rồi quyết định, không định kiến, không thiên vị. Đặc biệt đối với những cận thần, anh em ruột; có sử chép rằng hai Công chúa là con gái yêu của Hậu, được giao một chức nhỏ trong nội cung, nhưng làm không nên, Hậu đã phế xuống làm dân thường và gả cho bọn lính ''tốt đen'' ngoài biên giới. Một việc khác: thời Hậu tại ngôi, nhà thơ Lạc Tân Vương đã thảo một bài hịch rất sâu sắc, nghiêm khắc phê phán những khuyết tật của Hậu. Quan triều đình liền bắt giam nhà thơ và chuyển tờ ''hịch'' lên trình Hậu. Hậu xem rồi chỉ phê gọn một câu: “Người tài thế này, không được trọng dụng, đó là lỗi của Tể tướng vậy!”. Không một lời trách mắng, không một hình phạt “trả thù” nào hết.
Về tư đức của nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên, có một điều mà đương thời cũng như đời sau có phê phán và chê trách, thậm chí mạt sát nặng nề, đó là đời sống ái ân, tình dục của Hậu. Điều đó ở Hậu quả là “siêu phàm”; nhất là sau khi chồng chết (hậu đã 60 tuổi) đường tình ái của Hậu càng mãnh liệt hơn. Hậu đã từng nói: ''Các nam Hoàng đế thường có biết bao cung tần mỹ nữ, thì nữ Hoàng đế tại sao không được có những phi tần dũng nam cho mình!''. Và ở mặt này Hậu đã công nhiên cho một bọn ''nội sủng'' ở luôn hoặc đi lại hậu cung, trong đó có một số là đạo sĩ và tăng lữ, Hậu lại có một đội quân đông đảo ''Nam cung tần'' thường trực trong cung. Ngoài ra, từ hàng ngũ các quan bổ sung quanh triều đình, Hậu thường triệu tập riêng vào hậu cung, mỗi lần có khi hai ba ngày liền, hoặc hơn nữa, tất nhiên không phải chỉ để “bàn quốc sự”. Mỗi lần có người vào như vậy, bà già canh cổng hậu cung lại nói: “Lại một giống ma chết toi đã đến”. Vì nhiều trường hợp như vậy, có người trở về được ít lâu thì chết; thậm chí có trường hợp chết ngay ''tại trận''.
Nói chung, về cuộc đời Võ Tắc Thiên, xưa cũng như nay, chê rất nhiều và khen không ít; càng về sau, nhất là cho đến hiện nay, khen càng ngày càng nặng hơn chê. Song tất cả người xưa cũng như nay, đều nhất trí: ''với tư chất thông minh cần mẫn học và hành, với tài năng chính trị kiên cường, trong nửa thế kỷ cầm quyền, Hậu đã có những cống hiến lịch sử to lớn cho sự nghiệp thống nhất và hưng thịnh của thời đại”. Thêm nữa, trong đi chúc, Hậu đã ghi: "Khứ đế hiệu, xưng Tắc Thiên Đại Thánh Hoàng hậu''. Như vậy là Hậu đã từ bỏ ý chí xưng Đế, và trở lại ngôi vị Hoàng hậu nhà Đường, trước lúc qua đời, năm 705, thọ 82 tuổi.
(Trích trong cuốn Almanach Người mẹ và phái đẹp).