TÁM ĐIỀU KIÊNG CỦA NGƯỜI
NHẬT BẢN KHI DÙNG ĐŨA
Dựa vào những tài liệu cổ còn lại đến nay, người ta biết rằng, từ khoảng thế kỷ VI người Nhật đã dùng đũa để ăn. Ban đầu, chỉ giới quý tộc, cung đình dùng, sau đó phổ biến rộng ra dân gian. Để bày tỏ sự tôn trọng, cảm tạ đôi đũa ngày ba bữa phục vụ con người, người Nhật có ngày Tết đũa vào mồng 4 tháng 8 hàng năm.
Nhật Bản là nước dùng đũa vào loại nhiều nhất trên thế giới.
Mỗi năm, Nhật Bản sản xuất tới 13 tỉ đôi đũa, gấp 110 lần số dân nước này. Tại sao lại có hiện tượng kỳ lạ như vậy? Bởi vì ở Nhật Bản, đũa được chia ra hai loại: loại dùng ở nhà thông thường và loại dùng ở nhà hàng ăn uống, khách sạn... Loại đũa gia dụng làm bằng gỗ, được trang trí hoa văn rất cầu kỳ. Loại đũa ở nhà hàng cũng được làm bằng gỗ được thếp son, bọc trong giấy ăn sạch, mỗi khi bóc giấy ra lấy đũa và ăn xong, đôi đũa đó bỏ đi. Số đũa dùng ở nhà hàng đều là loại đũa dùng một lần. Trong số đũa sản xuất hàng năm, 90% trong số đó là đũa dùng 1 lần. Vì thế, số lượng đũa sản xuất và tiêu thụ hàng năm là vô cùng lớn.
Khi dùng đũa, người Nhật có quy định rất chặt chẽ và mọi người tuân thủ một cách tự giác.
Những quy định này gọi là “Tám điều kiêng kỵ” khi dùng đũa:
1 - Không dùng đầu lưỡi liếm đũa.
2 - Không đem đũa trên bàn ăn lắc, ngoáy, khua lung tung.
3 - Không được dùng đũa gắp kẹp hai ba miếng thức ăn một lúc.
4 - Không được dùng răng cắn, gặm đầu đũa.
5 - Không được dùng đũa cắm lên thức ăn
6 - Không được dùng đũa xoay gạt bát đĩa, đẩy, khều đồ dùng ăn uống.
7 - Không được đặt đũa lên trên bát đĩa
8 - Không dùng đũa cào bới thức ăn.