HỐT TẤT LIỆT (HUBILIE) (1215 - 1294)
Hốt Tất Liệt tức Nguyên Thế Tổ, người Kiến Lập triều Nguyên, đồng thời cũng là nhà quân sự và chính trị kiệt xuất. Hốt Tất Liệt là cháu của Thành Cát Tư Hãn – Thiết Mộc Chân, con của Đà Lôi (Đà Lôi là con thứ tư của Thành Cát Tư Hãn). Khi còn là Phiên vương, Hốt Tất Liệt hay đàm luận về binh pháp và phép trị nước, có chí bình thiên hạ theo gương các tiên đế Đường Thái Tông và Hán Vũ đế. Ông từng có những cải cách chính trị chỉnh đốn quân đội, mở đồn điền tích trữ lương thảo, có nhiều công lớn đối với việc xây dựng Quốc Gia Mông cổ thống nhất.
Từ năm 1252 đến năm 1254, Hốt Tất Liệt được lệnh chỉ huy mười vạn quân đánh chiếm nước Đại Lý, tạo điều kiện tiêu diệt nhà Nam Tống sau này. Năm 1259, Hãn Mông Kha thân chinh đánh Nam Tống.
Mông Kha là con của Đà Lôi, là anh ruột cùng mẹ với Hốt Tất Liệt mới được tôn lên ngôi Hãn (Vua) Mông Cổ. Mông Kha giao cho Hốt Tất Liệt chỉ huy đạo quân phía Đông, vừa đánh vừa dụ hàng, chiếm được Đại Thắng Quan và Hoàng Bi (nay thuộc Hồ Bắc) rồi bất ngờ tấn công đại phá quân Tống ở Trường Giang, tiến tới bao vây Châu Ngạc (nay là Vũ Xương). Trong trận đánh Hợp Châu, Hãn Mông Kha tử trận. Hốt Tất Liệt nghe tin A Lý Bất Ca đang âm mưu tranh đoạt ngôi Hãn, bèn giảng hòa với Tống và lập tức rút quân về Mông Cổ. Tháng Ba 1260, Hốt Tất Liệt lên ngôi Đại Hãn Mông Cổ, lấy niên hiệu là Trung Thống. Năm 1271, chính thức định quốc hiệu là Nguyên. Để chống âm mưu tranh cướp ngôi Vua của các tông Vương, Hốt Tất Liệt đã tiến hành cuộc nội chiến lâu dài để củng cố Quốc gia thống nhất. Đối với nhà Nam Tống, ông theo kế sách của bộ tướng Lưu Chỉnh thành lập thủy quân, phát huy đầy đủ sức mạnh của binh lực Mông Cổ, cả thủy binh lẫn bộ binh đặc biệt là kỵ binh, chuẩn bị để đánh diệt Tống và tấn công các nước phương Nam và miền Hải đảo sau này.
Năm thứ 10, Hốt Tất Liệt cho đánh chiếm Tương Dương, Phàn Thành (nay thuộc Hồ Bắc). Năm sau, ông sai thừa tướng Bá Nhạn cầm quân chia làm ba đường, thủy bộ cùng tiến thẳng chiếm Lâm An (tức Hàng Châu, Kinh đô Nam Tống lúc đó), buộc nhà Tống phải đầu hàng. Rồi tiếp tục truy đuổi tiêu diệt tàn quân Tống, thống nhất hoàn toàn đất nước Trung Quốc bao la. Sau đó, Hốt Tất Liệt đã nhiều lần phát binh tấn công các nước Đại Việt, Chiêm Thành, Chân Lạp, Nhật Bản, Qua Oa (tức Ja va thuộc Indonesia ngày nay). Nhưng khi ông ta cho các đạo quân xâm chiếm Đại Việt thì lập tức gặp cuộc kháng chiến anh hùng của nhân dân Đại Việt dưới sự chỉ đạo của vị tướng thiên tài Trần Hưng Đạo, đã ba lần đập tan mộng xâm lăng của Hốt Tất Liệt (năm 1284 – 1285 và năm 1288). Điều đó hỗ trợ rất lớn cho nhân dân Chiêm Thành, Nhật Bản và khích lệ rất nhiều đối với cuộc đấu tranh của nhân dân Trung Quốc chống lại ách đô hộ của Vương triều Nguyên. Mặt khác, nó đã ngăn chặn sự bành trướng của đế quốc Nguyên Mông lan sang khu vực Đông Nam Châu Á. Mộng làm bá chủ các nước phía Nam chưa thành thì tháng Giêng năm thứ 31 (1294) Hốt Tất Liệt đã lâm bệnh chết. Tuy nhiên, tư tưởng quân sự của Hốt Tất Liệt trong lịch sử chiến tranh Trung Quốc đã có ảnh hưởng to lớn.
Cuộc chiến tranh tiêu diệt nước Đại Lý năm 1252 do Hốt Tất Liệt chỉ huy là tiêu biểu cho tài năng quân sự độc đáo của ông. Bấy giờ cuộc chiến tranh Mông – Tống đang kéo dài và ngày càng quyết liệt. Mông Kha lên ngôi Hãn năm 1251, dùng kế của Hốt Tất Liệt đem binh đi theo đường vòng, luồn quả đất Thổ Phiên đánh lấy nước Đại Lý, tạo hình thế bao vây Nam Tống rồi từ hai mặt Nam – Bắc giáp công mà tiêu diệt nhà Tống. Đó là mưu lược rất khôn ngoan, vừa tạo yếu tố bất ngờ vừa nắm được tường tận địa hình để diệt đối phương.
Tháng Chín 1252, Hốt Tất Liệt đem 10 vạn quân xuất chinh. Lúc đó, Đại tướng Mông Cổ là Uông Đức Thần đem quân tiến vào đất Thục, thẳng tiến đến Gia Định (nay là Nhạc Sơn, Tứ Xuyên), để phối hợp với quân chủ lực. Hốt Tất Liệt thì cầm quân tiến đế Thổ Phiên, Thắc Lạt (nay là Tùng Phan; Tứ Xuyên). Chia làm ba đường, sai Đại Tướng Ngột Lương Hợp Thai cầm đạo quân phía Tây vượt qua núi Đản Dương (nay gần Điền Vân Nam) tiến sâu vào Đại Lý, lại sai Sao Hợp Dã Chí Liệt cầm đạo quân phía Đông đánh vào Hội Xuyên (nay là phía Tây Hội Lý, Tứ Xuyên) để áp chế quân đối phương; còn tự mình dẫn trung quân vượt qua sông Đại Độ, xuyên qua hơn hai nghìn dặm đường núi khe hiểm trở đến Kiến Xương (nay là Tây Xương, Tứ Xuyên) và La Công Đảm (nay là Ninh Lang, Vân Nam). Lại dùng túi da và bè gỗ để vượt sông Kim Sa, đánh bại quân phòng thủ của nhà Tống ở đó. Rồi đầu tháng Chạp, Mãn Nguyên đã tiến sát Thành Đại Lý. Thành Đại Lý phía Tây dựa vào núi Điểm Thương, phía Đông thì gần với sông Nhĩ Thủy, phía Bắc có Lông Thủ Quan (nay là Thượng Quan) làm lá chắn, là chỗ yết hầu của nước Đại Lý. Quốc vương Đoàn Hưng Trí cùng với đại thần Cao Tường vội vàng điều binh đến Long Thủ Quan; rồi dốc toàn lực tổng công kích, quân chủ lực của Đại Lý đã bị tiêu diệt. Các Vương, công, sĩ, dân trong Thành Đại Lý trốn chạy tán loạn. Ngày 15 tháng Chạp, quân Mông Cổ vào thành, Hốt Tất Liệt theo kế của mưu thần Diêu Xu hạ lệnh ngừng tàn sát chém giết nhằm xoa dịu lòng dân, ổn định trật tự thành bang rồi tiếp tục đánh chiếm các nơi trọng yếu. Đại thần Cao Tường bị chém là vào giờ chính Ngọ; giữa trưa thanh thiên bạch nhật, bỗng nhiên trời đất tối tăm, mây đen mù mịt ùn ùn kéo tới rồi chớp giật sấm rền. Hốt Tất Liệt than rằng: “Tường là bậc trung thần vậy”. Rồi lấy lễ mai táng long trọng. Sau đó, Hốt Tất Liệt cử Lưu Thời Trung làm Tuyên Phủ sứ cai trị nước Đại Lý, lại sai Ngột Lương Hợp Thai tiếp tục tiến đánh các vùng phụ cận, còn Hốt Tất Liệt cùng một bộ phận binh sĩ rút về phương Bắc. Ngột Lương Hợp Thai đánh lấy Thiện Xiển (nay là Côn Minh) chiêu hàng Vua nước Đại Lý là Đoàn Hưng Trí, rồi của y làm tướng tiên phong tiếp tục đánh các nước phương Nam.
Năm 1527, Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy đạo quân bao gồm năm ngàn kỵ binh Mông Cổ tinh nhuệ công thêm hơn hai vạn binh sĩ người Thoán thiện chiến ở miền núi vừa mới hàng phục ở nước Đại Lý, từ Vân Nam tấn công vào Đại Việt. Lúc này ở phía Bắc, Hãn Mông Kha đã cho đại quân mở cuộc tấn công đánh nhà Nam Tống ở miền Tứ Xuyên, một cánh quân khác do Hốt Tất Liệt chỉ huy đã vượt Trường Giang đánh chiếm Châu Ngạc (Vũ Xương, Hồ Bắc); nhiệm vụ của Ngột Lương Hợp Thai sau khi đánh chiếm Đại Việt sẽ tiến sang lấy Châu Ung, Châu Quế (Quảng Tây) rồi tiến sang Châu Ngạc hội binh với các cánh quân khác, tạo thành thế Nam-Bắc giáp công mà tiêu diệt Nam Tống. Nhưng Ngột Lương Hợp Thai đã bị quân dân Đại Việt đánh cho đại bại phải tháo chạy về Vân Nam; gọng kìm phía Nam của Hốt Tất Liệt đánh lên Trung Quốc thế là bị bẻ gẫy.
Trong cuộc chiến tranh tiêu diệt nước Đại Lý, Hốt Tất Liệt đã phát huy sở trường đặc biệt mạnh mẽ của kỵ binh Mông Cổ. Vốn là một bộ tộc du mục sống ở vùng đồng cỏ và sa mạc phương Bắc, người Mông Cổ lớn lên trên lưng ngựa, họ sớm được rèn luyện trở thành những chiến binh gan dạ giỏi cưỡi ngựa bắn cung. Dưới sự chỉ huy của các Hãn và các danh tướng có tài như Thành Cát Tư Hãn, Hốt Tất Liệt... kỵ binh Mông Cổ đã trở thành thần tượng dường như bất khả chiến bại, và họ đã từng gieo nỗi kinh hoàng cho nhiều dân tộc từ Âu sang Á. Khi tấn công thì kỵ binh của họ thần tốc bất ngờ như là từ trên trời đổ xuống, khi rút lui thì nhanh như chớp giật. Họ thường nhân đà chiến thắng mà truy kích mãnh liệt đến cùng không cho địch chạy thoát, khi thế thua thì rút lui thật nhanh khó bề đuổi kịp, Hốt Tất Liệt thường tổ chức những cuộc tiến công từ xa, đánh thọc sâu (tung thâm) và bất ngờ nhằm thẳng vào đại bản doanh của đối phương để tiêu diệt bằng được chủ lực của địch hoặc có khi kết hợp với chiến thuật bao vây vu hồn. Vừa đánh vừa dụ hàng, đó là một kiểu mẫu của lối đánh bôn tập từ xa trong lịch sử quân sự Trung Quốc.
Cuộc chiến tranh của Hốt Tất Liệt đánh dẹp các tông Vương ở phương Bắc để củng cố chính quyền thống nhất Quốc gia chứng tỏ ông thực sự là một tài năng quân sự lỗi lạc. Hốt Tất Liệt lên ngôi Hãn chưa lâu thì người em là A Lý Bất Ca cũng xưng Hãn ở Hòa Lâm rồi đem binh xuống phương Nam. Hốt Tất Liệt sai quân chặn đánh, A Lý Bất Ca thua chạy. Hốt Tất Liệt ngăn cấm việc cung cấp và trao đổi sản phẩm từ Trung Nguyên lên Mạc Bắc, lại hai lần đem quân chinh phạt tiêu diệt quân cát cứ phiến loạn. Năm 1264, A Lý Bất Ca thế cùng phải xin hàng. Năm 1266, tông Vương Hải Đô xây dựng thế lực cát cứ, khởi binh ở Kim Sơn (nay là A Nhĩ Thái Sơn). Hốt Tất Liệt bèn sai con là Na Mộc Hãn cùng các tông Vương Tích Lý Cát và Thoát Thoát Mộc Nhi đến phòng thủ ở mạn Tây Bắc. Nhưng các tông Vương này lại làm phản, cưỡng bức Hoàng tử Na Mộc Hãn đem binh về phía Đông áp sát Hòa Lâm. Hốt Tất Liệt liền sai thừa tướng Bá Nhân đem quân lên phía Bắc đại phá quân Tích Lý Cát và Thoát Thoát Mộc Nhi bên bờ sông Ngạc Nhĩ Hồn rồi liên tiếp bức hàng các tông Vương còn lại vào năm 1280.
Năm thứ 24, ở mạn Đông Bắc, các tông Vương Nãi Nhan và Cáp Đan liên kết làm phản, định cùng với Hải Đô từ hai phía Đông và Tây giáp công. Đầu tiên Hốt Tất Liệt sai quân đến chiếm Mạc Bắc là nơi yếu địa cản trở sự liên minh giữa Nãi Nhan và Hải Đô; mặt khác tại chiêu dụ các tông Vương nổi loạn để cô lập Nãi Nhan. Sau khi chuẩn bị đầy đủ, Hốt Tất Liệt tự chỉ huy 46 vạn quân chinh phạt. Lúc đó, Nãi Nhan có 30 vạn quân đóng ở ven sông Hợp Lặc Hợp, dàn quân nghênh chiến. Hốt Tất Liệt dùng bộ binh người Hán xông lên chém giết, sau đó cho kỵ binh Mông Cổ từ bốn phía hợp kích đánh bại quân địch bắt giết Nãi Nhan.
Lúc Hốt Tất Liệt đang đánh dẹp Nãi Nhan, Hải Đô ở phía Tây tiếp tục gây nhiễu. Năm thứ 26, Hải Đô đem quân chiếm Hòa Lâm. Hốt Tất Liệt lúc bấy giờ đã 75 tuổi, lúc đầu sai Bá Nhan đánh, sau đó lại tự cầm quân chinh phạt, thu phục lại Hòa Lâm. Đến năm thứ 31, liên tiếp thắng Hải Đô, lấy lại Cát Lợi Cát Tư khống chế toàn bộ vùng Nam Bắc Kim Sơn rộng lớn.
Cuộc chiến tranh kéo dài 35 năm. Hốt Tất Liệt lợi dụng nhược điểm của các tông Vương mỗi người có một tham vọng riêng, để lôi kéo, chia rẽ họ, vừa đánh vừa dụ, tiêu diệt từng kẻ địch, củng cố chính quyền thống nhất triều Nguyên.
Hốt Tất liệt là một nhà chính trị và quân sự kiệt xuất, ông có những cống hiến quan trọng trong việc xây dựng Quốc gia phong kiến Mông Cổ thống nhất cũng như trong việc lập nên đế chế Mông Nguyên khổng lồ chưa từng có. Bên cạnh đó, ông cũng gây nên những ảnh hưởng tiêu cực do hậu quả của cuộc chiến tranh xâm lược và áp bức dân tộc đem lại; còn một phương diện quan trọng khác mà lịch sử ghi nhận là: với qui mô lãnh thổ bao la xuyên lục địa Âu Á tương đối thống nhất, bao gồm trong đó nhiều Quốc gia như Trung Quốc, Ba Tư, Thổ, Nga và nhiều Vương quốc châu Á, châu Âu khác từng là những trung tâm văn minh của nhân loại. Đế chế Nguyên Mông do Hốt Tất Liệt dựng nên đã góp phần to lớn cho lịch sử phát triển và giao lưu kinh tế văn hóa giữa các Quốc gia phương Đông và phương Tây.
TS. BÙI QUÝ LỘ