VƯƠNG AN THẠCH (1021 - 1086)
NHÀ LẬP PHÁP KIỆT XUẤT TRIỀU TỐNG (TRUNG QUỐC)
Vương An Thạch là nhà chính trị, nhà văn học lỗi lạc của Trung Quốc đời Bắc Tống (960 - 1127). Ông là người đất Lâm Xuyên Phủ Châu (nay là Phủ Châu tỉnh Giang Tây) tự là Giới Phủ, hiệu Bán Sơn, đỗ tiến sĩ năm Khánh Lịch (đời Tống Nhân Tông, 1041 - 1048). Đầu tiên làm quan tri huyện ở Huyện Ngận, có nhiều công tích về thủy lợi, phát thóc kho cho dân vay, chấn chỉnh việc binh. Sau đó, ông giữ chức Thông phán ở Thư Châu, rồi chức Tri Châu ở Thường Châu. Năm Gia Hựu thứ ba (1058), giữ chức Đề điểm Hình ngục ở lộ Giang Đông rồi giữ chức Phán quan ở Tam Ty. Ông dâng lên Vua Tống bản Vạn ngôn thư (điều trần) chủ trương việc cải cách chính trị nhưng chưa được thu nạp. Khi Tống Thần Tông lên ngôi, ông đang giữ chức Tri phủ tại Phủ Giang Ninh được triệu về làm Hàn lâm học sỹ kiêm Thị giảng. Ông dâng điều trần chỉ rõ những tệ chính đương thời và yêu cầu cấp bách tiến hành cải cách pháp chế và chính trị. Năm Hy Ninh thứ hai (1069), ông được giữ chức Tham tri chính sự (tức Phó tể tướng), rồi Tể tướng (1070). Được Thần Tông tin dùng, Vương An Thạch tiến hành những cải cách do ông đề xướng gọi là Tân pháp. Tình hình xã hội cuối thời Bắc Tống chứa đựng những nguy cơ nghiêm trọng. Ở trong nước, lúc ấy nền kinh tế nông - công - thương nghiệp tuy có phát triển hơn so với trước, nhưng nạn kiêm tính ruộng đất của giai cấp địa chủ diễn ra gay gắt. Địa chủ chỉ có 10% dân số mà chiếm tới 80% ruộng đất; trong khi đó nông dân chiếm 80% dân số thì chỉ có ít ruộng đất. Chính vì vậy phong trào nông dân diễn ra âm ỉ, có nhiều kiến nghị đòi Nhà nước phải cải cách chính trị, nếu không sẽ xảy ra khởi nghĩa như Xích My, Hoàng Cân. Quân binh nhà Tống theo chế độ mộ binh, quân số đến trên trăm vạn, việc cấp dưỡng vô cùng tốn kém, luyện tập ít, kỷ luật lỏng lẻo, đã có những kiến nghị đòi cải cách binh chế theo kiểu nhà Lý nước An Nam (bấy giờ nước ta gọi là Đại Việt).
Đối với bên ngoài, những cuộc xung đột quân sự ở biên cảnh phía Bắc chống lại sự uy hiếp của các nước Liêu, Tây Hạ khiến cho nhà Tống bị suy yếu. Sau đó lại phải thường xuyên cống nạp, hàng năm phải nộp cho Liêu mười vạn lạng bạc, 20 vạn tấm lụa. Cống cho Tây Hạ 7 vạn lạng bạc, 15 vạn tấm lụa, 3 vạn cân chè. Điều này bộc lộ rõ sự suy yếu của triều Tống về quân sự cũng như tài chính. Đứng trước tình hình đó, Vương An Thạch ban hành tân pháp, chủ yếu nhằm làm dịu bớt những mâu thuẫn giai cấp, ổn định trật tự xã hội, khắc phục nguy cơ về tài chính, chấn chỉnh quân đội, mưu phú quốc cường binh. Bắt đầu từ năm Hy Ninh thứ hai (1069), Tân pháp (luật mới) được lần lượt thi hành chủ yếu là các cải cách sau:
1. Luật nông điền thủy lợi: nhằm khuyến khích việc mở mang các công trình thủy lợi, đào sông đắp đê lập các trạm chống úng, chống hạn, khai khẩn đất hoang, tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp. Nhà nước quy định, phàm những công trình thủy lợi nên tu sửa hoặc nhiều hoặc ít, mọi phí tổn tiền công vật liệu đều do các nông hộ ở địa phương đó xuất vốn. Những người không chịu đóng góp thì trừng trị theo pháp luật. Nếu là những công trình lớn, dân không đủ sức làm, thì Nhà nước xuất vốn cho vay. Các nhà giàu ở các Châu, Huyện cũng được phép cho vay theo tỷ lệ thu lãi 2/10. Quan Phủ làm sổ theo dõi, đốc thúc việc hoàn nợ, những tư nhân bỏ vốn xây dựng công trình thủy lợi có nhiều hiệu quả thì được xét thưởng. Điều ước ban hành đã đẩy mạnh việc mở mang thủy lợi và phát triển sản xuất nông nghiệp.
2. Luật thanh miêu: năm Hy Ninh thứ hai (1069), ban hành Luật thanh miêu (lúa xanh) nhằm giúp nông dân vượt qua những khó khăn trong lúc lúa còn xanh giáp vụ, tạo điều kiện để nông dân không bị đẩy vào vòng bóc lột của các nhà giàu cho vay nặng lãi hoặc khỏi phải cầm cố ruộng đất, tài sản. Luật quy định, mùa xuân vay thì mùa hạ trả, mùa thu vay thì cuối năm (tháng Mười Một) trả. Có thể vay tiền hoặc thóc, mức lợi tức là 2/10. Hộ nông phu được vay nhiều nhất là 15 quan, ít nhất cũng trên 1 quan. Để ngăn ngừa các hộ bỏ trốn, lại quy định cứ 5 hoặc 10 hộ lập thành một bảo, đặt người đứng đầu gọi là Giáp đẩu để kiểm soát và đảm bảo lẫn nhau. Phép thanh miêu vừa làm lợi cho Nhà nước vừa trợ giúp nhà nông, nhất là cho người nghèo, hạn chế nạn bóc lột của nhà giàu, nông dân không phải gánh vác thêm thuế khóa mà Nhà nước có ngân sách đủ dùng, đồng thời làm dịu bớt mâu thuẫn giai cấp. Chính sách này va chạm trực tiếp đến lợi ích của bọn địa chủ, quan liêu nên bọn chúng kịch liệt phản đối. Đến năm đầu Nguyên Hựu (1086), Tư Mã Quang nắm quyền Tể tướng, luật thanh miêu nói chung bị bãi bỏ.
3. Luật miễn sưu: theo chế độ thuế nhà Tống, các hộ nông dân là thương nhân mỗi năm phải chịu lao dịch 20 ngày. Luật miễn sưu cho phép nộp tiền thay cho chế độ lao dịch gọi là tiền miễn sưu. Nhà nước dùng tiền đó thuê người khác làm lao dịch, Người được đặc quyền miễn sưu dịch trước đây, bây giờ cũng phải xuất tiền, gọi là tiền trợ sưu. Do đó, có thể đảm bảo cho nông dân có thời gian sản xuất là hạn chế bớt đặc quyền của tầng lớp quan liêu.
4. Luật đo lại ruộng và thu thuế bình quân (phương điền quân thuế pháp): dưới triều Tống, nạn kiêm tính ruộng đất phát triển mạnh, bọn địa chủ ra sức ẩn lậu diện tích ruộng đất để trốn thuế. Nông dân lớp trung và dưới phải chịu thuế khóa nặng nề. Năm Hy Ninh thứ năm (1072) đã ban bố luật đo đạc lại ruộng đất hàng năm, do các quan huyện tiến hành, lấy đơn vị diện tích hình vuông, mỗi chiều là 1000 bộ (1 bộ = 1,6 mét) gọi là một phương rồi căn cứ vào tình trạng chất đất tốt hay xấu mà chia ra năm loại, và định lại phép thu thuế mới bình quân. Khi thi hành phép phương điền, đã phát hiện được số lượng lớn ruộng đất bị bọn địa chủ quan liêu ẩn lậu do đó tăng thêm đáng kể nguồn thu nhập cho Nhà nước.
5. Luật thị dịch: năm Hy Ninh thứ năm (1072) ban hành luật thị dịch; đầu tiên thí nghiệm ở Kinh đô Khai Phong, sau khi có hiệu quả đã áp dụng phổ biến khắp cả nước. Nhà nước lập ra cơ quan quản lý thị trường, gọi là thị dịch vụ. Khi hàng hóa thị trường ứ đọng, giá hàng rẻ thì nhà nước xuất vốn, mua hàng vào với giá phải chăng; khi thị trường khan hiếm thứ hàng đó, giá cả lên cao, thì nhà nước đem bán hàng ra với giá thấp. Nhà nước còn bán chịu cho các thương nhân số lượng hàng hóa lớn (bán buôn), sau nửa năm hoặc một năm thì thu hồi tiền nợ với lãi suất 2/10. Nhà nước còn cho các thương nhân vay vốn, thời hạn có thể kéo dài trên năm năm, với điều kiện có tài sản đảm bảo theo mức lãi 2/10. Luật thị dịch có tác dụng chống lại thủ đoạn của các thương nhân trước đó, thường ép giá mua rẻ bán đắt, thao túng thị trường, đầu cơ trục lợi. Nhà nước thông qua những hoạt động của thị dịch vụ mà điều tiết giá cả, quản lý, ổn định thị trường, chẳng những có lợi cho sinh kế của dân mà Nhà nước cũng thu được mối lợi lớn.
6. Luật bảo giáp: quân đội nhà Tống theo chế độ mộ binh quân số rất đông, nên việc cung cấp nuôi quân cũng có ảnh hưởng lớn đến ngân sách Nhà nước. Để khắc phục tình hình đó, Nhà nước đặt ra phép bảo giáp: theo qui định cứ 10 hộ nông dân lập thành một bảo, cử một người làm Bảo trưởng, 50 hộ lập thành một Đại bảo, cử ra một Đại bảo trưởng; 500 hộ lập thành một Đô bảo, cử ra Chánh phó đô bảo. Đây là hình thức tổ chức dân quân ở cơ sở nông thôn, trong thời gian nông nhàn thì tập luyện quân sự, đồng thời phối hợp với quan quân ở Châu Huyện để tuần tra và trấn áp; dần dần thay thế cho lính mộ, vừa tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước, vừa tăng cường lực lượng quốc phòng. Phép bảo giáp còn được các triều Minh, Thanh áp dụng.
Ngoài ra, Vương An Thạch còn cải cách chế độ khoa thi cử, đối với khoa thi Tiến sĩ, ông chú trọng việc am hiểu ý nghĩa của kinh sách, thay thế cho lối thi truyền thống, chỉ coi trọng thi phú trước đây. Ông còn lập Thái học tam xá và cải cách chế độ học tập. Cải cách của ông phản ánh xu thế phát triển mạnh mẽ về kinh tế và văn hóa của giai cấp trung, tiểu địa chủ, đáp ứng nhu cầu của họ, muôn tham gia tích cực vào bộ máy quan lại, thông qua con đường khoa cử.
Những tân pháp của Vương An Thạch chủ yếu nhằm chấn chỉnh nền tài chính Quốc gia, xoa dịu mâu thuẫn giai cấp sâu sắc, đồng thời củng cố quyền thống trị của Vương triều phong kiến nhà Tống. Tân pháp nhượng bộ phần nào đối với nông dân, hạn chế lợi ích của quan lại địa chủ và thương nhân lớn. Sau khi thi hành Tân pháp, mấy vạn khoảnh ruộng đất mới (mỗi khoảnh bằng 100 mẫu) đã được khai khẩn; công trình thủy lợi xây dựng ở hơn 1 vạn nơi, Nhà nước tăng thêm một nguồn thu nhập to tớn; lực lượng phòng ngự quân sự được tăng cường, gánh nặng của nhân dân cũng được giảm nhẹ. Những cải cách của Vương An Thạch có ý nghĩa tích cực đối với giai đoạn lịch sử đương thời; và về nhiều phương diện, nó còn là bài học có ý nghĩa lâu dài đối với các giai đoạn lịch sử về sau.
Trước sự công kích của bọn quan liêu địa chủ, phần lớn những cải cách của Vương An Thạch dần dần bị bãi bỏ. Buồn nản trước thế sự, ông cáo quan về ở tại Bản Sơn Viên (nay là Giang Tô, Nam Kinh), được phong là Kinh Quốc Công. Ông không những là một nhà cải cách chính trị kiệt xuất mà còn là một tác giả lỗi lạc, từng được coi là một trong tám đại gia của văn học Đường, Tống.
* Giai thoại về hai chữ “Song Hỷ”
Ở Việt Nam cũng như Trung Quốc, từ lâu, chữ Song Hỷ được dùng để tượng trưng cho hạnh phúc lứa đôi.
Truyền thuyết kể rằng, năm 20 tuổi, ông Vương An Thạch đời Tống trên đường đi thi dừng chân tại thị trấn của họ Mã. Ăn cơm xong, ông ra phố dạo chơi, tình cờ nhìn thấy trên đèn kéo quân ở nhà Viên ngoại họ Mã có đề một câu đối, viết như sau:
Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ: (Đèn kéo quân, quân kéo đèn, đèn tắt quân ngừng bước), vế thứ hai còn đang chờ người đối. Vương An Thạch xem xong, vỗ tay nói: ''Đối dễ thôi!”. Người nhà viên ngoại nghe thấy vội vào bẩm với viên ngoại. Viên ngoại chưa kịp hỏi ai nói thì Vương An Thạch đã bỏ vào trường thi rồi.
Hôm sau, Vương An Thạch nộp quyển, được quan chủ khảo khen nức nở liền mời ông đến thi vấn đáp. Quan chủ khảo chỉ lá cờ hổ treo trước công đường nói: ''Phi hổ kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyển hổ tàng thân'' (Cờ bay hổ, hổ bay cờ, cờ cuộn hổ giấu mình). Vương An Thạch lấy ngay câu đối ở nhà viên ngoại ra đối lại. Quan chủ khảo thấy ông đối vừa nhanh vừa giỏi tấm tắc khen mãi.
Thi xong, Vương An Thạch về qua cửa nhà họ Mã, người nhà họ Mã nhận ra ông bèn mời ông vào gặp viên ngoại. Viên ngoại mời ông đối, ông lấy ngay vế đối ''Phi hổ kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyển hổ tàng thân" ra đối. Viên ngoại thấy đối vừa chỉnh, vừa khéo liền gả con gái cho Vương An Thạch và chọn ngày lành tháng tốt làm lễ thành hôn. Thì ra vế đối “Đèn kéo quân” là do tiểu thư họ Mã đề ra để kén chồng.
Đúng ngày cưới, triều đình báo tin vui: Vương đại thần trúng bảng vàng, mời lên Kinh dự tiệc. Vương An Thạch đã vui được vợ, lại vui được triều đình mời vào, hỷ cộng hỷ thế là ông lấy bút viết lên giấy chữ Song Hỷ rồi dán trước cửa và ngâm:
''Khéo đối nên thành ra Song Hỷ
Hổ bay, đèn ngựa kết nhân duyên”.
Từ đó về sau chữ Song Hỷ được người ta lưu truyền cho đến ngày nay.
* Sửa câu đối
Tô Đông Pha là nhà thơ nổi tiếng đời Tống, một hôm ông đến nhà Tể tướng Vương An Thạch thấy đôi câu đối đề:
Minh nguyệt sơn đầu khiếu,
Hoàng khuyển ngọa hoa tâm
Tô Đông Pha thấy đôi câu đối có gì không ổn. Ông nghĩ Vương An Thạch là người được thiên hạ đồn là tài ba giỏi giang hay chữ thế mà lại viết “đôi câu đối” dở đến mức này...; theo ông: minh nguyệt (trăng non) không thể hót (khiếu) trên đỉnh núi (sơn đầu) và chó vàng (Hoàng khuyển) không thể nằm trong đài hoa (hoa tâm). Và thi sĩ đã sửa lại câu đối của Vương An Thạch:
Minh nguyệt sơn đầu chiếu,
Hoàng khuyển ngọa hoa âm.
(Trăng non chiếu trên đỉnh núi (sườn núi), Chó vàng nằm dưới bóng hoa). Khi về, Vương An Thạch thấy đôi câu đối bị sửa, gia nhân cho biết người viết lại đôi câu đối là Tô Đông Pha. Vương An Thạch tức lắm, nhưng không nói năng gì cả, ít lâu sau, chẳng may Tô Đông Pha bị mắc nạn, Vương An Thạch tâu với Vua Tống đày tới một miền sơn cước giá lạnh. Sáng dậy, Tô Đông Pha thường thấy một loài chim hay hót trên đỉnh núi. Hỏi dân địa phương cho biết, đó là loài chim minh nguyệt. Và ở nơi đây, còn có một loài sâu thường nằm trong nõn hoa hút nhị, cắn đài hoa gọi là sâu hoàng khuyển. Khi biết sự thật Tô Đông Pha đã ngửa mặt lên trời than rằng: ''Ôi! Thế là ta đã chữa sai đôi câu đối của Tể tướng rồi!”. Thế mới biết làm người đã khó, chữa thơ, chữa văn của người càng khó thay.
TS. BÙI QUÝ LỘ và NỮ HOÀNG ANH