NGƯỢC DÒNG NGHỆ THUẬT
Nghệ thuật bồn cảnh là cách thức vận dụng chất liệu thực vật, đá núi v.v... qua sáng tạo, nhà nghệ thuật thu nhỏ những cảnh quan đầy sinh thú trong thiên nhiên rồi tái hiện trong một bồn cảnh thu nhỏ. Sự suy tưởng kỳ lạ của loại nghệ thuật này lúc đầu đâu phải ngẫu nhiên nảy sinh, mà nó gắn bó chặt chẽ không thể chia cắt với nghệ thuật văn học, hội họa, rừng vườn của Trung Quốc Cổ đại.
Ngay từ thế kỷ V, Trung Quốc đã xuất hiện tranh Sơn thủy (văn học Sơn thủy còn xuất hiện sớm hơn). Chính chúng đã thai nghén nghệ thuật bồn cảnh. Nghệ thuật tạo vườn của Trung Quốc khoảng hai ngàn năm về trước cũng đã đạt tới trình độ rất cao. Nó có đặc tính thu nhỏ cảnh. Có thể nghĩ rằng nó là tiêu đề của nghệ thuật bồn cảnh.
Ngoài ra, những tư tưởng triết học của Trung Quốc Cổ đại như học thuyết ''trở về với tự nhiên” của Lão Tử (người cùng thời với Khổng Tử), học thuyết tự tu dưỡng của Khổng Tử v.v... đã có quan hệ đến sự ra đời và phát triển của nghệ thuật bồn cảnh.
Ước đoán vào thời kỳ Đông Hán (năm 25-220), Trung Quốc đã xuất hiện trồng hoa cỏ và trồng hoa sen trong bồn nước nông để thưởng ngoạn. Khi ấy gọi là “bể bồn”. Đến thời đại Nam Bắc triều (năm 420-589), một số văn nhân nảy sinh phong thái chơi đá đẹp và kỳ quái. Đó là hai loại bồn cảnh của Trung Quốc, là ''Cậu bé'' thời trước của bồn cảnh cây cối và bồn cảnh đá về sau.
Sự ra đời của bồn cảnh Trung Hoa có ít nhất là hơn 1200 năm lịch sử. Trên bức bích họa ở vách phía Đông trong lăng mộ Thái Tử Chương Hoài xây ở ngoại ô Tràng An (Thành phố Tây An ngày nay), khi ấy người ta đã thấy một thị nữ tay nâng một “bồn cảnh cây, đá” do cây nhỏ, hoa quả và đá tạo thành. Căn cứ vào sử sách ghi chép được, nhà thơ, họa sĩ Vương Duy đời Đường (699-750) đã từng dùng bồn sứ để trồng lan và đá, tạo thành ''bồn cảnh lan đá”. Ở đời Đường, thú chơi đá đã trở nên phổ biến. Trong một phần tiêu bản bức tranh Chức Cống đồ của nhà họa sỹ lớn Diên Lập Bản (?-759) cũng thấy những vật cống nạp có cả ''bồn đá kỳ dị'' một lễ vật quý báu dâng lên Hoàng đế. Cho hay, đồ đựng ''đá chơi" thời kỳ này đã tương đối tinh tế.
Đời nhà Tống (960-1297)
Đời nhà Tống là thời kỳ diễn biến trọng yếu của nghệ thuật bồn cảnh Trung Quốc. Từ những bức tranh của 18 Hoạ sỹ đời Tống được thu giữ trong Viện Bác Cổ, Cố Cung Bắc Kinh cho thấy: ''bồn cảnh cây tùng” so với ''bồn cảnh cây" ngày nay không khác là bao. Thời ấy gọi là “bồn tùng”. Loại này không có đá, chỉ có cây. Nghệ nhân trồng cây trong bồn rồi chỉnh hình, chăm sóc lâu dài mà thành. Đó là bồn cảnh loại mới, thoát thai từ ''bồn cảnh cây, đá" mà ra.
Đời Tống cũng là thời kỳ phát triển trọng yếu của bồn lon bộ. Văn minh đương thời thích chơi đá lạ, đặt đá trên bàn để thưởng thức là một phong thái rất thịnh hành. Công trình nghiên cứu về non bộ cũng rất xuất sắc. Những sách nói về đá đã xuất bản như: Tuyên hòa thạch phổ, Ngư Dương công thạch phổ, Vân lâm thạch phổ… đã liệt kê sản phẩm đá sản xuất của cả nước, miêu tả những đặc điểm của đá và giá trị ứng dụng của chúng trong ''tạo vườn" và “bồn cảnh”.
Đời nhà Nguyên (1271-1368)
Ở đời Nguyên, ''bồn cảnh cây cối thu nhỏ" đã có sự phát triển. Người ta gọi bồn cảnh thu nhỏ là “cảnh tý hon”.
Uẩn Thượng Nhân, một Tăng nhân, nhà nghệ thuật bồn cảnh trứ danh đời Nguyên, người đã “đi khắp bốn phương”, “vào ra núi cao sông rộng”, ''có kinh nghiệm đời sống phong phú”, chuyên tạo dựng “cảnh tý hon”. Tác phẩm bồn cảnh của ông chứa đựng ý nghĩa hội họa rất sâu sắc. Thời bấy giờ có người đã ca tụng: ở giữa sợi tóc, ông có thể sáng tạo ra Thế giới muôn màu. Có thể nói bồn cảnh thời kỳ này tuy rất nhỏ về thể tích mà dung lượng cảnh vật lại lớn vô cùng.
Đời nhà Minh (1368-1644)
Nghệ thuật bồn cảnh triều đại này đã phổ cập. Từ ''bồn cảnh" cũng ra đời thời kỳ ấy. Sách vở đã ghi nhận, thời kỳ đó, không chỉ trong gia đình các văn nhân, nhân sĩ lớp trên mới bày ''bồn cảnh" mà trong gia đình bình dân trăm họ cũng chơi “bồn cảnh”. Bồn cảnh triều Minh rất chú trọng biểu hiện ý nghĩa hội họa, đặc biệt hay mô phỏng phong cách của các danh họa đời trước. Ngoài ra, bồn cảnh dân gian thời này đã đạt tới mức tương đương với kỹ thuật bồn cảnh cây cối. Họ chẳng những chú trọng đến cành cây, thân cây mà còn tìm tòi thú vị ở cái vẻ già cỗi của cây. Đồng thời, họ dùng một loạt cách thức tạo hình của quy tắc tạo hình để thể hiện hai loại phong cách bồn cảnh khác nhau giữa quy tắc và tự nhiên.
Đời nhà Thanh (1644 - 1911)
Nghệ thuật bồn cảnh đời nhà Thanh được phát triển toàn điện, tạo hình càng đa dạng, kỹ xảo càng phong phú. Nghệ sĩ bồn cảnh dụng công cụ để “là chín”, ''điêu khắc'' trên thân cây của ''bồn cảnh cây cối”, nhằm tạo thành những đường gân, nếp nhăn, rãnh hẹp... cho cây có vẻ già cỗi của cổ thụ. Một số quy tắc nhất định về phương pháp kỹ thuật cắt, sửa, bó... được hình thành. Mặt chăm bón, chiết, trồng, phối cảnh v.v... cũng đều được nâng rất cao về kỹ thuật, kỹ xảo.
Thời kỳ Cận đại và Hiện đại
Bước vào thời kỳ Cận đại, sự phát triển nghệ thuật bồn cảnh của Trung Quốc tuy có chững lại. Song, vẫn có một số văn nhân và nghệ sỹ bồn cảnh không ngừng đi sâu nghiên cứu và sáng tạo làm cho bộ môn nghệ thuật lâu đời này được gìn giữ và tiến thêm, như: "Hàm anh xã" do tiên sinh Chu Sâu Quyên và một số nghệ nhân bồn cảnh, đồng thời triển lãm tác phẩm và trao đổi kinh nghiệm.
Mấy chục năm gần đây, nghệ thuật bồn cảnh Trung Quốc phồn vinh chưa từng thấy. Phong cảnh địa phương giao lưu rộng rãi với các môn phái, không ngừng đổi mới trên cơ sở kế tục truyền thống.
Nghệ thuật bồn cảnh khởi nguồn từ Trung Quốc, từ đời Đường đã truyền sang Nhật Bản, tới Cận đại Nhật Bản lại truyền sang Âu, Mỹ, hiện nay đã lưu hành ở đa số các nước trên thế giới, trở thành môn nghệ thuật mang tính Quốc tế, được nhân dân các nước mến chuộng.
Năm 1979, bồn cảnh Trung Quốc tham dự triển lãm ''nghệ thuật vườn'' lần thứ 15 tại Cộng hòa liên bang Đức và đã được phần thưởng lớn. Năm 1980, tham gia triển lãm 'Bồn cảnh Thủy Thạch Thế giới" tại Nhật Bản. Cùng năm, lại dự triển lãm "Hoa cỏ" Quốc tế tại Canada, bồn cảnh Trung Quốc được người xem đánh giá rất cao.
Năm 1982 và 1983 bồn cảnh Giang Tô, Trung Quốc tham dự triển lãm tại HongKong và Áo được quần chúng nhiệt liệt ủng hộ và ngợi khen. Năm 1984, triển lãm “nghệ thuật bồn cảnh” Trung Quốc tại hội chợ Copenhagen đã làm chấn động dư luận cả nước Đan Mạch.
Mấy năm gần đây, qua con đường mậu dịch, bồn cảnh Trung Quốc đã xuất khẩu tới nhiều nước và khu vực trên thế giới. Những người làm công tác nghệ thuật bồn cảnh Trung Quốc đã tiến hành giao lưu với kỹ thuật bồn cảnh nước ngoài. Những sự kiện đó đều có tác dụng tích cực, thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật bồn cảnh thế giới.
Phân loại, chất liệu và hình thức bồn cảnh
I. Phân loại: Phân loại theo chất liệu thì bồn cảnh Trung Quốc có hai loại lớn: “bồn cảnh Cây cành gọi là “bồn cảnh Cây”. Bồn cảnh Đá, cũng gọi là “bồn cảnh Sơn Thạch”, sơn thủy hay thủy thạch. Hai loại bồn cảnh này không hoàn toàn khác biệt nhau. Trong bồn cảnh Cây cũng có thể điểm xuyết thêm thân Đá, và ngược tại. Cho nên có người gọi gộp lại là bồn cảnh Cây Đá.
Bồn cảnh Cây: người ta dùng cây hoang dã hoặc ươm mầm, chiết, ghép thành cây, qua một số phương pháp nghệ thuật khống chế sự sinh trưởng làm cho thân cây, rễ cây, lá cây cằn cỗi, tạo thành dáng vẻ cổ thụ, lâu đời.
Bồn cảnh Đá: lấy đá làm vật liệu chủ yếu, dùng một số thủ pháp, cưa, cắt, điêu khắc, dán ghép... Tạo thành ngọn núi, khe núi, hẻm núi, sông núi uốn khúc nhấp nhô liên tục rồi đặt trong bồn nước hình thành cảnh quan sơn thủy.
II. Chất liệu: chất liệu bồn cảnh bao gồm thực vật, đá núi và bồn. Cây dùng cho bồn cảnh gồm hơn trăm loài thực vật, chia làm 3 loại: nhìn lá, nhìn quả, nhìn hoa. Loại nhìn lá là chính. Thường thấy nhất như Ngũ kim tùng, Hắc tùng, Miên tùng, Tử tôn Bách, Sẻ mai, Cửu hy hương, Hoàng dương, Ngân hạnh và loài Trúc. Có hai con đường lấy chất liệu cây: một là lấy cành già trong núi làm phôi, hai là nuôi dưỡng từ mầm. Cành già chọn làm phôi phải có ngoại dạng cong queo, ngắn, lá rậm, loài này thường sinh trưởng ở nơi đất bạc màu, hoặc vách núi, khe đá, đầu thác v.v... nhiều năm bị thiên nhiên tàn phá. Hình thái già cỗi của chúng là điểm tốt nhất để làm ra cây cảnh. Song, lấy được chất liệu như vậy đâu phải dễ dàng. Chỉ những ai không sợ nguy hiểm mới lấy được. Có những loại cây rất quý ở mãi trong núi sâu rừng rậm không dễ tìm thấy nên phải dùng phương pháp ương mầm.
Đá của bồn Sơn thủy, hiện nay thường dùng hơn 10 loại. Không phải loại đá nào cũng dùng được. Chọn đá, trước tiên phải dễ điêu khắc, để có thể tạo hình độc đáo, đường nẻo quanh co, vân tự nhiên, sắc thái phải trầm và nhã. Đá, có loại hút nước và không hút nước. Đá hút nước tương đối mềm dễ gia công và dễ điểm xuyết thực vật. Đá không hút nước tương đối cứng, tuy không dễ gia công nhưng dễ tạo hình độc đáo. Đá mềm thường dùng có: Sa tích thạch, Khổng tước thạch, Phù thủy thạch. Đá cứng thường dùng có: Anh đức thạch, Thạch quẩn thạch, Tuyên thành thạch, Linh bích thạch, Chung nhũ thạch v.v... Ngoài ra chất liệu chế tác bồn cảnh Sơn thủy hoàn mỹ còn có thể dùng than gỗ, vỏ cây, cây khô, hồ giấy, đất bùn. . .
Bồn là bộ phận của “bồn cảnh”, đồng thời tự thân nó cũng có giá trị thẩm mỹ cho ta thưởng ngoạn. Có nhiều loại bồn: bồn đất nung, bồn sành, bồn tráng men, bồn sứ vẽ, bồn vời đá v.v... Được hoan nghênh nhất là bồn sành của vùng Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô. Bồn này thần khí tốt, sắc diện thanh nhã, tạo hình đa dạng, có cái thú của chất xưa. Nó là loại bồn rất trứ danh.
Bồn cảnh Sơn thủy, phần lớn dùng bồn đá nông. Bồn đá có tiếng phải dùng Đại lý thạch và Hán Bạch ngọc thạch tạo nên. Bồn đá thấu khí và hút nước kém không dùng làm bồn cảnh cây. Bồn đất nung của Phật Sơn, Quảng Đông sản xuất cũng là loại sản phẩm quý, thường tráng lưu ly, tốt đẹp, trang nhã lại giàu tính trang trí.
Tạo hình bồn phải phù hợp với hình dáng của cây, sao cho đạt hiệu quả nghệ thuật hoàn mỹ, thống nhất.
Hình thức của bồn cảnh có thể chia làm hai loại: loại thấp hình tròn, chữ nhật, đa giác, bầu dục… loại cao hình trụ tròn, chủ yếu là dùng cho bồn cảnh kiểu treo đứng.
III. Hình thức bồn cây: Có thể chia làm 5 loại:
- Tạo hình theo thân cây gồm: kiểu thân thẳng, thân lả, thân cong, kiểu treo.
- Tạo hình theo cành: kiểu một cành, hai cành, đa cành (hoặc kiểu rừng rậm).
- Theo phương thức chiết có kiểu chiết và kiểu phụ đá (gài cây trong khe đá).
- Theo mức độ to nhỏ có: loại rất lớn (cây cao 1,5m trở lên), loại lớn (cây cao 80 - 150cm), loại trung bình (cây cao 40-80 cm), loại nhỏ (cây cao 10-40 cm), loại nhỏ nhất (cây cao dưới 10 cm).
Tạo hình bồn cảnh đá có 3 loại:
+ Loại bồn nước: do đá và nước mà tạo thành cảnh quan.
+ Loại bồn khô: do đá và đất tạo nên.
+ Loại nước cạn: do đá, đất và nước tạo nên.