TRẦN THÁI TÔNG (1218-1277)
NHÀ VUA ĐỨC ĐỘ GIÀU LÒNG NHÂN ÁI
Trần Thái tông tức Trần Cảnh lúc nhỏ còn có tên là Bồ, Thái Tông là thụy hiệu, sinh ngày 16 tháng Sáu năm Mậu Dần (12 tháng Bảy 1218), người Hương Tức Mặc, Phủ Thiên Trường (nay thuộc Huyện Mỹ lộc, Tỉnh Nam Định). Nhà Trần tổ tiên vốn làm nghề chài lưới, nhưng từ cuối thời nhà Lý đã có nhiều người làm quan to trong triều nên trở thành một thế lực mạnh. Đời Lý Chiêu Hoàng, Trần Cảnh giữ chức Chi hậu chính chi ứng cực. Do sự sắp đặt của Trần Thủ Độ, Trần Cảnh được Lý Chiêu Hoàng chọn làm chổng rồi năm 1226 thì nhường ngôi cho. Lúc này Trần Cảnh mới tám tuổi, mọi sự triều chính đều do chú là Trần Thủ Độ định đoạt. Nhưng rồi với sự dìu dắt của chú, Trần Cảnh đã mau chóng trưởng thành đưa đất nước sớm đến ổn định và bước vào giai đoạn phát triển mới. Có thể nói dưới thời ông trị vì, chế độ thi cử bắt đầu được xây dựng, việc học hành được mở mang, đời sống kinh tế cũng dễ chịu và uy tín của Vương triều Trần ngày càng được củng cố. Tuy nhiên cho đến tận năm 1237, Chiêu Thánh Hoàng Hậu chưa có con. Lo sợ cho sự bền vững của Vương triều, Trần Thủ Độ ép Trần Cảnh truất vị của Chiêu Thánh, cướp Thuận Thiên là vợ Trần Liễu, anh trai nhà Vua, lúc đó đang có mang lập làm Hoàng hậu. Sự việc này đối với Trần Liễu và cả Trần Cảnh đều gây nên một chấn động lớn trong tình cảm. Trần Liễu họp quân ra sông Cái làm loạn. Trần Cảnh đang đêm bỏ ngôi Vua trốn lên Yên Tử muốn tìm sự yên tĩnh trong tâm hồn. Nhưng chỉ vài ngày sau, Trần Thủ Độ đã đem triều thần đến đón về, dọa sẽ xây dựng cung điện ngay trên núi vì xa giá ở đâu tức là triều đình ở đấy. Có sức ép của triều đình, có lời khuyên sâu sắc của Thái sư Trần Thủ Độ: ''Phàm đã là bậc nhân quân tất phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình. Nay thiên hạ đã muốn đón bệ hạ về, bệ hạ không về sao được!''. Và cả lời dỗ dành vừa thách thức của Trần Thủ Độ:... "Như thần nghĩ, bệ hạ tính kế tự tu đã vậy còn Quốc gia xã tắc thì sao? Nếu chỉ để lời nói suông lại cho đời sau, sao bằng đem thân mình làm gương trước cho thiên hạ (Thiền tông chỉ nam tự). Không còn cách nào khác, Trần Cảnh đã trở về Kinh tiếp tục cương vị Hoàng đế, cho đến tận cuối đời. Có lẽ sau sự việc ấy, nhà Vua đã tự quyết tự nhiệm nhiều hơn trong việc triều chính. Chính ông đã tha bổng cho anh tội phản loạn cấp thêm đất để làm ấp thang mộc, trong khi Trần Thủ Độ đã rút gươm thét: Giết chết tên giặc Liễu! Chắc chắn rằng quyết định này của Trần Cảnh sáng suốt hơn sự giận dữ của ông chú Trần Thủ Độ. Sau này, trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, nhà Vua cũng đã lại tha bổng một tội phạm đáng bị giết cả họ, để cho đánh giặc chuộc tội, nêu một bài học cho con cháu trong việc thưởng phạt. Trần Cảnh cũng là một ông Vua siêng năng, dũng cảm. Nhiều lần ông cải trang làm dân thường đi thuyền nhẹ vào đất Tống ngầm xét tình hình đối phương. Có thể những chuyến đi đó đã góp phần vào việc chống Nguyên và những đối sách ngoại giao sau này. Năm 1257, quân Nguyên tràn sang, Trần Cảnh không chỉ điều hành chung mà còn không ngại gian nan nguy hiểm đích thân chỉ huy một số trận đánh. Kháng chiến thành công, giải quyết xong việc bình công ban thưởng; nối lại quan hệ bang giao với nhà Nguyên, năm 1258 ông nhường ngôi cho Thái tử Hoảng lui về ở Bắc cung giữ cương vị Thái Thượng Hoàng, lập ra chế độ truyền nhượng của riêng nhà Trần. Ông mất ngày 1 tháng Tư năm Đinh Sửu (4 tháng Tư 1277).
Về phương diện chính trị, Trần Thái Tông là một ông Vua giỏi, có đức khoan hòa đại lượng, sáng suốt việc triều Chính, nêu tấm gương sáng cho các Vua nối nghiệp. Mặt khác, ông còn là một nhà tư tưởng, nhà văn hóa. Trần Thái Tông thông hiểu Nho gia, lại cũng rất uyên thâm về Phật giáo. Tuy ông không giữ cương vị sáng lập hay lãnh đạo một môn phái nào, nhưng Phật giáo Việt Nam dưới ảnh hưởng của ông đã hoàn tất một bước biến chuyển trở thành một Thiền phái duy nhất với trung tâm là Yên Tử, chuẩn bị cho việc hình thành Thiền phái Trúc Lâm. Theo những tài liệu hiện còn, Trần Thái Tông là người Việt Nam đầu tiên công bố rõ quan điểm dung hợp giữa Nho và Phật. Theo ông, đại giáo của Đức Phật là phương tiện dẫn dắt những người mê muội, con đường tắt làm sáng tỏ lẽ tử sinh; còn trách nhiệm của Tiên, Thánh là đặt mực thước cho hậu thế, làm khuôn mẫu cho tương lai. Ông nguyện coi trách nhiệm của Tiên Thánh là trách nhiệm của mình, giáo lý của Đức Phật là giáo lý của mình. Vì thế trong sự nghiệp trước tác ông không chỉ bày tỏ, chia sẻ với chúng dân những điều sở đắc (như Thiền tông chỉ nam ca) mà còn để tâm chủ yếu vào việc viết các bài giảng để khuyên dạy, phổ biến cho mọi người các tri thức và cách tu tập đạt đến sự giác ngộ. Tất cả các tác phẩm của ông (trừ hai bài thơ tặng đáp) đều được tập hợp trong sách Khóa hư lục, bản in năm 1943 của Tổng hội Phật giáo Bắc Kỳ. Khác với các tác phẩm Thiền học đời Lý, Trần Thái Tông tuy cũng đề cập đến những phạm trù quan trọng trong triết học Phật giáo: sắc, không, sinh, tử, hữu, vô, nhưng ông đã nhìn nhận và bàn bạc về chúng xuất phát từ bản thân con người và cuộc đời của họ. Ông thật sự cảm thông với nỗi thống khổ của kiếp người - nỗi thống khổ xuất phát từ quy luật của tự nhiên (sinh, lão, bệnh, tử) và nỗi thống khổ do chính xã hội loài người tạo nên; đó là sự si mê, ái dục, tử biệt sinh ly, những tai họa do các thói hư tật xấu, sự vô trách nhiệm với mình và mọi người. Và do vậy, ông tận tình, tỷ mỉ trong các bài hướng dẫn chúng nhân từ kẻ trí đến người ngu từng bước, từng bước tu tập để đạt đến giác ngộ, đặng tìm được sự thanh thản, hạnh phúc ngay ở cõi đời rày. Có thể nói Khóa hư lục của Trần Thái Tông phần lớn được viết với một văn phong trong sáng, giàu hình ảnh, giàu chất trữ tình và sức truyền cảm.
Trần Thái Tông là một ông Vua tài ba, một học giả tinh thông Nho học, uyên thâm về Thiền học và là một nhà văn đặc sắc; nhưng có lẽ trước hết ông là một con người giàu tình cảm, bởi bản thân ông cũng đã từng nếm trải những khổ đau trong đời.