HOÀNG ĐẾ - NHÀ THƠ HÙNG TÀI ĐẠI
LƯỢC LÊ THÁNH TÔNG (1442 - 1497)
Lê Thánh Tông tên thật là Lê Tư Thành, húy là Hạo, hiệu Thiên Nam động chủ và Đạo Am chủ nhân. Ông là con thứ tư Vua Lê Thái Tông. Mẹ là bà Ngô Thị Ngọc Dao, sau này là Quang Thục Hoàng Thái hậu. Lê Thánh Tông sinh ngày 20 tháng Bảy năm Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442).
Năm Thái Hòa thứ 3 (1445), ông được phong Bình Nguyên Vương. Nghi Dân lên ngôi phong ông làm Gia Vương. Khi các triều thần truất phế Nghi Dân (tháng Sáu 1460) và rước Cung Vương Khắc Xương lên ngôi nhưng ông này ''cố ý từ chối" bèn ''đón Vua (tức Thánh Tông, lúc ấy vừa 18 tuổi) ở Tây để về lên ngôi”. Sự kiện có vẻ như ngẫu nhiên này lại chính là một cơ may cho lịch sử Đại Việt suốt nửa cuối thế kỷ XV.
Thánh Tống ở ngôi 38 năm. Mười năm đầu ông lấy niên hiệu Quang Thuận (1460 - 1469) và hai mươi tám năm sau lấy niên hiệu Hồng Đức (1470 - 1497).
Về Lê Thánh Tông từ trước đến nay có rất nhiều ý kiến khác nhau, dưới đây là ba nhận xét tương đối khái quát của những người đương thời. Quốc sử chép: Vua sáng lập chế độ, văn vật khả quan, mở mang đất đai, cõi bờ khá rộng, thực là bậc Vua anh hùng tài lược, dù Vũ đế nhà Hán, Thái Tông nhà Đường, cũng không hơn được. Song công việc thổ mộc quá chế độ xưa, tình nghĩa anh em thiếu lòng nhân ái, đó là chỗ kém.
Như vậy gồm cả “khen” và “chê”, nhưng ''khen" là chính. Đến Vũ Quỳnh, sử gia này cũng ca ngợi hết lời: "Vua tư trời cao siêu, anh minh quyết đoán, có hùng tài đại lược, võ giỏi văn hay, mà Thánh học rất chăm"..., và chỉ chê một điều là “nhiều phi tần quá”.
Khi Thánh Tông mất, Thân Nhân Trung soạn một bài tán, trong đó có những câu đánh giá rất cao:
Lấy tin thực đãi trăm quan,
Rộng vỗ yên đối triệu tính
Văn giáo gần xa thấm nhuần,
Vũ công đó đây bình định.
Rồi chính Lê Thánh Tông cũng tự ý thức về trách nhiệm của mình:
Lòng vì thiên hạ những sơ âu,
Thay việc trời dám trễ đâu.
Trống dời canh còn đọc sách,
Chiêng xế bóng chửa thôi chầu.
(Tự thuật)
Nhưng sự thật là thế nào?
Xét Lê Thánh Tông, trước hết là phải xét ngay ở tư cách “quân Vương” của ông, cái mà nay gọi là “sự nghiệp chính trị”.
Lê Thánh Tông lên ngôi Vua vào tháng Sáu 1460, nhưng trước đó là cả một đoạn lịch sử khá dài đến ngót hai chục năm triều nhà Lê rơi vào khủng hoảng; đỉnh cao là vụ án giết Nguyễn Trãi (1442) và cuối cùng là sự kiện Nghi Dân cướp ngôi (1459). Trung hưng ký đã viết lại như sau: "Nhân Tôn mới lên hai tuổi, sớm lên ngôi Vua (1442), Thái hậu Nguyễn Thị lá gà mái gáy mai. Đô đốc Lê Khuyển là thỏ khôn giữ mệnh. Vua đàn bà mắt quáng, buông rèm ngồi chốn thâm khuê, bọn họ ngoại lòng tham, giúp ngược hoành hành trong nước. Kẻ thân yêu chỉ giữ việc, do vậy tệ hối lộ công khai. Việc văn giáo như băng tan, hiền tài bó cánh. Túc Nho như Lý Tử Tấn, Trình Thuấn Du thì đưa vào chỗ nhàn, phường dốt đặc như ong nổi dậy, chó chuột nhe răng. Tể thần như Lê Sung, Lê Sát thì dốt đặc, không phân biệt lục súc, Chưởng binh như Lê Điện, Lê Luyện thì mù tịt, chẳng hiểu rõ bốn mùa. Người giỏi như Trịnh Khả, Khắc Phục thì vội giết đi, người tài như Nguyễn Mộng Tuân thì ném vào hại họa. Oan uổng không kêu đâu được, công việc đều đổ nát dần. Văn giai như Đào Công Soạn, tuổi gần bát tuần; Tế thần như Lê Ê, không biết một chữ. Người trẻ không biết nghĩ, tự ý làm càn; người già chẳng chết đi, thành ra tai hại... Hiền tài là rường cột của triều đình, chẳng còn ai cả, Văn chương là khí vận của Nhà nước, hoang phế hết rồi. Kẻ xiểm nịnh được nghe theo, bọn đao bút được sử dụng...
Trước tình trạng suy thoái đó, việc Gia Vương 18 tuổi tước vị không có nghĩa là mọi thứ lập tức sẽ khác đi. Đấy là chưa kể đến một hiện trạng cũng phải nhìn nhận ngoài ý muốn là: từ đây còn đẻ ra một số đông các công thần ''kép" (những người có công phò Thái Tổ, bây giờ lại có công phò Thánh Tông nữa)... Quả là, Lê Thánh Tông đã có trong tay một đất nước rối ren và sa sút, ông sẽ phải tiến hành các công việc ''nội trị'' ra sao?
Phải nói rằng, nhà Vua trẻ này đã nhìn nhận ra ngay vấn đề then chốt của việc làm cho đất nước được ổn định không ngoài hai chữ: “Pháp” và “Lễ”. Ông đã áp dụng hai chữ này trong mọi việc và chúng tỏ ra đắc sách.
Trước hết, Lê Thánh Tông đặc biệt chú ý đến giới quan lại - tầng lớp trung gian giữa nhà Vua và dân chúng. Như đã nói ở trên, công thần là tầng lớp không thể bỏ qua, Lê Thánh Tông đã phải dùng cả ân và uy để chế ngự họ. Công thần có công, ông đã không tiếc của để phủ dụ. Vừa lên ngôi, ông xuống chiếu ban thưởng, tặng tước cho tất cả những người có công gây dựng đại nghiệp. Ruộng đất là phần thưởng cao nhất và ông đã ban cho 30 viên quan mà mức thấp nhất là 150 mẫu. Riêng Lê Lăng được ban tới 300 mẫu (nhưng cũng chỉ hai năm sau ông thẳng tay giết chết viên quan này vì có ý mưu phản). Ngoài ruộng đất, các công thần còn được mang quốc tính (họ Vua) như một đẳng cấp xã hội riêng. Con cháu họ mãi đến những năm 1484, 1492 (nghĩa là 65 năm sau khi bình Ngô) vẫn còn được Lê Thánh Tông có sắc dụ thu dụng, ưu đãi. Nhưng ông cũng tỏ ra kiên quyết với những công thần cậy công làm càn hoặc dung túng làm bậy. Việc giết Thái úy Lê Lăng là một ví dụ. Đô đốc Tây quân Lê Thiệt cũng hai lần bị phạt. Một lần, Thiệt bị “thu lại quyền coi quân” vì để con ''phóng ngựa giữa phố, dung túng gia nô đánh người”. Lần khác, Thiệt bị ''bãi chức" vì để cho quan sĩ dọa nạt cướp bạc của người Châu Thoát.
Ngoài các công thần, Lê Thánh Tông chủ yếu vẫn phải sử dụng lại các quan cũ của tiền triều, cả những người mà ông biết chắc rằng họ đã từng “nhị tâm”. Nhưng cách làm việc thẳng thắn và sự trân trọng tài năng của ông đã thu phục được họ. Tháng Chạp 1463. Lê Thánh Tông đã thề cùng sáu vị Thượng thư: ''Nghe Tư Mã Quang nói rằng: người quân tử là cội gốc tiến lên trị bình, kẻ tiểu nhân là thềm bậc để đi đến họa hoạn. Ta và các ngươi thề với trời đất dùng người quân tử, bỏ kẻ tiểu nhân, ngày đêm chăm chắm nhớ lấy, các người chớ lãng quên”. Nhưng là người thông minh, ông cũng hiểu rằng ''lời thề'' dù trang trọng đến đâu dần dần rồi cũng sẽ mất thiêng. Vẫn phải có đảm bảo bằng thiết chế và luật pháp thì việc thu phục nhân tâm mới được đầy đủ. Trong triều, ông cho đặt 5 Phủ, 6 Bộ và đổi 6 Viện làm 6 Tự (1466). Năm năm sau (1471), ông cho ban hành Hoàng triều quan chế trong đó có quy định rõ: ''Ở trong quân vệ đông đúc thì 5 Phủ chia nhau để giữ việc công bề bộn thì 6 Bộ chia nhau mà làm. Ba Ty cấm binh thủ ngự là để làm nanh vuốt lòng dạ. Sáu khoa để xét bác trăm ty, sáu tự để thừa hành mọi việc”.
Ở ngoài, Lê Thánh Tông đặt toàn quốc thành 13 đạo thừa tuyên, đổi Lộ làm Phủ, Đổi Trấn làm Châu. Ông còn sai các thừa tuyên xét các ''Sông núi hiểm dị cùng sự tích xưa này'' để làm bản đồ địa lý. Các năm 1469, 1471 liên tiếp định lại bản đồ Phủ, Huyện, Châu. Cùng năm 1471, ông còn sai người vẽ bản đồ nước Chiêm và đến tháng Sáu cho đặt đất mới làm thừa tuyên Quảng Nam và vệ Thăng Hoa. Việc này sẽ dẫn đến định lại bản đồ toàn quốc vào tháng Tư 1490. Vẫn Hoàng triều quan chế viết: “ở ngoài thì 13 thừa tuyên cùng Tổng binh coi giữ địa phương. Đô ty thủ ngự thì chống giữ các nơi xung yếu, các Phủ, Châu, Huyện thì để gần dân”. Lê Thánh Tông đã xây dựng được một thiết chế hành chính trong ngoài quan hệ, liên lạc ràng buộc lẫn nhau khá chặt chẽ. Lê Thánh Tông còn liên tiếp sửa định các quy chế, nghi thức cho hệ thống quan lại của mình, như định triều nghi hộ vệ (tháng Mười 1472); sắc chỉ cho các quan tan chầu phải về ngay công sở (tháng Chín 1472); định quan chế, bổng lộc (1473, 1477); chọn thải bớt quan và bổng lộc (tháng Sáu 1481); nhắc rõ lệnh và danh hiệu xưng hô (tháng Tư 1487); định ban chầu các quan văn võ (1493)... Thêm nữa, còn khá nhiều các quy định về quần, áo, mũ, bổ tử, hốt, giày... sao cho hàng ngũ quan lại có được một bộ dạng nghiêm túc về phẩm phục. Cách thức làm việc của các quan còn được luật hóa ở các điều 239, 240, ở Quốc triều hình luật. Ngoài ra, còn những sắc chỉ như:
- “Cấm các quan đổi đi chỗ khác, không được bẻ lấy các thứ đồ dùng ở nha công" (tháng Tư, 1466)
- “Các quan vào chầu không được nhổ nước trầu, ném bã trầu ở cửa hay sân đan trì (Tháng Mười Một, 1473).
Mới nghe có vẻ khôi hài nhưng lại rất cần thiết để làm giảm bớt đi cái lem nhem, luộm thuộm của quan lại Đại Việt.
Chỉ hai năm sau khi lên ngôi, Lê Thánh Tông đã định lệ thi Hương và năm 1463 mở kỳ thi Hội đầu tiên, lại đặt lệ cứ ba năm mở một khoa thi. Sách vở đã nói nhiều về việc Lê Thánh Tông rất chú trọng việc đào tạo nhân tài, nhưng thực chất cũng là việc ông muốn tự tay tuyển lựa và bổ dụng một hệ thống quan lại mới có học thức, có nghi pháp cho thể chế của mình. Quả thật, hiếm có đời Vua nào mở được nhiều kỳ thi và tuyển được nhiều Trạng nguyên, Tiến sỹ đỗ đạt như đời Lê Thánh Tông. Suốt những năm ở ngôi, ông đã mở 12 khoa thi và tuyển được cả thảy 514 Tiến sỹ. Trong đó, có những tên tuổi làm rạng rỡ cho lịch sử văn hóa dân tộc, như Lương Thế Vinh, Thân Nhân Trung, Đàm Văn Lễ, Hoàng Đức Lương, Đặng Minh Khiêm, Đàm Thận Huy... Tuy vậy, không thấy một khoa thi tam giáo nào.
Ngoài việc thi Hội thường kỳ, Lê Thánh Tống còn đặt lệ khảo khóa các quan 3 năm. 6 năm, 9 năm một lần. Vào hai năm 1466, 1467 còn có các kỳ: khảo thí chức Huấn đạo, Hoành từ; Thi quan các nha môn; Khảo thí và thải các thị giảng cho Đông cung. Thế nghĩa là, không phải đã được làm quan là cứ làm mãi mãi.
Để cho bộ máy quan lại bớt nhũng lạm, Lê Thánh Tông liên tiếp ra sắc chỉ: khi thì cấm những viên quan lợi dụng việc xây dựng để đục khoét, xoay tiền (tháng Mười Một, 1475); khi thì răn dự họ không được lười biếng, bỉ ổi (tháng Ba, 1479), không được nhóm họp để say đắm tửu sắc (tháng Năm, 1489), không được đua nhau kiếm lợi (tháng Sáu, 1481)... Sử chép, ông đã phạt đích danh Viên ngoại lang Hoàng Văn Biền (hạ ngục và nộp 50 quan), Hữu thị Lang Bộ Công Trịnh Công Đán (30 quan) vì tội ''bỏ phơi mưa nắng những gỗ lạt của công”. Ông cũng cho Thượng thư Binh Bộ Nguyễn Vĩnh Tích ''ở dưng'' vì ông quan kễnh này “ăn bạc đút lót”…
Có thể nói, Lê Thánh Tông đã làm hết sức mình để tạo dựng một hàng ngũ quan lại mạnh, nhưng nhân tài thời ông hình như còn thiếu những chiều người tài trí kiệt xuất như nhân tài thời Lý - Trần.
Xây dựng một thiết chế hành chính chặt chẽ để củng cố Vương triều, ngôi báu nhưng cũng như nhiều vị Vua chuyên chế khác, Lê Thánh Tông đề ra mục đích theo đuổi cuối cùng vẫn là cái thiên hạ rộng lớn mà ông hằng “những sơ âu” (tức muôn dân). Tuy nhiên, cũng không hiểu muôn dân thời đó có được hưởng chút gì ơn mưa móc? Bởi ở một xã hội sống bằng nông nghiệp thì người dân chủ yếu thờ Trời là chính, rồi quan lại quý hồ chỉ bớt nhũng lạm là tốt rồi.
Câu thơ Thân Nhân Trung nói Lê Thánh Tông: “Rộng vỗ yên đối triệu tính”, chủ yếu ở hai việc: cởi bỏ oan khiên và khắc phục thiên tai. Cởi bỏ mối oan ức cho dân một mặt Lê Thánh Tông chủ trương làm trong sạch giới quan lại như đã nói, đồng thời ông cũng coi trọng việc kiện tụng, hình ngục. Tháng Mười 1460, ông ra chỉ dụ: “Từ nay về sau, xét việc kiện tụng, mỗi tháng 3 lần trình lên nhà Vua để quyết định, lấy thế làm chế độ mãi mãi”.
Tháng Mười 1491, ông sai làm Đình Quảng Văn ngoài cửa Đại Hưng tại Kinh thành để “treo các pháp lệnh trị dân”. Ông thể chế hóa các mục: điền sản, hộ hôn, tang ma... vào Quốc triều hình luật. Trị dân theo luật là nét tiêu biểu dưới triều Lê Thánh Tông.
Trong đám dân đen, Lê Thánh Tông cũng đặc biệt lưu ý tới giới phụ nữ và ông cũng có những ưu tiên cho những người “cùng khổ trong đám cùng khổ này”. Tháng Giêng 1473, ông có sắc chỉ: “Vợ không phạm tội thì không được bỏ”, và hình luật thời ông còn khoan nới hoãn xử với “đàn bà đang mang thai mà bị tử hình”.
Rõ ràng, Lê Thánh Tông có một tư tưởng nhân văn và một ý thức thân dân rõ rệt. Không chỉ làm cho dân bớt oan khiên, ông còn chú trọng đến việc mở đường sinh thai cho họ, đặc biệt khuyến khích nông tang. Năm 1461, ông ra sắc lệnh: ''Chỉ huy cho các quan Phủ; Huyện Lộ, Trấn, Xã rằng: Từ nay về sau, về việc làm ruộng thì nên khuyên bảo quân dân đều chăm nghề nghiệp sinh nhai, để đủ ăn mặc... Người nào có ruộng đất mà không chăm cây trồng thì quan tư cai quản bắt trình trị tội”...
Để khắc phục lụt lội, hạn hán sâu bệnh triền miên phá hoại mùa màng, Lê Thánh Tông chú trọng ba việc:
1. Sửa mình, cầu đảo.
2. Đại xá thiên hạ.
3. Lập ty khuyến nông và Hà đê.
Thời ấy, thiết tưởng cũng chẳng có cách nào hơn! Thiết lập được một hệ thống Vua - quan - dân với các hình thức phủ dụ, cai trị được luật hóa cặn kẽ, Lê Thánh Tông còn phải coi trọng việc xây dựng quân đội để tăng cường sức mạnh của Nhà nước và mở rộng bảo vệ bờ cõi. Chỉ sau khi lên ngôi một tháng (tháng Bảy 1460), Lê Thánh Tông ra sắc chỉ: ''Phàm có Nhà nước tất có vũ bị. Nay phải theo đúng trận đồ phải sửa sang đội ngũ cho nghiêm chỉnh, dạy cho biết phép đi, đứng, đâm, đánh, biết rõ tiếng chiêng, tiếng trống, hiệu lệnh khiến cho quân lính tập quen cung tên, không quên võ bị”
Năm 1466, ông cho diễn tập thủy trận ở Giao Thủy và tháng Giêng năm sau, khi từ Lam Kinh trở về đến hành Điện An Lạc cho ban “phép tập trận đồ”.
Riêng năm 1467, Lê Thánh Tông cho tập trận đến bốn lần với nhiều thế trận khác nhau mà đỉnh cao là cuộc tập trận lớn ở Lục Đầu Giang năm 1469, 10 năm sau (1479) là cuộc duyệt võ nghệ do đích thân nhà Vua tổ chức kéo dài tới 16 ngày.
Để cho quân đội vào quy củ, năm 1486 ông cho ban điều lệ Hồng Đức quân vụ 27 điều và đến tháng Chạp 1492, ông còn cho làm các kho chứa vũ khí và thuốc súng.
Trong tình thế lúc đó, dưới thời trị vì của mình, Lê Thánh Tông rất chăm lo đến việc chỉnh đốn quân ngũ hùng mạnh để tạo thế bang giao, phía Bắc nhằm khống chế sự lăm le nhòm ngó của nhà Minh, phía Nam thì răn đe các cuộc cướp phá của Chiêm Thành. Lịch sử đã ghi nhận nhiều cuộc đánh Chiêm Thành toàn thắng của Vương triều Lê Thánh Tông và cũng đã ghi nhận một thái độ cứng cỏi của triều đình ông đối với nước lớn phương Bắc. Và có thể nói, tuy chỉ đóng khung trong khu vực Đông và Nam Á nhưng nước Đại Việt nửa cuối thế kỷ XV là một nước có uy tín được láng giếng, lân bang nể trọng.
Lê Thánh Tông mở mang quan hệ bang giao khá rộng. Tháng 10 năm 1467, sứ thần Trảo Oa đến cùng năm thuyền buôn của Tômôn đáp lễ tiến cống phẩm vật nhưng Đại Việt cũng kiên quyết bắt Đại Minh trà trộn trong các thuyền buôn này trả lại cho bản quốc. Đến năm 1571, thổ quan Trấn Ninh sang chầu. Năm 1485, Lê Thánh Tông cho định hẳn “luật triều cống” của các phiên bang. Biên giới Đại Việt lúc đó tuy mới chỉ mở đến Thăng Hoa nhưng việc giải quyết tranh chấp với các nước lân bang cũng đã rất phức tạp. Lê Thánh Tông chủ yếu đối phó với mấy khu vực sau:
1. Các sơn man (ở các vùng hẻo lánh)
2. Bồn Man (tộc ít người)
3. Ai Lao (ở ngang hông)
4. Chiêm (phía Nam)
5. Trung Hoa (phía Bắc)
Trừ chính sách đối với Trung Hoa, còn với các khu vực khác, Lê Thánh Tông chủ yếu dùng biện pháp quân sự.
Cuối những năm 60, tình hình biên giới có phần căng thẳng, Lê Thánh Tông cho hội quân ở Lục Đầu Giang để diễu võ giương oai. Cũng dịp này ông tuyên bố đanh thép:
“Thiên Nam vạn cổ hà sơn tại!”
(Trời Nam ngàn năm núi sông vẫn còn).
Và đến năm 1473, trong lời dụ Lê Cảnh Huy, ông còn tỏ ra kiên quyết hơn nữa: “Nếu người dám lấy một thước, một tấc của Thái Tổ mà đút mồi cho giặc thì tội phải tru di”.
Với Lê Thánh Tông bang giao rõ ràng là để giữ cho bờ cõi cương vực được nguyên vẹn và ông cũng tỏ ra không hề nhân nhượng với bất kỳ kẻ nào muốn nhòm ngó giang sơn Đại Việt.
Lê Thánh Tông làm Vua trong thời bình, ông không có được sự nổi tiếng của những vị Vua sáng nghiệp hay có công đuổi ngoại xâm. Nhưng làm vua trong thời bình đâu phải dễ khi không có bất cứ một tiếng tăm gì để bấu víu thì phải có năng lực thật sự. Lê Thánh Tông là một ông vua có năng lực, điều đó thể hiện qua các việc nội trị và bang giao của ông. Ông còn là một nhà thơ, nhà văn, nhà nghệ sĩ lớn của thế kỷ XV mà trong lịch sử văn học nước nhà chắc chắn văn học của ông phải là cái gạch nối không thể thiếu giữa hai nhà tư tưởng, nhà nghệ sĩ khác là Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm. Theo các tài liệu hiện nay ta còn biết được, Lê Thánh Tông là tác giả của chín tập thơ chữ Hán.
1. Anh hoa hiếu trị
2. Châu cơ thắng thưởng
3. Chinh Tây kỷ hành
4. Minh lương cẩm tú
5. Văn minh cổ xúy
6. Quỳnh uyển cửu ca
7. Cổ tâm bách vịnh
8. Cổ kim cung từ thi tập
9. Xuân vân thi tập
Còn phải kể thêm Lam sơn Lương thủy phú; Thập giới cô hồn quốc ngữ văn; Thiên Nam dư hạ tập; một số truyện trong Thánh Tông di thảo và hàng trăm bài thơ Nôm khác. Đặc biệt, Lê Thánh Tông là người đi rất nhiều và đi đến đâu cũng đề thơ. Vừa là một vị hoàng đế, ông vừa có phong cách của một nghệ sĩ giang hồ, thưởng ngoạn thú non sông.
Thời Lê Thánh Tông cũng là thời kỳ duy nhất trong lịch sử có một Tao đàn mang tính Nhà nước, Cung đình. Ông tập trung xung quanh mình 28 ngôi sao văn học và tự mình đứng ra làm “Nguyên súy cho Tao đàn”. Tao đàn rồi sẽ tạo ra khuôn phép có phần cứng nhắc sáo mòn nhưng Tao đàn cũng thể hiện một thực tế thơ đã phát triển cao, đã từng có một thời hưng thịnh.
Nội dung thơ văn Lê Thánh Tông là hết sức phong phú mà hiện nay chưa có một công trình nào khảo sát hết được. Một tình cảm gắn bó thiết tha với sơn hà, xã tắc, một mối lo dân, lo nước khôn nguôi; một tâm hồn dễ xúc động trước cảnh vật, trước con người... là những nét lớn của thơ văn Lê Thánh Tông.
Lê Thánh Tông còn rất chú trọng đến nghệ thuật thơ. Ông đã từng tự ví mình với Đỗ Tử Mỹ, và từng phát biểu chính kiến của mình về nghệ thuật làm thơ: "Thơ phải hàm súc, ngôn ngữ phải tinh xảo, trau chuốt nhưng làm sao phải giữ được hơi thở hồn nhiên như nó vốn chưa từng dụng công bao giờ”.
***
Ba mươi tám năm làm Vua. Lê Thánh Tông quả thật đã xây dựng được một Nhà nước ''pháp quyền'' vững mạnh. Với ông, tưởng rằng Vương triều Lê sẽ trường tồn vì mọi thứ xem ra khá ổn định. Thế nhưng chỉ 30 năm sau khi ông mất (1527), nhà Lê sụp đổ và những gì Lê Thánh Tông thiết lập xây dựng đều tiêu tan. Dù vậy, sự nghiệp còn lại của Lê Thánh Tông chính là những công tích to lớn mà ông đã đóng góp cho nền văn hóa nước nhà. Kể từ việc minh oan và kiếm tìm các di cảo của Nguyễn Trãi đến việc để lại một bộ luật thành văn đồ sộ, một bộ bản đồ có quy mô toàn quốc... cho đến việc đào tạo, thu dụng nhân tài đã làm xuất hiện hàng loạt các tác giả tên tuổi, trong đó có bản thân ông. Và, các tác phẩm văn, thơ của ông đã khiến Lê Thánh Tông trở thành một trong những nhà văn hóa lớn của Việt Nam.
TS. LẠI VĂN HÙNG