TỪ BI HỒNG (1895-1953)
Bước vào thế kỷ XX, trên họa đàn hiện đại Trung Hoa đã xuất hiện không ít ngôi sao sáng chói, mà sau Tề Bạch Thạch phải nói đến Từ Bi Hồng.
Từ Bi Hồng có biệt tài vẽ ngựa cũng như Tề Bạch Thạch giỏi vẽ tôm hay Ngô Tác Nhân vẽ gấu mèo... Song, thành tựu nghệ thuật của Từ Bi Hồng đâu chỉ có vẽ ngựa mà ông còn thăng hoa rực rỡ trong nhiều lĩnh vực khác nữa, nhất là sự dung hợp tài tình của ông giữa nghệ thuật Tây và Đông, đã mang lại hơi thở mới cho hội họa hiện đại Trung Hoa. Chính vì vậy, mà ông được tôn vinh là một nhà cách mạng nghệ thuật kiệt xuất.
Trong sự nghiệp đào tạo mỹ thuật, Từ Bi Hồng còn là một nhà giáo dục xuất sắc. Đồng thời, ông cũng là một nhà yêu nước và hoạt động xã hội đầy nhiệt huyết.
Từ Bi Hồng tên cúng cơm là Thọ Khang. Ông sinh ngày 19 tháng 7 năm 1895, tại Thôn Kỷ Đình Kiều, Huyện Nghi Hưng, Tỉnh Giang Tô. Đây là một vùng sông nước có cảnh vật tốt tươi. Ấy vậy mà gia cảnh Từ Bi Hồng lại rơi vào cơ cực. Đời cụ tổ đến ông nội đều là nông phu lam lũ. Bố Từ Bi Hồng là Từ Đạt Chương, một họa gia dân gian nổi tiếng trong vùng. Ông vừa sinh sống bằng nghề vẽ tranh, khắc dấu, viết câu đối... vừa phải làm canh nông. Công danh của ông mỏng manh, nên chẳng dựa được quan trên, hay nhờ cậy chức quyền... Do cuộc sống quá bức bách mà ông lâm bệnh qua đời lúc mới ngoại tứ tuần. Và thế là mẹ Từ Bi Hồng, một thôn nữ hiền từ góa bụa cần cù lao động, một nách đơn côi nuôi sáu con! Bố mất, cảnh nhà càng thêm khốn đốn; Từ Bi Hồng làm trưởng nam phải cùng mẹ gánh vác gia đình, chăm đàn em dại. Do đó, sự nghiệp tiến thân lập nghiệp của Từ Bi Hồng chẳng phải thanh nhàn mà đầy gian truân khổ hạnh. Song, ông có chút may mắn là khi lên sáu tuổi đã được người bố sớm cho học hành và truyền nghề trực tiếp những gì mà ông am hiểu. Từ tranh sơn thủy, hoa điểu, tĩnh vật, chân dung, thư pháp cho tới họa luận cổ truyền. Nhờ đó mà Từ Bi Hồng vốn đã thông minh, ham mê học hành, càng nhanh chóng trưởng thành. Khi mới học vẽ, cứ mỗi buổi cơm trưa xong là Từ Bi Hồng lại cặm cụi chép tranh, ngày nào cũng vậy. Lên 11 tuổi, Từ Bi Hồng đã nắm được những họa pháp cơ bản, bắt đầu vẽ được chân dung người nhà hoặc cảnh vật quanh làng và giúp đỡ bố trong việc vẽ tranh để sinh sống. Từ năm 13 đến 15 tuổi, quê hương thường lụt lội, mùa màng mất trắng, Từ Bi Hồng phải theo bố đi xa để mưu sinh. Ngoài việc vẽ tranh bán, khắc dấu, viết câu đối thuê, ông còn phải vẽ tranh Thần Thánh thờ cúng ở các miếu, đền.
Trong những dịp theo bố đi xa, Từ Bi Hồng được xem tài liệu tác phẩm mỹ thuật phương Tây; ở gia đình nhà trí thức Tào Thiết Sinh, ông thấy có những điều khác lạ, nên vào năm 1912, ông tìm cách đến Thượng Hải để vừa làm, vừa học hội họa truyền thống Châu Âu mong tìm cái mới bổ sung cho quốc họa truyền thống mà ông từng được học hành. Nhưng rồi, việc không thành, ông trở lại quê nhà dạy vẽ ở trường trung học Bành Thành. Tại đây, ông được Từ Tử Ninh, giáo viên cùng trường tặng một số ấn phẩm tranh của Pháp, Từ Bi Hồng mong có dịp sang Pháp để du học.
Với chí tiến thủ và nuôi hoài bão lớn, năm 1916, Từ Bi Hồng lại đến Thượng Hải vẽ tranh bán và tìm cách thi vào trường Đại học Chấn Đạn Thượng Hải. Lúc này, ông cũng ra sức học tiếng Pháp. Đến năm 1919, ông mới có điều kiện đi du học tại trường Quốc lập cao đẳng mỹ thuật Paris.
Từ năm 1919 đến năm 1927 là thời gian Từ Bi Hồng đi về tiếp cận, học hỏi, nghiên cứu, hấp thụ tinh hoa nghệ thuật của nhân loại. Ông chẳng những lưu học tại Pháp, mà còn đến khảo sát, nghiên cứu nghệ thuật ở các nước phương Tây như Đức, Italia, Bỉ, Thụy Sỹ, v.v… và rồi đến các nước phương Đông như Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia, Singapore v.v... Song trong sưu tầm, bồi bổ vốn nghệ thuật, Từ Bi Hồng không chỉ theo bài bản bề rộng, mà còn chú trọng đến chiều sâu, mà trước tiên là bồi bổ vốn nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Trước khi xuất ngoại du học và nghiên cứu nghệ thuật các nước, Từ Bi Hồng từng là đạo sư ở Hội nghiên cứu họa pháp dân tộc của trường Đại học Bắc Kinh. Nhờ đó mà vốn tri thức nghệ thuật của ông phong phú, tinh sâu; tài năng nghệ thuật của ông đồi dào, đặc sắc. Có thể nói thành tựu kiệt xuất của Từ Bi Hồng là sự tổng hòa Đông - Tây, là sự dung hợp tài tình kỹ pháp tạo hình của hội họa cổ điển Châu Âu với họa pháp ước lệ truyền thống của Quốc họa để tạo nên bộ mặt mới trong nền hội họa Trung Quốc đương thời. Nghĩa là đưa yếu tố tả thực và kỹ pháp hình họa vào Quốc họa cổ truyền và dân tộc hóa nghệ thuật sơn dầu ngoại nhập từ Trung Hoa. Có thể liệt Từ Bi Hồng vào hàng họa gia Thế giới về trình độ kỹ pháp hình họa lúc bấy giờ.
Di sản nghệ thuật của Từ Bi Hồng để tại cho đời thật đồ sộ và đặc sắc. Đó là những tác phẩm thủy mặc, bạch miêu, thư pháp... tranh sơn dầu, hình họa, tốc họa... với đề tài phong cảnh, hoa điểu, tùng bách, trúc mai hay chim ưng, gà, ngỗng, sư tử, hổ, gấu, ngựa, trâu... hoặc nhân vật thần thoại, nhân vật lịch sử truyện dân gian, lãnh tụ, anh hùng, chiến sĩ, công nhân, nông dân v.v...
Tranh Cửu Phương Cao (1931) mô tả truyện lịch sử về chọn ngựa không vì ngoại mạo mà chú trụng thần khí, hay tranh Ngu Công dời núi (1940) ca ngợi tinh thần quả cảm vượt khó theo lối Quốc họa cách tân, hoặc tranh Điền Hoành ngũ bách sỹ (1930) nói lên khí phách bất khuất của Vương tộc Điền Hoành đời Tần và 500 binh sĩ không đầu hàng Hán Cao Tổ, với chất liệu sơn dầu dân tộc hóa v.v... là những kiệt tác tiêu biểu với khuôn khổ lớn của Từ Bi Hồng. Song, biệt tài vẽ ngựa của ông, nhất là sự lột tả thần khí dũng mãnh của những con ngựa ở những tranh bầy ngựa tung vó, hay ngựa đang phi... đã khiến mọi người thán phục, mặc dù trước đó từng có những họa gia vẽ ngựa lừng danh như Hàn Cán đời Đường hay Lý Công Lân đời Tống.
Trong quá trình phát triển tài năng và trưởng thành nghệ thuật, Từ Bi Hồng luôn gắn bó với sự nghiệp đào tạo mỹ thuật, nên ông thực xứng danh một nhà giáo dục xuất sắc ở Trung Hoa. Vừa bước vào tuổi thành niên, ông đã sớm dấn thân vào sự nghiệp giáo chức. Từ năm 1927-1929, ông từng làm Giáo sư hệ nghệ thuật trường Đại học Trung ương, rồi Chủ nhiệm hệ mỹ thuật Học viện Nghệ thuật Nam Quốc, đến Viện trưởng Học viện Nghệ thuật Bắc Kinh. Cùng với Điền Hán, Âu Dương thành lập phong trào nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa tại Thượng Hải. Năm 1946, làm Hiệu trưởng trường chuyên khoa nghệ thuật Bắc Kinh. Sau giải phóng (năm 1949) làm Viện trưởng Học viện Mỹ thuật Trung ương Bắc Kinh cho đến ngày tạ thế.
Trong đào tạo nghệ thuật, Ông chủ trương: hiểu sâu biết rộng để đạt tới trình độ tinh thâm, về rèn luyện kỹ pháp cơ bản phải phục tùng tạo ý, đồng thời trọng thị quan sát tả thực để thụ cảm thực tế cuộc sống. Ông còn phản đối lối đóng cửa học theo trường quy và kịch liệt bài trừ bảo thủ, hình thức chủ nghĩa, nghệ thuật vị nghệ thuật, đề xướng nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa, nghệ thuật vị nhân sinh trong giáo dục và sáng tạo nghệ thuật. Từ Bi Hồng từng kết thân, viết bài ca ngợi thành tựu biến pháp nghệ thuật của lão họa gia Tề Bạch Thạch và mời Bạch Thạch làm Giáo sư tại Học viện do Từ Bi Hồng làm Viện trưởng.
Kinh qua thực tiễn trong nhiều trọng trách lãnh đạo và đào tạo nghệ thuật, Từ Bi Hồng từng viết nhiều luận văn trên các báo chí về ý niệm, kiến giải, hoặc kinh nghiệm giảng dạy nghệ thuật có giá trị; về kỹ pháp hình họa, về truyền thống thủy mặc và ảnh hưởng nghệ thuật Tây phương hay nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa... mà tiêu biểu là tài liệu về Phương pháp cách tân Quốc họa hoặc về Phục hưng nghệ thuật Trung Hoa. Ông còn xây dựng hoàn chỉnh hệ thống tổ chức và giáo trình nghệ thuật đương thời.
Từ Bi Hồng còn là một nhà yêu nước và hoạt động xã hội đắc lực. Qua những tháng năm theo bố đi đó đây kiếm sống, ông được tiếp cận cảnh quan đất nước và cũng mục kích bao thảm kịch của dân lành trong xã hội cũ bất công, mà ông sớm có lòng yêu nước thương dân. Ông lại được gần gũi những nhà tư tưởng tiến bộ như Khang Hữu Vi, Sái Nguyên Bỗi và được họ dẫn dắt. Bất chấp sự uy hiếp của chính quyền Quốc dân Đảng, ông phát ngôn ủng hộ thành lập Chính phủ Liên hiệp dân tộc dân chủ có Đảng cộng sản; kiến nghị thủ tiêu những tổ chức đặc vụ quấy nhiễu, ủng hộ sự tiến bộ của thời cuộc, biểu dương nghệ thuật cách mạng của các họa sĩ vùng giải phóng, gửi tiền bán tranh để đóng góp quỹ cứu nạn quốc dân. Ông còn cùng Điền Hán, Âu Dương vận động phong trào nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa và thành lập Hiệp hội Mỹ thuật tiến bộ ở Bắc Kinh. Trước ngày giải phóng Bắc Kinh, ông cự tuyệt Quốc dân Đảng đưa máy bay đón đi Nam Kinh và tập hợp thầy trò tiến bộ bảo vệ Học viện Mỹ thuật Trung ương, đón chờ ngày cách mạng giải phóng.
Sau ngày nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập, Từ Bi Hồng được bổ nhiệm làm Viện trưởng Học viện Mỹ thuật Trung ương, được bầu làm chủ tịch Hiệp hội Mỹ thuật gia Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội và Đại biểu văn nghệ sĩ nước Trung Quốc đi dự Đại hội Hòa bình thế giới lần thứ nhất.
Dưới chế độ mới, Từ Bi Hồng như cờ gặp gió, càng phấn chấn đào tạo lớp nghệ sĩ trẻ và mê say sáng tác đêm ngày. Những tác phẩm Sư tử vươn mình, Ngựa phi hay Gà cất tiếng gáy, v.v… đã bộc lộ rõ tâm hồn bay bổng của ông. Nhưng thật tiếc thay! Không đầy bốn năm sau giải phóng, Từ Bi Hồng đang độ thăng hoa, giữa những ngày hăm hở hướng dẫn nghiên cứu sinh và đang say mê với bao sáng tác mới, ông đã qua đời vì bệnh xuất huyết não tái phát hiểm nghèo vào sáng sớm tinh mơ ngày 26 tháng 9 năm 1953. Ông được mai táng tại Công mộ liệt sĩ Cách mạng ở Bát Bảo Sơn Tây Giao Bắc Kinh.
Tháng 11 năm 1953, Hiệp hội Mỹ thuật gia Trung Quốc long trọng tổ chức trưng bày di tác của ông và thành lập Kỷ niệm quán Từ Bi Hồng tại cố cư của ông ở Bắc Kinh.
Nếu Tề Bạch Thạch là một vì sao lấp lánh của thành tựu đột phá và mở đường cho Quốc họa thuần túy thì Từ Bi Hồng là một điểm sáng rực rỡ của tài hoa giao thoa nghệ thuật Đông - Tây, mang lại sự chấn hưng nghệ thuật đương thời ở Trung Hoa. Từ Bi Hồng xứng danh với sự tôn vinh: Một nhà cách mạng nghệ thuật kiệt xuất!
NNC Mỹ thuật THÁI HANH