Tài liệu: Trần Khâm (Trần Nhân Tông) (1258 - 1308)

Tài liệu
Trần Khâm (Trần Nhân Tông) (1258 - 1308)

Nội dung

TRẦN KHÂM (TRẦN NHÂN TÔNG)

(1258 - 1308)

 

Trần Khâm lúc còn trẻ còn có nhiều tên: Phật Kim, Nhật Tông, Nhân Tông là Thụy hiệu. Ông là con đầu của Vua Trần Thánh Tông, cháu nội Trần Thái Tông, nguyên quán ở Hương Tức Mặc, Phủ Thiên Trường (nay thuộc Huyện Mỹ Lộc, Tỉnh Nam Định), sinh ngày 11 tháng 11 năm Giáp Ngọ (7 tháng 11 năm 1258). Ông lên nối ngôi năm 1278 giữa lúc đất nước đang lâm vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Nhà Nguyên tăng cường sức ép xuống phương Nam nhằm thực hiện ý đồ xâm lược. Đương đầu với giặc dữ, Trần Nhân Tông với sự hướng dẫn của Vua cha Trần Thánh Tông đã định ra đường lối chiến lược và sách lược rất thích hợp. Trong suốt một thời gian dài, ông thực hiện đối sách ngoại giao mềm dẻo, nhún nhường nhưng không hề nhân nhượng; trong khi đó vẫn ra sức chuẩn bị lực lượng, củng cố khối đoàn kết toàn dân chuẩn bị đánh trả quân thù. Dưới triều đại ông có hai sự kiện rất nổi tiếng được sử sách ca ngợi: Hội nghị bô lão ở thềm Điện Diên Hồng thể hiện ý chí của toàn dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập của nước thà. Nhờ thế, đất nước đã vượt qua được một thử thách lớn lao và làm nên một kỳ tích sáng chói: trong vòng chưa đầy 5 năm đã đánh tan ba cuộc tấn công ồ ạt của đội quân xâm lược nhà Nguyên thiện chiến, tinh nhuệ gồm đến 50 vạn quân (năm 1285; 1287 - 1288). Và như chúng ta đã biết, quân Nguyên vào những năm hưng thịnh nhất đã chiếm gần hết châu Âu, nơi mà vó ngựa của chúng đi qua chỉ để lại đống gạch vụn tro tàn và nỗi kinh hoàng cho người dân châu Âu.

Trần Nhân Tông là vị Vua hiền của nhà Trần (Đại Việt sử ký toàn thư), là người nhân từ, hoà nhã, tài trí, đảm lược, uý vọng, quyết đoán... (Toàn Việt thi lục). Trong quan hệ tông thất, ông giữ được tình thân ái, hòa đồng, yêu thương thực bụng; trong việc trị nước, ông thực hiện kế sách thân dân, cởi mở và biết dùng người. Dưới triều đại ông, hàng ngũ quan lại bắt đầu có bộ phận được tuyển dụng bằng con đường thi cử hay đề bạt, không chỉ bó hẹp trong việc thế tập dành cho tông thất. Ông khuyến khích việc chuộc lại nô tỳ và ruộng đất, chú ý đến chính sách thuế khóa giúp cho việc phục hồi kinh tế sau chiến tranh được nhanh chóng. Đặc biệt chế độ điền trang, thái ấp có tác dụng thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Về văn hóa, ông chú ý cải tiến chế độ thi cử, sai làm sách Trung hưng thực lục, sai tạc tượng các công thần, chú ý đến tài năng trong hàng Nho sĩ. Dưới thời ông, các sinh hoạt văn hóa khá phong phú, chữ Nôm được bắt đầu dùng nhiều trong sáng tác văn học, thơ ca. Bản thân Nhân Tông cũng là một nhà thơ. Ông sáng tác thơ chữ Hán, làm phúc ca, bằng chữ Nôm và viết nhiều tác phẩm văn xuôi. Thơ Trần Nhân Tông trang nhã, giản dị nhưng lại thâm trầm, tinh tế, thể hiện một tâm hồn phong phú, dễ rung động, giàu cảm xúc.

Cũng như Vua cha và ông nội, Trần Nhân Tông có xu hướng sùng Đạo Phật. Song nếu như Trần Thái Tông khổng thể xuất gia, chỉ lấy thân mình làm gương trước cho hậu thế thì Trần Nhân Tông, đối với nền Thiền học Việt Nam không những là một nhà lý luận, một nhà hành đạo mà còn là một lãnh tụ. Năm 1293, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho Thái tử Thuyên nhưng ông còn tham gia việc chính sự cho đến năm 1299 mới thực sự xuất gia. Trước khi lên núi Yên Tử trở thành một Đại đầu đà, ông còn đi chu du khắp đất nước vào đến tận Kinh đô Chiêm Thành đặt mối quan hệ bang giao hữu hảo cho hai Quốc gia. Trần Nhân Tông, lúc này có tên là Hương Vân Đại đầu đà, thường được gọi là Trúc Lâm Đại đầu đà và gọi tôn là Điêu Ngự Giác Hoàng, kế thừa thành tựu của các đời trước, hình thành một tông phái Phật giáo riêng của Việt Nam: Tông phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử và Trần Nhân Tông trở thành vị Tổ thứ nhất của thiền phái. Những năm tháng cuối đời, Nhân Tông hoàn toàn dành cho hoạt động của Đạo. Ngoài những mùa kết hạ ở các Am Tử Tiêu, Ngọa Vân... các Chùa Vĩnh Nghiêm, Siêu Loại; với tư cách người lãnh đạo Tông phái, ông vân du khắp nơi hành Đạo, thuyết pháp, chủ trì các buổi tham vấn lớn về Thiền; viết sách độ cho Phật tử, khuyên dân phá bỏ dâm từ và lưu tâm chọn người nối pháp. Dưới sự lãnh đạo của Trúc Lâm đại đầu đà nên Thiền phái Trúc Lâm ở vào giai đoạn thịnh vượng nhất. Năm 1304, Vua Anh Tông mời Trúc Lâm Điều Ngự về Kinh xin thụ tại gia bồ tát tâm giới. Lần ấy không chỉ một mình nhà Vua mà các quan và nhiều người khác cũng xin phát nguyện thụ tam quy ngũ giới. Cũng trong năm này khi đến Thôn Nam Sách, ông đã gặp một chàng trai trẻ có đạo nhãn chắc chắn sau này sẽ trở thành pháp khí, ông liền cho thụ giới Sadi rồi gửi đi tham học với một vị Hòa thượng chắc là Đạo cao đức trọng. Năm sau, ông lại phát hiện ra Huyền Quang. Đối với hai đệ tử này, Nhân Tông đã có chủ ý, muốn gửi gắm trách nhiệm nối tiếp ông chăm lo Tông phái Trúc Lâm, làm chỗ dựa về tâm linh cho người dân Đại Việt. Vì thế ông rất chú trọng đến việc đào tạo hai người. Ông giao cho Pháp Loa chủ trì các buổi giảng lớn, giao cho Huyền Quang biên soạn Kinh sách, luôn luôn cho hai người theo hầu, lại giao Huyền Quang làm đệ tử thân cận của Pháp Loa. Năm Mậu Thân (1308), ông chính thức giao Pháp Loa kế vị làm Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm. Cũng năm đó, ngày 3 tháng Mười Một (16 tháng Mười Một 1308) ông mất tại Am Ngọa Vân trên dãy núi Yên Tử.

Trần Nhân Tông có nhiều trước tác về Phật học: Thiền lâm thiết chủy ngũ lục, Trúc Lâm hậu lục, Thạch thất mị ngữ, Tăng già toái sự, Đại hương hải ấn thi tập, Thượng Sĩ hành trạng… Trong số này có những tác phẩm do học trò ghi lại, nhưng rất tiếc tất cả đều bị thất lạc, chỉ còn 25 bài thơ chữ Hán được giữ trong Việt âm thi tập; Toàn Việt thi lục, một số lời giảng kệ, thơ được ghi lại trong Thánh đăng ngữ lục, Tam tổ thực lục Đại Việt sử ký toàn thư và hai tác phẩm Nôm: Cư trần lạc đạo phú, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca được lưu giữ trong Thiền tông bản hạnh. Về tư tuởng Thiền, Nhân Tông chịu nhiều ảnh hưởng của Tuệ Trung Thượng Sĩ: tìm sự giác ngộ ngay trong tâm, đạt đến sự giải thoát ngay trong cõi đời hiện hữu. Điều đó góp phần làm lên tinh thần tích cực, lạc quan yêu cuộc sống, giàu nhân ái, nét đặc sắc của tư tưởng văn hóa đời Trần.

Nhân Tông là một vị Vua, một lãnh tụ phật giáo có bản lĩnh, có lòng yêu nước thân dân và tài năng. Ông có nhiều công lớn đối với sự nghiệp giữ nước và dựng nước của dân tộc.

PGS. - TS. BĂNG THANH




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1062-02-633390267653618750/Nhung-hoang-de-nguyen-thu-quoc-gia-chinh-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận