PIÔTR ĐẠI ĐẾ - NHÀ CẢI CÁCH KIỆT XUẤT
ĐẦU TIÊN CỦA NƯỚC NGA (1672 - 1725)
Thường gọi là Piôtr Đệ I hay Piôtr Đại đế. Sinh năm 1672 ở Moskva, mất năm 1725 ở Saint Petersbourg. Lên ngôi Hoàng đế nước Nga khi ở tuổi vị thành niên (1682). Sau lễ thành hôn (1689) mới được coi là đã trưởng thành và bắt đầu trị vì nước Nga.
![](/upload/s/20141023/5af3bf6a5e37bad8b260fb82cc9d8751image001.jpg)
Là con trai thứ hai của Nga hoàng Aleksei Mikhailovits và Hoàng hậu thứ phi Natalia Kirllovna Narưshkina. Vua cha qua đời khi Piôtr chưa đầy năm tuổi, Hoàng tử anh cả Phedor nối ngôi được sáu năm thì qua đời (1682). Một cuộc tranh giành ngôi kế vị diễn ra quyết liệt với kết cục phe Công chúa Sofie (Sô phi) thắng thế: Hoàng tử anh Ivan 16 tuổi cùng cha khác mẹ nhu nhược được tôn vinh làm Hoàng đế thứ nhất, Piôtr là em làm Hoàng đế thứ hai. Nhưng đến năm 1689; Piôtr loại trừ được Công chúa lộng hành Sofie và Ivan, giam quản thúc Sofie tại tu Viện Novodevischi. Mặc dù quyền binh đã thu toàn bộ về tay mình, song Piôtr vẫn dành ra vài năm tiếp tục luyện quân sự giải trí với các trung đoàn thanh thiếu niên cận vệ riêng của mình. Đó là hai trung đoàn cận vệ Preobragienski và Semenoyski.
Sinh thời, Piôtr là một người lực lưỡng, tầm vóc cao lớn và có chiều cao hơn 2 mét, đi đứng nhanh nhẹn, hoạt bát. Tương truyền, người đi bộ với ông phải rảo cẳng chạy thì mới theo kịp. Thể lực Piôtr rất tốt ông có thể dùng tay không uốn chiếc đĩa bằng bạc thành ống tròn, bẻ móng sắt bọc chân ngựa dễ dàng như không. Điều đặc biệt đối với một vị Hoàng đế là Piôtr có chai tay, ưa lao động chân tay mặc dù về mặt trí tuệ ông rất thông minh, đã từng là thợ đóng tàu, thủy thủ, thợ đóng giày, thợ sửa chữa máy, nhân viên mổ xẻ...
Năm 1696, khi Hoàng đế thứ nhất Ivan băng hà, Piôtr trở thành Hoàng đế duy nhất nước Nga. Xây dựng một nước Nga hùng mạnh trong tương lai là điều trước tiên mà Piôtr Đệ I trăn trở. Một năm trước đó năm 1695, quân Nga chưa có hải quân nên giành đường đi ra Biển Đen với Thổ Nhĩ Kỳ không thành công. Piôtr I liền gấp rút xây dựng hải quân ở gần Voronegiơ, chỉ một năm sau nước Nga đã có một hạm đội hải quân khá mạnh (hơn 1300 tàu loại nhẹ, 300 thuyền biển và một tàu chiến trang bị 36 khẩu đại bác) tấn công quân Thổ Nhĩ Kỳ và chiếm được đường đi ra Biển Azov.
Bài học tự mình xây dựng lực lượng quốc phòng bảo vệ đất nước khiến Piôtr I thấy đã đến lúc phải mở cửa bang giao với bên ngoài. Năm 1697, Piôtr I mở đại sứ quán ở các nước Tây Âu, phái nhiều nhà quý tộc trẻ ra nước ngoài học hỏi để về xây dựng đất nước. Bản thân Piôtr cũng ghi tên mình là binh nhất Piôtr Mikhilov vào danh sách đi sang Tây Âu để đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Những điều hay điều tốt học được ở nước ngoài có ý nghĩa rất lớn đối với Piôtr I trong việc điều hành đất nước sau này. Một người Thụy Sĩ tên là Lefort đã khai tâm cho vị Hoàng đế nước Nga về kỹ thuật; một viên Đại tá người Phổ dạy nghề pháo binh cho Piôtr I; ở Amsterdam cùng với bạn bè; Piôtr đã ròng rã ngày đêm lao động trong hai tháng và đóng xong một tàu chiến; ở Anh quốc học thêm nghề hải quân. Về mặt trí tuệ, Piôtr I có khả năng xuất chúng, ông có kiến thức rất tốt về lịch sử, toán học, biết nghề pháo binh. Với dự định rõ ràng và có mục đích cụ thể Piôtr đến một số nước Tây Âu tìm hiểu cách tổ chức bộ máy Nhà nước, sắp xếp thì giờ tham dự các phiên họp Nghị viện (như ở Anh quốc chẳng hạn). Piôtr I là nhà cải cách kiệt xuất đầu tiên của Đế chế Nga, có công lao to lớn tạo nên sự hùng mạnh về quân sự và kinh tế cho nước Nga trong mối tương quan với các nước tiên tiến đương thời ở Tây Âu. Piôtr I đồng thời là nhà tổ chức tuyệt vời: biết chiêu hiền đãi sĩ, tập hợp xung quanh mình một lớp người tiến bộ có trí thức. Đó là những nhà chỉ huy quân sự, nhà ngoại giao, nhà kinh tế, nhà giáo dục có năng lực thật sự. Piôtr I cũng là nhà hoạt động văn hóa lớn. Công lao của Piôtr I đã được Thượng nghị viện nước Nga đánh giá rất cao: Người cha của Tổ quốc, vij Hoàng đế, vị Đại đế. Từ thế kỷ XVIII, thế giới đã biết đến Piôtr Đại đế như là một nhân vật vĩ đại của nước Nga. (Xem Voltaire. Histoire, de la Russie sous Pierre le Grand). Cuốn Journal (nhật ký) của Piôtr Đại đế trong chiến dịch của mình chống lại Thụy Điển và Letters (thư từ) của ông thời đó đã được xuất bản.
Có thể nói, Piôtr I là nhà cải cách nhìn xa trông rộng của nước Nga đã tiến hành một loạt cải cách quan trọng trong việc quản lý bộ máy Nhà nước và kiến thiết đất nước; bao gồm nhiều lĩnh vực như: thành lập Thượng Nghị viện, các ủy ban và các cơ quan kiểm tra Nhà nước và truy tố tội phạm cấp cao nhất; đặt nhà thờ dưới quyền điều khiển của Nhà nước, phân chia hành chính đất nước thành các tỉnh, xây dựng thành phố Petersbourg làm Thủ đô mới của nước Nga.
Về mặt quân sự: nhằm củng cố sức mạnh quân sự của nước Nga, Piôtr Đại đế chủ trương xây dựng quân thường trực với số lượng quân khá lớn thường xuyên bổ sung quân số bằng cách mộ lính là những người nông dân và dân thành thị. Quân đội được trang bị vũ khí thống nhất, quân phục thống nhất, điều lệ thống nhất. Đội ngũ sĩ quan được đào tạo đồng bộ từ những người quý tộc. Xây dựng một hạm đội khá mạnh trên Biển Baltique (Ban tích) có hơn 50 tàu chiến lớn và vài trăm tàu nhỏ.
Có thể nói, Piôtr I đã mở đầu việc cai trị bằng sự khai thông con đường đi ra Biển Azov (1696); đồng thời, khẳng định sự hùng mạnh về quân sự của nước Nga. Năm 1700, Piôtr ký hòa ước với Thổ Nhĩ Kỳ và tuyên chiến với Thụy Điển, lấy lại được những vùng đất ven Biển Baltique mà Thụy Điển đã chiếm từ đầu thế kỷ XVIII. Vua Thụy Điển Charles XII (Sác lơ XII) mới 18 tuổi, nhưng là nhà chỉ huy quân sự có tài và dũng mãnh, đã giữ vững được pháo đài Narva của Thụy Điển trên bờ Vịnh Phần Lan, quân Nga bao vây nhưng bị tấn công và thua trận. Bài học xương máu này càng củng cố thêm quyết tâm của Piôtr I, phải xây dựng lại lực lượng vũ trang hùng mạnh trong tương lai gần. Quả vậy, chỉ hai năm sau (1702), quân Nga đã lớn mạnh vượt bậc: Piôtr I thành lập 10 trung đoàn bộ binh thường trực, xây dựng các nhà máy quốc phòng sản xuất vũ khí và các xưởng may quân phục; ra chiếu chỉ lấy chuông đồng nhà thờ đúc súng đại bác (300 khẩu), các đơn vị quân đội Nga được khép vào kỷ luật chặt chẽ. Điều đó cắt nghĩa vì sao quân Nga đã chiến thắng liên tiếp ở vùng ven Biển Baltique và chỉ trong vài ba tháng; toàn bộ vùng đất trên bờ Sông Neva đến Vịnh Phần Lan đã sạch bóng quân Thụy Điển.
Sau khi khai thông đường biển sang Châu Âu, Piôtr I đã khẳng định sự hùng mạnh về quân sự của đế chế Nga ở vùng Biển Baltique. Đây không chỉ là sự bành trướng vươn ra biển để châu Âu hóa nước Nga mà Piôtr I còn hướng đến các nước viễn Ấn được ngẩm hiểu là Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Việc Piôtr I tổ chức xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh đã tạo tiền đề để nước Nga có thể đặt chân đến những khu vực xa hơn mà trước đó chưa với tới được.
Về mặt đối ngoại: Piôtr I là vị Hoàng đế đóng vai trò to lớn trong việc nâng cao uy tín Đế chế Nga trên trường Quốc tế. Năm 1697, chỉ một năm sau khi thực sự trị vì đất nước, Piôtr I đã kiến lập quan hệ ngoại giao với các nước Tây Âu, trong đó nhiều nước là cường quốc lúc bấy giờ. Việc kiến lập quan hệ ngoại giao này một phần nằm trong đường lối Châu Âu hóa nước Nga để khẳng định vị trí đất nước mình ở Châu Âu và ngoài biên giới Châu Âu. Dưới thời Piôtr I, Đế chế Nga đã trở thành một cường quốc về hải quân. Tuy tập trung nỗ lực để kiến lập bang giao trước hết với các nước Tây Âu, nhưng phương Đông cũng là mối quan tâm lớn của Piôtr Đại đế. Trong chiếu chỉ của mình gửi Thượng Nghị viện về cuộc kinh lý của Công tước A.Bokovits - Tserkasski đến Kinh đô Khiva của Nhà nước phong kiến Khivinskoe (cuối thế kỷ XVI - 1720); Piôtr I viết về sự cần thiết phải khảo sát thiều con đường đến Ấn Độ qua Biển Caspienne.
Một dự án khác của Piôtr I là muốn tổ chức cuộc hành trình đến Ấn Độ qua đường biển thêm một lần nữa, khẳng định Đế chế Nga lúc bấy giờ (đầu thế kỷ XVIII) muốn kiến lập quan hệ bang giao và buôn bán với các nước phương Đông. Năm 1723, một đoàn thám hiểm do Phó Đô đốc Đ. Vilster chỉ huy vạch ra kế hoạch đi vòng quanh châu Âu, dừng chân ở Đảo Madagascar để cập bến, đặt chân lên đất Ấn Độ giàu có và huyền thoại. Do chuẩn bị không đến nơi đến chốn, cuộc hành trình qua biển đến Ấn Độ không thực hiện được, nhưng cho đến trước lúc qua đời Piôtr I vẫn không rời bỏ ý nghĩ Đế chế Nga phải tìm đường khai thông ra biển khơi để đặt chân đến những vùng đất phương Đông. Những ngày cuối đời Piôtr vẫn còn ra lệnh phái những đoàn thám hiểm đến Ấn Độ qua Bắc Băng Dương và Thái Bình Dương.
Về bộ máy Nhà nước: dưới thời Piôtr I đã hoàn tất thời kỳ chuyển từ nền quân chủ bao gồm những đại diện giai tầng sang nền quân chủ chuyên chế. Piôtr I đã giải tán Viện Đuma của giới quý tộc chúa đất và thành lập Thượng Nghị viện gồm 9 ủy viên là những người tâm phúc tuyệt đối trung thành với Nga hoàng. Thượng Nghị viện phải trở thành cơ quan hành pháp và xét xử cao nhất, có quyền thay thế Nga hoàng khi Nga hoàng vắng mặt. Thay vì 50 Văn phòng Trung ương chồng chéo lên nhau, Piôtr Đại đế thành lập 12 ủy ban được phân nhiệm rõ ràng, như ủy ban ngoại giao điều hành chính sách đối ngoại, ủy ban quân sự điều hành quân đội, Ủy ban hải quân điều hành hải quân, ủy ban công xưởng điều hành các ngành công nghiệp (trừ ngành mỏ),v.v...
Về phát triển kinh tế: Piôtr I đặc biệt quan tâm đến ngành công nghiệp và thương nghiệp. Cấp vốn cho thương nhân để xây dựng xí nghiệp, miễn thuế cho họ, điều hàng nghìn nông dân do Nhà nước quản lý vào các nhà máy làm công nhân. Trong khoảng ba thập kỷ đầu thế kỷ XVIII, nước Nga đã xây dựng được hơn 200 công xưởng sản xuất sắt thép, vũ khí, đạn dược, vải bạt, dạ nỉ, da và các sản phẩm quốc phòng cần thiết cho quân đội và binh chủng hải quân. Piôtr I thi hành chính sách coi trọng buôn bán trong lĩnh vực công nghiệp và thương nghiệp nhằm xóa bỏ sự lạc hậu của nước Nga đối với các nước tiên tiến Tây Âu. Piôtr I cũng chú trọng đến ngành luyện kim, ngành mỏ, cho xây dựng các xưởng đóng tàu, bến cảng, kênh đào...
Về mặt giáo dục: Nước Nga trước thế kỷ XVIII chỉ có các trường dòng nhà thờ. Piôtr ra chiếu chỉ phải thành lập các trường tiểu học cho con em tất cả mọi tầng lớp (trừ nông dân) với chương trình cơ bản là học đọc, học viết, học số học. Nhằm đào tạo công chức ở trong nước, Piôtr I cho mở ở Moskva một trường giao thông đường thủy chỉ tuyển 500 học sinh là con em quý tộc với chương trình học bao gồm: số học, hình học, lượng giác, giao thông đường thủy và thiên văn học. Còn ở Petersbourg thì thành lập Viện Hàn Lâm Hải quân đào tạo các sỹ quan hải quân ở Moskva mở hai trường pháo binh và công binh, mở các trường trung cấp y tế trực thuộc và các quân y viện, mở các trường đào tạo thợ lành nghề ở các nhà máy, Piôtr I rất quan tâm đến chữ viết của dân tộc. Năm 1710, đích thân Piôtr I duyệt y Bảng chữ cái tiếng Nga, Piôtr I rất chú ý đến trình độ học vấn của các quan chức: đòi hỏi quý tộc phải có kiến thức cần thiết mới được bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo trong bộ máy Nhà nước và quân đội. Piôtr I rất quan tâm đến việc phát triển khoa học của đất nước. Tài nguyên thiên nhiên cùng Sibir đã được khảo sát, các bản đồ nước Nga đã được vẽ đồ họa, Piôtr Đại đế đích thân viết lịch sử cuộc chiến tranh phương Bắc. Theo sáng kiến của Piôtr I, năm 1719 Viện bảo tàng lịch sử và khoa học tự nhiên đầu tiên của nước Nga được thành lập ở Petersbourg. Piốtr ra một chiếu chỉ riêng kêu gọi dân chúng đem đến Viện bảo tàng những hài cốt của những động vật bí ẩn, những đồ vật cổ xưa tìm thấy dưới lòng đất - nghĩa là tất cả những gì Cổ đại và khác thường. Năm 1724, Piôtr Đại đế ra chiếu, chỉ thành lập Viện Hàn Lâm khoa học nước Nga.
Về phong tục tập quán: Piôtr Đại đế chủ trương châu Âu hóa cách ăn mặc. Ra nước ngoài trở về, Piôtr cương quyết đoạn tuyệt với những gì cổ hủ, mong muốn giới quý tộc và thương nhân làm quen dần với nền văn minh châu Âu. Khi những chúa đất quý tộc trong triều và giới quý tộc đến chúc mừng Piôtr Đại đế trở về bình an, Piôtr đã dùng kéo cắt phăng những bộ râu dài cũng như những vạt áo lượt thượt của họ. Một thời gian sau, Piôtr I ra chiếu chỉ bắt buộc giới quý tộc ăn mặc theo kiểu châu Âu và phải cạo râu, cấm thợ may may quần áo theo kiểu cổ. Riêng đối với thương nhân thì được phép để râu song phải nộp thuế hàng năm.
Xây dựng Thành phố Petersbourg: Tháng Năm 1703, trên đảo ở cửa sông Neva Piôtr I ra chiếu chỉ xây dựng pháo đài Petropavlovskaia và trên bờ sông Neva cho khởi công xây dựng một thành phố mới, sau này đặt tên là Petersbourg. Việc thiết kế xây dựng thành phố đích thân Piôtr I xem xét và duyệt y, Piôtr I huy động trong cả nước mỗi năm 30 nghìn nông dân đến công trường xây dựng thành phố. Những người nông dân phải lao động trong điều kiện vô cùng cực khổ: họ phải lao động ngoài trời băng giá, mưa gió rét buốt, phải đứng hàng giờ ngâm nước đến đầu gối. Hàng chục nghìn người đã bỏ mình vì bệnh tật, vì lao động quá sức và đói. Chỉ trong một thời gian ngắn, với sự lao động sáng tạo của hàng chục nghìn người dân lao động; Thành phố Petersbourg đã mọc lên với các ngôi nhà cao đầy đủ tiện nghi, những cung điện nguy nga, và công viên thơ mộng…
Đế chế Nga đầu thế kỷ XVIII hùng mạnh sánh vai với nhiều cường quốc ở châu Âu, Kinh đô Petersbourg trên bờ sông Neva được mệnh danh là Thành phố Venise phương Bắc luôn vẫy chào khách du lịch năm châu bốn biển tới thăm...; thành quả to lớn có được đến ngày hôm nay, trước hết thuộc về vị Hoàng đế và nhà cải cách nước Nga - Piôtr I. Là người quyết đoán nắm trong tay quyền tối cao trị vì Đế chế Nga đầu thế kỷ XVIII, Piôtr Đại đế là nhà cải cách toàn diện nước Nga, đưa nước này trở thành một cường quốc ở châu Âu thời bấy giờ. Song để đạt được mục đích, Piôtr I không dừng lại trước bất kỳ một điều gì kể cả tăng cường đàn áp nhân dân lao động thậm chí thẳng tay gây ra những cuộc đàn áp đẫm máu. Năm 1698, hay tin dòng họ Miloslavski trong giới quý tộc chúa đất âm mưu làm phản, Piôtr I đã ra lệnh hành quyết những người cầm đầu và hơn 1000 quân cấm vệ thành mưu phản. Một thời gian sau, hay tin con trai mình là Hoàng tử Aleksei có tham gia vào âm mưu phản loạn này, đích thân Piôtr I đã hỏi cung và khép án tử hình con trai, song ông lại ra lệnh biệt giam Hoàng tử ở pháo đài Petropavlovskaia trong ngục xà lim cho đến khi chết.
GS. - TS. NGUYỄN XUÂN HÒA