36 NGÀY HỘI Ở ẤN ĐỘ
Trong vô số những ngày hội muôn màu sắc diễn ra hàng năm ở đất nước Ấn ĐỘ cổ tích và đa tôn giáo có một ngày hội đặc biệt. Đó là ngày hội rắn, hay nói cho đúng hơn là ngày hội thiêng tôn vinh rắn, đặc biệt là loại rắn chúa - rắn mang bành. Ngày hội này được tổ chức vào ngày thứ năm tháng Kinđu, tức là vào khoảng giữa tháng 7 và tháng 8. Sau những tháng Hè khô nóng, đây là thời kỳ gió mùa với những trận mưa rào đầu tiên, nước các con sông đầy ắp và loài rắn xuất hiện lại. Chính vì thế rắn được coi là biểu tượng của cuộc sống, của sự phì nhiêu và sinh sản.
Tục lệ này bắt nguồn từ hàng nghìn năm trước. Quan niệm từ thời xa xưa cho rằng: việc rắn thường lột da, thường rũ bỏ bộ da cũ chẳng khác gì Mặt trời vào buổi sớm rũ bỏ khỏi đêm đen, tức là rũ bỏ khỏi cái ác, cái xấu. Cũng theo quan niệm đó, loài rắn chúa - rắn mang bành - biết được bí mật của vòng luân hồi và của sự sinh sản bởi vì nó không ngừng sinh ra lớp da mới. Nó là bất tử. Mặc dù nó có nọc độc và dáng vẻ của nó khiến mọi người phải sợ hãi, nhưng không một ai được phép làm hại nó, nếu không sẽ bị nó trả thù thật tàn nhẫn.
Vô số đám rước diễn ra khắp Ấn Độ vào ngày hội thiêng này, được gọi là ngày hội Nga Panchami. Những người chuyên luyện rắn đi đến từng nhà cho mọi người chiêm ngưỡng rắn bởi vì: theo niềm tin bắt rễ từ lâu đời, nếu được thấy rắn mang bành thì nhất định sẽ gặp may mắn, ngày hội đặc biệt tưng bừng ở các Bang Rajosthan, Kerola và nhất là Bang Mahâyrâshtra, tại một ngôi làng tên là Shirala, nơi dân chúng có tục lệ tôn sùng rắn mang bành.
Từ mấy hôm trước ngày hội, làng Shirala sáng nào cũng gần như trống không. Phần lớn dân làng ngay từ lúc bình minh đã trang bị sẵn sàng nào là mai, thuổng, cuốc, xẻng, sào tre dài, bình đất nung và kéo nhau đi săn lùng rắn. Họ tràn khắp các cánh đồng và thung lũng, đôi khi đi xa hàng chục dặm đường để tìm kiếm loại rắn thiêng. Họ cố gắng không làm rắn bị thương bởi vì làm rắn bị thương thì coi là điềm gở. ''Chiến dịch'' săn bắt rắn đó tiếp diễn trong mấy ngày liền và năm nào dân làng Shirala cũng thu bắt được gần 300 rắn mang bành và hàng trăm loạt rắn vô hại khác.
Vào đúng ngày hội, ngay từ trước khi Mặt trời mọc, dân làng kéo nhau ra sông cử hành nghi thức tắm. Sau đó họ mang những bình, vò đựng rắn mang bành đến đền thờ nữ Thần may mắn Amba. Giữa tiếng trống tưng bừng rộn rã, người lớn thì đội trên đầu những bình, vò đựng rắn thiêng, còn trẻ em thì để những loài rắn lành quấn cổ như những tràng hoa kết. Khi đến sân đền thờ, lũ rắn thiêng được thả ra, chúng duyên dáng đung đưa trước ảnh tượng nữ Thần Amba trong tiếng cầu nguyện sùng kính của đám đông vây quanh.
Sau đó, đám rước diễu hành qua các con đường làng. Đàn ông, phụ nữ, trẻ em rước theo những con rắn thiêng, chúng lúc lắc đầu đón nhận tiếng hoan hô vang dội dưới một trận mưa cơm do đám đông đứng hai bên đường tung ra. Các cô gái trẻ cúi sát mặt xuống lũ rắn, rắc hoa lên đầu rắn. Vì rắn mang bành tượng trưng cho sự sinh sản nên họ tin rằng chúng sẽ phù hộ cho họ sinh con đẻ cái: mơ thấy rắn thường là điềm may mắn báo trước họ sắp có con.
Dần dần, không khí tôn giáo biến thành bầu không khí hội hè thật sự. Bãi rộng cạnh đền thờ nữ Thần may mắn biến thành một khu chợ phiên. Người khắp nơi đổ về bằng mọi phương tiện đi lại. Tiếng chuông trống truyền qua loa phóng thanh vọng lên ầm ỹ. Các quán bán bánh kẹo, hoa quả chật ních người mua. Đám thợ ảnh cũng hối hả hoạt động: không ít người muốn lưu giữ kỷ niệm bằng hình ảnh mình có rắn quàng quanh cổ.
Buổi chiều, xuất hiện một đám diễu hành kỳ lạ qua các đường phố đông nghịt. Một đàn bò phủ những tấm vải óng ánh kéo theo những chiếc xe mà bên trên đặt những mảnh ván phẳng. Ngất ngưởng trên những mảnh ván đó là những con rắn mang bành cổ bạnh ra và vươn cao, đầu lắc lư theo tiếng hoan hô vang động và tiếng nhạc, tiếng trống ròn rã. Vì xương cốt rắn không cho phép chúng giữ tư thế vươn phía đó được lâu nên con nào mệt mỏi là lập tức được thay thế bởi những con khác từ trong bình trong vò bò ra. Và quang cảnh tưng bừng náo nhiệt đó cứ thế tiếp diễn cho đến tận chiều tối. Nhưng không khí hội hè còn náo nức khắp làng cho đến đêm khuya.
Sáng hôm sau, rắn được trang trọng đem hết ra ngoài cánh đồng và được thả ra, trao trả lại cho thiên nhiên, cho trời đất. Ngày hội rắn kết thúc, song niềm vui, niềm hy vọng gặp may mắn còn sưởi ấm tâm hồn mỗi người dân cho đến ngày hội năm sau.
Ở Sihirala người ta khẳng định là chưa bao giờ có một người nào bị rắn cắn. Dân làng tin rằng họ được Thần linh che chở. Nếu ta biết rằng họ được Thần linh che chở. Nếu ta biết rằng hàng năm có hàng nghìn người Ấn Độ bị chết vì nọc rắn mang bành thì đó là một điều kỳ lạ.
Theo báo Pháp SCIENCE ILLUSTRÉE tháng 5 – 1992 – Q.Đ.