Tài liệu: Càn Long (1711 - 1799)

Tài liệu
Càn Long (1711 - 1799)

Nội dung

CÀN LONG[1] (1711 - 1799)

 

Hoàng đế thứ tư triều Thanh (tính từ khi Thanh diệt Minh, thống trị toàn Trung Quốc). Người tộc Mãn, Họ Ái Tân Giác La – Hoằng Lịch. Đế hiệu Thanh Cao Tông, niên hiệu Càn Long là con thứ tư của Thanh Thế Tông (tức Hoàng đế Ung Chính). Trị vì đất nước 60 năm (1736 - 1796), cùng với Khang Hy là hai Hoàng đế ở ngôi lâu nhất trong lịch sử Trung Hoa. Lên ngôi vào tuổi thanh niên, khi đất nước cường thịnh. Thời gian đầu, Càn Long quan tâm nhiều đến việc chấn chỉnh nội chính, kiên quyết dẹp thế lực cát cứ ở phía Bắc và phía Tây đất nước. Đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực văn hóa: Mở khoa thi Bác Học Hồng Từ, hạ lệnh hoàn thành biên soạn bộ Minh Sử và bộ Tứ Khố toàn thư. Tứ Khố Toàn thư là bộ tổng tập trước tác lịch đại đồ sộ nhất, thu thập mọi thư tịch của Trung Quốc từ thời Thượng cổ tới đầu Thanh (trừ những cuốn bị loại bỏ toàn bộ hoặc một phần do chứa đựng nội dung bài Thanh). Càn Long hạ chiếu cho các tỉnh thu thập mọi thư tịch đưa về Bắc Kinh, dùng 360 người tiến hành hiệu đính phân loại, chia thành bốn bộ là Kinh (các sách kinh điển của các trường phái học thuật chủ yếu là Nho gia); Sử (các loại tác phẩm sử học), Tử (trước tác của các học giả chư tử bách gia thời tiền Tần và một số trước tác về chính trị, triết học, y học), Tập (các trước tác thơ văn). Sau khi hiệu đính, phân loại tiến hành chép tay làm bốn bản, lưu giữ tại bốn kho sách đặt tại Bắc Kinh (hai kho), Thẩm Dương và Thừa Đức. Sau này, Càn Long lại hạ lệnh sao thêm ba bản nữa đặt tại các kho phía Nam (Dương Châu, Trấn Giang và Hoàng Châu). Mỗi bản của Tứ Khố Toàn Thư gồm 36.275 quyển, 2.290.916 trang khổ lớn. Công việc được hoàn thành vào năm 1782, sau mười năm chuẩn bị thu thập, phân loại, sao chép. Tứ Khố Toàn Thư đã giúp bảo tồn được kho tàng văn hiến quý giá của Trung Hoa.

Sự kiện lớn trong đời Càn Long là sáu lần tuần du miền Giang Nam (phía Nam Trường Giang) để phô trương uy đức của triều đình, phủ dụ nhân dân miền Nam. Do thị sát được tình hình tại chỗ, Càn Long đã hạ lệnh tiến hành một số việc đem lại lợi ích cho nhân dân và Nhà nước:

- Khi phát hiện thấy vùng Hải Ninh ven Biển Triết Giang chỉ có hệ thống đê biển đắp bằng đất khó ngăn được thủy triều, Càn Long hạ lệnh trích ngân khố 5 triệu lạng bạc trắng để thay đê đất bằng đê có kè đá, ngăn được nước triều.

- Tại Tây Hồ ở Hàng Châu, thấy ngư dân cắm đăng quây lưới, lấn chiếm mặt hồ, làm giảm vẻ mỹ quan. Càn Long hạ lệnh: đo đạc diện tích mặt hồ, đắp đê trồng liễu ven đê, ai lấn chiếm mặt hồ sẽ bị nghiêm trị. Do đó tới nay Tây Hồ được trang điểm những hàng liễu đầy thơ mộng làm say lòng người.

- Thấy nhân dân ba tỉnh Giang Tô, Triết Giang, An Huy gặp đói khổ lầm than, Càn Long hạ chiếu miễn cho khoản đóng góp hơn hai triệu lạng bạc.

Vì lòng dân miền Giang Nam còn lưu luyến nhà Minh, Càn Long đã sắp đặt một Cử chỉ chính trị khôn khéo là tiến hành tế lễ long trọng tại lăng của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, người đã sáng lập lên triều Minh - triều đại đã bị nhà Thanh đánh đổ và thay thế. Đồng thời, còn lệnh cho các địa phương vùng Giang Nam tế lễ tại lăng mộ của các danh thần và hiền sĩ các triều đại Đường, Tống, Minh để tỏ lòng không quên công lao của các triều đại trước và chứng tỏ vai trò kế tục chính thống của triều Thanh. Nhưng việc tuần du đã tạo nên tệ phô trương lãng phí to lớn. Mỗi lần tuần du, ngân khố của triều đình, của các địa phương, tiền đóng góp của chúng dân về nhân lực và vật lực huy động nhiều không kể xiết. Sử Trung Quốc ghi chép: ''Mỗi lần tuần du, trên đường từ Bắc Kinh về Hàng Châu phải xây dựng bốn mươi trạm đón tiếp, trong đó 30 trạm là các hành cung được xây dựng tráng lệ, mười trạm còn lại dựng các lều Mông Cổ phủ lụa vàng. Huy động 400 cỗ xe ngựa, 800 lạc đà chuyên chở người và vật dụng. Trên tuyến đường thủy, huy động hàng trăm thuyền lớn, dùng 3600 phu và lính chèo và kéo thuyền. Trên thuyền chở 75 bò thịt, một ngàn cừu làm thực phẩm cho Hoàng đế và đoàn tùy tùng hơn 2500 người. Dọc đường đi, có các thiếu nữ trang điểm lộng lẫy quỳ đón. Tại các nơi dừng chân, có biểu diễn ca múa, chào đón Hoàng đế... Phố xá của các thị trấn miền Giang Nam treo đèn kết hoa, đường phố đều rải thảm đẹp. Các nhà buôn lớn vùng Lưỡng Hoài phải quyên góp hàng vạn lạng bạc cho nhà Vua chi dùng. Quan chức địa phương nhân dịp này mượn cớ đóng góp để nghinh giá, sách nhiễu nhân dân thậm tệ, làm cho đời sống những người nông phu vô vùng cực khổ lầm than”.

Hai mươi năm cuối của thời gian trị vì, Càn Long tin dùng gian thần Hòa Khôn, tiêu pha vung phí tài sản Quốc gia nên kho tàng trống rỗng, Hòa Khôn tâu xin đặt ra chế độ Nghị tội ngân - tức chế độ cho phép dùng tiền chuộc tội để bù đắp cho ngân khố Quốc gia. Theo thống kê khoản thu từ Nghị tội ngân mỗi năm đạt tới 30 vạn lạng bạc. Do đó nạn tham nhũng lan tràn từ trên xuống dưới. Hòa Khôn còn lợi dụng chức Hộ Bộ Thượng thư để vơ vét thuế má, ức hiếp nhân dân, bớt xén tiền của, xây dựng dinh thự nguy nga cho bản thân và gia tộc. Khi Càn Long chết, Hòa Khôn bị xử tội chết, gia sản bị tịch thu, chỉ trong 29 dinh thự trong số 109 dinh thự của hắn đã thống kê được số tài sản trị gần bằng ba năm thu nhập tài chính của triều đình.

Ngoài ra, Càn Long cũng là một Hoàng đế xử nhiều vụ án văn tự, giết hại nhiều trí thức Hán tộc.

Năm 1796, nhường ngôi cho Thái tử, tự xưng là Thái Thượng Hoàng. Chẳng bao lâu sau đó, mâu thuẫn xã hội phát triển tới độ gay gắt đã làm nổ ra cuộc khởi nghĩa Bạch Liên Giáo lan rộng khắp các tỉnh Hồ Bắc, Hà Nam, Tứ Xuyên, Thiểm Tây, Cam Túc... kết thúc thời thịnh trị, triều Thanh bị lung lay tới tận gốc rễ.

ĐẠI TÁ TRẦN NGỌC THUẬN




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1062-02-633390269294712500/Nhung-hoang-de-nguyen-thu-quoc-gia-chinh-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận