Tài liệu: Bismarck Otto Von Schonhausen (1815 - 1898) nhà ngoại giao con thoi tài ba, đầy thủ đoạn

Tài liệu
Bismarck Otto Von Schonhausen (1815 - 1898) nhà ngoại giao con thoi tài ba, đầy thủ đoạn

Nội dung

BISMARCK OTTO VON SCHONHAUSEN (1815 - 1898)

NHÀ NGOẠI GIAO CON THOI TÀI BA, ĐẦY THỦ ĐOẠN

 

B

ismarck Otto Von Schonhausen (Bismắc Ôttô Vôn Shônnhaozen) là Thủ tướng Phổ 1862 - 1890, Tể tướng Đức 1871 -1890 từng được mệnh danh là Thủ tướng sắt và máu.

Bismarck sinh ngày 1 tháng 4-1815 trong một gia đình quý tộc Phổ ở Làng Sơnhaozen cách thủ đô Berlin 100 kilômét. Từ nhỏ, ông đã hấp thụ nền giáo dục tư sản, năm 17 tuổi học luật ở Đại học Berlin. Sau khi tốt nghiệp Đại học, ông nghiên cứu thiên văn học, lịch sử do yêu thích các môn này và từng đi du lịch các nước châu Âu để tìm hiểu tình hình. Ông kinh doanh ruộng đất theo phương thức tư bản chủ nghĩa.

Bắt đầu từ năm 1845, ông được cử làm Nghị viên ở tỉnh Saxôny đến năm 1847 là Nghị viên Quốc hội Phổ. Thời kỳ cuộc Cách mạng Dân chủ Tư sản năm 1848 bùng nổ ở Đức. Bismarck đã tự động tổ chức một đội quân vũ trang trong trang trại của mình toan kéo về Berlin giúp Vua trấn áp cách mạng. Đây là hành động đầu tiên thể hiện khuynh hướng bạo lực của Bismarck, đồng thời chứng tỏ lòng trung thành của ông đối với nền quân chủ Phổ.

Từ năm 1851 - 1859, Bismarck liên tục là đại biểu Quốc hội Liên bang Phổ đóng ở Phranphuốc. Trong thời gian này, Bismarck nhận thấy sự thống nhất nước Đức là một xu thế tất yếu của lịch sử nên đã chuyển từ lập trường phản đối sang lập trường chủ trương thống nhất. Tuy vậy, ông chủ trương thống nhất bằng con đường từ trên xuống duy trì sự lãnh đạo của quý tộc Phổ và gạt bỏ Áo ra khỏi nước Đức.

Năm 1859, Bismarck được cử làm Công sứ ở Nga, năm 1862 làm Đại sứ ở Pháp. Trong thời gian ở nước ngoài, ông thăm dò thấy âm mưu của các nước láng giềng muốn ngăn trở sự thống nhất nước Đức, do đó ông chủ trương sẽ dùng vũ lực để thực hiện thống nhất. Chủ trương của ông cũng là nguyện vọng chung của triều đình cũng như toàn bộ giai cấp quý tộc Phổ lúc bấy giờ.

Đầu thập kỷ 60, Vua Phổ Vinhem I muốn tăng cường ngân sách quân sự nhưng đã bị Quốc hội Phổ chiếm đa số là Nghị viên tư sản phản đối. Bí thế Vinhem I quyết định mời Bismarck đang làm Đại sứ ở Pháp về làm Thủ tướng.

Bismarck tuyên bố trước Quốc hội: ''Những vấn đề lớn của một thời đại không thể giải quyết được bằng những bài diễn văn hoặc bằng cách biểu quyết theo đa số mà là phải bằng sắt và bằng máu. Nước Đức không chú trọng vào chủ nghĩa tự do của Phổ mà là vào lực lượng vũ trang của Phổ. Bismarck không thèm đếm xỉa tới ý kiến của Quốc hội, quyết định tăng cường ngân sách quân sự. Khi Quốc hội yêu cầu ông từ chức thì ông đã đập bàn quát lên:

… Đây không phải là nước Anh, và chúng tôi các Bộ trưởng là đầy tớ của Vua... chứ không phải là của các ông.

Để gạt bỏ những thế lực cản trở từ bên ngoài trên con đường thống nhất, ông chủ trương gây ra một số cuộc chiến tranh: chiến tranh Phổ - Đan Mạch 1864; chiến tranh Phổ - Áo năm 1866; chiến tranh Pháp - Phổ năm 1870 - 1871. Ông sử dụng nhiều thủ đoạn đối ngoại khôn khéo tạo nên cục diện Quốc tế có lợi cho Phổ sau đó đánh bại từng đối thủ một để cuối cùng hoàn thành thống nhất nước Đức.

Do có công lao thống nhất đất nước, từ năm 1867 ông được phong là Bá tước. Năm 1871 được cử làm Tể tướng đế quốc Đức và được phong tặng trang viên Friedrichsruh nổi tiếng và trở thành một trong những chủ đất lớn nhất nước Đức.

Từ năm 1871 - 1890, Bismarck là người nắm quyền thực tế nước Đức cả về nội chính lẫn ngoại giao và chịu trách nhiệm trước nhà Vua.

Về đối nội, mục tiêu của ông là duy trì chế độ quân chủ hiện tại, bảo đảm quyền thống trị của giai cấp quý tộc mà trung tâm là quý tộc Phổ. Mặt khác, ông cũng ra sức đáp ứng nguyện vọng của giai cấp tư sản như bảo vệ quan thuế nhằm bảo đảm mối liên minh giữa quý tộc và tư sản. Ngoài ra, Bismarck ra sức trấn áp phong trào công nhân và các đảng đối lập. Năm 1871 tham gia trấn áp Công xã Paris. Năm 1872 bắt đầu phát động cái gọi là phong trào đấu tranh văn hóa chống Giáo hội Thiên chúa giáo. Năm 1878 thi hành đạo luật đặc biệt đặt Đảng xã hội dân chủ Đức ra ngoài vòng pháp luật. Về đối ngoại cố gắng tranh giành bá quyền ở đại lục châu Âu:

Năm 1873 xúc tiến lập liên minh Tam Hoàng gồm Đức - Áo - Nga nhằm chống Pháp.

Năm 1879, ký kết liên minh với Áo chống Nga Pháp. Từ thập kỷ 80 không ngừng chỉ đạo nước Đức tiến hành xâm lược thuộc địa ở châu Á, châu Phi. Bismarck là nhà ngoại giao tài giỏi của nước Đức và đồng thời cũng là nhà ngoại giao xuất sắc nhất châu Âu lúc bấy giờ. Tài năng thao lược của Bismarck khiến Vua Vinhem I cũng phải nể sợ. Nhưng sau khi Vinhem I mất, năm 1888 Vinhem II lên ngôi, giữa Vinhem II và Bismarck bắt đầu nảy sinh một số bất đồng trong đường lối đối nội, ngoài ra Bismarck vẫn áp dụng luật nội các 1850 như các Bộ trưởng không được tấu trình Vua khi không có mặt Tể tướng. Điều đó làm cho Vinhem II là một con người có tư chất mạnh mẽ không thể chấp nhận được. Tháng Ba 1890, Bismarck buộc phải từ chức. Bismarck được phong là Công tước Laoinbuốc, ông về sống ở trang viên Friedrichsruh cho đến khi ốm mất (30 tháng Bảy 1898). Phần cuối đời còn lại ông viết nhật ký và đăng các bài báo biện hộ cho các chính sách của mình trên tờ Tin tức Hamburg. Tác phẩm để lại Suy tư và hồi ức.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1062-02-633390272442212500/Nhung-hoang-de-nguyen-thu-quoc-gia-chinh-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận