LƯỢC TRÌNH PHÁT TRIỂN KIẾN TRÚC THẾ GIỚI
Cách đây hàng vạn năm, con người đã có những hình thức ở thô sơ, các hang động thiên nhiên, các hang động có gia công, rồi đến các công trình xây dựng bằng đá hoặc xây kết bằng cành cây.
Sang thời đại đồ đá mới (một vạn năm đến ba nghìn năm Tr. CN), do nông nghiệp và chăn nuôi phát triển, con người đã sống định cư, có thêm các hình mẫu công trình mới; làng, bản đã được hình thành. Nhà ở lúc bấy giờ đã có nhiều gian, có bếp lò và có cả nhà kho.
Dần dần, các công trình thờ cúng đầu tiên của nhân loại đã hình thành, chúng ra đời để đáp ứng những nhu cầu tinh thần của con người. Đó là những công trình xây dựng bằng đá, phòng đá, cột đá và lan can đá.
Đối với xã hội nô lệ, có nhiều nền kiến trúc phát triển rực rỡ: Cổ Ai Cập, Cổ Hy Lạp và Cổ La Mã…
Đặc điểm kiến trúc xuyên suốt thời gian dài mấy nghìn năm của Nhà nước Ai Cập Cổ đại là: các công trình có quy mô lớn, kích thước đồ sộ với cách bố trí rất tôn nghiêm, chặt chẽ, nặng nề và thần bí.
Đền đài, lăng mộ Cổ Ai Cập xây dựng bằng đá là chính.
Đền đài có những cột đá dựng rất sít, bố trí trải dài theo trục dọc, chú ý biểu hiện không gian bên trong có đường dẫn ra phía trước khá dài khiến cho công trình gây cảm giác áp chế với con người rất mạnh. Lăng mộ được chia làm hai loại: Matxtaba (lăng mộ của quý tộc) và Kim tự tháp (Pyramid - lăng mộ của Vua chúa). Kim tự tháp còn chia ra làm tự tháp có bậc và Kim Tự Tháp trơn. Nổi tiếng nhất là quần thể Kim Tự Tháp ở Guizeh, gần Cairo.
Phát triển gần như song song với văn minh Ai Cập Cổ đại, còn có nền văn minh Lưỡng Hà kéo dài tới mấy nghìn năm.
Trước sau, nền nghệ thuật kiến trúc chính của Lưỡng Hà bao gồm: nghệ thuật kiến trúc Sumer, Akkad, nghệ thuật kiến trúc Cổ Babylone, nghệ thuật kiến trúc Assyrie, nghệ thuật kiến trúc Tân Babylone, nghệ thuật kiến trúc Ba Tư.
Kiến trúc Cổ đại Lưỡng Hà có nhiều trung tâm nổi bật, chẳng hạn như Babylone, mà hào quang rực rỡ của nó nhiều thành phố đời sau còn phải nhường bước.
Cổ Hy Lạp và Cổ La Mã là quê hương đầu tiên của kiến trúc Châu Âu.
Chính trị, kinh tế và tôn giáo của xã hội Cổ Hy Lạp có những nét tiến bộ và ít khắc nghiệt. Các giai đoạn lịch sử của Hy Lạp Cổ đại được đánh dấu bằng một số thành tựu rực rỡ, biểu hiện tập trung nhất ở vùng Bắc Balkans, nơi có hai Nhà nước thành bang chủ yếu là Athens và Sparte.
Đặc sắc của kiến trúc Hy Lạp - đồng nghĩa với di sản để lại cho đời sau - bao gồm ở những điểm sau:
- Một số loại hình kiến trúc công cộng đầu tiên ra đời.
- Việc xử lý hình thức bên ngoài công trình kiến trúc đạt tính nghệ thuật cao.
- Ba loại thức cột Dôrích, lô ních, Coranh.
Quần thể kiến trúc lớn nhất Hy Lạp bấy giờ là Acropole ở Athènes. Trong 7 kỳ quan của thế giới Cổ đại, cố 5 công trình thuộc nghệ thuật Cổ Hy Lạp.
Nghệ thuật kiến trúc Cổ La Mã về mặt tinh tế có phần kém Cổ Hy Lạp, nhưng về kết cấu thì hơn hẳn. Kỹ thuật xây dựng đá của người Cổ La Mã rất tuyệt diệu, đã tạo nên những tác phẩm nổi tiếng như nhà tắm Caraolla, đấu trường Colisée và đền Panthéon.
*
* *