Tài liệu: Kiến trúc phục hưng

Tài liệu
Kiến trúc phục hưng

Nội dung

KIẾN TRÚC PHỤC HƯNG

 

Tiếp theo kiến trúc Gothique là những nền kiến trúc văn nghệ Phục hưng Italia, kiến trúc Baroque và chủ nghĩa Cổ điển.

Trong hai thế kỷ XV và XVI ở Italia xuất hiện một phong trào văn hóa Phục hưng quan trọng, gắn liền với bối cảnh lịch sử của giai đoạn chuyển tiếp Italia từ xã hội phong kiến sang xã hội tư bản. Kiến trúc Italia lúc đó rất tiêu biểu và có ảnh hưởng lớn ở Châu Âu. Tư tưởng chủ đạo của văn học, nghệ thuật thời kỳ Phục hưng là tư tưởng nhân văn chủ nghĩa, với nội dung là ca ngợi năng lực của con người, coi con người là nguồn gốc của sự sáng tạo ra của cải vật chất, cổ vũ sự tìm tòi khoa học. Hình ảnh người mẫu của thời đại Phục hưng là con người khôn ngoan, can đảm, chống lại lý tưởng sống thời Trung cổ của tầng lớp quý tộc, kỵ sỹ, đòi hỏi phá vỡ đạo đức nhà thờ, đi tìm một thế giới mới cá nhân chủ nghĩa của giai cấp tư sản.

Đặc điểm của kiến trúc văn nghệ Phục hưng là nhấn mạnh chủ nghĩa nhân thể và đẩy mạnh việc dùng số học và hình học để xác định tỷ lệ của kiến trúc.

Kiến trúc Phục hưng nhấn mạnh đến những nguyên tắc tổ hợp, tính quy luật, ổn định và sự hài hòa. Điều đó xuất phát từ việc con người đã tin vào sức mạnh của mình (kiến trúc xã hội phong kiến đã tạo nên cho công trình những ấn tượng bay bổng, không ổn định, kinh ngạc là do con người không nắm được quy luật thiên nhiên và gửi gắm lòng tin vào Thần Thánh). Người đi đầu trong phong trào văn nghệ Phục hưng Italia tiền kỳ là kiến trúc sư Brunelleschi. Vào giai đoạn Phục hưng tiền kỳ, hoạt động kiến trúc sôi nổi nhất là ở thành phố Florence. Khác với kiến trúc Gothique coi trọng kết cấu, kiến trúc Phục hưng thời kỳ này chỉ chú ý đến  tổ hợp công trình như Dục Anh Viện và Lâu đài Medicis.

Vào cuối thế kỷ XV và trong suốt nửa đầu thế kỷ XVI, Italia bước vào giai đoạn văn nghệ Phục hưng thịnh kỳ với Trung tâm của hoạt động văn hóa mới là Roma.

Những công trình xây dựng quan trọng vào thời kỳ này như Quảng trường Capitole và Nhà thờ Saint Pierre đều to lớn vì các điều kiện về ý đồ, về tư tưởng chủ đạo cũng như của cải vật chất đã được chuẩn bị đầy đủ, và Roma cần phải trở thành một bài thơ ca ngợi sự vinh quang của Chúa!

Quảng trường Capitole là Quảng trường thị chính của Roma, được khởi công xây dựng lại trên nền đất cũ vào năm 1540 dưới sự chỉ đạo của Michelangelo (1475 - 1564) - người được coi là kiến trúc sư và nhà điêu khắc lớn nhất của thời bấy giờ.

Để đáp ứng được yêu cầu chính trị là sự tưởng vọng về sự thống nhất Italia của Giáo hoàng, quần thể Quảng trường đã được xây dựng lại thành hình thang với ba mặt là các công trình kiến trúc, mặt thứ tư hướng ra một vùng đồi dốc và khu cây xanh bao quát cả một vùng thành phố.

Michelangelo đã sửa đổi lại mặt đứng các công trình kiến trúc: Viện nguyên lão ở giữa, Viện lưu trữ ở bên trái và xây dựng thêm Viện bảo tàng ở bên phải, biến Quảng trường thành hình thang đối xứng, dùng lối lên có dốc bậc và đặt thêm tượng để nhấn mạnh trục chính.

Nhà thờ Saint Pierre ở Roma là nhà thờ lớn nhất thế giới cũng được xây dựng vào thời gian này. Trong hơn nửa thế kỷ, những thiên tài của nền nghệ thuật Phục hưng như Bramante (1444 - 1514), Raphael (1483 - 1520), Michelangelo và nhiều kiến trúc sư nổi tiếng khác đã tham gia vào việc hoàn tất công trình này. Nhà thờ Saint Pierre có chiếc vòm mái nổi tiếng đường kính 41,9 mét và có chiều cao 52 mét, là chiếc vòm mái có một không hai trong lịch sử kiến trúc.

Từ nửa cuối thế kỷ XVI trở đi, các hoạt động kiến trúc ở Italia có phần nào lắng xuống vì hy vọng Roma trở thành hạt nhân để thống nhất Italia đã tiêu tan. Trung tâm của những hoạt động xây dựng Italia lúc bấy giờ chuyển về Venise, một thành phố thương nghiệp sầm uất, một ''nhà bảo tàng lớn'' của nghệ thuật Phục hưng Italia hậu kỳ. Đặc điểm của kiến trúc thời kỳ này là quy mô nhỏ, xây dựng nhà ở là chính, với hình thức kiểu cách, tỉa tót nhiều. Trào lưu kiến trúc thời kỳ này được gọi là chủ nghĩa thủ pháp với tác phẩm nổi bật nhất là biệt thự Rotondo.

Biệt thự Rotondo (hay biệt thự Viên sảnh) do Paladio (1516-1580) thiết kế, được xây dựng ở trên một đồi cao, có mặt bằng có dạng hình chữ thập hoàn toàn đối xứng hướng ra bốn phía, mỗi phía đều có một hành lang trồng sáu cột, ở giữa có một sảnh tròn trên lợp vòm bán cầu. Ở đây, trật tự của tổ hợp kiến trúc được thể hiện ở mức cao nhất, có chủ yếu, thứ yếu, trung tâm, và có tỷ lệ hoàn toàn tuân theo kiến trúc Cổ điển.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/176-02-633387511200000000/Luoc-trinh-phat-trien-Kien-truc-the-gioi/K...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận