TẾT VÀ NIÊN (NĂM)
Ngày cuối cùng của tháng Chạp Âm lịch, dân gian gọi là ''30 niên" buổi tối hôm đó gọi là “Trừ tịch”. Đêm Trừ tịch, khi kim đồng hồ chỉ vào 12 giờ (giờ Tý) nửa đêm là lúc mùa Xuân đến.
Thời Cổ đại, người ta lấy Lập Xuân là mùa Xuân, gọi ngày mồng 1 tháng Giêng là (ngày) Nguyên Đán, hoặc gọi là Nguyên Thìn, Nguyên Nhật, Nguyên Sóc, cũng có cách gọi là “Tam nguyên”, có nghĩa là ngày này là ''ngày đầu tiên của một năm, ngày đầu tiên của tháng, ngày đầu tiên của giờ”. Đến sau cách mạng Tân Hợi, Trung Quốc đổi sang dùng Dương lịch, ngày mồng 1 tháng Giêng Âm lịch đổi thành Tết.
Về gốc tích của Tết, dân gian có truyền thuyết như sau: tương truyền vào Triều Thương, có 1 chàng trai tên là “Vạn Niên”, Chàng nhận thấy lúc đó mùa vụ rất không khoa học, ảnh hưởng xấu tới sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, cho nên chàng quyết tâm điều chỉnh lại cho chuẩn xác. Nhưng quan mùa vụ A Hoành cho rằng mùa vụ như thế là chuẩn rồi, phải lễ bái Thiên Thần, Vạn Niên thuyết phục được Ông Trời, mùa vụ không chuẩn tế lễ Thần Thánh là việc làm vô ích. Thế là Vạn Niên ngày tháng quan sát, không rời mắt khỏi cửa nhà Mặt trăng, Mặt trời. A Hoành sợ Vạn Niên một lúc nào đó làm lịch thành công thì mình mất chức lại còn bị chê cười, thế là dùng nhiều vàng bạc thuê 1 thích khách dùng tên bắt chết Vạn Niên. Thích khách bắn trúng cánh tay Vạn Niên, sau khi thích khách bị bắt trói, Thiên Tử được tin vụ ám sát Vạn Niên là do A Hoành chủ mưu, bèn bắt A Hoành chịu tội chết. Sau sự việc này, Thiên Tử đến cửa nhà Mặt trăng. Mặt trời tâu rõ sự việc. Vạn Niên tâu với Thiên Tử rằng: “Bây giờ đêm đã sang giờ Tý, năm cũ đã hết, thời khắc này đã là mùa Xuân, xin Thiên Tử đặt cho một cái tên”, Thiên Tử liền đặt tên là “Tết”, sau đó Thiên Tử nói: “Khanh đã đến đây 3 năm, đã hao tâm tổn sức, làm ra được lịch Mặt trời, lại còn bị ám sát hụt, bị thương nặng, hãy mau theo ta về dưỡng thương và cùng ta đón Tết”.
Để hoàn thành tốt lịch Mặt trời, Vạn Niên tạ ơn Thiên Tử, xin tiếp tục ở lại cửa Mặt trăng, Mặt trời. Khi lịch Mặt trời đã hoàn hảo, thì mái đầu của Vạn Niên cũng đã bạc trắng, Thiên Tử vô cùng cảm động liền đặt tên cho lịch Mặt trời là “Lịch Vạn Niên”, phong Vạn Niên là Nhật Nguyệt Thọ Tinh. Cho đến nay khi đón Tết người ta vẫn treo tranh Thọ Tinh, nghe nói là để kỷ niệm Vạn Niên đức cao vọng trọng.
Về “Niên”, theo truyền thuyết nó vốn là một loài quái vật của thời xa xưa, nó có cái miệng lớn chậu máu, mỗi khi đến đêm 30 tháng Chạp, thường xuất hiện cướp đồ ăn làm hại dân lành. Con người biết ''Niên" sợ tiếng động, sợ lửa, sợ màu đỏ cho nên cứ đến ngày 30 tháng Chạp, vất thật nhiều thức ăn ra đường rồi nấp ở nhà. Đợi đến lúc ''Niên'' đến ăn liền đốt lửa, rồi ném các đoạn tre, nứa vào nhằm tạo ra những tiếng nổ liên tục làm cho ''Niên'' sợ hãi bỏ chạy. Đêm qua đi, trời sáng mọi người nô nức ăn mừng, chúc phúc cho nhau, ''bái Niên'' (mừng tuổi, chúc Tết) cũng từ đó. Cứ như thế, hết năm này qua năm khác, con người cứ quen theo nếp ấy, dần dần hình thành ngày Tết vui vẻ, được gọi là “quá Niên” (ăn Tết). Người ta cũng còn gọi là “năm mới” (tân Niên) ''mồng 1 đầu năm'' (Niên sơ nhất) hoặc “Đại Niên sơ nhất”.
Tương truyền, hơn 4000 năm về trước, trên Đại Địa Thần Chân có hoạt động đón "Tết" (Niên). Thời Cổ đại ăn Tết thực ra cử hành hoạt động tế lễ long trọng nhất.
Theo sự ghi chép của sử sách, hàm ý mới đầu của ''Niên'' có liên quan đến sản xuất nông nghiệp. Cổ nhân đã lấy chu kỳ sinh trưởng của cây lúa gọi là “Niên”. Trong cuốn Thuyết Văn có ghi Niên, tứ lúa chín. Trong cuốn Cốc (lúa) lương truyện viết: "ngũ cốc (lúa má hoa màu nói chung) chín rộ là Đại Hữu Niên”. Lúa chính là “Niên”, có Niên (Hữu Niên) chỉ được mùa, “Đại Hữu Niên tức là được mùa lớn”. Thời cổ đại mỗi năm lúa chín 1 lần do vậy ''Niên" cũng là “Năm”.
Sau này, để sắp xếp công việc đồng áng một cách hợp lý, người ta bắt đầu nghiên cứu lịch pháp (cách làm lịch), ''Niên" (năm) cũng có quy định cụ thể. Thời Hạ cho ra đời Hạ lịch ghi “năm”, lấy chu kỳ trăng sáng tròn khuyết để phân định, 1 năm có 12 tháng, đầu năm (mồng 1 tháng Giêng) gọi là “Tết”. “Tết” của Triều Thương là 1 tháng 12, “Tết” của Triều Chu là mồng 1 tháng 11. Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc lại lấy mồng 1 tháng 10 là “Tết”. Đến Hán Vũ Đế Thái Sơ Nguyên Niên, năm 104 Tr.CN lại khôi phục dùng lịch Hạ (tức là Âm lịch ngày nay), lấy mồng 1 tháng Giêng là ngày đầu năm, ngày này cũng gọi là “Tết”. Bắt đầu từ ngày đó cho đến nay, năm mới âm lịch trở thành ngày Tết long trọng trong dân gian Trung Quốc.
Tập tục ngày Tết
Thời gian dân gian đón Tết, ở các khu vực đều khác nhau, nhìn chung là bắt đầu từ mồng 8 tháng 12 Âm lịch, kéo dài đến mồng 6 tháng Giêng Âm lịch thì kết thúc. Trong thời gian này, phong tục tập quán chủ yếu có: ăn chè Lạp Bát (ngày mồng 8 tháng Chạp Âm lịch ăn chè Lạp Bát nấu bằng gạo nếp, đậu, táo, hạt sen...), quét dọn cửa nhà, dán câu đối Tết, treo tranh Tết, đốt pháo, đón giao thừa, chúc Tết mừng tuổi, gói bánh chẻo (làm bằng bột mì, hấp hoặc luộc), ăn Tết Nguyên Tiêu, múa sư tử, chơi đèn rồng, đi cà kheo.
Quét dọn nhà cửa “24 tháng Chạp, phủi bụi quét nhà”, tập tục có từ rất sớm. Tương truyền người đầu tiên sáng tạo ra cái chổi là Thiển Khang Đế thời Hạ. Chữ ''chổi'' đã xuất hiện trong Văn Giáp cốt (Văn khắc trên mai rùa và xương thú), trên một số đồ đồng thời Thương - Chu khai quật được ở Thiểm Tây, cũng có khắc chữ “chổi”, trong cuốn Lễ ký cũng có ghi: ''gà bắt đầu cất tiếng gáy... Tửu quét dọn nhà cửa sân xướng”. Như vậy chứng tỏ, ngay từ xa xưa, con người đã biết dùng chổi để quét dọn vệ sinh. Có người cho rằng ngay từ thời Nghiêu Thuấn đã có tục “Táo Niên” (thời cổ người Trung Quốc gọi việc quét dọn nhà cửa vào dịp đón Tết). Tập tục này được bắt nguồn từ một nghi thức tôn giáo người Cổ đại xua đuổi bệnh dịch, về sau nó diễn biến dần dần trở thành việc quét dọn vệ sinh cuối năm. Đến thời Đường tập tục này trở nên thịnh hành. Trong cuốn Mộng Lương Lục Ngô Tự Mục người thời Tống có viết: “cuối tháng 12... bất luận là nhà giàu nhà nghèo, các cửa hàng đều quét dọn nhà cửa sân ngõ, tống khứ bụi bặm, nhà cửa sạch sẽ mát mẻ... để cầu xin một năm mới tốt lành”. Phong tục "Táo Niên" phản ảnh truyền thống yêu thích sạch sẽ giữ gìn vệ sinh của người dân Trung Quốc.
Dán câu đối Tết câu đối Tết còn gọi là “Môn đối”. Thời cổ có những cách gọi như: “đào phù”, “môn thiếp”. Thời Thanh, trong cuốn Yếu kinh tuế thời ký có ghi: ''Câu đối Tết, tức là đào phù”. Trong cuốn Hoài Nam Tử có viết: ''loại đào phù này'' được làm bằng gỗ đào rồng 1 tấc, dài 7,8 tấc, trên những gỗ đào này viết những câu may mắn trừ họa đón phúc. Thời cổ, đến ngày đầu năm Hạ lịch, người ta đóng nó lên 2 bên cửa, gọi là “đào phù bản”, để trừ tà đón phúc, tượng trưng cho “cách tân trừ cựu” (đổi mới bỏ cũ). Đến thời Tống, thói quen treo ''đào phù" càng thịnh hành. Mạnh Sưởng nước Thục có một năm ăn Tết đã viết trên đào phù: “Tân Niên nạp dư khánh, giai tiết hiện trường Xuân”, tương truyền đây là câu đối Tết có sớm nhất của Trung Quốc. Về sau, gỗ đào dần dần được thay thế bằng giấy bùa chú cũng dần chuyển thành những lời chúc tốt đẹp. Thế là đào phù biến thành câu đối Tết. Đến thời Minh, những câu đối vốn chỉ dán vào dịp Tết, thì nay đã được dán ở các quán rượu, hàng cơm, đình chùa, miếu mạo và cả các nơi danh lam thắng cảnh. Và câu đối còn được dán để chúc thọ, mừng ngày sinh hoặc trong các dịp hiếu hỷ. Do đó, có các loại câu đối mừng đám cưới, câu đối chúc thọ, câu đối Tết cũng biến thành các loại câu đối. Ngày nay, ăn tết, dán câu đối đã trở thành hoạt động ca ngợi cuộc sống hạnh phúc. Những câu đối ngày nay đọc lên, người ta thấy tâm hồn phấn chấn, như những câu: “Toàn dân cộng ẩm tâm Xuân tửu, Cử Quốc đồng Khánh đại trị niên”, “lao động trí phú, lục súc hưng vượng, cần kiệm trì gia cốc phong đăng”, "nhân dân giang sơn thiên cổ tú, Tổ Quốc hoa mộc tử thời Xuân”.
Treo tranh Tết: được bắt nguồn từ tập tục dán tranh trên cửa từ thời cổ đại. Phần lớn các nhân vật trong thần thoại, truyền thuyết, dùng để xua đuổi tà ma trừ hại. Từ một loại tranh Tết thô sơ sau khi phát triển dần thành khắc gỗ in nước. Tranh Tết đều vẽ những cảnh vui vẻ. Như biểu thị cảnh được mùa, các em bé xinh xắn ngộ nghĩnh, phong cảnh hoa, chim hàm nghĩa mưa thuận gió hòa. Tranh Tết dựa trên cơ sở của loại hình tranh vẽ truyền thống sau đó có sự đổi mới đã trở thành mảnh vườn của những tranh ca ngợi anh hùng từ cổ chí kim, sinh hoạt văn hóa văn nghệ vui chơi giải trí, miêu tả cuộc sống hạnh phúc phơi phới đi lên của con người.
Đốt pháo: đốt pháo Tết đã có lịch sử hơn 2000 năm. Theo truyền thuyết, tục này bắt nguồn từ “Đình Liệu”, trong ''Kinh Thi'' có ghi: ''ánh sáng của Đình Liệu'', ''Đình Liệu" tức là lúc đó người ta dùng những đoạn nứa, vầu, luồng khô rồi đốt, khi bị đốt không khí trong các đốt nứa, vầu, luồng bị nóng, sẽ nở to làm cho các đoạn này bị nổ và phát ra những tiếng nổ, người cổ xưa quan niệm rằng những tiếng nổ này sẽ xua đuổi được ma quỷ. Đó chính là loại pháo đầu tiên. Trong cuốn Kinh Sở tuế thời ký có viết: ''Mùng 1 tháng Giêng... cùng với tiếng gà gáy là tiếng pháo nổ vang trước sân mọi nhà để xua đuổi ma quỷ và những con vật hung ác”. Như vậy người ta đốt pháo là để được may mắn, tốt lành và tượng trưng cho sự bùng nổ. Đến Triều Đường nhà luyện đan, trải qua rất nhiều thực nghiệm hóa học, phát hiện ra nếu trộn diêm tiêu, lưu huỳnh và than gỗ thì có thể đốt cháy và tạo ra tiếng nổ, thế là đã phát minh ra thuốc nổ. Sự phát minh ra thuốc nổ đã tạo ra thời kỳ phát triển mới của pháo. Thời Bắc Tống, có người đã dùng giấy gói bột lưu huỳnh làm thành pháo, thời Nam Tống lại xuất hiện pháo tràng (dây pháo). Trong cuốn Vũ lâm cựu sự của Chu Mật ghi lại ''bên trong có ngòi, đốt 1 quả cả tràng pháo nổ mãi cho đến hết”. Đó chính là ''pháo tràng 100 quả" ngày nay. Sau Triều Tống, một mặt dùng thuốc nổ trong quân sự, chế thành bom, mìn, đạn,... một mặt dùng để sản xuất các loại pháo. Ngày nay, có rất nhiều loại pháo như: pháo tép, loại pháo tràng từ to đến nhỏ, pháo điện quang, pháo mẹ con, pháo thăng thiên, pháo trăm đầu nghìn đầu, thậm chí có pháo mấy vạn đầu, lại còn có loại pháo biến đổi hình dạng, pháo phun ra hoa muôn màu pháo hoa... khiến cho ngày Tết càng thêm nhộn nhịp đẹp đẽ.
Mừng tuổi: là phong tục có từ rất sớm, và được ghi lại lần đầu tiên trong cuốn Phong thổ ký. ''Cả đêm không ngủ chờ sáng chúc Tết mừng tuổi”. Đến thời Đường, Tống phong tục này thịnh hành cả thành thị lẫn nông thôn. Đêm trừ tịch, mọi người sau khi ăn bữa cơm đoàn viên xong thì đốt pháo, trong không khí vui vẻ, cả đêm không ngủ. Vào thời khắc quý giá đó “1 đêm 2 tuổi, canh 5 chia cho 2 năm”, mọi người mừng tuổi lẫn nhau.
Chúc Tết: sáng mùng 1 Tết, đầu tiên chúc Tết các bậc bề trên. Mọi người đi lại chúc Tết lẫn nhau, chúc nhau ''phát tài", ''phát lộc'', “chúc mừng”, “chúc nhau không cần nhiều lời, năm mới phúc đức mới”, không chỉ chúc phúc lộc dồi đào, mà còn chúc phẩm hạnh tốt, chúc đức cao vọng trọng, phương thức chúc Tết cũng rất đa dạng có thể đến nhà nhau hoặc tập trung lại.
Trong thời gian ăn Tết, nhân dân phương Bắc Trung Quốc, có thói quen gói bánh chẻo để ăn Tết. Thời Tam Quốc trong cuốn Quảng Nhã cũng có nhắc tới loại bánh này. Theo khảo chứng ''loại mằn thắn từ thời Nam Bắc Triều đến thời Đường và 2 loại bành “tế liệu nhi” thời Bắc Tống, bánh “giác tử” thời Nam Tống, đã dần dần biến thái thành bánh chẻo.
Ăn nguyên tiêu: thời gian đón Xuân, dân gian Trung Quốc cũng có tập trục truyền thống ăn tết nguyên tiêu. Nguyên tiêu còn có tên gọi là: “Thang đoàn”, “phù Viên Tử”, “Viên Tử”, biểu thị ý nghĩ mọi người đoàn viên, may mắn, mỹ mãn.
Múa sư tử: trong thời gian đón Tết, khắp nơi từ thành thị đến thôn quê, thường diễn ra trò chơi múa sư tử truyền thống. Cổ nhân hy vọng hình tượng uy vũ dũng mãnh của sư tử sẽ làm cho ma quỷ sợ hãi, đem lại những tháng ngày an bình cho cuộc sống. Múa sư từ khởi nguồn từ thời Nam Bắc Triều, tức thời gian Đạo Phật bắt đầu hưng thịnh. Cùng với sự phát triển rầm rộ của Đạo Phật hình tượng sư tử của nước ngoài, từ vùng biên cương xa xôi đã chuyển vào Trung Nguyên. Trong dân gian thời Đường đã có kịch múa sư tử. Múa sư tử có sự khác biệt giữa miền Bắc và miền Nam. Ngoại hình của múa sư tử từ miền Bắc giống sư tử thật, toàn thân sư tử được phủ kín, người múa sư tử chỉ lộ ra 2 chân, nửa người phía trước cũng mặc quần maFu vàng có vằn vện giống như sư tử. Múa sư tử miền Nam thịnh hành nhất ở Quảng Đông, cho nên gọi là sư tử Quảng Đông, Sư tử Quảng Đông do một người múa đầu và 1 người múa đuôi, đầu sư tử có rất nhiều hình thức và màu sắc, tấm khoác của sư tử do các dải vải ngũ sắc và dải lụa hợp thành.
Chơi đèn lồng: chơi đèn lồng cũng gọi là “múa rồng” hoặc “múa đèn lồng”, đây là một điệu múa dân gian lưu hành trong cả nước Trung Quốc, và có từ thời Hán đến nay vẫn rất thịnh hành. Đây cũng là tập tục thuyền thống của Trung Quốc. Rồng là tượng trưng cho dân tộc Trung Hoa, trong nền văn hóa Trung Hoa, nó chiếm vị trí cực kỳ quan trọng; cổ nhân gọi: Rồng, Phượng, Kỳ tân và Rùa là “Tứ linh”, là vật may mắn là rất được sùng bái.
Đi cà kheo: mỗi khi Xuân về, rất nhiều khu vực ở Trung Quốc thịnh hành tập tục đi cà kheo, từng người một hoá trang, đi trên những đôi cà kheo cao tới 3,4 tấc, tay cầm quạt, vừa đi lại vừa múa trông rất uyển chuyển, có múa tập thể, cũng có múa 3 người, cuộc vui vô cùng hấp dẫn người xem và du khách, đặc biệt là các em nhỏ.
Tập tục ăn Tết của đồng bào các dân tộc thiểu số
Trung Quốc là một Quốc gia có nhiều dân tộc, tuy thời gian đón Xuân mới của các dân tộc khác nhau, nhưng đều có phong tục riêng của dân tộc mình. Họ tiến hành hoạt động chúc mừng năm mới rất phong phú và nhiều màu sắc.
Dân tộc Mông cổ gọi ngày Tết là "Bạch Tiết", tháng Giêng gọi là “Bạch Nguyệt”, đêm Trừ tịch, mọi người quây quanh bếp lửa hướng về bậc tiền bối làm lễ dâng rượu và khăn ha đa (khăn dệt bằng tơ lụa của người Tạng và người Mông Cổ) lên Tổ Tiên, sau đó cùng ăn thịt ''thịt thủ bả'' và bánh chẻo nước,... Cuối cùng sang hàng xóm bên trái bên phải, mời nhau uống trà, đánh cờ, nghe nghệ nhân kể chuyện. Họ vui chơi cho đến hết đêm. Sáng sớm Mồng 1 Tết, mọi người mặc quần áo đẹp đi chúc Tết.
Tiếng Mãn của dân tộc Mãn gọi Tết là “A nát diệp năng diệp”. Đêm Trừ tịch, nhà nhà trồng ở sân một cây cao 5,6m treo đèn lồng, đèn đỏ chiếu từ trên cao xuống cứ như vậy cho đến ngày 16/1. Bánh chẻo Tết của mọi nhà cũng phải nặn theo những quy tắc nhất định để có được một năm hanh thông hạnh phúc.
Dân tộc Miêu gọi Tết là “Khách gia Niên”. Đêm Trừ tịch, cả nhà đoàn tụ, người ngoài không được quấy quả. Sáng mồng 1 Tết, đốt pháo, cúng tổ tiên, xua đuổi tà ma, mọi người làm biểu tượng là chuồng Trâu, chuồng Dê bằng tay, miệng thì nói "lùa Trâu, lùa Dê” để biểu thị lòng mong muốn được mùa gia súc, sau đó, ăn cơm Tết. Mồng 2 Tết, bắt đầu “tẩu trại” (đi chơi trong bản ngoài làng), thanh niên tập chung lại cùng vui chơi ca hát, nhảy múa.
Dân tộc Bạch, khi đón Tết phải trồng trong sân nhà mình 2 cây Thanh Tùng, trên đất trải thảm lá Thanh Tùng, việc làm hàm nghĩa “sạch sẽ”. Đêm Trừ tịch chúc Tết, đợi gà gáy lần đầu, thanh niên nam nữ tranh nhau gánh nước, gọi là ''cấp Niên Thủy" hoặc “cấp Xuân Thủy”, để biểu thị đức tính cần cù, chịu khó lao động. Khi trời sáng, bé trai trong nhà sẽ hô ''Tài Môn" (tiền của vào nhà) sau đó mở cửa, nổ 3 quả pháo lớn và 1 tràng pháo nhỏ, gọi là ''nghênh Xuân'' (đón Xuân). Mồng 1 Tết ăn bánh ngọt làm từ gạo, mứt, kẹo,... gọi là “án Thục Niên”. Sau khi ăn bữa sáng, thì mở cửa sang hàng xóm, gọi là ''Hạ Niên" (chúc Tết). Các làng bản tổ chức vui chơi nhảy múa như: múa rồng, múa sư tử...
Dân tộc La Hu gọi Tết là “Khuếch Tháp”. Đêm Trừ tịch, cả nhà lớn bé già trẻ đều phải tắm rửa thay quần áo mới, thực phẩm ăn trong dịp Tết phải làm ra thật nhiều các loại hoa, như làm 2 bánh pa pa to tượng trưng cho Mặt trăng và Mặt trời, làm 2 bánh pa pa nhỏ biểu thị các ngôi sao trên trời, với lòng mong muốn mưa thuận gió hòa, được mùa ngô, lúa đầy bồ. Sáng sớm Mồng 1, thanh niên nam nữ đua nhau đến bên suối múa nước. Họ cho rằng uống nước suối lúc đó sẽ tránh được các loại tai họa bệnh tật được hạnh phúc may mắn.
Dân tộc Thổ trong đêm Trừ tịch, các nhà đều đốt 1 đống lửa cả nhà quây quần xung quanh, nghe người già kể truyện, chúc Tết cho đến sáng hôm sau. Những ngày Tết, họ thường ăn “cá HồngKhúc”, và nấu một nồi to đồ ăn thập cẩm tượng trưng cho sự may mắn như ý, của cải dư thừa. Mồng 3 Tết, tổ chức hội “múa vẫy tay” người tham gia có tới hàng vạn.
Dân tộc Triều Tiên: trong đêm Trừ tịch cả nhà đoàn tụ. Trong thời gian đón Tết, tổ chức các hoạt động thể dục truyền thống như nhảy ván cầu (bàn đạp ván nhún.), chơi đu, kéo co. Đêm rằm tháng Giêng, dân làng tụ họp lại, mời cụ già đức cao vọng trọng, trèo lên "giá ngắm trăng" được làm bằng gỗ, để ngắm nhìn phúc ngày mai, có nghĩa là sự tiến bộ, khoẻ mạnh, vạn sự như ý của con cháu, sau đấy mọi người quây tròn quanh giá ngắm trăng, cùng đối “giá ngắm trăng”, mọi người nhảy múa trong tiếng nhạc, tiếng trống và ánh lửa bập bùng.
Tháng Chạp, dân tộc Cảnh Phá bận nhất trong năm: người cao tuổi bận chạy hết chỗ này đến chỗ kia để đọc lời chúc nhà mới; đám thanh niên trai tráng, bận vào rừng săn bắn; các thiếu nữ bận dệt váy hoặc dệt khăn giản, chuẩn bị đến Tết ăn mặc trang điểm cho thật đẹp, và tặng người yêu chiếc khăn giản đẹp nhất. Từ Mồng 1 đến mùng 5 Tết, các chàng trai, cô gái ăn mặc thật đẹp, trên vai đeo gùi, trong gùi là rượu nhạt, thịt, thức ăn, gạo... đến ''nhà tập thể'' ở lưng chừng núi, để cùng nhau đón Tết. Các chàng trai trổ tài thi bắn “bia”, “bia” là những cái túi được các cô gái thêu thùa trang trí rất đẹp ai bắn rơi ''bia" trước, người đó sẽ được thưởng phần thưởng là rượu nhạt. Trong túi có đựng tiền xu (tiền bằng kim loại), mấy hạt ngũ cốc, mấy hạt trân châu, để tượng trưng cho sự may mắn.
Trước đêm Trừ tịch mấy hôm, trong các làng, bản của dân tộc Ha Ni rất náo nhiệt. Phụ nữ bận làm bánh Tết (làm bằng gạo nếp), thanh niên trai tráng bận lên rừng chặt tre, chuẩn bị trồng (cây) đu. Cây đu ở đây dùng 6 cây tre to, 1 xà ngang và 9 sợi dây thừng to, cây đu cao 3, 4 trượng (1 trượng = 10 thước Trung Quốc). Vào dịp Tết, mọi người lớn bé già trẻ trai gái đều thích chơi đu. Đêm đến, mọi người nhảy múa, hát ca hoặc nghe các cụ già kể chuyện.
Trong đêm Trừ tịch, dân tộc Tạng tổ chức lên đồng rất long trọng. Sáng sớm Mồng 1, người chủ của các gia đình tranh nhau ra sông lấy “nước may mắn”, còn những người khác trong gia đình vẫn ngủ. Tiếp đó, người ta nấu cháo ''cung đan'' (1 loại cháo có mùi vị thơm ngon), rồi bưng lên cho mọi người trong gia đình, những thành viên này ăn cháo trong khi vẫn đắp chăn ấm. Ăn xong cháo, mọi người mới dậy uống rượu nấu bằng lúa mì Thanh Khoa, uống chè bơ. Ngày Mồng 1 Tết, không đến chúc Tết bất kỳ gia đình nào, mọi nhà đều đóng cửa cả nhà quây quần bên nhau, ăn quả nhân sâm, thịt dê, sữa chua và ăn bánh được làm bằng xôi, thịt bò, dê, mì sợi và bột đậu. Họ vui chơi nhảy múa hết mình. Sau ngày Mồng 2 Tết, đi chúc Tết các nhà, liên tục 4, 5 ngày. Những ngày Tết gặp nhau, người ta thường nói “may mắn như ý”, “mãi mãi hạnh phúc”.
Đêm Trừ tịch của dân tộc Động, cả nhà bên nhau ăn bữa cơm đoàn viên. Mồng 1 Tết thờ cúng Tổ Tiên, sau đó ăn gạo rang trà đường để hy vọng 1 năm có cuộc sống ngọt ngào no đủ. Những bữa cơm ngày Tết không thể thiếu cá vì họ quan niệm rằng ăn cá sẽ có 1 năm may mắn dư thừa (trong tiếng Hán chữ cá và chữ dư thừa phát âm giống nhau). Mồng 2 Tết, bạn bè thân đi chúc Tết lẫn nhau. Trong thời gian ăn Tết, người ta đánh trống đồng, thổi khèn, đi chơi thăm làng, bản, ca hát nhảy, múa... tất cả những hoạt động vui chơi này, người ta gọi là: “đả đồng niên”.
Nhân dân dân tộc Di đón Tết thường thích uống rượu. Ngoài ra, họ còn nhảy múa, ca hát, đánh vật. Dân tộc Di còn thích trồng cây tùng xanh trước cửa nhà hoặc trong sân. Họ cho rằng trồng cây tùng xanh sẽ loại trừ được những tai họa, những điều không may mắn cũ hy vọng con người sẽ mạnh khoẻ sống lâu.
Trong ngày Trừ tịch, bà con dân tộc Choang, nhà nhà giết gà, giết vịt, làm các món ăn truyền thống như: khấu nhục, thịt băm chưng... để cầu mong một năm mới tốt lành, chiều tối cả nhà ăn bữa cơm đoàn viên. Trong những món ăn may mắn phong phú của họ có món “bạch trảm kê”. Mồng 1, mùng 2 Tết, bất cứ khách nào đến chơi đều ăn bánh chưng. Vào ngày Tết, thôn, bản thường tổ chức các trò chơi dân gian như múa rồng, múa sư tử, ném cầu ngũ sắc, đá cầu và diễn kịch, chọi trâu,... còn nam nữ thanh niên còn tổ chức hát đối.
Buổi sáng ngày Trừ tịch ở làng bản, người dân tộc Lê rất náo nhiệt. Đàn ông mổ gà giết lợn, phụ nữ giã bánh Tết, nấu bữa cơm tất niên; buổi chiều cất giữ gạo Tết, chiều tối tế lễ tổ tiên. Tiếp đó, họ ăn bữa tất niên, ăn bánh Tết, uống rượu Tết. Buổi sáng Mồng 1 Tết, cho bánh Tết vào chuồng Trâu, chuồng Lợn, chuồng Gà; treo lá bánh trưng lên cây ăn quả, kho thóc gạo; khi gánh nước, thả 1 đồng tiền kim loại hoặc 1 cái bánh Tết vào cạnh sông, hồ hoặc giếng nước, biểu thị mua "phúc thủy" (nước phúc) của Thần đất và Thần sông. Ngày này, nhà nhà đều đóng kín cửa ở trong nhà, từ mùng 2 đến mùng 4 Tết đi chúc Tết người thân bạn bè.
Dân tộc Cao Sơn trong thời gian ăn Tết đặc biệt thịnh hành ''mốt" “du Xuân”. Du Xuân là cách nói thông thường chỉ việc đi chúc Tết của bà con dân tộc Cao Sơn. Nơi mà khách du Xuân đến, chủ khách thường nói những lời may mắn. Tiếp đó, chủ nhân mời khách ăn bánh kẹo, đồ ăn ngọt được đựng trong cái hộp 9 rồng hoặc hộp gỗ đỏ thắm, biểu thị tình cảm quý trọng của chủ đối với khách. Phụ nữ người Gia Mỹ dân tộc Cao Sơn sống trên Đảo Lan Dữ Đài Loan, phần lớn đều để tóc dài, và búi thành búi có phong cách đặc biệt. Mỗi dịp Tết hoặc ngày lễ các bà các cô nhảy múa trên bãi cỏ bằng phẳng trong bản, làng, những suối tóc chảy dài, đung đưa theo nhịp, thật là huyền diệu. Nghe nói điệu múa thả tóc này là để cầu chúc cho bố, mẹ, ông, bà mạnh khoẻ, sống lâu.
Dân tộc Ca Dắc và dân tộc Ơ Luân Xuân, ngày mùng 1 Tết đi chúc Tết lẫn nhau và nhảy múa. Ngày Mồng 2, tổ chức bắn cung tên, các cô gái sẽ chọn người yêu trong số các tràng trai giành thắng lợi.
Dân tộc Hồi và dân tộc Uâyua, bắt đầu nhảy múa từ Mồng 1 Tết, và liên tục trong 9 ngày biếu tặng nhau những đồ ăn rán, và chúc nhau năm mới vui vẻ vạn sự như ý.
Tết nguyên Tiêu
Ngày 15 tháng Giêng, Nông lịch gọi là “Thượng Nguyên”. Theo tập quán truyền thống dân gian Trung Quốc, đêm trăng tròn đầu tiên khi mùa Xuân về cả nhà đông đủ cùng sum họp hân hoan đón ngày trăng Rằm đầu tiên trong 1 năm. Do vậy, ngày nay được gọi là “Thượng Nguyên tiết” (Tết Thượng Nguyên), còn gọi là "Tết Nguyên Tiêu" hoặc “Tết hoa đăng”.
Tết Nguyên Tiêu có từ Triều Hán. Nghe nói, sau khi Hán Huệ Đế Lưu Doanh qua đời, Lã Hậu tiếm quyền. Khi Lã Hậu chết, những người một lòng phò Hán như Chu Bột, Trần Bình đã hợp lực lại quét sạch bè lũ Lã Hậu dựng Lưu Hằng lên ngôi, tức Hán Văn Đế. Văn Đế đã biết tiếp thu kiến nghị của quần thần, làm việc nghĩa, cứu nạn giúp dân, toàn tâm lo trị quốc, khiến quốc thái dân an, đất nước hùng cường. Do là ngày 15 tháng Giêng là ngày quét sạch bè lũ Lã Hậu, nên về sau cứ tới đêm Rằm tháng Giêng, Văn Đế lại mặc quần áo thường dân ra khỏi Cung cùng dân chúng vui kỷ niệm ngày chiến thắng, và Hán Văn Đế đã quyết định lấy ngày 15 tháng Giêng là ngày Tết Nguyên Tiêu, gọi đêm 15 tháng Giêng là Nguyên Tiêu.
Khí đón Tết Nguyên Tiêu, ngoài việc ăn Tết ''Nguyên Tiêu'' ra, người ta còn thắp đèn và ngắm đèn, do vậy Tết Nguyên Tiêu còn được gọi là tết hoa đăng. Tết hoa đăng cũng bắt đầu có từ thời Hán, thịnh hành nhất và thời Đường, Tống và nó còn được kéo dài đến tận ngày nay. Hán Minh Đế Vĩnh Bình năm thứ 10 (năm 67), Phật giáo được truyền vào Trung Quốc, Hán Minh Đế là người đề xướng Phật giáo lệnh cho dân chúng trong đêm Rằm tháng Giêng đốt đèn để tỏ lòng thành kính Phật. Đây là tiền lệ của tục đốt đèn đêm Rằm tháng Giêng. Từ đó về sau cứ đêm Rằm tháng Giêng người ta lại thắp đèn và ngắm trăng. Trong cuốn Xuân Minh thoái tiền lục có ghi: thời Đường Thái Tông: ''quang đăng độc thịnh'' (ngắm đèn rất thịnh hành); trong cuốn Khai Nguyên Thiên bảo di sự cũng chép: Thời Đường Huyền Tông tục thắp đèn ngắm đèn phát triển thành đêm Hội đèn hoa náo nhiệt, ''bố trí hàng trăm cây đèn, cao tới 18 thước,... đêm Nguyên Tiêu, đứng xa hàng trăm dặm vẫn nhìn thấy đèn sáng lung linh huyền ảo”; trong cuốn Triều dã kim tái có viết: Lúc đó kinh thành ''làm những vòng đèn cao tới 20 trượng, đèn được làm bằng vải đẹp như gấm vốc lụa là lại được sơn son thiếp vàng bạc, đốt 5 vạn ngọn đèn nhìn thật lộng lẫy như một cây hoa”. Qua đây ta đủ thấy, thời Đường đêm hội hoa đăng quy mô đến mức nào. Đến triều Tống, hội hoa đăng ngày càng nguy nga tráng lệ, các loại đèn rực rỡ muôn màu muôn vẻ, có các loại đến nhân vật như Hằng Nga bôn nguyệt. Tây Thi hái sen,... các loại đèn hoa quả như đèn hoa sen, đèn quả dưa, ngẫu đăng (đèn củ sen), đèn mẫu đơn, đèn quả nho,... các loại đèn con vật như: đèn hươu, đèn chim hạc, đèn rồng, đèn ngựa, đèn phượng, đèn khỉ, đèn cá vàng,... ngoài ra còn có các loại đèn được xếp lại đăng thụ (đèn cây), đăng lâu (đèn nhà lầu), đèn ngao sơn, đèn long đan...
Cùng với sự phát triển của hội hoa đăng Nguyên Tiêu, các loại hình có liên quan cũng phát triển theo, ví dụ như: hội câu đố đèn. Đố đèn là một loại của câu đố thời Nam Tống, câu đố được dùng trong kịch biểu diễn vào dịp Tết Nguyên Têu. Các Văn nhân Hàng Châu thường dán câu đố lên đèn, để cho khách qua lại giải câu đố, phong tục này ngày càng phát triển.
Hội hoa đăng Nguyên Tiêu cũng là ngày hội của các trò chơi dân gian khác. Đó là các loại hình nghệ thuật dân gian muôn hình muôn vẻ như: múa ương ca (một điệu múa dân gian Trung Quốc), hội xe đẩy, múa sư tử, thuyền trên cạn, ngựa tre giấy, cà kheo... Các nghệ nhân dân gian ra sức trổ tài, đem đến cho người xem những tiếng cười sảng khoái. Các nghệ nhân còn kết hợp đèn với các điệu múa mang đậm màu sắc dân tộc độc đáo góp phần làm tăng thêm không khí hội hè vui vẻ.
Tết Hàn thực và Tiết Thanh Minh
Thanh Minh là 1 trong 24 Tiết của 1 năm. Ngay từ thời Xuân Thu, cổ nhân đã vận dụng phương pháp đo bóng Mặt trời để phân định ra 4 Tiết Xuân Phân, Hạ Chí, Thu Phân, Đông Chí. Đến thời Tần, Hán, 24 Tiết đã xác lập một cách hoàn toàn. Từ đây có Tiết Thanh Minh. Trong cuốn Nguyệt lệnh 72 Hậu tập giải có ghi “Tiết tháng 3... mọi vật đến lúc này đều sạch sẽ...”, gió và nắng đều đẹp, không khí trong lành, ý Xuân nồng đượm. Đó là hàm nghĩa của 3 chữ Tiết Thanh Minh.
Trước Thanh Minh 1 ngày là Tết Hàn thực, nó được bắt nguồn từ thời kỳ Xuân Thu. Theo truyền thuyết, Tấn Văn Công Trọng Nhĩ, trong những năm còn sống trôi dạt bên ngoài, đã cùng Giới Tủ Thôi hoạn nạn bôn ba khắp nơi đất khách quê người. Họ sống cùng nhau trong cảnh cơ hàn hơn mười năm, vào lúc khó khăn nhất, Giới Tủ Thôi đã cắt thịt trên bắp đùi của mình nấu cho Trọng Nhĩ ăn. Sau này, Trọng Nhĩ lên ngôi Vua muốn trọng thưởng cho những quần thần có công Giới Tử Thôi là con người coi thường quyền quý, ông đã vào rừng sâu ở ẩn, sống cuộc sống thanh đạm. Trọng Nhĩ không tìm được Giới Tử Thôi bèn hạ lệnh phóng hoả đốt rừng, hòng bức ông phải ra khỏi rừng. Đứng trước biển lửa, Giới Tử Thôi vẫn nhất quyết không chịu xuống núi và cuối cùng ông đã ôm chặt một cây lớn, ngọn lửa đã thiêu ông chết cháy. Để Tưởng nhớ ông, nhân dân nước Tần, cứ hàng năm vào ngày thứ 105 sau Đông Chí (tức ngày ông bị đốt cháy) làm bữa bánh trôi bánh chay gọi là Tết Hàn thực, trong 3 ngày không có nhà nào nổi lửa, 3 ngày này mọi người đều ăn đồ nguội.
Do Thanh Minh là 1 Tiết, Hàn thực lại là ngày cúng tế truyền thống, do chỉ chênh nhau 1 ngày nên từ rất lâu mọi người đều gọi chung là Tiết Thanh Minh. Trong cuốn Yên Kinh Tuế thời ký có ghi: "Thanh Minh tức là Hàn Thực, còn gọi là Tết cấm lửa, cổ nhân rất coi trọng ngày này....các em bé tết cành liễu làm chổi quét dọn mồ mả”. Do vậy, tưởng nhớ tiên liệt, cúng tế anh linh, gửi gắm niềm thương nhớ, là nội dung chủ yếu của ngày Tết này.
Tiết Thanh Minh ngoài việc cúng tế, quét dọn mồ mả, còn tập tục bẻ liễu, giâm liễu, mang liễu. Nghe nói Đường Cao tông ngày Mồng 3 tháng 3 du Xuân ở Vị Dương, sau khi tắm xông hơi bằng nước thơm xong “ban cho quần thần mỗi vị một vòng liễu, nói là để tránh trúng độc”. Đây là sự mở đầu của tập tục bẻ liễu, giâm liễu, mang liễu. Nhưng ở vùng Giang Nam tục này được biến tướng thành cắm liễu, nhằm Tiết Thanh Minh nhà nhà đều cắm liễu bên cạnh giếng nước, do vậy có câu thành ngữ: ''Cảnh cảnh hữu điều (giếng nào cũng có cắm liễu”, đây cũng chính là khởi nguồn của tục trồng cây và Tiết Thanh Minh.
Vào dịp Tiết Thanh Minh, Tết Hàn thực, do trời đất vào Xuân, đâu đâu cũng là màu xanh mát mắt, do vậy, cứ từng tốp, từng tốp 5,3 người dã ngoại du Xuân, thời cổ gọi là: đạp thanh, tham Xuân, tầm Xuân, tục này được thịnh hành từ thời Đường, Tống. Trong cuốn Vũ Lâm cựu sự có ghi: "Trước sau Thanh Minh 10 hôm, trong thành các cung nữ trang điểm đẹp đẽ, từng đoàn lũ lượt đi chơi phố, cả ngày không hết". Lại cũng có những đoàn người cưỡi ngựa đạp thanh trên những bãi có xanh mượt như nhung, tiếng vó ngựa nghe thật rộn rã vui tai. Đỗ Phủ có câu thơ: ''giang biên đạp thanh bãi, hồi thủ kiên tinh kỳ”. Âu Dương Tu người Tống trong bài từ Nguyễn Lang quy đạp thanh có viết nhiều câu hay về việc này.
Tiết Thanh Minh còn có các hoạt động như: đánh đu, tung bóng (trọng tài tung bóng lên để hai bên giành bóng), chọi gà. Cứ như vậy, các trò chơi này được truyền từ đời này qua đời khác.
Tết Đoan Ngọ
Mùng 5 tháng 5 Âm lịch là Tết Đoan Ngọ truyền thống trong dân gian Trung Quốc. ''Đoan'' có nghĩa là mới bắt đầu, mà tháng Giêng Âm lịch là tháng “kiến Dần”, theo thứ tự tính toán của Địa Chi, tháng 5 là “tháng Ngọ”, cổ nhân cũng thường viết ngày Mồng 5 là “ngày Ngọ”, cũng chính vì thế ''Mồng 5” có thể viết là “Đoan Ngọ”. Do 2 chữ ''Ngọ'' của ''tháng Ngọ'' và ''ngày Ngọ" trùng lặp, cho nên còn gọi là “trùng Ngọ”. Cổ nhân thường viết “giờ Ngọ” thành “Dương Thìn”, thế là ''Đoan Ngọ'' cũng có thể viết là “Đoan Dương”.
Ngày Đoan Ngọ, trong dân gian có tập tục ăn bánh chưng, đua thuyền rồng. Theo truyền thuyết, tập tục này có liên quan tới việc kỷ niệm Đại thi nhân Khuất Nguyên nước Sở. Tương truyền thời Chiến Quốc, Sở Hoài Vương không tiếp thu chủ trương ''liên Tề kháng Tần" của Đại phu Sở Khuất Nguyên, bị Thương Nghi vừa đến nước Tần giam lỏng và ép Sở Hoài Vương cắt đất hiến thành. Sở Hoài Vương vừa xấu hổ vừa ân hận, buồn đau làm ông phát bệnh, không lâu sau bị chết ở nước Tần. Tin này truyền về nước sở, Khuất Nguyên vô cùng phẫn uất, ông bèn viết thư gửi Sở Khoảnh Tương Vương mới lên ngôi. Ông khuyên Vua nên nhìn xa trông rộng, tuyển tướng luyện binh để báo thù cho Sở Hoài Vương. Nhưng có ai biết Khoảng Tương Vương lại tin dùng lũ gian tà nịnh hót, đã tước chức quan của Khuất Nguyên rồi đuổi ra khỏi thành. Nước Tần biết được tin này, cho rằng thời cơ đã đến, bèn lập tức xuất binh. Trong thời gian rất ngắn, nước Sở đã mất hàng nghìn dặm đất đai, xác người dân lương thiện phơi nằm khắp nơi vùng biên ải. Khuất Nguyên tận mắt nhìn cảnh đất nước bị xâm lăng người dân vô tội chết oan uổng, ông vô cùng phẫn uất và buồn đau, nhưng ông cũng không muốn rời khỏi Tổ quốc thương yêu, và rồi đến ngày Mồng 5 tháng 5 năm 278 Tr.CN, ông đã ôm đá nhảy xuống dòng Sông Cốt La Giang (còn gọi là Sông Mịch La) tuẫn tiết vì đất nước. Sau khi được tin, những người bạn tốt của ông đã cho người xuống sông mò vớt xác nhưng không tìm thấy, để tránh cho cá ăn xác người bạn vĩ đại, họ đã dùng những sọt tre đựng gạo, hoặc dùng lá lau gói thành bánh chưng rồi thả xuống sông, sau này diễn biến thành tập tục đua thuyền rồng và ăn bánh chưng.
Cho đến nay, ở những vùng có nhiều sông, ngòi hồ, ao của miền Nam Trung Quốc, mỗi khi Xuân về vẫn thường xuyên tổ chức các hội thi đua thuyền với quy mô lớn.
Tết Đoan Ngọ ăn bánh chưng, trước đây ở Tấn cũng đã được ghi lại trong cuốn Ngũ trúc bảo điển. Đời Tấn có cuốn Phong thổ ký cũng viết: “Cổ nhân dùng lá dong gói gạo nếp thịt... lại rồi luộc chín, bánh có góc nhạn giống như hình lá cọ lá gồi”. Như vậy, ta có thể thấy: nguyên liệu gói bánh và hình dáng chiếc bánh ngày đó cũng tương tự như ngày nay. Bánh chưng phương Bắc được gói bằng gạo nếp, kê có nhân là táo, đậu đỏ. Bánh chưng Giang Nam rất phong phú đa dạng, ngoài bánh chưng ngọt, còn có bánh chưng thịt lợn, bánh chưng thịt bò, bánh chưng dăm bông. Bánh chưng vùng Giang Triết được coi là ''bậc nhất của bánh chưng”.
Tổ tiên người Trung Quốc rất coi trọng mối quan hệ giữa ăn và chữa bệnh. Rất nhiều đồ ăn, vừa là món ăn ngon lại vừa là bài thuốc tốt, cổ nhân đã đưa bánh chưng vào loại món ăn ngon bài thuốc tốt. Trong cuốn Bản thảo cương mục có viết: ''Bánh chưng ''vị thơm ngon, ấm, không độc. Mồng 5 tháng 5 lấy gốc bánh chưng để chữa bệnh sốt rét, rất tốt”. Ngày nay, người ta không lấy bánh chưng để chữa bệnh sốt rét nữa, nhưng gạo nếp vẫn là loại thuốc đông y tốt, nó các tác dụng “bổ trung ích khí...”. Theo phân tích của các nhà dinh dưỡng học, 2 lạng gạo nếp có thể sản ra nhiệt lượng 360 Calo.
Ngày Tết Đoan Ngọ, trong dân gian ngoài việc ăn bánh chưng, đua thuyền ra, còn có các tập tục khác như tiêu diệt các loài sâu bọ độc hại, người ta cắm cành lá, cầm bao hương, dùng rượu hùng hoàng để diệt ngũ độc (5 loại độc hại). Tết Đoan Ngọ nằm trong thời gian Tiểu Mãn và Hạ Chí, chính là lúc các loại bệnh truyền nhiễm bắt đầu “ngóc đầu dậy”. Người ta dựa vào những đặc điểm hoạt động của côn trùng vào thời tiết mùa Hạ, thường treo lá ngải ở cửa nó có tác dụng làm sạch không khí. Có trường hợp dùng những lá thuốc có vị thơm như lá ngải, thương truật, bạch chỉ, bội lan, bồ kết, bạch đàn... đốt lên xông khói, để tiêu diệt côn trùng độc trong nhà cửa. Để bảo vệ sức khoẻ cho trẻ em, lại dùng thương truật, sơn nại, bạch chỉ, xương bồ, hùng hoàng, băng phiến... làm những túi hương, đeo vào vạt áo trẻ em. Những vị thuốc trong túi hương, toả ra mùi thơm, có hiệu quả phòng bệnh truyền nhiễm trẻ em, như các bệnh: cúm, bạch hầu, thủy đậu.
Vào giờ Đoan Ngọ ngày Đoan Ngọ, trong dân gian, cổ nhân thường vẽ chữ Vương bằng rượu hùng hoàng lên trán trẻ em. Trên chóp mũ, thuỳ tai cũng bôi 1 ít để phòng trừ sâu độc xâm hại. Rượu hùng hoàng được chế bằng rượu trắng pha thêm, bồ căn, hùng hoàng. Đây là phương thuốc tiêu độc chủ yếu của Hạ Lý thời cổ. Ngoài việc bôi ngoài da cho trẻ em, người ta còn phun xuống dưới gầm giường, góc tường và những chỗ tối tăm, ẩm thấp trong nhà. Thành phần chủ yếu của rượu hùng hoàng là Sunfat axít, sau khi gặp nhiệt có thể phân giải thành Triôxit. Do vậy, hùng hoàng chỉ được dùng để diệt côn trùng, vi trùng độc hại, không được uống.
Ngày Đoan Ngọ, trong dân gian còn có tập tục tắm bằng nước nấu cây bội lan, lá hương nhu, bưởi, bung, cỏ xước, lá bưởi... Do vậy, Tết Đoan Dương còn gọi là “Tết tắm lan”.
Tết Khất xảo (Thất tịch)
Đêm mùng 7-7 Âm lịch còn gọi là đêm thất tịch, đây là ngày Tết Khất xảo đặc biệt của nhân dân Trung Quốc nhất là các thiếu nữ. Khi trên bầu trời vừa xuất hiện những ngôi sao, mọi người liền bưng mâm ra sân, trên mâm bày dưa bở, dưa hấu và các loại hoa quả khác, các cô gái xâu kim trước án thờ, nghe nói chỉ cần xâu 1 lần mà được nhất định sau này cô gái sẽ là người phụ nữ may mắn khéo léo.
Tết Thất tịch vào Thời Đường rất thịnh hành. Trong cuốn Đông Kinh Mộng Hoa lục có ghi: "Thời Đường, ở kinh đô vào đêm Thất tịch, các gia đình quý tộc để nhiều chỉ ở ngoài sân, xâu 7 cái kim, bày nhiều dưa, hoa quả để “Khất xảo” (ăn mày sự khéo léo). Nếu đêm 7-7 mưa đó chính là nước mắt của Ngưu Lang, Chức Nữ".
Khất xảo, chủ yếu là để cầu xin sự khéo léo của Chức Nữ. Theo truyền thuyết, Sao Chức Nữ trên trời là con gái của Ngọc Hoàng Thượng Đế, nàng rất giỏi dệt vải, vải mà nàng dệt ra may áo sẽ không nhìn thấy đường chỉ, cho nên có câu ''áo trời không khâu”. Ngưu Lang mồ côi bố mẹ từ nhỏ, chàng sống cùng anh trai và chị dâu, chị dâu chàng là một người keo kiệt bần tiện, nên cuộc sống của chàng rất khổ. Đến một ngày, con trâu già của nhà chàng nói với chàng: "Tôi phải chia tay Ngưu Lang rồi, sau khi tôi chết, chàng hãy đứng trên sừng của tôi, đi đến bờ sông phía trước mặt tìm vợ của chàng, dòng sông phía trước là Thiên Hà (sông của nhà Trời), ở đó đang có 9 Tiên nữ tắm, chàng thích nàng Tiên nào thì lấy trộm quần áo của nàng, như vậy nàng sẽ phải đến đòi quần áo và chàng có thể lấy nàng làm vợ”. Sau khi trâu già chết, Ngưu Lang làm theo lời dặn của trâu già và chàng đã lấy được nàng Chức Nữ xinh đẹp làm vợ. Họ sống với nhau 10 năm, sinh được 1 trai 1 gái, cuộc sống của họ thật hạnh phúc êm đềm.
7 ngày ở trên trời bằng mấy nghìn năm ở dưới Hạ giới. Thế rồi đột nhiên, Vương Mẫu Nương Nương phát hiện được việc Chức Nữ kết hôn cùng Ngưu Lang, Vương Mẫu rất tức giận, liền phái Thiên binh, Thiên tướng xuống Hạ giới bắt Chức Nữ về trời. Ngưu Lang nhìn thấy vợ bị bắt đi, chàng không ngại sống chết liền gánh 2 đứa con, đứng trên sừng trâu đạp mây đuổi theo, khi sắp đuổi kịp, Vương Mẫu liền rút chiếc châm ngọc trên đầu bà phẩy tay một cát lập tức dòng sông Thiên Hà cuộn sóng chặn đứng bước chân của Ngưu Lang, Ngưu Lang cùng 2 con ở bờ Đông còn Chức Nữ ở bờ Tây, họ chỉ còn biết nhìn nhau qua dòng sông rộng lớn.
Tình yêu thủy chung mãnh liệt của họ, đã làm cảm động chim hỷ thước (chim khách); hàng năm cứ đến ngày 7-7, hàng đàn chim hỷ thước bay về, nối đuôi nhau bắc thành cầu để Ngưu Lang, Chức Nữ được gặp nhau. Đây đương nhiên là nguyện vọng tốt đẹp của thần dân, chim hỷ thước không thể biết bay đến bắc cầu nối 2 bờ Đông Tây của sông Thiên Hà cho Ngưu Lang, Chức Nữ đoàn tụ, nhưng cứ đến đêm mồng 7-7, các cô gái trong thâm khuê, vẫn ra khỏi khuê phòng se chỉ luồn kim trong sân nhà mình hòng ăn mày chút khéo léo tài giỏi của Chức Nữ.
Trên thực tế, trên trời không có Sông Thiên Hà, trong trời cao đêm mùa Hạ, chúng ta nhìn thấy một dải sáng trắng như sữa, từ phía Đông Bắc vươn sang phía Tây Nam, cuồn cuộn vắt ngay vòm trời khí thế bàng bạc, đó chính là Ngân Hà mà chúng ta thường nói tới. Ngân Hà là một thế giới cực kỳ rộng, nó bao gồm trên 100.000.000.000 tỷ hằng tinh (định tinh), Mặt trời trong đại gia đình Ngân Hà giống như 1 hạt nước trong đại dương. Đường kính của hệ Ngân Hà đạt 10 vạn năm ánh sáng. Năm ánh sáng là cự ly ánh sáng đi qua 1 năm, 1 năm ánh sáng bằng khoảng 10 vạn ức (tức = 100 triệu km). 10 vạn năm ánh sáng con số thiên văn vô cùng lớn.
Hai bên bờ Ngân Hà có 2 ngôi sao sáng, cạnh Sao Chức Nữ ở bờ phía Tây có 4 ngôi sao thành hình bình hành. Sao Ngưu Lang ở bờ phía Đông, 2 bên có 2 ngôi sao nhỏ, người ta gọi là “sao đòn gánh'', ''đòn gánh" này gánh 2 đứa con của Ngưu Lang, Chức Nữ. Người ta đồng tình với sự gặp gỡ của họ nên đã sáng tạo ra câu chuyện chim hỷ thước bắc cầu. Sự thật, đây là 2 ngôi sao rất lớn, đường kính của Mặt trời bằng 130 vạn lần đường kính Trái đất, mà đường kính của Sao Ngưu Lang tương đương với 1,6 lần của Mặt trời; đường kính của sao Chức Nữ gấp 3 lần đường kính của Mặt trời. Về nhiệt độ của bề mặt Mặt trời là 60000C, nhiệt độ của sao Ngưu Lang, Chức Nữ cũng cao hơn, sao Ngưu Lang là 80000C, Sao chức Nữ là 10.0000C. Sao Ngưu Lang và Sao Chức Nữ cách Trái Đất khoảng 16 năm ánh sáng. Nếu như, với vận tốc máy bay nhanh nhất hiện nay, mỗi giờ đi được 3600km, thì cũng phải mất 500 vạn năm mới tới được. Nếu như đi bằng tên lửa quang tử thần tốc mỗi giờ đi được 30 vạn km thì cũng phải mất 16 năm.
Nhưng cặp ''vợ chồng'' Ngưu Lang, Chức Nữ đã được mọi người yêu mến, Ngưu Lang cần cù dũng cảm, trung thực ngay thẳng, áo trời của Chức Nữ dệt đẹp rực rỡ, tâm linh và đôi bàn tay của nàng đều rất đẹp, do vậy rất được thanh niên nam nữ yêu mến, các cô gái đều mong xin được sự khéo léo của Chức Nữ, họ nguyện cầu cho Ngưu Lang, Chức Nữ hàng năm đều được gặp nhau.
Tết Trung Thu
15-8 Âm lịch là Tết Trung Thu truyền thống Trung Quốc. Từ "Trung Thu'' lần đầu tiên xuất hiện trong cuốn Chu lễ. ''ngày Xuân giữa, đánh trống đón mùa Hạ; đêm Trung Thu, đón mùa Đông cũng như thế”. Tháng 8 Âm lịch là tháng giữa trong 3 tháng 7,8,9 của mùa Thu. Theo trật tự sắp xếp: mạnh, trọng, quý. Tháng 8 là tháng trọng, mà 15 tháng 8 cũng lại là giữa tháng 8, do vậy 15-8 gọi là Trung Thu, quy định nó là ngày Tết, gọi là "Tết Trung Thu" hoặc ''Tết Trọng Thu''.
Đêm Trung Thu trăng tròn và sáng, màu sáng của trăng cũng đẹp nhất, nhìn vầng sáng như một cái mâm ngọc, tự nhiên khiến người ta nghĩ tới cảnh đoàn viên của gia đình. Những người cô độc sống xa quê cũng muốn gửi gắm tình cảm nỗi nhớ thương người thân, cố hương qua ánh trăng sáng dịu như gương. Người ta đã coi trăng tròn là tượng trưng cho sự đoàn viên, do vậy Rằm Tháng 8 còn được gọi là “Tết đoàn viên”.
Trung Thu trở thành ngày Tết vui vẻ, còn ở chỗ có nhiều truyền thuyết Thần thoại đẹp, như Hằng Nga đến cung trăng, Thỏ Ngọc tán thuốc, Ngõ Cương tìm quế... Câu chuyện Hằng Nga đến cung trăng được lưu truyền rộng rãi nhất. Theo truyền thuyết, vợ Hậu Nghệ rất xinh đẹp, do ăn vụng tiên đan trường sinh bất lão của Lão đạo sĩ dâng lên Hậu Nghệ, đã bay lên cung Quảng hàn của Mặt trăng làm Tiên nữ Hằng Nga. Từ đó, vào mỗi dịp Tết Trung Thu, nàng đều ra khỏi cung Quảng hàn nhìn xuống trần gian, do vậy trăng Rằm Trung Thu bao giờ cũng sáng nhất, đẹp nhất. Những câu chuyện thần thoại liên quan đến cung trăng như chuyện Hằng Nga đến cung trăng đã phản ánh khát vọng tốt đẹp ngàn đời của con người, muốn lên Mặt trăng.
Ngày nay, khoa học đã phát triển, những ước mơ này đã biến thành hiện thực. Tiên cảnh thần bí mà cổ nhân tưởng tượng ra, qua mấy lần khám phá quan sát của các phi hành gia khi đổ bộ lên Mặt trăng thực là 1 thế giới hoang vắng không có không khí, không có nước và không có sinh vật, đương nhiên cũng không có Hằng Nga, Thỏ Ngọc, Ngõ Cương, càng không có các vị Thần tiên.
Đêm Trung Thu, bầu trời trong sáng như ngọc bích, vầng trăng sáng từ từ nhô lên, đây chính là thời khắc đẹp nhất dành cho những người ngắm trăng. Người ta thường nói: ''Trăng đêm Trung Thu là sáng nhất”, “1 năm, trăng Rằm Trung Thu sáng nhất”, những câu nói này đều rất đúng, rất có cơ sở, vào dịp Tết Trung Thu thường trời cao, mây sáng, lượng mưa rất hiếm, không khí khô ráo, bụi trong không khí cũng rất ít, khiến cho sự hấp thụ ánh sáng của không khí cũng giảm mạnh, độ trong suốt của không khí rất cao, như vậy, đương nhiên là trăng sẽ rất sáng. Lúc này, lại đúng vào dịp trước sau Thu Phân, quỹ đạo của Mặt trăng ở gần Trái đất nhất, ánh sáng Mặt trời gần như là chiếu thẳng vào Mặt trăng, Mặt trăng nhận được nhiều ánh sáng, ánh sáng phản xạ tự nhiên cũng nhiều, như vậy lại tăng thêm cảm giác sáng của Mặt trăng. Đồng thời, Trung Quốc lại thuộc Bắc bán cầu, thời gian trăng mọc cũng sớm hơn một chút, Mặt trời vừa xuống núi, cũng là lúc Mặt trăng bắt đầu mọc, thêm vào đó từ bao đời nay con người luôn luôn nhân cách hóa và khoa tưởng về Mặt trăng, càng cảm thấy “Trăng Trung Thu cực kỳ sáng”.
Đêm Trung Thu, trăng sáng treo trên trời cao, dưới đất bầy la liệt rượu thịt, hoa quả bánh trái mọi người không phân biệt nhà anh, nhà tôi quây quần bên nhau cùng thưởng nguyệt. Họ vui vẻ vừa ăn bánh Trung thu vừa ngắm trăng, nói chuyện, cùng hưởng niềm vui trời đất ban tặng con người. Theo truyền thuyết, bánh Trung thu bắt đầu xuất hiện vào thời Đường, đến thời Tống càng thịnh. Tô Đông Pha - thi nhân Bắc Tống có nhiều câu thơ hay về bánh Trung thu. Ngô Tự Mục - người Nam Tống trong cuốn Mộng hưởng lục cũng có ghi chép về bánh Trung thu. Thời Minh, có cuốn Tây Hổ chi lãm chí dư đã viết như thế này: ''15 tháng 8 gọi là Trung thu dân gian làm bánh Trung thu, có ý nghĩa là đoàn viên”. Đến thời Thanh, những ghi chép về bánh Trung thu có rất nhiều. Bánh Trung thu ngày nay đã trở thành loại bánh ngọt truyền thống. Mùi vị chế biến bánh có nhiều kiểu như: Kiểu Bắc Kinh, kiểu Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây), kiểu Tô (Giang Tô, Tô Châu), kiểu đền (Vân nam)... các kiểu bánh cũng được trang trí đẹp rất đa dạng, vỏ bánh lại có thể chia thành bánh Trung thu vỏ bơ và bánh Trung thu vỏ ngọt.
Tết Trùng dương
Tết Trùng dương của Trung Quốc là ngày Mồng 9 - 9 Âm Lịch. Cho nên có tên gọi là Trùng dương, nó có liên quan đến Kinh dịch cổ đại. Trong Kinh dịch Bát quái lấy dương hào là 9, do vậy, người ta qui định 9 là số dương. Mồng 9 - 9, tháng là 9 là dương mà ngày cũng lại là 9, là dương, 2 số 9 lặp lại là Trùng cửu (cửu: 9), 2 dương lặp lại là Trùng dương, do vậy 9 - 9 vừa gọi là: "Trùng cửu" vừa gọi là “Trùng dương”.
Tết Trùng dương đã trở thành phong tục từ thời Chiến Quốc. Trong cuốn Vũ lâm cửu sự có ghi: cung đình Nam Tống “làm mọi việc, sắp xếp cho lễ Trùng dương, để ngày hôm sau tiến hành một cách long trọng vui vẻ”. Cung đình thời Minh, bắt đầu từ 1 - 9 đã ăn bánh Trùng dương, đến đúng ngày Tết 9 - 9, Hoàng đế còn thân chinh lên núi Vạn Thọ. Phong tục này kéo dài tới thời Thanh. Trong ngày Tết Trùng dương, nội dung hoạt động trong dân gian tương đối phong phú, người ta lên núi, thưởng cúc uống rượu Cúc hoa, trồng thủ dũ (1 cây thuốc Đông y), ăn bánh Trùng dương...
Tết Trùng dương, người ta thường trèo lên cao, tại sao lại có phong tục này? Tương truyền, thời xa xưa ở huyện Nhữ Nam, có người tên là Cảnh Hoàn, hôm ông ta gặp 1 Tiên ông râu tóc bạc phơ nhưng da dẻ hồng hào. Tiên ông nói với Hoàn Cảnh: “ngày 9 - 9 nhà anh sẽ gặp họa lớn. Anh hãy nhanh chóng về nhà, bảo mọi người may túi gấm, bên trong đựng thủ dũ, treo vào cánh tay, tất cả nhà cùng lên núi cao, uống thêm chút rượu Cúc hoa, thì sẽ có thể giải trừ hoạ lớn”. Đến ngày 9 - 9, cả nhà Cảnh Hoàn đều làm theo lời Tiên ông. Tối hôm đó, họ trở về nhà, cả nhà đều thất kinh: tất cả các loại vật nuôi đều chết. Tin này được lan truyền ra khắp làng xóm. Thế là từ đó về sau, cứ đến 9 - 9 người ta ai nấy đều trồng thủ dũ, đem rượu Cúc hoa lên núi uống, lâu dần trở thành phong tục. Truyền thuyết này, tất nhiên là không có độ tin cậy nhưng từ đây chúng ta thấy được, ngay từ xa xưa con người đã có một khát vọng tốt đẹp: muốn tránh được tai hoạ, con người mong muốn được khoẻ mạnh sống lâu. Vì Tết Trùng dương rơi vào đúng lúc trời mây quang quẻ, khí hậu trong lành, trèo lên núi cao, người ta sẽ cảm thấy sảng khoái tâm hồn thanh thoát, nó tạo cho người ta cảm thấy khoan khoái nhẹ nhàng. Hơn nữa, bản thân việc leo núi đã là hoạt động thể dục có ích lợi cho thân thể. Uống rượu Cúc hoa có tác dụng làm sáng mắt, trị đau đầu, hạ huyết áp. Thủ dũ có thể tiêu diệt xua đuổi côn trùng có hại như: muỗi, dĩn,... nó còn là vị thuốc hay chữa bệnh di tinh, tả, táo bón, nôn mửa. Cổ nhân đã gắn liền với việc Tết Trùng dương lên núi, trồng thủ dũ, uống rượu Cúc hoa với việc phòng chữa một số bệnh.
''Cửu nhật thiên khí tình, đăng cao vô thu vân, tạo hoá quần sơn nhạc, liễu nhiên Sở Hán phân” - đây là câu thơ trong bài thơ Cửu nhật đăng Ba Lăng Vọng Động Đình thủy quân thi của đại thi nhân Lý Bạch. Còn Vương Duy Tắc trong bài Cửu Nguyệt cửu Nhật ức Sơn Đông huynh đệ (ngày 9-9 nhớ anh em Sơn Đông) thì viết: "Độc tại dị hương dị khách, mỗi phùng giai tiết bội ân thân, giao tri huynh đệ Đăng Sơn xứ, biến pháp thủ dũ thiểu nhất nhân”. Câu thơ miêu tả một cách chân thực hoạt động lên núi Tết Trùng dương và tình cảm tha thiết giữa thi nhân và những người bạn, qua các vần thơ này vẫn được lớp lớp hậu thân truyền tụng.
Tết Lạp bát
Tháng 12 Âm lịch gọi là tháng Lạp (tháng Chạp), mồng 8 tháng Lạp gọi là Lạp bát.
Thời cổ đại, người ta thường tế thần cúng tổ tiên, cầu phúc, cầu thọ, tránh tai hoạ gặp nhiều may mắn bằng những con vật săn bắn được vào mùa Đông. Trong cuốn sách cổ Phong cát thông có viết: "Lạp giả có nghĩa là người đi săn, do săn được những con vật về cúng tế thần linh tổ tiên”. Thời Thương, Chu có phong tục “Lạp tế” (tế lễ vào tháng 12). Thời Tần bắt đầu quy định tháng 12 Lạp tế, gọi là Lạp nguyệt. Thời Hán lại xác định ngày tuất thứ 3 sau Đông chí là Lạp nhật, sau này cố định lấy ngày Mồng 8, 18, 28 là “Lạp bát”, gọi là ''ngày Lạp tế”. Trong đó, ngày Lạp bát, do phù hợp với truyền thuyết của Phật giáo, bắt đầu từ Nam Bắc triều, cùng với sự lan truyền của Phật giáo, ngày Lạp bát đã trở thành phong tục và được lưu truyền đến ngày nay.
Truyền thuyết của Phật giáo cho rằng, ngày Mồng 8 tháng Chạp là ngày thành Đạo của thuỷ tổ Phật giáo Thích Ca Mâu Ni. Cứ vào ngày này hàng năm, tất cả các chùa chiền Phật giáo đều tổ chức pháp Hội long trọng, các thiện nam, tín nữ đến chùa đọc Kinh, cùng nhau học tập tấm gương cô gái du mục đã hiến dưỡng chấp cho Đức Thích Ca Mâu Ni trước khi Ngài thành Đạo 1 ngày, họ lấy gạo thơm, hoa quả nấu cháo cúng thờ, gọi là “Cháo Phật” hoặc ''Cháo ngũ vị" truyền vào dân gian, được gọi là "chè Lạp bát''. Trong cuốn Vũ lâm cựu sự của Chu Mật thời Tống có viết: “Ngày mùng 8, chùa chiền và các gia đình đến nấu cháo bằng quả hạnh đào, tùng tử, cỏ sữa quả hồng, kê gọi là chè Lạp bát”.
Đến thời Thanh, trong cuốn Yến kinh tuế thời ký có ghi: chè Lạp bát nấu bằng kê, gạo trắng, gạo nếp, củ ấu bỏ vỏ, hạt dẻ bỏ vỏ và nhân táo, đổ nước ninh nhừ, ngoài dùng đào nhân, hạnh nhân, hạt dưa, lạc, hạt dẻ, từng tử nhuộm đỏ và đường trắng, đường đỏ, nho xay nhỏ để điểm vào”.
Cho đến nay, cách nấu chè Lạp bát càng ngày càng được chú trọng cải tiến, chất lượng và hình thức ngày một tốt, đẹp. Nguyên liệu nấu chè không chỉ có các loại trên mà còn tuỳ từng địa phương, có sự khác nhau. Vùng Hàng Châu thường cho nhiều hạt sen, Vùng An Huy cho nhiều hạt ý dĩ, vùng Tây Bắc còn cho cả thịt dê, vùng Thiểm Tây, người ta thích dùng 8 loại rau xanh làm thành tao tử rồi đổ lên mì sợi để ăn và gọi là mì Lạp bát; Vùng Bắc Kinh lại làm cho chè Lạp bát đông lại rồi ăn dán. Vùng Đông Bắc có tập tục ăn tỏi Lạp bát, đậu Lạp bát. Cho dù là chè Lạp bát hay mì Lạp bát, tỏi Lạp bát không chỉ có màu sắc đẹp, hương vị thơm ngon mà nó còn có tác dụng kiện tỳ, bổ khí, khai vị, an thần, thanh tâm, dưỡng khí.