KIẾN TRÚC TRUNG QUỐC
Về kiến trúc Trung Quốc, trải qua hàng chục thế kỷ, nền kiến trúc cổ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, đúc kết được nhiều thành tựu với những đặc điểm cơ bản sau:
- Những hình thức kiến trúc phong phú và độc đáo về quy hoạch thành phố, quần thể kiến trúc cũng như đơn thể công trình.
- Phong cách kiến trúc dân tộc độc đáo, tỉnh địa phương nhiều màu sắc, nghệ thuật trang trí và nghệ thuật sân vườn phong phú.
Hệ thống kết cấu công trình hoàn chỉnh, kỹ thuật thi công và phương pháp thiết kế tiến bộ.
Giai đoạn I của xã hội phong kiến Trung Quốc bao gồm các thời Chiến Quốc, Nhà Tần, Nhà Hán (từ năm 475 Tr. CN đến 221 S. CN) là giai đoạn đánh dấu cao trào kiến trúc lần thứ nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Kiến trúc Trung Quốc trong giai đoạn đầu của xã hội phong kiến ngoài những nhà cửa và lăng mộ, có hai điển hình lớn đáng chú ý là thành Trường An và Vạn Lý Trường Thành.
Vạn Lý Trường Thành được xây dựng đầu tiên nhằm mục đích phục vụ cho việc các nước Chiến Quốc đánh lẫn nhau và ba nước Yên, Triệu, Tần chống rợ Hung Nô ở phía Bắc. Sau đó, nhà Tần, nhà Hán tiếp tục xây dựng thêm, nối liền thành một dải và mở rộng mãi về phía Tây. Đó là một công trình bằng đất, đá, xây dựng mất rất nhiều công sức.
Giai đoạn II của xã hội phong kiến Trung Quốc gồm các triều đại Tam Quốc, lưỡng Tấn, Nam Bắc Triều, nhà Tùy và nhà Đường (từ năm 221 đến 907). Trong giai đoạn này, các quy luật kiến trúc Cổ của Trung Quốc được hình thành và đã tiến tới ổn định.
Chẳng hạn, kiến trúc nhà Tùy và nhà Đường đã phát triển tới những đỉnh cao mới. Một số công trình kiến trúc tiêu biểu nhất trong thời kỳ này có thể kể ra là Chùa Phật Quang ở trung tâm Phật giáo Ngũ Đài Sơn, xây dựng vào đời Đường (năm 857) và Thạch trụ: “Nghĩa từ huệ” ở Hà Bắc (năm 567 - 570). Lúc bấy giờ, các thành phố cũng phát triển mạnh, ví dụ như Trường An, Lạc Dương, Dương Châu, Quảng Châu, Thành Đô, Đăng Châu, Minh Châu và Truyền Châu.
Giai đoạn III của xã hội phong kiến Trung Quốc bao gồm thời kỳ Ngũ Đại, các nhà Tống, Liêu, Kim, Nguyên (từ năm 907 đến năm 1368) với những nét đặc trưng của kiến trúc là hình thức tinh vi và khéo léo.
Nhà cửa vườn tược thời kỳ này rất được chú ý đến việc trang trí chi tiết, các đền, chùa, đền có mái cong rất phức tạp; những tháp chuông năm, sáu tầng, 11, 13 tầng và lăng mộ, cầu cống đều được làm rất công phu.
Những ví dụ kiến trúc đáng chú ý trong giai đoạn này là Điện Mầu Ni (Hà Bắc), một số tháp chuông như Tháp Xá Lợi, Chùa Tây Hạ (Nam Kinh), Tháp Đông, Chùa Khai Nguyên, Tuyền Châu (Phúc Kiến), Tháp chùa Hựu Quốc, Khai Phong (Hà Nam), Tháp chùa Khai Nguyên (Hà Bắc) và Tháp chùa Thiên Minh (Bắc Kinh).
Giai đoạn VI của xã hội phong kiến Trung Quốc bao gồm Nhà Minh và Nhà Thanh (Từ năm 1368 đến năm 1849) là giai đoạn thể hiện kiến trúc Đường Tống được nâng lên một mức cao hơn trong việc xây dựng thành quách, lăng mộ, kiến trúc cung đình và kiến trúc dân gian.
Quần thể kiến trúc nổi tiếng nhất của thời kỳ này là Cung điện Minh, Thanh (Cố Cung), khởi công năm 1407 và cơ bản hoàn thành vào năm 1420.
*
* *